Rob Asghar Cộng tác viên

Nhiều nhà phê bình xã hội học và nhà quan sát trong mấy thập kỉ qua đã lập luận rằng quan niệm của Orwell về một tương lai phản địa đàng, “Anh Cả đang để mắt đến bạn” là một báo động giả.
Không nhanh vậy đâu.
Một báo cáo của tờ New York Times cho biết giới chức Trung Quốc đang sử dụng công nghệ tiên tiến để theo dõi công dân của mình, để truy bắt tội phạm buôn bán ma túy và nghi phạm giết người và thậm chí làm nhục công khai những người đi bộ sai vị trí.
“Với hàng triệu chiếc camera cùng hàng tỉ dòng mã, Trung Quốc đang xây dựng một tương lai độc tài công nghệ cao,”  phóng viên công nghệ của tờ Times Paul Mozur viết. “Bắc Kinh đang nắm bắt các công nghệ như nhận diện khuôn mặt và trí thông minh nhân tạo để nhận diện và theo dõi 1.4 tỉ con người. Họ muốn tạo nên một hệ thống giám sát quốc gia rộng lớn và chưa từng có, nhờ sự trợ giúp quan trọng từ ngành công nghệ đang phát triển mạnh của mình.”
Về bản chất, Mozur viết, công nghệ “đã mang lại quyền kiểm soát” đối với một phần đáng kể của dân số thế giới. Sau tất cả, Orwell có lẽ đã tiên đoán đúng, chỉ là hơi lệch nhịp một chút.
Liệu mức độ kiểm soát đó có cập bến Hoa Kì hay những phần khác của thế giới phát triển được không? Sẽ mất một ít thời gian, nhưng khả năng là rất cao.
Một bức tượng George Orwell bằng đồng bên ngoài trụ sở đài BBC Broadcasting House, London. (Ảnh của Philip Toscano/PA Images, qua Getty Images)
Trước hết, hãy ghi nhớ một vài lí do nước Mĩ vẫn chưa trải qua một cuộc chuyển đổi kiểu Orwell. Chỉ một năm sau năm 1984, năm mà quyển sách nổi tiếng nhất của Orwll mang tên, nhà phê bình xã hội học quá cố Neil Postman xuất bản quyển Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the Age of Show Business [Vui thú đến chết: Diễn thuyết công khai trong thời đại của ngành công nghiệp giải trí]. Ông bàn về một sự suy thoái không tránh khỏi trong tư duy và hành động Mĩ do ảnh hưởng của truyền hình và quảng cáo đại chúng; và sau đó những hiện tượng mà ông quan sát được đều bị Internet và truyền thông xã hội làm trầm trọng thêm.
Luận điểm chính của Postman là Anh Cả không cần phải tốn công để mắt đến một cậu John Doe nào đó hay kiểm soát y, bởi vì John Doe có lẽ đã sẵn lòng bị kiểm soát bởi những thế lực biến cậu trở nên vô hại đối với Anh Cả. Postman lập luận rằng Thế giới mới mĩ lệ [Brave New World] của Aldous Huxley mang tính tiên tri nhiều hơn so với 1984 của Orwell, bởi vì trong tác phẩm, Huxlay đã miêu tả một xã hội hoàn toàn sẵn lòng từ bỏ những tài sản thiêng liêng nhất của mình để đổi lấy những thú vui tầm thường.
Như Postman từng bày tỏ:
“Orwell sợ những kẻ tước đoạt thông tin của ta. Huxley sợ những kẻ cho chúng ta quá nhiều thứ đến mức ta sẽ trở thu lại thành những kẻ hèn mọn và ích kỉ. Orwell lo sợ rằng sự thật sẽ bị che giấu khỏi mắt ta. Huxley lo sợ rằng sự thật sẽ bị phủ lấp trong một đại dương những thứ làm ta sao nhãng. Orwell sợ rằng chúng ta rồi sẽ thành một nền văn hóa bị giam cầm. Huxley sợ rằng chúng ta sẽ trở thành một nền văn hóa tầm thường, bận tâm với những thứ cùng hạng với phim ảnh cảm giác thực, tình dục tập thể, và trò lê cầu. ... Tóm lại, Orwell lo sợ rằng những thứ ta ghét sẽ hủy hoại ta. Huxley sợ rằng những thứ ta yêu sẽ hủy hoại ta.”
Thứ gì có vẻ đúng vào năm 1985 thì ngày nay lại càng đúng và rõ ràng hơn. Có chút kì lạ khi quay lại và nhìn vào những đoạn văn trong Vui thú đến chết ở đó Postman trầm ngâm về cái cách mà các cố vấn của tổng thống Mĩ đương thời không còn bận tâm về việc tổng thống có sai lầm về điều gì hay không, vì họ nhận ra rằng dân chúng không hề quan tâm đến sự thật. 2018 chỉ là 1985 phiên bản cường điệu hơn.
Vậy nên nước Mĩ, và có lẽ phần lớn thế giới phát triển và phương Tây, thật sự đều đang có xu hướng hướng tới Thế giới mới mĩ lệ. Nhưng người ta cũng lập luận được rằng tất cả những quốc gia này cũng có thể một ngày nào đó sớm thôi lại đều sẽ đi trên một con đường thiên về kiểu Orwell, giống như những gì Trung Quốc đang làm.
Tại sao ư? Bởi vì nỗi sợ hãi và nhu cầu an ninh mạnh mẽ của con người trong những thời điểm bất ổn. Nhu cầu của con người cần một, ừm, Anh Cả để bảo vệ ta--và nhất là để canh chừng những “kẻ xấu.”
Trong bài viết của mình trên tờ Times về việc Trung Quốc sử dụng công nghệ để kiểm soát công dân của mình, Mozur lưu ý rằng, thay vì phàn nàn về sự mất mát các quyền tự do dân sự, nhiều người dân Trung Quốc lại “cổ vũ những nỗ lực mới nhằm duy trì luật pháp và trật tự,” và rằng nhiều người trong số họ ca ngợi những phát triển giúp giữ cho đường phố an toàn.
Vài thái độ tương tự cũng đã hiện hữu ngay tại nước Mĩ sau sự kiện 11 tháng 9 và những tranh cãi về nhập cư. Hãy biết rằng chúng sẽ còn leo thang thêm trong những năm sắp tới.
Một xã hội thật sự nhân văn, tự do dân chủ sẽ không bao giờ dung thứ cho thế giới của Orwell hay Huxley. Vì vậy, hãy xem đây là một thử nghiệm lớn đối với lãnh đạo của nhiều lãnh vực khác nhau, đặc biệt là công nghệ và chánh trị. Và sau cùng, hãy xem nó là một thử nghiệm lịch sử đối với xã hội dân chủ trên toàn cầu.
Rob Asghar là tác giả của quyển Lãnh đạo là địa ngục: Làm sao để xoay xở và thoát ra cùng với linh hồn của bạn, có sẵn tại Amazon.

Bài dịch của Quan Le tại group Quora Việt Nam.