"Họ mất ngày vì mong đợi đêm và đêm vì sợ bình minh."
Seneca
Tận hưởng một ngày yên bình
Tận hưởng một ngày yên bình
25/7/2018, sinh nhật 18 tuổi của tôi. Thức dậy vào giữa trưa, tôi vội cầm hai cuốn tiểu thuyết mới mua, lên sân thượng, nằm chụp choẹt. Tôi vẫn nhớ cảm giác khoan khoái, sự thư thái khi đó. Tôi giống như một chú mèo nằm thư thái dưới ánh nắng, nghỉ ngơi suốt một ngày. Không vướng bận áp lực thi cử, chẳng kỳ vọng quá nhiều vào kết quả tương lai, chỉ là tôi ở đó, tận hưởng một ngày yên bình với riêng mình. Và, buổi chiều không thể thường hơn đó, đã dạy cho tôi một điều, rằng sự bình yên không nhất thiết phải đến từ những thỏa mãn về vật chất hay danh vọng, rằng bản thân việc chúng ta chấp nhận chính mình mà gạt bỏ những âu lo cũng có thể mang lại hạnh phúc. Nhưng, dù có thế, "một chiếc lá chẳng thể làm nên mùa xuân"- một khoảnh khắc ngắn ngủi không thể hóa giải những cơn cuồng phong trong tâm trí tôi. "Tôi là ai? Tôi có vị trí thế nào trong cuộc đời này? Tại sao tôi lại tồn tại trong cuộc đời này? Tôi sẽ phải làm gì tiếp theo?" những câu hỏi như thế luôn dằn vặt tôi. Điều khiến tôi tuyệt vọng hơn cả là tôi không thể tìm được câu trả lời xác đáng trong suốt những năm tháng cấp 3. Tôi vẫn đang chờ đợi một câu trả lời xác đáng.

Triết học Marx

Từ một học kỳ tồi tệ
Từ một học kỳ tồi tệ
Mùng 6 tết năm 2019, tôi lần đầu biết tới Triết qua một tiết học trong trường. "Nhàm chán", "Lỗi thời", "Nặng lý thuyết", thậm chí "Không hiểu gì", "Không muốn nghe" là nhận xét mà số đông người quen của tôi dành cho triết. Lắng nghe những lời qua tiếng lại tiêu cực về Triết, tôi khi ấy có ác cảm không? Có lẽ là không, bởi tôi vừa trải qua một học kỳ đầu tiên rất tồi tệ, và bản thân tôi không mang bất cứ một kỳ vọng nào cho bản thân mình sau vài tháng đầu tơi tả. Đến mức, tôi chỉ đến lớp như một phản xạ có điều kiện để được điểm danh. Tôi đã không biết rằng, tiết học và khóa học Triết 1 hãi hùng với đa số sinh viên, sẽ trở thành môn học tôi yêu thích nhất thời đại học bởi tính thực tiễn mà nó đem lại. Triết học Marx- Lenin là phép phân tích, định hình lại thế giới xung quanh tôi. Triết học phân tách bản chất của thế giới, của cuộc sống, của con người. Chúng tôi được học và phân tích tìm hiểu từng yếu tố nhỏ định hình nên cuộc sống như vận động, phát triển, ý nghĩa của con người, sản xuất, lao động, từ hai phạm trù cụ thể là vật chất và ý thức. Đứng trước triết học, tôi như một đứa trẻ non nớt, thơ ngây, hăng say trước những điều mới mẻ, mừng rỡ khi có phát hiện mới. Niềm yêu thích học tập thuần túy nhất đã được khơi dậy trong tôi nhờ có sự xuất hiện của triết học.

Bản chất của thế giới

Trong quá trình tìm kiếm bản chất của thế giới, dường như tôi cũng tiến gần hơn đến bản chất của Triết học- chỉ ra những quy luật chung tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng, từ đó đưa ra những giải pháp và phương hướng đúng đắn, mang tính cốt lõi, giải quyết triệt để một vấn đề. Chính việc nhìn nhận một sự vật bằng hai quan điểm đối lập sẽ tạo nên những đột phá về tư duy. Tôi vẫn như in vào buổi học thứ tư, trong lúc tôi đang say mê lắng nghe, thầy giáo nói: “Cái bàn này đang tồn tại, nhưng cũng đang hao mòn đi.” “Đứng im cũng là đang mất đi”-một nhận định không thể chấp nhận được ở lối tư duy thông thường. Tôi bắt đầu tập nhìn nhận mọi sự vật bằng những góc nhìn khác nhau để nhìn thấu bản chất.
Con đường mới
Con đường mới
Thay đổi trong lối nhận thức dẫn tới hành động. Một cái cau mày ghen ghét, sự tỵ nạnh lẫn nhau, hay cả dấu chấm im lặng- những điều mà tôi của trước đó luôn nhìn nhận là sai trái bất kể hoàn cảnh, qua lăng kính triết học, được cắt nghĩa rõ ràng hơn bao giờ hết. Triết học đã dạy tôi biết đặt mình vào vị thế của người khác. Bất kể một hành động nào cũng nên được suy xét “giấy trắng mực đen” trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Và đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi một lỗi lầm nhỏ nhoi của cá nhân có thể trở thành vấn đề chỉ trích, tẩy chay của cả một nhóm người, thậm chí là cộng đồng, cách nhìn nhận này của Triết học càng trở nên thức thời hơn bao giờ hết. Có thể nói, những gì mà Triết học thời kỳ đầu đem đến cho tôi, không chỉ là điểm A+ đầu tiên ở đại học, mà còn là những bước đề cho thay đổi mang tính định hình chính con người tôi.

Bước nhảy

Vậy nhưng, Triết học đã, đang, và sẽ không bao giờ là khúc gỗ để tôi bám víu tạm thời trong khi bản thân còn “ngụp lặn” giữa cuộc đời khắc nghiệt này. Bản thân Triết học giống như một người bạn, người thầy hiền từ, nhiều kinh nghiệm đồng hành cùng tôi qua tháng năm, đưa cho tôi những câu hỏi, từng chút từng chút một thay đổi những sự sai lầm nơi tôi. Nhưng, người thầy, người bạn ấy sẽ chẳng thể thay đổi được tôi hoàn toàn nếu chính bản thân tôi chỉ “tin” mà không “làm”- không còn đặt câu hỏi và học tập, tìm hiểu. Bằng chứng là trong hai năm sau khi học môn Triết, ngoài thay đổi trong nhận thức và cách nhìn nhận người khác, bản thân tôi vẫn chưa thực sự tìm được sự bình thản trong tâm trí, để chấp nhận và yêu lấy bản thân mình.
Một lần nữa, tôi lạc lối
Một lần nữa, tôi lạc lối
Dường như trong tâm trí tôi, tiếng nói, lời khuyên, khát vọng tìm hiểu của người bạn Triết học đã bị lấn át bởi bộn bề phiền não, bởi dòng chảy của thực tại và hơn hết là sự chây ì của chính tôi. “Sao mày hứa mà chẳng làm được?” “Kém thế” “Đừng có lỳ cái mặt ra thế nữa, nhìn ghét lắm!”- những lời nói, dù không biết là vô tình hay cố ý, đã làm tổn thương cái tôi của tôi, đay nghiến tôi, và không một ngày nào trôi qua mà tôi không tự hỏi bản thân mình rằng liệu tôi có đáng sống không. Triết học không phải một phép màu, phép màu chỉ được tạo ra khi chúng ta thực sự mở lòng mình và sẵn sàng thay đổi bản thân của quá khứ. Với chủ nghĩa Marx, tôi đến được điểm chuyển giao đó nhưng chưa thể vượt qua.

Chủ nghĩa khắc kỷ

Khi lười nhác, bạn mất rất nhiều, còn khi vô tâm, bạn mất tất cả.
Chủ nghĩa Khắc kỷ đến như chiếc đòn bẩy đưa tôi đến sự lột xác. Không lý thuyết như chủ nghĩa Marx, cũng không khúc chiết như đạo Khổng, Chủ nghĩa Khắc kỷ là tập hợp những lời răn dạy về mọi lĩnh vực đời sống. Nói cách khác, thay vì đưa cho độc giả lý luận mang tính bao quát để ta tự đúc rút, kiến thức của các triết gia Chủ nghĩa Khắc Kỷ đi cụ thể vào từng trường hợp trong đời sống. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời La Mã, Chủ nghĩa Khắc Kỷ được coi như một môn phái, được giảng dạy ở các học viện. Trong quá trình đọc, tìm hiểu và áp dụng Chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi như một học sinh chăm chú lắng nghe những lời chỉ bảo bởi tôi biết mình rất cần chính sự chi tiết, tỉ mỉ trong diễn giải lý luận. Sự xuất hiện của Chủ nghĩa khắc kỷ, cộng hưởng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, xét về mặt tích cực, đem cho tôi thời gian để nhìn lại bản thân mình và thay đổi quan điểm sống.
"Thật vậy, khi thức dậy vào buổi sáng, thay vì lười nhác nằm trên giường, chúng ta nên tự nhủ rằng chúng ta phải dậy để làm công việc chân chính của con người, công việc mà chúng ta được tạo ra để thực hiện."
Đối với tôi, trọng tâm của Chủ nghĩa Khắc kỷ được đặt ở Bổn phận con người. Các nhà Khắc kỷ dạy ta biết trân quý sự sống, sự tồn tại của chính chúng ta- là ta trong cõi đời này. Chúng ta sống không phải chỉ vì đeo đuổi thành công, danh vọng, hay trông chờ vào hạnh phúc và may mắn trong ngẫu nhiên. Chúng ta sống vì bổn phận của chính chúng ta- sống đúng đắn, sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống cho ra một con người biết nhận thức. "Thức tỉnh" là từ tôi muốn dành cho tư tưởng này, bởi lần đầu tiên trong đời, ở tuổi 21, tôi hiểu được lý do tại sao mình tồn tại, mình nên đối mặt với cuộc sống này với một thái độ như thế nào. Đây là sự thay đổi mang tính bản chất, là bước nhảy vọt mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu.
Đó là bổn phận của một con người.
Đó là bổn phận của một con người.
Một khi đã có được sự thay đổi mang tính bước ngoặt, khi mà tôi đã thực sự gắn được Chủ nghĩa Khắc kỷ vào đời mình, thì việc thực hiện, củng cố tư tưởng ấy không còn là công cuộc quá gian nan nữa. Đó là từ những việc nhỏ nhặt như dần chấp nhận sự thất bại phút chót dù đã chuẩn bị và thực hiện hết sức (một trải nghiệm mới đây của tôi), là yêu thương gia đình hơn, là nhìn ra những hỉ nộ ái ố của cuộc đời như cơ hội để mình trải nghiệm . Và, rộng lớn hơn, đó là quyết tâm muốn "phát triển bền vững"- muốn đầu tư công sức, thời gian vào thực hiện mục tiêu lâu dài. Tôi không còn sợ hãi khi nói về đam mê hay lí tưởng nữa. Hơn cả thành công, điều tôi theo đuổi thực sự là ước vọng được sống đúng với chính bản thân mình, sống không hối tiếc ngay trong hiện tại.

Trái tim dũng cảm

Triết học đã thay đổi em. Sau tất cả, em sẽ thôi hoài nghi: "Em đã sống đúng chưa?" mà thay vào đó sẽ là hi vọng: "Em sẽ tiếp tục sống để tìm kiếm một em trọn vẹn hơn."
"À, rốt cuộc là thế..."- Đó là cảm giác sảng khoái đó khi tôi thực sự lĩnh hội được một kiến thức thú vị mà liên quan trực tiếp tới cuộc sống của bạn. Triết học gắn kết bộ não và đôi tay tôi, thúc đẩy tôi thực hiện, kiên định tiến về phía trước.
Dù có là Triết học Marx, Chủ nghĩa Khắc kỷ, Đạo Khổng, hay mới đây tôi mới tìm hiểu là Tư tưởng nhân nghĩa (Nguyễn Trãi) thì Triết học vẫn luôn như thế- khúc chiết, sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, của từng giai đoạn lịch sử. Chính quá trình tìm hiểu đa dạng các Vấn đề Triết học khác nhau, ở những bối cảnh khác nhau, giúp tôi phát triển tư duy phản biện- điều mà rất hiếm khi mình được học ở trường lớp.
Sau 3 năm, nhờ sự xuất hiện của Triết học, tôi đã ngừng hoài nghi về bản thân mình. Và, trong tôi, có một trái tim dũng cảm đang tiếp tục cuộc hành trình ấy. Như lời Nam Cao từng viết: “Nhắm mắt không phải là can đảm, cũng không phải là một phương sách tốt. Cố quên cũng không phải một phương sách tốt. Sự tìm tòi, sự suy nghĩ sẽ khiến cho nhân loại dần dần hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ vạch ra những con đường, sẽ chỉ rõ người ta phải làm thế nào…”.
Viết cho những ngày tuổi trẻ
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2021