Trước khi vào bài, xin được dành đôi dòng tâm sự. Khi miệt mài viết về những nhân vật lịch sử này, tôi biết rằng mình đang đối mặt với những rủi ro nhất định, và cảm thấy ái ngại cho những người chịu trách nhiệm nội dung trên diễn đàn. Nhưng tôi vẫn tin rằng, hành động của mình, ngoài thỏa mãn niềm hứng thú riêng, còn có một ý nghĩa khác: đả phá cái nhìn toàn trị về văn nghệ, bắt lại một nhịp cầu với quá khứ đứt gãy để tìm lại những giá trị đích thực bị chìm khuất dưới trầm tích thời gian.
Bây giờ, hãy cùng nói về Trầm Tử Thiêng, một gương mặt đáng kể khác của âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20. Gần như bằng tuổi Cung Tiến, nhưng khởi sự sáng tác khá muộn, nên Trầm Tử Thiêng nổi danh vào khoảng cuối thập niên 60 - đầu thập niên 70. Ông không nằm trong số những nghệ sĩ Nam tiến, mà đã sống ở thôn quê miền Nam từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy mà khi nghe nhạc ông, ta ít thấy biểu hiện của niềm hoài nhớ như ở Cung Tiến.

Trầm Tử Thiêng là kiểu nhạc sĩ của thì tiếp diễn, tức hiện thực đời sống miền Nam, điều này làm ông thuộc về phía của những nhân vật không hoài niệm, mà tạo ra chất liệu cho hoài niệm như Trúc Phương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Minh Kỳ, Song Ngọc, Hoài Linh.
Ở Trầm Tử Thiêng có một đặc điểm khiến ông khác với nhiều nhân vật của nhạc thời trang đại chúng, đó là khả năng nhìn nhận các sự việc trong một chiều kích rộng lớn của thời gian để thấy toàn cảnh một câu chuyện (phải chăng đây là một hệ quả của việc khởi sự sáng tác muộn). Ta có thể thấy Chuyện một cây cầu đã gãy là câu chuyện của một chiếc cầu, Một đời áo mẹ áo em là câu chuyện về tấm áo, Kinh khổ là câu chuyện của đi và về trong cuộc chiến. Những câu chuyện của Trầm Tử Thiêng có đồ hình của những xoắn ốc thời gian. Từ đó, nó hé lộ một ý nghĩa bao la rộng lớn hơn nhiều bài hát thời thượng miền Nam còn đẫm mùi nước hoa của em gái hậu phương. Du Tử Lê cũng xác nhận điều này khi nói Trầm Tử Thiêng là "một trong số ít nhạc sĩ của chúng ta đã bắt được nhịp đập của trái tim thời sự, trái tim đất nước".
Chất nhạc của Trầm Tử Thiêng phong phú đa dạng, nhưng thuộc tính đáng kể là sự mộc mạc, chân phương, phảng phất hương đồng nội, mang dáng dấp đằm thắm dịu dàng của phong cảnh miền Nam. Ta thấy rõ ở Trộm nhìn nhauHương ca vô tận:



Xin được nói thêm là nhận định của tôi chủ yếu dựa trên trực cảm, không có tiêu chuẩn khảo luận. Mục tiêu của tôi hiện thời chỉ là trình ra những gương mặt văn nghệ để mọi người cùng chiêm ngưỡng, chứ tôi tự xét thấy mình chưa đủ năng lực để dựng lên một cấu trúc của hệ thống.
Tôi biết đến nhiều bài hát của Trầm Tử Thiêng trước, rồi sau đó mới tìm hiểu về ông. Phần lời của những bài hát này nhiều lần làm tôi xúc động vì sự đẹp đẽ của chúng.
Hát nữa đi Hương câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương.
Hát kể quê hương núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường.
Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông,
Thuyền ham đi nên nước còn trông mong.
(Hương ca vô tận)

Người về một ngày một lưa thưa
Người đi càng đêm càng đông dần
Từng dài âu lo. Từng đêm đợi chờ.
Mộng thật cam go, miễn là mai niềm đau thành nụ cười
(Kinh Khổ)

trăm cơn đau một vừng nhang khói
(Tưởng niệm)

Trong xót xa mắt nào đã khóc
Trong thiết tha môi nào đã hôn
(Một thời để nhớ)

Sự đăng đối của cấu tứ, sự mới mẻ trong kết hợp từ khiến tôi tin rằng Trầm Tử Thiêng rất xem trọng tính thơ của lời và có ý thức mạnh mẽ về sáng tạo ngôn từ.
Sau này ở hải ngoại, theo Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng là người sáng tác sung mãn nhất, phong phú nhất. Chính lúc này, ở Trầm Tử Thiêng ta mới bắt đầu thấy niềm hoài nhớ:

Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
Đường im nghe quá khứ chôn sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu
(Đêm nhớ về Sài Gòn)

Có thể nói, ông thuộc những người đặt nền móng cho âm nhạc diaspora. Ông cũng từng viết chung với Trúc Hồ ca khúc Cơn mưa hạ.
Những lời kể lại của người đồng thời về Trầm Tử Thiêng phác thảo cho ta thấy bức chân dung của một con người nghiêm khắc, tiết tháo, tự trọng, thâm trầm, có một thái độ chính trị rất dứt khoát, ghét những kiểu lập lờ. Ông "lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện" nên thần danh vọng hiếm khi xướng tên ông trước đại chúng.
Nghĩ về Trầm Tử Thiêng, tôi không khỏi liên tưởng đến một câu thoại nổi tiếng, khi James Gordon nói về Batman: "He's the hero Gotham deserves, but not the one it needs right now, so we'll hunt him".
05.03.20