Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc (P5) : Những chuyển mình đầu tiên của công nghệ 5G đến đời sống người dân tại nền kinh tế thứ hai thế giới
Chào các bạn, lại là mình - điệp viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Tiếp theo series dài kỳ về đời sống, con người,...
Chào các bạn, lại là mình - điệp viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Tiếp theo series dài kỳ về đời sống, con người, những điều chưa từng được khai thác về đất nước tỷ dân, bài viết này sẽ hé lộ một góc nhìn mới toanh về những thay đổi đầu tiên ở Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, mâu thuẫn giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Đài Loan. Nào, cùng theo chân nữ điệp viên... 0 ai thấy để tìm hiểu và phân tích nhé! :D
Hòa chung những niềm vui từ quê nhà, như Việt Nam trở thành thành viên không thường trực hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tới, giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2020, ký hiệp định thương mại tự do với EU, là 1 trong 8 khách mời đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka, Cherish tôi đây không thể nào kìm nén nổi niềm tự hào sâu sắc về vận khí và vị thế nước nhà trên trường quốc tế.
Trái ngược với không khí tưng bừng ở quốc gia nhỏ xinh Việt Nam, anh bạn láng giềng Trung Quốc lại buồn rầu suốt nửa đầu năm nay với những đòn nã mạnh mẽ về kinh tế và xung đột chính trị. Hình ảnh Tập Cận Bình ngồi lẻ loi giữa G20 Summit, đôi mắt nặng trĩu và nụ cười không còn thường trực trên môi khiến người ta phần nào hiểu được những áp lực to lớn đang đè lên vai người lãnh đạo này. Tuy nhiên, chính trị không phải là chủ đề chính trong các bài viết của mình :p Như thường lệ, những lăng kính cuộc sống sẽ được lia cận cảnh về những người dân Trung Quốc thời đại mới, thời đại internet, thời đại đầu của cách mạng công nghệ 5G.
Được coi là “một khía cạnh phát triển mới” trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, khái niệm 5G:"không chỉ có nghĩa là kết nối Internet nhanh hơn mà công nghệ này sẽ giúp chúng ta tạo ra trải nghiệm liền mạch mới giữa thế giới trực tuyến và ngoại tuyến". Các mạng 5G không dây sẽ trở thành ‘xương sống’ cho sự kết nối và máy chủ cho các ứng dụng công nghệ “Internet of Things” (IoT – Internet Vạn vật) trên nền tảng big data, một số ứng dụng với công nghệ AI, xây dựng thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng giao thông cho ô tô tự lái.
Ứng dụng của công nghệ 5G là vô tận, và Huawei với trụ sở tại Thâm Quyến, hiện đang đi đầu trong việc cung cấp các linh kiện 5G cho các công ty viễn thông trên toàn cầu. 5G có thể biến các thiết bị từ bình thường nhất thành thiết bị thông minh, đồng thời chuyển hóa mọi dữ kiện thành dữ liệu số. Nhờ có 5G, các hệ thống quản lý giao thông sẽ trở nên thông minh hơn, với tín hiệu giao thông thay đổi đồng bộ theo sự di chuyển trên thời gian thực, ứng dụng các camera và bộ cảm biến. Các công-tơ-mét thông minh có thể đo chính xác mức độ sử dụng điện nước cũng sẻ trở nên phổ biến hơn nhờ vào 5G với khả năng hỗ trợ hàng ngàn kết nối từ thiết bị cùng một lúc. Theo nhiều cách, 5G sẽ mang lại những sự thay đổi như điện đã đem lại với hiệu suất sản xuất trong công nghiệp, trên những quy mô không tưởng. Chỉ khác là, với sự thay đổi này, sức mạnh nằm ở dữ liệu chứ không ở điện năng.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tìm hiểu cách ứng dụng công nghệ 5G để gia tăng sức mạnh quân sự. Vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập Liên minh Ứng dụng công nghệ 5G cho mục đích quân sự và phi quân sự, với các thành viên bao gồm ZTE, China Unicorn, và Xí Nghiệp Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, với mục tiêu phát triển ứng dụng 5G vào mục đích quốc phòng và thương mại trên toàn quốc.
Và từ khoảng 2 tháng gần đây, một số ứng dụng trong cuộc sống đời thường đã được 5G đưa vào kiểm tra về tính thực tiễn, điển hình nhất là ứng dụng gọi taxi - Didi. Điều này mình cũng mới nhận ra thôi, là dạo này gọi Didi, thấy các tài xế "lạnh lùng" hơn hẳn, không tươi cười chào đón và bắt chuyện như trước nữa. Thực tế là, các tài xế được phổ biến luật mới của hãng, chỉ được trò chuyện khi khách có nhu cầu nói chuyện. Khách có quyền gọi lại trung tâm hỗ trợ khách hàng khi tài xế muốn khách tắt ứng dụng gọi Didi để giảm giá; hỏi thông tin cá nhân, quê quán hoặc bỡn cợt, tán tỉnh khách....
Wechat là nhân vật tiếp theo phải bổ sung thêm nhiều luật mới. Tiêu biểu nhất, là tất cả các tài khoản Wechat của nữ giới đều phải ẩn số tuổi, với lần gia nhập Wechat đầu tiên, không được để avatar rõ toàn bộ khuôn mặt, không được đăng avatar hình ảnh sexy gợi cảm. Không như Facebook, Insta hay Twitter, thậm chí Zalo có mục gợi ý bạn chung/ có thể bạn quen, phương thức kết bạn của Wechat hoàn toàn truyền thống, người khác chỉ có thể kết bạn bằng việc quét mã QR Wechat, nhập số điện thoại, hoặc kết bạn với người cùng nhóm chat mà mình tham gia. Bên cạnh đó, Wechat cũng có rất ít quảng cáo và không có Fanpage như các mạng xã hội khác. Các mã QR để quét ứng dụng thanh toán, chỉ đơn thuần có chức năng thanh toán và không thể kết bạn hay lấy thông tin người mua/ bán. Đây là cam kết từ Chính phủ và Wechat với người sử dụng.
Ra mắt năm 2016 bởi Bytedance - một hãng công nghệ Bắc Kinh làm ứng dụng tổng hợp tin tức có tên Toutiao, Tiktok là một hiện tượng ứng dụng di động được tải về nhiều nhất năm 2018 ở Mỹ và châu Âu, trên cả các thiết bị iOS và Android. Hãng này tự hào với thế mạnh AI chọn lọc nội dung đọc phù hợp với sở thích, hành vi từng người dùng, nên áp dụng luôn với bảng tin của Tik Tok. Tuy nhiên, với nửa tỷ người dùng Tiktok hiện nay, mặt tối của nền tảng này được chỉ ra bằng báo cáo về các trường hợp trẻ em bị người xem đề nghị gửi ảnh khỏa thân hay quấy rối , phơi bày thông tin cá nhân và việc bảo mật bị cho yếu kém so với Facebook hay Instagram. Chính phủ đã set up luật - cấm người dùng Tiktok dưới 13 tuổi.
Một ngành nghề đang hot hiện nay cũng được thắt chặt một số quy tắc mới là Live Streaming. Cụ thể, Tencent đã liệt kê 12 "giá trị" mà họ hy vọng các bộ truyền phát của mình tuân theo, đồng thời cấm triệt để các điều sau: không mặc đồ hở hang, không thì thầm, hát quốc ca với thái độ bỡn cợt, đùa cợt với lịch sử, đặc biệt là cấm mẹ tuổi teen livestream.
Luật an ninh mạng của Việt Nam đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019, và chúng ta cũng không còn xa lạ với những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dĩ nhiên, Trung Quốc cũng có luật an ninh mạng từ trước nhưng đến 2019, khi 5G không còn là công nghệ trong mơ nữa, mà nó sắp xâm nhập vào đời sống thực tiễn hàng ngày, luật An ninh mạng lại càng được thắt chặt hơn để bảo mật thông tin và bảo vệ sự an toàn của người dùng.
Cùng nhìn lại ứng dụng đặt taxi Didi của Trung Quốc, Didi là ứng dụng không có đối thủ ở xứ tỷ dân này. Năm 2016, hãng công nghệ Uber đã nhượng lại việc kinh doanh của họ cho Didi, giúp Didi trở thành nhà cung cấp xe đi chung lớn nhất với 30 triệu lượt khách mỗi ngày. Năm 2017, hãng này có giá trị tới 56 tỷ USD. Thị trường của họ vô cùng lớn, và việc không có đối thủ khiến chất lượng phục vụ trở nên kém đi. Rất nhiều khách nước ngoài đến Trung Quốc đã phàn nàn vì tài xế Didi không biết tiếng Anh và cư xử khá thô lỗ như muốn hét vào mặt khách hàng. Với những cuốc xe đi chung ghép khách, tài xế vợt khách ở những địa điểm cực kỳ xa, gây mệt mỏi và mất thời gian của người đặt...
Tuy nhiên, Didi sẽ chẳng màng những ý kiến của khách hàng bởi cái sự "vô đối" của mình cho đến khi dính phốt "đậm" vào năm ngoái. Một tài xế taxi của hãng đã hãm hiếp và giết một hành khách nữ là một tiếp viên hàng không xinh đẹp trên đường đi Tế Nam dự đám cưới bạn. Hung thủ sau đó cũng tự tử. 3 tháng sau, một giáo viên mầm non mới ra trường cũng bị hãm hại với hình thức tương tự ở Ôn Châu.
Liên tiếp hai án mạng trong ba tháng khiến cộng đồng lên án, đòi tẩy chay dùng phần mềm Didi để gọi xe. Họ kêu gọi Chính phủ có động thái rõ ràng để bảo đảm an toàn cho hành khách. Didi cũng phải bồi thường thiệt hại cho gia đình 2 nạn nhân xấu số trên số tiền 3 triệu nhân dân tệ, khoảng 10 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, Didi buộc phải thay đổi lại cách đào tạo về cung cách phục vụ của các tài xế. Tài xế không được chèo kéo khách tắt ứng dụng để thanh toán riêng với giá rẻ hơn. Các taxi đều được trang bị camera giám sát hành trình, không chở quá số người quy định, kể cả trẻ em sơ sinh. Câu chuyện giữa tài xế và khách chỉ được liên quan đến hành trình chuyến đi. Dù "lạnh lùng" hơn, nhưng khách hàng cảm thấy an toàn tuyệt đối, chất lượng dịch vụ được cải thiện rõ rệt.
Nếu Didi gặp phốt liên quan đến hiếp dâm, thì Wechat cũng là người anh em tiếp theo gặp nạn dù Wechat vốn có sự bảo mật khá tốt. Mới đây một vụ hiếp dâm khác lại hoang mang dư luận, khi một người đàn ông giàu có ngoài 50, cưỡng hiếp con đối tác làm ăn, và cô bé mới chỉ 12 tuổi. Kẻ hiếp dâm này sau khi bị cảnh sát bắt đã chống chế rằng "cô bé cũng đồng ý và không hề kháng cự". Đặc biệt, mẹ cô bé đồng ý cho người đàn ông này dẫn đi chơi ở khu công viên Disney Châu Hải và ở cùng khách sạn. Vâng, 1 đứa trẻ 12 tuổi thì biết gì mà chống cự, chưa kể đưa cô bé đi chơi ở công viên giải trí, mua cho rất nhiều quần áo đẹp, đồ chơi loại mới nhất. Và cô bé cũng chỉ nghĩ đó là sự âu yếm của người lớn dành cho mình và chưa hề biết về những mơn trớn trên cơ thể từ một người đàn ông từng trải đáng tuổi ông. Tuy nhiên, trách kẻ hiếp dâm 1, cũng trách người mẹ 10, vì muốn hợp tác làm ăn và cũng quá tin vào mối quan hệ trên Wechat, gặp gỡ 1 vài lần mà cho con mình đi chơi và ở cùng khách sạn với một người lạ. Cô này nghĩ rằng con bé còn nhỏ, và cũng tin tưởng vào nhân cách của đối tác, không đời nào lại có chuyện không hay, nhưng sự đời chả bao giờ hết chữ "Ngờ" cả!
Từ ví dụ hy hữu trên, người ta nhìn ra nhiều hơn những nguy hiểm tiềm ẩn của mạng xã hội vạn năng này. Tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé ở đất nước này đều dùng Wechat, đều có thể kết bạn với nhau qua mục "tìm quanh đây", qua ''bạn cùng tham gia nhóm chat", qua mã QR code được rải ngoài đường. Một cô bé/ cậu bé tuổi teen sẽ chưa ý thức được hết những nguy hiểm từ những account lừa đảo, rửa tiền, bán dâm hay phản động... Bạn có thể là bất kỳ ai trên mạng xã hội, bạn có thể xây dựng hình ảnh của chính mình trên đó. Bởi vậy, Wechat bắt buộc người dùng phải đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân, liên kết ví Wechat với thẻ ngân hàng, ẩn tuổi tác đối với tài khoản nữ sử dụng Wechat. Nếu nhiều người từng lên án chính phủ Trung Quốc kiểm soát tất cả các thông tin cá nhân của người dân, thì rõ ràng họ không còn cách nào khác. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, họ khó lòng khống chế tối đa tin tặc, lừa đảo để bảo vệ người dùng từ các ứng dụng đa tiện ích.
Tương tự như vậy, với những tác động tiêu cực đến xã hội, trang web streaming Kuaishou, khá phổ biến tại vùng nông thôn Trung Quốc, đã gặp rắc rối sau khi xu hướng kỳ lạ bắt đầu xuất hiện. Một trong những mẹ tuổi teen nổi tiếng nhất, Yang Qingning, 19 tuổi, đã thu hút được 45 triệu người theo dõi. Các bà mẹ trẻ tuổi liên tục chia sẻ cuộc sống của họ trên Kuaishou.
Sau khi nhận sự chỉ trích, nền tảng này đã vội vàng xin lỗi người dùng. Kuaishou đã xóa các video của các bà mẹ tuổi teen với lời giải thích đưa ra tác động không tốt với những học sinh, sinh viên cùng lứa tuổi.
Sau khi nhận sự chỉ trích, nền tảng này đã vội vàng xin lỗi người dùng. Kuaishou đã xóa các video của các bà mẹ tuổi teen với lời giải thích đưa ra tác động không tốt với những học sinh, sinh viên cùng lứa tuổi.
Ở những thành phố lớn của Trung Quốc, bạn sẽ hiếm khi bắt gặp cảnh người lạ giúp đỡ lẫn nhau như: xách đồ nặng, dẫn cụ già qua đường, giúp một cô gái đang loay hoay dắt xe máy điện từ vỉa hè xuống, hay ghé ngang quán xá hỏi đường như ở Việt Nam... Mình từng thắc mắc là sao dân bên này chả thân thiện gì, sống với nhau quá thực tế và ít nhờ vả. Hỏi ra thì mới biết, họ sợ bị lừa, sợ bị mang ơn nhau hơn là muốn giúp. Thử tưởng tượng có tai nạn giao thông xảy ra, người không phận sự túm tụm lại một chỗ để giúp đỡ hô hoán để làm gì? Vừa tắc đường, vừa cản trở người có chuyên môn thi hành công vụ. Đó là nhiệm vụ của cảnh sát, của camera giám sát khắp các cung đường. Bạn thấy cô gái loay hoay dắt xe xuống đường, nhưng liệu cô gái có chắc muốn bạn giúp hay sợ bạn dắt luôn xe của người ta đi mất? Bạn khệ nệ xách đồ, tại sao k gọi dịch vụ taxi vừa nhanh, vừa tiện lợi? Người khác giúp bạn, bạn sẽ trả tiền người ta, đó là sự sòng phẳng trong xã hội. Không phải vì bạn giúp họ một lần, lần sau bạn có gì muốn giúp lại đòi hỏi người ta giúp đỡ lại. Đó là toàn bộ câu trả lời mà mình được giải đáp. Đúng nhưng sao thấy cứ hụt hẫng lạ :)
Kết, 4G, 5G, Wifi, mạng xã hội đều là thế giới ảo, và chúng ta ai cũng phải sống trong hai thế giới thật - với gia đình, bạn bè thân thiết và thế giới ảo bởi những ứng dụng trên điện thoại kia. Có những người lạ tốt bụng, và có những người lạ nguy hiểm trên thế giởi ảo đó. Từ trước khi có những scandals lớn và sự mất lòng tin ở con người với nhau, hẳn họ cũng hồn hậu và sẵn lòng muốn giúp đỡ. Đây cũng là cái giá của sự phát triển, văn minh, phồn thịnh ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Ở Châu Âu, ở Mỹ, ở các quốc gia phát triển họ vốn đã như vậy từ lâu, chẳng qua mình cứ nghĩ Trung Quốc cũng na ná mình mà không ngờ họ đang bắt đầu chuyển mình từ văn hóa tiểu nông sang hòa nhập với hiện đại, đổi mới.
Đất nước chúng ta của tương lai, của 10 năm sau, của 20 năm sau, ở thế hệ con cái chúng ta hẳn cũng sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Chỉ hy vọng rằng, chúng ta lẫn thế hệ sau đều được chuẩn bị cả về tâm lý lẫn hành động một cách kỹ lưỡng, nhìn được những tấm gương về sự đổi mới ở anh láng giềng không mấy thân thiết này để hòa nhập nhưng không hòa tan, vươn mình mạnh mẽ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, hòa bình và thịnh vượng.
Theo dõi thêm các bài viết khác:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất