Trình diễn thời trang học đường bằng nilon - tuyên truyền bảo vệ môi trường hay gián tiếp phá hoại.
Việc tổ chức trình diễn thời trang từ nilon trong nhà trường không truyền tải được thông điệp bảo vệ môi trường
“Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).”
- Trích dẫn báo tuyên giáo của ban tuyên giáo trung ương
Với một thứ hạng không mấy là hãnh diện kia mà vấn đề bảo vệ môi trường được coi là chủ đề nóng của không chỉ Việt Nam mà còn của toàn nhân loại. Chưa bao giờ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường lan nhanh và được hưởng ứng rộng rãi như vậy. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) được đông đảo thanh niên trên toàn thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Nhân loại đang chung tay cứu lấy ngôi nhà chung này, bằng cả khối óc lẫn con tim.
Thế nhưng đáng buồn thay, vẫn còn những nhà trường bảo vệ môi trường dựa vào trái tim nhiệt thành, nhưng chưa dùng tới khối óc sáng suốt. Một khía cạnh nhỏ của vấn đề mà tôi nói tới ở đây chính việc biểu diễn thời trang dựa trên vật liệu phi môi trường. Cái khái niệm “vật liệu phi môi trường” ở đây là do tôi tự nghĩ ra, nó bao gồm nilon, nhựa, xốp,... những vật liệu này cần rất nhiều thời gian để phân hủy và mang tính hủy hoại môi trường rất cao. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường rất quan trọng và vô cùng cấp thiết, thế nhưng, không phải bất cứ hoạt động nào cũng nên được tán thành. Tôi cật lực phản đối việc sử dụng nilon để “may” quần áo biểu diễn thời trang ở trường học rồi gắn mác tuyên truyền bảo vệ môi trường vào.
Nó tồn tại 2 vấn đề rất lớn mà tôi thấy khó hiểu khi những người tổ chức không nhận ra
Đầu tiên chính là sự phản ý nghĩa của hoạt động này. Đồng tình là việc trình diễn những bộ thời trang từ rác thải mang lại sự thu hút rất lớn và tính lan tỏa cao, nhưng đó là những cuộc trình diễn có quy mô, có kế hoạch và có tầm nhìn. Đâu thể lấy cả bó túi nilon lại ghép thành cái váy rồi bảo đó là tuyên truyền bảo vệ môi trường. Nó chỉ góp phần phá hoại môi trường thêm thôi. Những bộ thời trang sau khi được trình diễn ở các sàn Catwalk sẽ được các nhà thiết kế trưng bày như những thành quả lao động. Thế còn những bộ thời trang mà các bạn tạo ra thì sao ? liệu có được trưng bày ở trường học hay một viện bảo tàng nào đó nhưng một tác phẩm nghệ thuật, hay lại vứt bỏ vào thùng rác ? Trường tôi từng học cũng tổ chức các buổi trình diễn như vậy, những bộ trang phục từ nilon đủ màu được trình diễn trên sân khấu, rồi sau đó, là trong thùng rác. Hầu hết tất cả thùng rác lúc đó đều chất đầy những bộ trang phục từ nilon từng được đón nhận và hú hét trên sân khấu, giờ đây chỉ là đống rác chuẩn bị đem vứt ra chỗ nào đó, có thể là bãi rác thành phố, hoặc ra sông, hoặc là biển. Tôi dám chắc chắn rằng, không chỉ trường tôi, mà bất cứ trường học nào tổ chức hoạt động này đều xảy ra tình trạng đó. Các bạn sẽ phản bác lại rằng, những bộ trang phục đó được tái chế lại từ nilon đã dùng. Vậy tôi xin hỏi rằng, các bạn lấy những túi nilon đó từ bãi rác, hay từ khu chợ nào đó, hay là từ chỗ người bán túi? Khó trả lời hả? Vậy để tôi giúp, tại sao phải đi nhặt túi hay xin túi đã dùng nhỉ, mua nó nhanh hơn, lại rẻ nữa, đỡ tốn thời gian. Nhưng nó lại trái với ý nghĩa của việc mà các bạn đang làm. Sẽ có người bảo “chúng tôi không có vứt ra thùng rác”, vậy các bạn sẽ mặc lại ư, hay các bạn sẽ tái chế lại tiếp?
Vấn đề tiếp theo mà tôi muốn nói, chính là sự đón nhận ý nghĩa của những người tham gia. Có bao nhiêu bạn trẻ sau những buổi trình diễn đó về nhà, viết lại cảm xúc hay lên mạng tìm hiểu hiện trạng môi trường như nào, hay các bạn chỉ tán dương vẻ đẹp, vẻ hào nhoáng mà ý nghĩa của chương trình mang lại. Ca ngợi không ngớt tài năng thiết kế của họ hay thần thái của người trình diễn. Tôi phải công nhận rằng những bộ trang phục đó rất đẹp, các bạn trẻ thiết kế và trình diễn rất tài năng. Và nếu tên cùng ý nghĩa định ra là vẻ đẹp thời trang thì tôi nhiệt liệt tán thành. Còn núp bóng bảo vệ môi trường thì tôi không sao đồng tình cho nổi. Việc tổ chức những hoạt động này không mang lại quá nhiều tác động thay đổi nhận thức và hành vi. Người xưa dạy rằng nói có sách, mách có chứng. Và thật nực cười khi tôi nói mà không có dẫn chứng nhỉ. Trường cấp 2 và cấp 3 của tôi từng tổ chức trình diễn thời trang từ nilon, giấy,... và sau mỗi chương trình như vậy, có cơ man nào là chai nước, giấy vụn hay túi nilon được vứt lại ngay tại hội trường. Nếu chương trình có tác động lớn, tại sao tình trạng đó vẫn còn xảy ra ? chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, chương trình như thế không đem lại kết quả khả quan. Đó là sự thật và chúng ta cần nhìn nhận điều đó.
Vậy đâu là hướng đi thay thế cho hoạt động trình diễn thời trang tái chế này. Có hai hoạt động tôi nghĩ rằng sẽ mang lại thay đổi tích cực hơn mà không làm suy giảm nhiệt huyết tuổi trẻ của các bạn. Và tôi cũng chính là người đã kiểm chứng nó.
Hoạt động thay thế đầu tiên, chính là đi quay phóng sự về thực trạng môi trường địa phương, hoặc đơn giản là ra ngoài và tìm hiểu về môi trường xung quanh nhiều hơn. Việc đó không chỉ gắn kết mọi người lại với nhau mà còn mang tính thực tế rất cao. Chỉ có đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai những gì trước mắt thì chúng ta mới có được góc nhìn đúng về hiện trạng môi trường xung quanh ta. Đâu cần phải là những hoạt động bảo vệ môi trường lớn lao, vĩ mô. Hãy cứ nhìn xung quanh chúng ta đã, cảm nhận để biết chúng ta nên làm thế nào.
Hoạt động thay thế thứ hai, chính là diễn thuyết, vận động bảo vệ môi trường. Chúng ta có những bạn trẻ tự tin bước đi trên sàn catwalk, sao chúng ta lại không có những bạn trẻ tự tin cầm mic lên nói về môi trường. Không có gì đáng xấu hổ cả, chúng ta hay sợ rằng mọi người sẽ chê cười khi mình nói về một vấn đề cao xa nào đó. Nhưng môi trường không hề xa lạ, nó rất gần gũi, nó gắn bó với chúng ta hằng ngày. Nếu chúng ta không đứng lên vì nó, ai sẽ làm thay chúng ta đây? Hoạt động diễn thuyết không chỉ giúp các bạn trẻ khai phá bản thân mà còn giúp chúng ta thấu hiểu nhau hơn.
Hai hoạt động thay thế tôi đưa ra rất thực tế và mang tính hiệu quả cao. Thế nhưng vẫn có mặt hạn chế của nó, nó tiêu tốn thời gian của các bạn nhiều hơn việc chuẩn bị đồ trình diễn thời trang. Thế nhưng “vinh quang nào cũng phải có hy sinh”, chúng ta bỏ thời gian ra để cứu lấy ngôi nhà của hàng triệu giống loài – Trái Đất
Việc tổ chức những chương trình như thế đều xuất phát từ tình yêu với môi trường và nó thể hiện sự nhiệt huyết của những người trẻ. Thế nhưng để cứu lấy hành tinh này, chúng ta cần sử dụng cả lý trí chứ không thể nghe mỗi con tim. Tôi hi vọng rằng trong tương lai, những chương trình như thế sẽ được thay thế bởi những hoạt động thiết thực hơn. Hãy đọc bài viết bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất