Bài viết này là một phần của "Tết xưa người nay"  - loạt bài viết và sự kiện về Tết cổ truyền mà Culumbuk giới thiệu đến các bạn trong Tết Mậu Tuất 2018. Bài viết gốc được đăng ở đây

Ngày Tết và hoa Tết quấn quýt với nhau, Tết không hoa, Tết thiếu hương thiếu sắc, hoa không Tết, hoa mất đi khá nhiều ý nghĩa, chính vì vậy, ngày Tết không thể không có hoa. Hoa Tết sắc đậm nhưng hương không nồng, chính vì vậy người ta thường dễ dàng quên đi mất những mùi hương thấp thoáng khó nhận ấy. Tuy nhiên, hương của hoa Tết có thể được coi như một phút lắng lòng nhìn lại năm mới đã qua, hương hoa Tết quyện vào mùi hương trầm, vào mùi ẩm lạnh của mưa phùn gió bấc, vào mùi hương của món ăn ngày Tết, của bưởi Diễn cam Canh, tạo thành một thứ mùi hương rất riêng của năm mới miền Bắc: hương Tết.
Tết miền Bắc, đầu tiên được đặc trưng bởi hoa đào, nhưng ít ai biết rằng truyền thống chơi hoa Tết Hà thành còn ghi dấu hai loài hoa khác nữa, đó chính là thủy tiên và hoa mai trắng. Thủy tiên là một giống hoa thuộc họ hành, cánh trắng nhụy vàng, với mùi hương thơm dịu và vẻ ngoài kiêu sa đài các. Hoa mai trắng, loài hoa nho nhỏ họ chi mai, thanh cao tinh khiết, vài đóa hoa điểm xuyết trên cành cây mảnh mai nhuốm phong sương, đem đến cho Tết sắc hương riêng.
Hoa mai trắng
Nhắc tới hoa ngày Tết, ta không thể không nhắc tới thú chơi hoa, cả hoa thật và hoa giấy, và tục đi chợ hàng hoa đón Tết. Thú chơi hoa ngày Tết rất phong phú đa dạng, có thể là cây hoa trong chậu, cũng có thể là cành hoa cắm trong bình, hoa nào đi với chậu nào, bình nào, lọ nào và màu men ra sao cũng cần chú ý sao cho hài hòa thích hợp, như thủy tiên thường được bày trong bình pha lê, hoặc thủy tinh, hoặc bát men đỏ chân bịt đồng (như trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải), hay hoa hải đường nên được cắm trong bình sứ men xanh Bát Tràng. Tuy nhiên, dù là loại hoa nào thì người chơi hoa cũng coi trọng cả sắc lẫn hương, cả dáng thế và ý nghĩa.
Về màu sắc, hoa thủy tiên hoa trắng nhụy vàng, sáu cánh muôn muốt bên ngoài ôm lấy một vòng bao hoa vàng rực phía trong, giống như một chiếc chén vàng đặt trên khay bạc; hoa đào là phổ màu từ trắng đến đỏ, bạch đào trắng tuyết, đào phai, đào quả phơn phớt hồng, đào bích hồng thắm tươi tắn, đến đào thất thốn đỏ rực ấn tượng. Đối với hoa Tết, màu sắc càng quan trọng hơn, bởi những bông hoa đủ màu sắc sẽ khiến lòng ta thêm rạo rực, tâm hồn ta thêm thư thái và cảm nhận được năm mới đã đến gần.
Về hương thơm, người xưa chú trọng đến hương thơm nhiều hơn là màu sắc, bởi quan niệm rằng màu sắc giống như vẻ đẹp bên ngoài, còn hương thơm giống như những phẩm chất quý báu của con người, thoạt trông không thấy, nhưng lại nhẹ nhàng lan tỏa lâu dài, khiến ta dễ chịu gấp bội so với dáng vẻ tươi đẹp. Tất nhiên, hoa Tết là một ngoại lệ khi những đóa hoa ngày Tết thường không trọng hương bằng sắc, và thường có mùi thơm khó nhận. Hương thơm của hoa Tết là phút tĩnh tại trong những ngày Tết ồn ào hối hả, là khoảnh khắc nhìn lại năm cũ đã qua mà chỉ có những người chú tâm mới phát hiện ra. Hương thủy tiên thanh dịu, mấy đóa cùng nở một lúc mới có thể đượm hương; hương hoa đào như có như không, là mùi hương của đất, của mưa phùn, của trời và người cùng vào xuân; hương hoa mai trắng tinh khiết thoang thoảng, lúc tĩnh lặng vắng người mới thong dong lan tỏa; hương hoa mai vàng lại ngan ngát thơm lựng như nếp mới, thơm thảo và chân thành như tấm lòng quê. Tất cả, đều tạo thành hương Tết dịu dàng.
Về dáng thế, dù là chơi hoa cành hay hoa cây, người ta đều chú ý đến dáng thế của thân cành, và đặt cho mỗi dáng thế này một cái tên giàu ý nghĩa, ẩn hàm mong muốn về tương lai tốt đẹp may mắn, hay bình an hòa thuận. Chẳng hạn như ‘thế tam đa’ có ba tán tròn lớn xoay quanh xung quanh thân, để cầu mong phúc, lộc, thọ (tam đa) sẽ đến với gia đình; hay ‘thế hạc lập’ là một cành chính thẳng lên cao, các cành nhánh còn lại ôm lấy thân, giống như hình ảnh con hạc ngẩng cao đầu, đề cao lí tưởng hoài bão, ý chí kiên định, dũng cảm tiến lên phía trước; thế long giáng hình con rồng sà xuống mặt đất; thế phu thê là hai cành quấn quít lấy nhau; thế quần tụ có tán cao (biểu tượng của cha) tạo bởi thân chính, các tán phụ (biểu tượng của các con) bao xung quanh tạo bằng những cành thấp nhỏ hơn; thế ngũ phúc là dáng cây thẳng, với một gốc chính ở giữa, bao quanh bởi bốn cành nhỏ hơn (tổng cộng là năm nhánh – ‘ngũ’ là năm)…
Về ý nghĩa, mỗi loài hoa Tết mang trong mình những câu chuyện và biểu tượng riêng. Hoa thủy tiên là ‘chén vàng trên khay bạc’, sẽ mang lại tài lộc dồi dào cho năm mới, quá trình gọt hoa không thể vội vàng, lại dạy ta về cái lẽ ‘dục tốc bất đạt’ – nóng vội sẽ hỏng việc. Hay như hoa đào là loài hoa mang màu sắc rực rỡ tượng trưng cho may mắn, cây đào đầy khí dương, có thể trừ ma đuổi quỷ, hay hoa đào gắn với mùa xuân và gắn với những câu chuyện tình yêu, như câu chuyện về vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. Hoa mai trắng lại là loài hoa với khí tiết thanh cao, không ngại nghịch cảnh, bừng nở ngay từ mùa đông giá rét; hoa mai vàng là biểu tượng của sự vương giả, của cao sang vinh hiển, và của giàu có phú quý…
Hoa thủy tiên
Hoa ngày Tết, ngoài hoa thật, còn có thể là hoa trong những bức tranh Tết và hoa giấy. Tranh Tết vẽ hoa thường là tranh tứ bình (bộ bốn tranh), vẽ cảnh hoa cỏ bốn mùa như mai – lan – cúc – trúc, hay đào – liên – cúc – hải (hoa đào, hoa sen, hoa cúc, và hoa hải đường), trong đó tranh Hàng Trống là tinh tế và trang nhã hơn cả. Chơi hoa giấy trước kia cũng là một thú chơi thú vị, dù cho những bông hoa giấy ngày xưa không thể nào đạt được sự rực rỡ và giống thật như hoa giả hiện nay. Hoa giả hiện nay có thể làm từ đủ thứ nguyên liệu, vải, nhựa, đất sét… nhưng hoa giấy trước kia thật đơn giản, chỉ có mấy giống hoa cúc, hoa đào, hoa hồng, và hoa sen là nhiều hơn cả. Giới bình dân còn thịnh hành một loại hoa giả thô sơ tới mức chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho ‘hoa’ với một tờ giấy hình tròn, giữa hình tròn này dán một hình tròn nhỏ có cạnh tượng trưng cho nhị hoa, và giữa nhị hoa là một mảnh kính tròn có tráng như mặt gương, mấy bông hoa gắn trên một cành dài, màu sắc hoa khác nhau, để các cụ hoa về cắm lên bàn thờ trong dịp Tết. Những bông hoa giả làm giống như hoa thật, thậm chí còn quý hơn cả hoa thật (theo “Các thú tiêu khiển Việt Nam” – Toan Ánh).
Ngày Tết đi chợ hàng hoa cũng là một thú vui từ xưa truyền lại. Trong sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi từng chép: "Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông". Thời gian trôi đi, lịch sử xoay vần, bến Đông Bộ Đầu bị lấp và một phần chợ Cầu Đông xưa, nay đã trở thành chợ Đồng Xuân, sau đó chợ hoa chuyển sang họp ở Hàng Lược. Chợ hoa ở Thăng Long có lịch sử lâu đời, ngoài bán hoa, người ta còn bán chậu, đôn, lọ làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng. Chợ bán nhiều loại hoa như cúc, thược dược, hồng, đồng tiền, lay ơn… nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Hằng năm cứ đến sau ngày ông Công ông Táo, tức là vào khoảng ngày 24, 25 tháng Chạp, những chợ hoa Tết Hà Nội bắt đầu nhóm họp: Hàng Lược, Đồng Xuân, hàng Da, chợ Mơ, cửa Nam, Hoàng Hoa Thám… Đến ngày 29, 30 Tết thì đâu đâu cũng có hàng dãy người bán và mua hoa, người Hà thành đi chợ hoa không phải chủ yếu để mua sắm, mà là để chơi hoa, ngắm hoa, thung dung thưởng ngoạn những màu sắc tươi đẹp của hoa Tết và giây phút thanh nhàn hiếm hoi sau một năm bận rộn.
Hoa đào bích
Ngày Tết chơi hoa, đầu tiên là để tăng thêm không khí Tết, bởi những đóa hoa đẹp mắt thơm hương sẽ giúp ta dễ chịu về cảm quan, cảm thấy vui vẻ và rộn ràng hơn. Hoa Tết cũng được bày trong nhà với mong muốn cầu may mắn, tài lộc, bình an, những điều tốt đẹp đến cho bản thân và gia đình trong năm sắp tới trong hoa thủy tiên ‘chén vàng khay bạc’, trong hoa mai vàng giàu sang phú quý, hay trong thế cây ‘tam đa’(phúc, lộc, thọ)… Không chỉ vậy, chơi hoa Tết còn là một cách để con người ta gửi gắm những giá trị tinh thần mà mình hằng theo đuổi: mượn hoa để ngụ ý đạo làm người, dùng hoa để nhìn nhân phẩm, tiết tháo của người chơi hoa, hay mượn hoa để ký thác hoài bão cao cả. Hoa mai kiên cường chẳng ngại giá rét, thế ‘hạc lập’, mong bản thân cũng có thể đứng thẳng như loài hạc quân tử, quyết không khom lưng uốn gối, những giá trị ấy đã vượt hẳn ra ngoài việc chơi hoa. Chơi hoa Tết còn là một cách tu tâm dưỡng tính, như trong thú gọt tỉa thủy tiên, tìm nơi yên tĩnh gọt một bát hoa cũng kỳ công và đòi hỏi sự chú tâm tuyệt đối như khi ta viết thư pháp hay vẽ một bức tranh thủy mặc. Cuối cùng, chơi hoa Tết còn thể hiện tài năng và hiểu biết của người chơi hoa, như trong những hội thi hoa thủy tiên trước kia, để hoa nở vào đúng lúc giao thừa, người ta còn phải tính toán đến cả sức nóng của hương trầm đốt nơi hội thi, đảm bảo hoa bung cánh đúng lúc.
Hoa Tết góp thêm sắc màu cho ngày Tết, và cũng góp thêm cho Tết một thứ hương thầm tinh tế, thoang thoảng khó tìm mà lại thơm lâu.

Về Culumbuk

Culumbuk được ra đời với mong muốn bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt bằng cách kết nối những người làm văn hóa với những người quan tâm. Đến với Culumbuk, nếu bạn là một người yêu thích văn hóa, bạn có thể tìm thấy những sự kiện phù hợp với sở thích và mong muốn để làm phong phú thêm cho cuộc sống hàng ngày của mình. Nếu bạn là một người làm văn hóa, bạn có thể tiếp cận được nhiều hơn với cộng đồng khách hàng và đối tác tiềm năng, để có thể tổ chức và quảng bá chương trình của mình một cách hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng văn hóa chỉ tồn tại và phát triển nếu đó tiếp tục là một phần trong cuộc sống của mọi người, những người bình thường như bạn và chúng tôi.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Culumbuk tại: