Triển lãm cơ thể người bị cấm và những câu chuyện đằng sau
Dự kiến kéo dài từ ngày 21.6.2018 đến hết năm nay, thế nhưng tại sao triển lãm Bí ẩn đặc biệt cơ thể người ( Mystery of human body...
Dự kiến kéo dài từ ngày 21.6.2018 đến hết năm nay, thế nhưng tại sao triển lãm Bí ẩn đặc biệt cơ thể người (Mystery of human body) lại bị buộc đóng cửa chỉ sau hai tuần mở cửa?
"Bí quyết của một cuộc sống khỏe mạnh sẽ được bật mí"
"Kết tinh của nghệ thuật trong kỹ thuật y khoa cùng với sự cống hiến của những người hiến tạng cho y học"
"Nội dung mang tính giáo dục"
"Trải nghiệm học tập bổ ích giúp người xem chiêm nghiệm về ý nghĩa của sự sống và cái chết nhằm ý thức được tầm quan trọng của sự sống"
Đó là những lời quảng cáo vô cùng mỹ miều của triển lãm Bí ẩn đặc biệt cơ thể người (Mystery of human body) do Nhà Văn hóa Thanh niên phối hợp cùng công ty MEGA Vina và Vietnam Korean Times tổ chức.
Điểm đặc biệt của triển lãm này là gì? Những tiêu bản được trưng bày tại đây là plastinated specimens, những bộ phận cơ thể người thật được nhựa hóa theo kỹ thuật plastination của nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens (bạn có thể google thử ông này, mặt mũi rất phù hợp đóng mấy vai mad scientist như Frankenstein). Theo kỹ thuật này, mỡ và nước của cơ thể vừa chết sẽ được thay thế bằng các chất dẻo, nhựa để biến cơ thể thành một sản phẩm trưng bày có độ bền kéo dài đến tận trăm năm.
Thằng bạn mình, với sự si mê có phần biến thái dành cho Giải phẫu học, đã ngay lập tức rủ mình tham dự cái sự kiện vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam này. Tuy nhiên, trước khi nó kịp thỏa lòng mong đợi, thì ngày 6.7.2018 vừa qua, triển lãm bị Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh "tuýt còi", buộc đóng cửa.
Quá bất mãn với quyết định có phần gay gắt của giới chức thành phố, thằng bạn quyết tâm truy tầm nguyên nhân thực sự của vụ việc này.
Lướt qua những thông tin mang tính giới thiệu bề nổi và những video câu view của một vài thằng streamer não ngắn, nó tìm ra và kể lại kha khá câu chuyện thú vị xoay quanh vụ đóng cửa triển lãm này.
Vì sao đóng cửa triển lãm?
Các trang tin lề phải, từ Tuổi trẻ Online, Thể thao & Văn hóa, Sài Gòn Giải Phóng cho đến Soha, đều thông cáo có hai nguyên do cơ bản cho quyết định đóng cửa này: một, sai phạm về đăng ký thời gian triển lãm và hai, chất liệu và nguồn gốc tiêu bản trưng bày không rõ ràng.
Nhưng thú thật, một cái triển lãm một khi đã qua được các thể loại 'cửa ải' kiểm duyệt để mà mở cửa thì hai cái nguyên nhân trên chẳng có nghĩa lý gì cả.
Giới chức nêu ra nguyên nhân chỉ là cho nó có tính hợp thức, khi mà dư luận đã mang ra mổ xẻ bét nhè cả lên rồi.
Người ta nói những gì? Người ta nói cơ thể người chết bị mang ra trưng bày ở nơi công cộng để rồi bán vé vào cổng cho đủ người vào xem thì là vô đạo, phản văn hóa.
Đến một đứa con nít cũng biết tỏng tư duy của mấy thằng cha tổ chức triển lãm. Giáo dục hay nghệ thuật ư? Bullshit! Thời buổi giờ còn có thằng giàu nào bác ái đến mức vung tiền cho mấy mục đích nhân văn đó sao? Tất cả chỉ thuần túy là thương mại. Phần đông người tham quan sẽ đến vì tò mò hiếu kỳ hơn là vì học tập hay chiêm ngưỡng. Người ta sẽ bỏ 200.000 đồng để xem cơ thể người lột sạch da thịt còn trơ xương và cơ sẽ thế nào, để có cái cảm giác rờn rợn kiêm hưng phấn khi biết rằng những tiêu bản mà họ đang nhìn ngắm và suýt chạm vào vốn dĩ từng là người sống. Cũng đáng mà đúng không? Tôi méo tin vào mấy thông điệp cao cả kiểu để lan tỏa kiến thức về y học, cảnh báo bạn không nên hút thuốc lá và phòng chống ung thư.
Có cả một thằng YouTuber nọ ghi hình, review làm hẳn một video có tên "bị mất tiền ngu" một cách rất ngu học rồi bày tỏ vẻ mặt thành kiến, biết ơn các kiểu vì tấm lòng của những người hiến xác cho Y học (ôi tôi ước giá như nó đọc được phần sau của bài viết này - mà sao người ta lại cho quay phim chụp hình chứ).
Lúc này thì các vị chức sắc mới lên tiếng. Về mặt pháp lý, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh nói triển lãm này đã từng bị từ chối tổ chức ở Hà Nội, được thông qua kiểm duyệt ở TP. HCM là vì được xem có tính thương mại - hội chợ và được thực hiện theo Luật Thương mại. Về mặt nghệ thuật, ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói "không xem đây là một triển lãm mỹ thuật". Về mặt đạo đức, ông Vũ Thế Long, Nguyên Trưởng ban Môi trường và Con người - Viện khảo cổ học Việt Nam, xem đây là một hoạt động phản văn hóa và phi đạo đức, vì nó đối đãi không tôn trọng người hiến xác. Về mặt Y học, ông Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch thường trực Hội Ghép tạng Việt Nam bày tỏ sự quan ngại là khi người ta thấy những triển lãm như thế này, họ sẽ không muốn hiến xác hay hiến tạng nữa, và đó là thiệt hại lớn cho khoa học.
Tuy nhiên, nếu có một câu hỏi đáng nên hỏi ở đây thì đó là:
Những cơ thể người này thực chất đến từ đâu?
Hầu hết các hướng dẫn viên tại triển lãm nói thế này:
Có lẽ là người Hàn Quốc hiến tặng vì đây là triển lãm của công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc nguồn gốc cơ thể đến từ đâu là điều bảo mật không thể tiết lộ.
Vâng, họ không biết. Và thậm chí có khi chính những công ty môi giới, tổ chức, vận tải... cũng chẳng biết nốt. Báo chí lề phải thì không mổ xẻ sâu hơn. Nhưng báo lề trái và báo quốc tế thì có.
Những tiêu bản cơ thể trưng bày đến từ đâu?
Thực tế các buổi triển lãm xác người hóa nhựa đã được diễn ra từ đầu những năm 1990, và đã bị cấm ở nhiều quốc gia như Pháp, Israel vì vấn đề đạo đức.
Đài Á châu Tự Do (RFA) cho biết trước đó vào tháng 4 năm nay, triển lãm này được tổ chức ở Úc và cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dư luận. Theo trang này, giáo sư Maria Fiatarone Singh từ Đại học Y Sydney quả quyết nguồn gốc của các xác người này đến từ Đại Liên, Trung Quốc. Bà nói thêm Đại Liên là một trung tâm hành hình, mổ nội tạng và hóa nhựa cơ thể các tội phạm, tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Hai trang tiếng Việt mổ xẻ sâu hơn về nguồn gốc xuất xứ của các tiêu bản cơ thể được trưng bày ở triển lãm là trang Trithucvn[dot]net và trang Daikynguyen. Hai trang này đăng tải những thông tin quan trọng sau:
Von Hagens kiếm tiền vừa từ triển lãm cơ thể nhựa hóa Body Worlds, vừa từ các nhà máy nhựa hóa (một tiêu bản có thể có giá từ 250.000 đến 1 triệu đô la).
Von Hagens có thời gian công tác tại đại học Y Đại Liên, Trung Quốc. Tại đây, ông có một học trò là Tùy Hồng Cẩm. Về sau, Tùy Hồng Cẩm cũng mở nhà máy sản xuất cơ thể nhựa hóa và mở triển lãm có tên Bodies… the exhibition.
Vấn đề là, dù có doanh thu lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm, cả công ty của Von Hagens lẫn công ty của Tùy Hồng Cẩm không thể chứng minh những tiêu bản cơ thể là được hiến tặng. Họ dùng cái thông điệp khoác áo nhân văn là “để bảo vệ danh tính của những người hiến xác”. Các công ty sản xuất cho rằng chúng là những xác chết vô danh. Tuy nhiên, riêng ở Trung Quốc, theo quy định về giải phẫu cơ thể do Bộ Y Tế Trung Quốc ban hành vào tháng 2/1979, một xác chết chỉ được xác định là vô danh khi sau 1 tháng không có ai đến nhận. Nhưng lúc đó thì những xác chết này không còn phù hợp cho quá trình nhựa hóa nữa. Vì quy trình này đòi hỏi xác chết phải còn tươi và không được ướp chất bảo quản.
Trước đó, Von Hagens cũng đã hai lần gặp phải vấn đề pháp luật liên quan tới việc tìm kiếm thi thể người cho việc nhựa hóa: một lần vào năm 2002 đối với một lô hàng 56 thi thể gửi từ một kẻ buôn người ở Nga là Vladimir Novosylov, kẻ sau này đã bị kết án (Theo tờ Independent); một lần khác là vào năm 2003, khi quốc hội Kyrgyzstan điều tra cáo buộc việc Von Hagens nhận hàng trăm thi thể từ nhà tù, bệnh viện và nơi điều trị tâm thần tại nước này (Theo BBC).
Đọc thêm về những vụ lùm xùm và thiếu nhất quán trước đây của các triễn lãm cơ thể người nhựa hóa, tôi thấy mọi suy đoán đều dẫn về cùng một câu trả lời cho câu hỏi "các cơ thể trưng bày đến từ đâu": họ có thể là những tù nhân hoặc những nạn nhân của nạn buôn người ở Đông Âu và châu Á.
Làm sao một công ty từng tuyên bố công khai trên mặt báo là thiếu thi thể hiến tặng mà vẫn hoạt động, và mang đến nguồn lợi khổng lồ? Điều gì đảm bảo rằng, đó không phải là thi thể của các phạm nhân bị tội tử hình, hay những tù nhân lương tâm, những người tập Pháp Luân Công bị bắt bớ, đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay, những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những tín đồ Phật giáo Tây Tạng và Ki-tô giáo?
Báo Đại Kỷ Nguyên rất gắt trong vụ này (vì trang này vốn trước giờ luôn phản động lại quan điểm chính trị của Trung Hoa Đại Lục), nói thẳng luôn suy đoán của mình rằng những xác người được nhựa hóa trong triển lãm có thể là xác của những học viên Pháp Luân Công bị bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, giam cầm, giết hại và nhựa hóa. Báo TrithucVN viết và dịch nhiều hơn về đề tài này từ những trang báo quốc tế. Những ai quan tâm có thể tìm đọc để thấy rõ ràng hơn.
Và cái thế giới màu hồng chúng ta đang sống
Nếu xem video của cái thằng streamer xàm xí ở trên thì sẽ thấy ở cổng ra của triển lãm người ta còn để những khu vực để ghi lại lời tri ẩn tưởng niệm biết ơn các kiểu cho người hiến xác. Chúng ta - với tư cách những người tham dự - có thể ồ à cảm thán, thấy đó là một nghĩa cử cao đẹp của ban tổ chức. Nhưng sau khi biết được những tầng lớp sâu bên trong của câu chuyện, chẳng phải nó rất đạo đức giả hay sao?
Và chẳng phải đáng sợ hay sao, nếu những suy đoán nói trên là sự thật? Khi mà những thứ ngày nay đội lốt nhân đạo, văn minh lại thực chất là những hành vi chính trị, thương mại đầy tàn nhẫn? Chẳng phải đáng ghê sợ hay sao khi mà nạn buôn người ngày nay tinh vi tới mức mang mặt nạ triển lãm để xuất hiện công khai?
Hiển nhiên thời buổi này những gì chúng ta đọc được chỉ là kể lại của kể lại. Rất khó để có thể khẳng định một điều gì chắc chắn khi mỗi thông tin đều ẩn sau nó là một dụng ý chính trị hoặc thương mại. Tuy nhiên, đã đủ để chúng ta hoài nghi và cẩn trọng hơn.
Hạ Chí
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất