Tôi vẫn thường tìm hiểu về tâm lý học ở trang Psychology Today, lựa chọn một số tiêu đề mình quan tâm để đọc. Tuần qua, trong chuyến du lịch tới Sài Gòn và Vũng Tàu, tôi có đọc một bài viết về hội chứng "Smiling depression" (trầm cảm cười). Chẳng có gì để phải bật cười nhưng bạn vẫn cứ thế, chỉ là dấu hiệu để giả vờ mình hạnh phúc, vui vẻ hoặc hứng thú với câu chuyện của người kia. Cuộc sống đôi lúc là những cuộc thử vai đầy gượng ghịu và khó chịu.

Bất đắc dĩ phải cười...
Này, bạn đã bao giờ phải tỏ ra mình hứng thú với câu chuyện của người đối diện dù trong đầu liên tiếp là những ý nghĩa vẩn vơ? Bạn chẳng hề quan tâm đến việc anh ta huyên thuyên về cái gì, lảm nhảm đến đâu và cốt truyện như thế nào, bạn thực sự muốn rời chỗ ngồi và yên tĩnh một mình. Nhưng những gì tâm trí suy nghĩ lại đối ngược với cách bạn hành xử. Bạn vẫn cứ ngồi đấy, ngoan ngoãn như một con cún, xòe miệng và chăm chú trước câu chuyện vô vị của anh ta. Bạn muốn bùng nổ, đầu óc bạn xoay mòng mòng, bạn nghe thấy tiếng ong kêu 'vò vò' bên cạnh, bạn thực sự đi vào đường cùng "phải làm sao để anh ta ngậm mồm lại" và bạn thề "có ai cho vàng cũng chả bao giờ gặp lại con người ấy.'' Chúng ta luôn phải chịu đựng những tình huống như vậy, chúng ta phải gắng gượng tỏ ra mình vui vẻ, lịch sự trước mắt người đó dù muốn được yên tĩnh một mình và thoát khỏi vai diễn chết tiệt kia.
Chính lòng tốt và suy nghĩ muốn làm hài lòng tất cả khiến bạn rơi vào thế bí. Tôi nhận ra chính tôi cũng là người như vậy. Tôi học cách lắng nghe nhưng không phải trường hợp nào tôi cũng có thể lắng nghe với niềm hứng khởi và sự kiên nhẫn. Và bạn biết những người hướng nội họ cần sự yên tĩnh bất cứ khi nào có quá nhiều tiếng ồn xung quanh. Họ ghét những ai huyên thuyên quá nhiều, và tôi cũng không thể chịu đựng những kẻ lắm lời và lan man. Và bạn cũng sẽ như vậy, vì bộ não chúng ta sẽ không chào đón những thông tin thừa và khiến mình nhàm chán, nó sẽ đào thải và bắt đầu bùng nổ nếu chịu đựng quá mức cho phép.
Bạn tôi kể: "Làm tiếp tân như gánh vác nhiệm vụ của một con rô bốt, bạn cười khi đón khách, cúi xuống như thế nào, chỉ tay ra sao, niềm nở nói năng theo cung cách nào, và cả 8 tiếng đồng hồ, bạn chỉ quay đi trở lại với những cử chỉ đó. Người ta cho việc tiếp tân ở khách sạn 5 sao, cửa hàng sang trọng, gặp tây, chào tiếng Anh là nhàn hạ, là sướng nhưng rồi bạn có biết họ trở về với thân thể nằm tã trên giường, họ chả muốn làm gì ngoài ngủ, cũng chả buồn đi tắm. Nhưng rồi, họ vẫn phải mang khuôn mặt tươi tắn, lớp phấn trắng dày, môi đỏ vào sáng hôm sau. Họ bán nụ cười để sống."
Che dấu cảm xúc thật của mình
Không phải ai cũng mắc phải hội chứng trầm cảm như nhau, ý tôi là biểu hiện của họ hoàn toàn khác nhau. Tại sao hầu hết chúng ta có khuynh hướng trầm cảm theo mùa. (seasonal affective disorder), với những biểu hiện như buồn bã, chán nản, tránh tiếp xúc và ngủ nhiều. Môi trường luôn có tác động lên cơ thể lẫn tinh thần của chúng ta. Và ta biết điều đó để thông cảm hơn cho những người chịu nhiều áp lực từ công việc, không phải vì họ tiết kiệm nụ cười mà bởi vì họ đã quá mệt mỏi để có thể đáp trả bạn sự niềm nở.


Con người luôn có những lúc này, lúc khác, sự luân phiên cảm xúc là điều tất yếu của mỗi người. Vì lý do nào đó, ta luôn phải che dấu cảm xúc thật sự của bản thân, để không muốn làm ảnh hưởng đến người khác, để không muốn gieo sự trầm cảm lây lan. Đôi lúc, sự hạnh phúc biểu hiện bên ngoài là lớp mặt nạ cho lớp ruột tàn tã bên trong.
Tôi dành một ít thời gian rảnh rỗi của mình để xem các clip của những travel vlogger nổi tiếng trên thế giới, mà Simon và Martina là một kênh mà tôi khá ấn tượng. Vòng qua vòng lại những video hấp dẫn của cặp vợ chồng này, tôi bất giác tìm thấy một clip với tiêu đề "An open talk about my depression" (Trò chuyện mở về bệnh trầm cảm của tôi) mà Simon đã tự quay và kể lại câu chuyện về thời gian khốn khó chống lại căn bệnh trầm cảm của cô. Tôi nghĩ rằng đến 80, 90% trong chúng ta đã từng và đang trải qua hội chứng tâm lý này, ở một mức độ nào đó. Chúng ta có cảm giác chán, chán tất cả mọi thứ, người đờ đẫn ra và chân tay rũ rượi, trong tâm trí chúng ta là một cuộc đấu đá giữa thiên thần và ác quỷ, chúng ta luôn muốn mình tích cực hơn nhưng vẫn bị những nỗi buồn không đâu bao phủ.
Nhiều người từ hội chứng trầm cảm đã từng tự tử và có ý định tự tử. Họ muốn buông xuôi và muốn biến mất khỏi thế giới. Theo tôi nghĩ, hội chứng con vịt là phần nào nói lên bệnh trầm cảm, những nỗi buồn chán của chúng ta bị kìm nén vào trong và đến một lúc không chịu được nữa, nó đột nhiên bộc phát gây ra những tổn hại về tinh thần to lớn.
Đừng giấu diếm câu chuyện của mình
Lớn lên, hầu hết chúng ta đều không muốn kể chuyện riêng tư của mình cho người khác. Dẫu có những dòng status đầy tâm trạng trên mạng xã hội, những bài blog trút nỗi niềm không public nhưng bạn có cảm giác "xõa", có thể chúng ta mượn rượu để giải sầu, mượn người lạ để trò chuyện nhưng rồi chúng ta phải biết lạc quan trở lại sau những tháng ngày chán chường.


Không phải ai cũng có thể tự trải qua những nỗi niềm của mình, không phải ai cũng có thể giải quyết những đống cảm xúc ngổn ngang qua việc trò chuyện với chính bản thân. Thế giới của chúng ta là thế giới của sự tương tác, không có sự tương tác, bạn hiển nhiên sẽ bị cô lập và sống lãnh đạm, khép mình với xã hội bên ngoài. Những căn bệnh về tinh thần ngày càng tăng lên, có nhiều người càng ngày càng tìm đến bác sĩ tâm lý nhiều hơn. Kể chuyện buồn cũng như trút bỏ gánh nặng, nếu không biết tự làm vui mình, hãy đến với thế giới của những người giàu niềm vui.
Có đôi lúc, nụ cười cần được tháo xuống để thay vào đó là sự tĩnh lặng của tâm hồn.