Hôm qua bạn mình đã hỏi: "Trưởng thành là gì nhỉ?"
Well, mình lặng một lúc. Điều mà mình tưởng là đã biết, hóa ra mình lại chẳng có khái niệm nào.
Chúng ta thường hay được nghe những câu như: "Hãy trưởng thành đi"; "Đến khi nào thì em mới trưởng thành đây";.. Nhưng chẳng mấy ai nói cho chúng ta "trưởng thành" là như nào. Có thể vì không ai muốn làm một nhà đạo lý học, hoặc đơn giản hơn, chính bản thân họ cũng chưa bao giờ định nghĩa mà chỉ mường tượng về câu nói này.
<i>"Trưởng thành"</i> là gì?
"Trưởng thành" là gì?
Mình có search trên mạng. Đọc qua một số trang định nghĩa về cụm từ này, mình có thể hiểu được, không khác gì mình đã nghĩ mấy. Dù không có gì mới mẻ nhưng một cảm xúc nào đó đã thúc đẩy mình viết bài này: Liệu chúng ta có thật cần trưởng thành?

"Trưởng thành" trong mắt tôi

Thật khó để định nghĩa cụ thể về cụm từ này. Với mình, "trưởng thành" có lẽ là hành trình trình tu dưỡng, thay đổi của bản thân hướng đến một con người biết sống có ý nghĩa hơn, biết suy nghĩ một cách tích cực hơn - Đây là khái niệm của mình, ứng với cuộc đời mình nhé.
Thiết nghĩ, sự trưởng thành của mỗi người là khác nhau, nên thật khó để định nghĩa trọn vẹn, và áp dụng cụ thể cho tất cả mọi người.
Một ví dụ đơn giản. Mình ngày bé rất được chiều chuộng, dù gia đình không phải khá giả gì, nhưng việc nhà từ quét nhà đến nấu cơm không đến tay mình mấy, chính xác là mình cũng khá lười và bừa bộn. Nhưng khi sắp kết thúc Đại học, mình ra ở riêng, bản thân mình lại sống gọn gàng ngăn nắp một cách thái quá.
Việc sống gọn gàng và ngăn nắp hơn là một thay đổi lớn trong cuộc đời mình, điều mà mình thấy là bản thân đã trở nên tốt đẹp hơn. Với mình, đây có thể coi là một sự trưởng thành. (Hoặc một chứng "ám ảnh cưỡng chế" về sự sạch sẽ).
Nếu như trước kia mình khá lười đi chợ nấu ăn, thì khi sống một mình vẫn cơm canh bữa tối đầy đủ. Cho đến khi mình ở cùng một người bạn nữa, mình vẫn kiêm cả đi chợ nấu cơm mỗi ngày.
Có thể, trong quan niệm thường thấy thì việc đi chợ nấu cơm vốn là việc hiển nhiên của phụ nữ, nhưng trong xã hội hiện đại thì không còn quá áp đặt như vậy. Càng nhiều sự lựa chọn cho việc ăn uống hơn thì càng tạo điều kiện cho những con người "lười" như mình trước đó.
Nhưng dẫu sao, cái "lười" luôn là kẻ phản diện, là tố chất không được chào đón trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và thật may, mình đã thay đổi. Từ một đứa "lười như hủi", mình chăm chỉ và đang dần cố gắng trở nên chu toàn trong cuộc sống hơn ngày trước rất nhiều. Với mình, đây là một thay đổi tích cực, và đó cũng là một sự trưởng thành.
Có những người sẵn nền tảng về sự chăm chỉ, chu toàn, gọn gàng, sạch sẽ từ rất sớm, vậy thì sự trưởng thành mà người khác mong đợi ở họ cũng sẽ khác mình. Có thể lớn lao hơn, như là việc cư xử thấu tình đạt lý, khéo léo lời ăn tiếng nói,..
Vậy nên, mình cảm thấy, "trưởng thành" giống như một kỳ vọng hoàn thiện bản thân mà người ta đặt lên mỗi con người.
Khi mình biết nấu một bữa cơm trọn vẹn, thì với bố mẹ mình đã một sự trưởng thành nhỏ rồi. Khi thấy căn phòng mình ở gọn gàng và ngăn nắp hơn ở nhà rất nhiều, bố mẹ mình cũng rất vui như mình đã đạt tới một điểm đến nào đó trong việc trưởng thành. Nhưng đó chỉ là sự trưởng thành của mình, đặt trong hoàn cảnh của mình thôi.

Liệu chúng ta có cần "trưởng thành"?

Well, thật sự mà nói. Mình vốn không quan tâm về việc trưởng thành lắm, bản thân mình cũng chẳng muốn trưởng thành. Thay vì tìm định nghĩa về "trưởng thành" và tìm cách đạt được sự công nhận của mọi người về nó trên con người mình, mình nghĩ, tại sao phải áp mình trong những khuôn mẫu gò bó như thế?
Tất cả chúng ta đang sống và làm việc, đều vì mục tiêu hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và một xã hội cũng tươi đẹp như thế. Vậy thì việc bản thân cần làm, đơn giản là: sống và phát triển sao cho có ích cho xã hội; sao cho xứng đáng với kỳ vọng của người sinh thành; sao cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn; và xứng đáng với những người luôn yêu thương mình.
Việc "trưởng thành" - mình nghĩ không nhất thiết phải nằm trong giai đoạn nào ở trên cả. Đâu nhất thiết phải trưởng thành thì mình mới cống hiến được cho xã hội. Nào phải chỉ khi trưởng thành thì mình mới có thể tài giỏi như những gì ba mẹ mong đợi. Hay đâu phải việc trưởng thành mới khiến bản thân mình lạc quan, vui vẻ với đời.
Việc trưởng thành trước tuổi nhiều lúc còn khiến chúng ta dễ rơi vào phiền muộn, thậm chí là trầm cảm nếu như không tìm được phương hướng giải quyết.
Mỗi người sẽ đều có cách để bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Không ai giống ai cả. Họ có thể trưởng thành, hoặc không. Miễn sao không hành động trái luân thường đạo lý, không làm trái pháp luật hay lương tâm.
Còn cá nhân mình, tự mình thấy bản thân đã phần nào trưởng thành.
Dù đã biết "ngậm mồm" im lặng không kể ai khi bị chơi đểu; không hùa nói xấu ai đó cùng nhóm bạn thân; thôi tranh cãi với roommate về việc ở nhà tao vẫn nấu món này như này, mày không nấu thì kệ mẹ tao đi, đừng bắt tao phải làm theo cách nấu của con trời ơi đất hỡi nào đó nếu tao không muốn; hay ngừng chỉ ra sự trì hoãn của người bạn cố chấp luôn không chịu thay đổi bản thân để có thể với tới được những ước mơ xa; bla bla.. Thì mình vẫn không thể không comment thể hiện sự hả dạ khi bà Xuân bị ông Khang cho cái bạt tai nhớ đời trong phim Hương vị tình thân; hay thể hiện sự uất ức khi lũ bạn cũng không thấy vấn đề gì ở tin nhắn mà mình đã đắn đo, thậm chí còn hỏi thêm 1 người trong cuộc nữa trước khi đề xuất với chị kế toán và rồi nhận lại được cái sự cáu kỉnh vu vơ đâu đó vì chị ta chểnh mảng công việc;..
Có thể, những điều mà mình cho rằng là sự trưởng thành của bản thân ở trên chẳng có nghĩa lý gì với bạn. Nhưng bỏ qua đi, vì mình vốn dĩ đâu cần trưởng thành. Những điều đó cũng chẳng thể nào làm ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước, xã hội, hay làm gián đoạn được kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình. Có chăng thì làm thay đổi cái nhìn của mọi người xung quanh về mình mà thôi.
Nhưng mình nghĩ thế này. Mình sống cho bản thân chứ không phải ai khác, vậy nên mình không cần làm hài lòng tất cả mọi người. Chính xác là không thể. Có chăng, người duy nhất mà mình cần có trách nhiệm để tâm chính là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Những người vốn yêu thương mình sẽ không vì một góc nhìn trái chiều mà quay lưng. Còn lại không quan trọng.
Tin mình đi. Nếu bạn bỏ được gánh nặng về việc làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ sống dễ chịu hơn rất nhiều. Tất nhiên, cũng đừng vì thế mà quá ích kỷ.
Ngay cả thời điểm mình còn hành xử như một đứa trẻ trâu bên lũ bạn thì mình cũng đã có những suy tính cho kế hoạch tương lai của mình. Nếu bạn từng đọc một số bài của mình trước đó, có thể bạn sẽ thấy mình cũng từng có những suy nghĩ đã khá "trưởng thành".
"Trưởng thành" không phải một nhân phẩm, cũng chẳng phải một mục tiêu sống. "Trưởng thành" chỉ là một nhân tố trong hành trình phát triển của bản thân.
<i>"Trưởng thành"</i> chỉ là một nhân tố giúp chúng ta trên đường đời.
"Trưởng thành" chỉ là một nhân tố giúp chúng ta trên đường đời.
Trong khi, không nhất thiết phải "trưởng thành" chúng ta mới làm cuộc sống thêm ý nghĩa, mới khiến cuộc sống của ta tốt đẹp hơn, vậy thì tại sao chúng ta phải theo đuổi khái niệm gò bó này?
*Kết: Qua bài viết này, mình chỉ muốn mọi người có cái nhìn thoáng hơn về việc trưởng thành thôi. Nhiều người lấy việc "trưởng thành" để đánh giá một con người trong khi cụm từ này chẳng phải chuẩn mực nhân phẩm. Vậy thì tại sao chúng ta lại cứ phải cố theo đuổi giá trị vô hình này làm gì trong khi bạn có thể giành thời gian để suy nghĩ cách tạo giá trị của bản thân cho chính mình và xã hội :D