Sáng nay dậy đọc được bài của bạn Bảo Phúc Liệu thế giới có trở nên tàn nhẫn. Lời thỉnh cầu của 1 người trưởng thành, đúng lúc vừa đọc xong thì thằng ku con mình cũng đang nghe bài Phép lạ hàng ngày của Mầm Chồi Lá, thấy bài hát cho trẻ con đơn giản mà có câu hay quá: “Phép lạ hàng ngày, thần tiên giấu trong đôi bàn tay”. Thế nên nhân dịp bạn Phúc đang còn trăn trở cuộc sống, mình lấy ý tưởng “bàn tay” để có mấy điều gửi gắm như sau.
Đầu tiên mình cũng phải nói rằng, mình rất đồng cảm với những suy nghĩ và trăn trở của Phúc. Chính bản thân mình cũng đã từng trải qua những cảm giác ở trong bài cách đây 7,8 năm trước. Bây giờ ở độ tuổi 30, mình cũng có một số góc nhìn, hi vọng có thể giúp được các bạn cũng đang gặp phải những khó khăn như Phúc:
1. Điều đầu tiên về việc chấp nhận thất bại. Mình nghĩ rằng chuyện thất bại là hết sức bình thường trong cuộc sống. Có lẽ do chúng ta gặp quá nhiều câu chuyện thành công trên mạng xã hội, và chúng ta bị ám ảnh bởi việc nhìn những tấm gương hào nhoáng đó, dẫn đến việc chúng ta có 1 áp lực vô hình là “phải thành công”. Tuy nhiên, mình gặp những người giỏi, những người làm ở những vị trí cấp cao trong các công ty lớn cũng nhận thấy họ không phải làm chuyện gì cũng thành công 100%. Bản thân họ cũng phải trải qua những lúc làm đi làm lại 1 file vài lần cũng không đạt ý sếp, rồi trình bày lên vẫn bị sếp nói cho té tát. 
Mình đi dạy ACCA và gặp một tình trạng cũng thường xuyên, đó là lớp đi học 20 bạn thì chỉ có 5-6 bạn thi luôn, còn lại thì các bạn đợi sau 1,2 kỳ mới dám thi tiếp. Lý do được đưa ra là sợ thi bị trượt nên không dám thi ngay. Cũng đã nhiều bạn mình thuyết phục nhiều lần thì đã tự tin đăng ký thi, và kết quả thì đều ổn cả. Các bạn đó sau khi thi xong cũng tâm sự với mình rằng thực ra kỳ thi không đến nỗi đáng sợ như các bạn ấy tưởng tượng. 1 trường hợp rất tuyệt vời là có 1 bạn học sinh đã rất nhút nhát và thiếu tự tin khi học môn Kiểm toán (F8) của mình, nhưng cuối cùng bạn ấy vẫn tự tin thi, và đến cuối năm vừa rồi thì còn báo được trúng tuyển thực tập của 2 công ty kiểm toán top 10 Việt Nam nữa.
Thế nên mình nghĩ ở sinh viên rồi những năm tháng đầu đời đi làm, việc va chạm với thất bại là điều nên có, nên được trải nghiệm qua. Những điều đó sẽ giúp mọi người nhìn nhận cuộc sống đúng với thực tế của nó hơn để sau này binh tĩnh đón nhận những thất bại khác nữa.
2. Nhật ký là 1 điều rất tốt. Mình bắt đầu duy trì viết nhật ký từ năm ngoái, năm mà mình 29 tuổi. Ngoài việc kể lại xem 1 ngày mình làm gì, mình còn ghi thêm mình nghĩ gì, muốn làm gì, những điều gì lẽ ra phải làm, dự định trong tương lai và cả những cảm xúc của mình về 1 chuyện gì đó. Có những hôm rất chán, mình cũng ghi lại cả những cảm xúc đó vào sổ. Có những hôm vui, mình cũng viết vào mình vui như nào, mình vui vì điều gì. Việc ghi lại nhật ký giúp mình giải tỏa những áp lực mà mình đang gặp phải, và khi viết ra thì những suy nghĩ của mình cũng rành mạch ra rất nhiều. Ngoài ra còn có 1 cái rất hay, ấy là sau vài tháng khi mình đọc lại những điều mình viết mình mới thấy: “Sao hồi đó có mỗi chuyện nhỏ này mà phải nghĩ ngợi nhỉ. Đến bây giờ thì nó ổn rồi mà”. Chính những điều đó giúp mình rất nhiều trong việc luôn duy trì một tâm trạng tích cực và lạc quan. Bạn hãy thử mua 1 cuốn sổ thật đẹp (cho có hứng), duy trì viết hàng ngày dù chỉ vài dòng thôi, và thử xem 1 tháng sau bạn thấy thế nào nhé.
3. Cảm giác “ăn hại” là không thể tránh khỏi. Sẽ có những lúc cảm thấy như vậy. Khi đó, hãy làm những điều rất nhỏ để thấy mình có ích hơn. Ngủ dậy gấp chăn màn thật gọn, quét nhà thật sạch, rửa bát sao cho vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm thời gian, rồi giặt quần áo, lau dọn nhà. Mình tin rằng những việc này thì ai cũng làm được, và khi làm những việc nhỏ này, nó sẽ cho các bạn cảm giác hoàn thành một việc gì đó để giúp các bạn từng bước lấy lại sự tự tin. Có những hôm mình đi làm về cực kỳ áp lực, cảm giác làm gì cũng dang dở không xong. Những ngày đó mình thường tranh rửa bát với vợ mình, và thực sự khi nhìn những chiếc bát sạch sẽ úp lên rổ bát, tâm trạng mình khá hơn rất nhiều.
4. Nếu chưa làm được cái gì lớn lao như khởi nghiệp, vận hành công ty, hay đi làm công ty nước ngoài, thì có thể làm những cái gì nhỏ và hãy thật thành thục với nó. Có người thì dạy excel, người thì dạy trang điểm, hoặc mình thì biết những bạn còn coach gym online được nữa. Trong 1 thời đại mà có quá nhiều thứ để học, nhưng lại ít có những người có khả năng dạy một cách hay và dễ hiểu thì việc các bạn có thể dùng chính những điều yêu thích của mình để có thể kiếm thêm thu nhập từ đó là điều hoàn toán có thể xảy ra. Mình học được điều này từ quyển sách So good that they can’t ignore you của Cal Newport. Bản thân mình từ việc rất thích mấy môn học trong chương trình ACCA, sau đó tìm hiểu, nghiền ngẫm và bây giờ mình đi dạy 2 môn học chuyên về Kế toán quản trị trong đó, và ngoài ra mình còn làm người hướng dẫn, định hướng cho những ai mong muốn theo đuổi ACCA và những ai có ý định tự học ACCA nữa.
5. Có những người bạn thân, nhưng cũng phải tiếp xúc nhiều với cả những người cùng chí hướng với mình nữa. Khi mình mới bắt đầu tập chạy Marathon, mình chạy rất yếu, nhưng khi tham gia 1 nhóm chạy ở Linh Đàm, thành tích mình lên rất nhanh và mình cũng dần dần làm quen với những người giỏi hơn, những người chăm chạy hơn mình. Như Phúc cũng đã đề cập trong bài về việc tham gia các nhóm học nhưng không học được nhiều. Quan điểm của mình cho rằng, các group sẽ giúp ích khi bạn phải là người học chủ động. Ví dụ như khi tìm hiểu một vấn đề gì đó, hãy tìm hiểu một cách tối đa, trình bày các quan điểm của mình, sau đó đưa lên xem mọi người có những ý kiến gì. Điều này cũng rất đúng nếu đi học/đi làm/đi tham dự hội thảo…Mentor/Các sếp không phải không nhiệt tình đâu, nhưng mọi người sẽ rất thích khi người học chủ động tìm hiểu chứ k phải quăng lên 1 câu hỏi để đó. Mình đi làm, sếp hay hỏi: Vậy em nghĩ gì trong case này, giải pháp của em là gì. Mặc dù sếp có sẵn đáp án rồi, nhưng việc hỏi như vậy cũng giúp nhân viên có được tư duy giải quyết vấn đề - 1 kỹ năng rất quan trọng trong thời đại máy móc có thể thay thế rất nhiều công việc của con người. 
6. Mình nghĩ rằng 1 phần khó khăn/áp lực chúng ta gặp phải đến từ tài chính cá nhân. Nhiều bạn không có được kỹ năng quản lý vấn đề này. Nếu chưa có được thu nhập ngay, hãy nhờ đến những sự trợ giúp từ người thân, bạn bè. Song song với đó, cắt giảm chi tiêu của mình ở ngưỡng hợp lý nhất. Tự nấu ăn/tự tập thể dục, hạn chế mua sắm đồ xa xỉ, tập trung vào những món hàng có thể tạo ra giá trị lâu dài như sách/khóa học. Ngoài ra, nếu ở bước 4 bạn làm đủ tốt rồi, có thể có thêm thu nhập từ đó.
7. Duy trì việc học chứ không nên dừng lại khi tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng. Ngoài lợi ích trong công việc thì việc học tập suốt đời (lifelong learning) còn giúp mình cảm thấy tiến bộ hơn mỗi ngày. Khi gặp một việc khó, mình cũng nhớ đến 1 chia sẻ rất hay của bạn Scarlett, đó là do mình chưa dành đủ thời gian thôi, và mình lại có niềm tin hơn về việc cố gắng thì sẽ có thành quả. May mắn rằng thời gian đã chứng minh những gì mình nghĩ là đúng.
8. Cuối cùng, mình chia sẻ lại 1 video mình đã xem cách đây 5,6 năm, ngày hôm qua vô tình xem lại và vẫn nguyên vẹ cảm giác như ban đầu. Cuộc sống vốn đơn giản mà, chỉ có chúng ta nhìn nhận theo cách nó phức tạp hơn thôi. Ở độ tuổi 30 này, mình nhận thấy điều đó hoàn toàn chính xác.