Tranh Hàng Trống - Tranh Ngũ hổ
Bài viết này là một phần của "Tết xưa người nay" - loạt bài viết và sự kiện về Tết cổ truyền mà Culumbuk giới thiệu đến các bạn trong Tết Mậu Tuất 2018. Bài viết gốc được đăng ở đây.

Uyển chuyển bút lông màu đậm nhạt,
Mảnh mai nét khắc chốn thịnh suy.
Nếu như tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng đều được làm ra để phục vụ cho người dân thôn quê, mộc mạc dân dã như cuộc sống bình dị của nơi làng xóm yên bình, với gà, với lợn, với hội làng, thì trong tranh Hàng Trống, người ta lại cảm nhận được lối sống thanh lịch, trang nhã của chốn phồn hoa đô hội, với những đường khắc mảnh mai chi tiết và những nét bút đậm nhạt giàu sắc điệu. 

Đọc thêm:

Tranh Hàng Trống là dòng tranh được làm ra bởi bàn tay những người thợ kinh kỳ, phục vụ cho tầng lớp thị dân và quý tộc chốn kinh kỳ ngàn năm suy thịnh, thấm đẫm vẻ tinh tế của thẩm mỹ Tràng An trong từng chi tiết. Ấy là vẻ tinh tế trong chủ đề gắn liền với cuộc sống của người đô thành, vẻ tinh tế trong giấy dó mỏng manh mà bền chắc, vẻ tinh tế trong đường khắc ván in tỉ mỉ cầu kỳ, vẻ tinh tế trong nét bút lông uyển chuyển loang màu đậm nhạt, và vẻ tinh tế trong lựa chọn màu sắc, phối hợp sáng tối và tranh - chữ.
Về chủ đề và thể loại, tranh Hàng Trống có thể được chia thành nhiều loại tranh như tranh thờ, tranh sinh hoạt và thiên nhiên, tranh truyện (như tranh về “Truyện Kiều”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Nhị độ mai”…), và tranh Tết. Tranh Hàng Trống nổi tiếng nhất với dòng tranh thờ vô cùng phát triển với những bức tranh dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tranh thờ của Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở phủ giầy, Nam Đình), như tranh Tứ Phủ công đồng, Bà chúa thượng ngàn, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi lốt (rắn), Ngũ hổ... Tuy nhiên, nhưng dòng tranh Tết cũng không kém phần đặc sắc, thể hiện những ước nguyện đầu năm của người dân, mong muốn phát đạt may mắn, cũng như những hình ảnh tiêu biểu cho mùa xuân như hoa cỏ chim muông, với màu sắc vô cùng rực rỡ. Những chi tiết sử dụng trong tranh Hàng Trống mang đậm ảnh hưởng thẩm mỹ của giới quý tộc và sĩ phu kinh thành, như mai - lan - cúc - trúc, đàn - ca - sáo - nhị...
Tranh Hàng Trống – Tranh Tứ bình Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông
Về giấy làm tranh, nền giấy của tranh Hàng Trống tưởng chừng như không được đặc sắc như giấy điệp của tranh Đông Hồ hay giấy đỏ của tranh Kim Hoàng, bởi tranh Hàng Trống sử dụng loại giấy dó khổ dài rộng, nền trơn. Thế nhưng, sau khi in tranh bằng giấy dó mỏng manh để lúc in ván gỗ, các nét mực hiện đều và đậm, nghệ nhân còn phải tiến hành thêm một bước bồi giấy để tiện treo tranh. Công đoạn này cũng đòi hỏi không ít sự khéo léo, bởi tùy vào yêu cầu cụ thể mà tranh phải bồi một lớp, có khi đến hai, ba lớp giấy cho cứng cáp, cũng có những lúc phải bồi cả phần bo tranh bao bọc lấy bức tranh. Sau đó, đợi tới khi hồ đã khô, nghệ nhân mới có thể vẽ màu lại, toàn bộ quá trình khiến cho một tác phẩm có thể cần đến ba, bốn ngày để hoàn thành. Khi đã xong xuôi, nghệ nhân sẽ lồng trục vào hai phần trên dưới của tranh để tiện cho việc treo, phù hợp với không gian kiến trúc nhà cao, cửa rộng, sập gụ tủ chè nơi thành thị. Tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng của lối tranh trục cuốn cổ điển treo tường của giới nho sĩ, khác với loại tranh “lá mít” khổ nhỏ có thể dán thẳng lên vách nhà của Đông Hồ và Kim Hoàng.

Đọc thêm:

Về nét khắc ván in, tranh Hàng Trống sử dụng loại ván in to nặng phù hợp với kỹ thuật in ngửa, được khắc bằng những mũi chàng, mũi đục, để có thể tạo ra được những đường nét mảnh mai, tinh vi, mềm mại. Cứ xem những bức tranh dân gian đa dạng của phường tranh Hàng Trống, ta liền có thể cảm nhận được sự tinh xảo đậm chất kinh kỳ trong nét khắc. Đó là sự thanh thoát đầy thần thái của mày cong lá liễu, đuôi mắt vuốt cong theo dáng lá trầu không, tay búp măng cong cong, mang vẻ đẹp duyên dáng sống động như người con gái Hà thành của các nàng Tố nữ; đó là áo mão cân đai, xiêm hài cờ quạt, chi tiết tới từng nếp gấp của tay áo tà áo, từng đường cong của thước lụa bay bổng, dáng uy nghi mà không thiếu mỹ cảm của những bức tranh ông hoàng bà chúa; đó là vẻ bệ vệ với tạo hình ấn tượng của tranh “Ngũ hổ”, đó là hình chữ S mềm mại của thân cá với hai mặt trăng, trăng trên trời và bóng trăng dưới nước, huyền ảo như hình tròn âm dương Đạo giáo của tranh “Lý ngư vọng nguyệt” (“Cá chép trông trăng”). Nét khắc tinh tế và tỉ mỉ chính là đặc điểm nổi bật của tranh Hàng Trống.
Tranh Hàng Trống – Tranh Lý ngư vọng nguyệt và tranh Chim công
Về kỹ thuật in, tranh Hàng Trống thường in trên giấy khổ lớn, chỉ in một bản nét đen, rồi sau đó sẽ sử dụng bút lông để tô điểm toàn bộ màu sắc. Kỹ thuật sử dụng là in ngửa giống như ở tranh Kim Hoàng, nghệ nhân đặt tấm tranh lên trên ván in đã chà mực rồi dùng xơ mướp xoa nhẹ ép xuống, để nét tranh được in đều và rõ ràng. Ván in được làm từ gỗ mềm, gỗ lồng mực hay gỗ thị, ghép khổ to và dày dạn, rộng bản, khó di chuyển, được khắc cả hai mặt, phù hợp với kỹ thuật in này.

Đọc thêm:

Về màu sắc, bảng màu của tranh Hàng Trống khá rực rỡ và đa dạng, mang đậm phong cách cá nhân của chính người tô, không theo một tỷ lệ hay quy tắc chuẩn mực nào cả, mà chỉ quan trọng là phù hợp với thẩm mỹ quan. Màu sắc chủ đạo thường là lam, hồng, kết hợp với màu lục, đỏ, da cam, vàng…, trong tranh thờ còn bổ sung cả kim nhũ và ngân nhũ... Màu hồng cánh sen và màu xanh lam tươi tắn, hai màu tương đối hiếm có trong tranh dân gian Kinh Bắc, lại được sử dụng khá phổ biến trong dòng tranh này, đem đến vẻ hoa lệ nổi bật. Ban đầu, màu in nét và màu vẽ trong tranh Hàng Trống, được chế từ những chất liệu có sẵn trong tự nhiên, tương tự như tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng, như màu đen được làm từ tro, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ, nâu từ khoáng thạch, nhưng sau này tranh Hàng Trống lại sử dụng mực tàu và phẩm màu tươi sáng để đáp ứng được thị hiếu của thị dân chốn kinh thành. 
Về kỹ thuật tô màu, kỹ thuật “cản màu” (hay “vờn màu”) là tinh hoa của tranh Hàng Trống. Nghệ nhân sử dụng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước, viền dọc theo đường in sẵn, khiến cho nét bút ngay từ lúc đặt xuống tới lúc lướt trên mặt giấy đều có hai sắc độ đậm nhạt khác nhau, tạo thêm chiều sâu cho bức tranh. Cùng là một màu sắc, nhưng sắc độ chuyển dần từ nồng sang đạm, sau đó nhẹ nhàng tan vào trong nền giấy, khiến những khối hình trong tranh Hàng Trống mang thêm tính ba chiều, có sáng có tối, chuyển đổi ý nhị, khác biệt hẳn so với tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng - hai dòng tranh vốn nổi bật với đặc điểm màu sắc đơn giản thành từng khối màu, mảng màu có sắc độ đồng nhất. Có lẽ tranh Hàng Trống chịu nhiều ảnh hưởng của thẩm mỹ quan Nho giáo, không chỉ trong những chủ đề tranh tứ bình (bộ bốn tranh) với những hình ảnh như mai – lan – cúc – trúc hay tùng – cúc – trúc – mai (những hình ảnh khá phổ biến trong tâm trí kẻ sĩ thời xưa), mà còn trong cả kỹ thuật tô màu sử dụng bút lông. Trong những nét vờn đậm nhạt gợi sự uyển chuyển mềm mại, ta dường như trông thấy cả vẻ tinh tế của tranh sơn thủy, với sông núi miên man và mây xa bảng lảng, nét mực chầm chậm lặn vào giấy dó tựa như khói mỏng sương chiều…
Về lời đề trên tranh, tranh Hàng Trống ngoài đề tên tranh và đề giới thiệu về nhân vật trong tranh như trong các tranh truyện như “Truyện Kiều” hay “Vợ chồng Ngâu” (chính là tên gọi Việt hóa của Ngưu Lang Chức Nữ), còn có những câu thơ chữ Hán, tiêu biểu như thơ tứ tuyệt trên tranh Tố Nữ. Chữ trên tranh phải đảm bảo làm rõ nghĩa của tranh, cân đối với bố cục tranh, không rườm rà, không thừa thãi. Chữ trên tranh chính là một phần trong kết cấu của bức tranh chứ không chỉ đơn giản là một lời giới thiệu tên của tác phẩm. Ta có thể lấy ví dụ về bài thơ trên bức tranh thiếu nữ thổi sáo của bộ “Tố nữ”:
Thùy gia ngọc địch ám phi thanh
Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành
Thử dạ khúc Trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình
Lược dịch:
Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng
Theo gió xuân vào khắp Lạc – Dương
Văng vẳng đêm nay bài "Chiết liễu"*
Ai người không chạnh nỗi tha hương
(Nguồn: wikipedia)
*chiết liễu: bẻ cành liễu, tục xưa ở Trung Quốc, khi tiễn biệt, người ở lại bẻ một cành liễu tặng cho người đi, sau này “bẻ liễu” cũng trở thành hình ảnh chỉ sự chia xa. 
Tranh Hàng Trống – Tranh Tố nữ
Trong tranh Hàng Trống, ngay từ cái nhìn đầu tiên ta đã có thể nhận ra được sự sinh động rực rỡ của màu sắc, nhưng khi nhìn kỹ lại, ta lại thấy trong vẻ phồn hoa ấy là những đường nét tỉ mỉ, tinh tế trong nét khắc ván tranh, trong cách tô màu vờn bút nhẹ loang từ đậm tới nhạt, có cái vẻ gì đấy trầm lắng và sâu sắc như những bức tranh thủy mặc cổ xưa. Ấy phải chăng cũng chính là vẻ đẹp độc đáo rất riêng của chốn kinh kỳ, ẩn dưới phồn hoa bề nổi, là những tư duy sây lắng, những cảm nhận tâm linh giàu chất trí tuệ?

Đọc thêm:


Về Culumbuk

Culumbuk được ra đời với mong muốn bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt bằng cách kết nối những người làm văn hóa với những người quan tâm. Đến với Culumbuk, nếu bạn là một người yêu thích văn hóa, bạn có thể tìm thấy những sự kiện phù hợp với sở thích và mong muốn để làm phong phú thêm cho cuộc sống hàng ngày của mình. Nếu bạn là một người làm văn hóa, bạn có thể tiếp cận được nhiều hơn với cộng đồng khách hàng và đối tác tiềm năng, để có thể tổ chức và quảng bá chương trình của mình một cách hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng văn hóa chỉ tồn tại và phát triển nếu đó tiếp tục là một phần trong cuộc sống của mọi người, những người bình thường như bạn và chúng tôi.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Culumbuk tại: