Em ơi, đừng khóc
Một ngày mùa hè năm 2008, có một con bé chuẩn bị bước vào tuổi 16 nhận được thông báo trượt chuyên Toán - Tin của trường X. Trường...
Một ngày mùa hè năm 2008, có một con bé chuẩn bị bước vào tuổi 16 nhận được thông báo trượt chuyên Toán - Tin của trường X.
Trường X là một ngôi trường cấp 3 "khủng" của cả nước, từ lâu vốn được mệnh danh là cái lò đào tạo "siêu nhân" trong các kỳ thi Quốc gia, Quốc tế. Nghe nói đã học ở đây thì ai cũng sở hữu một bộ não siêu phàm, tương lai vô cùng triển vọng.
Cả gia đình đã kịp biết tin con bé trượt trường chuyên. Giữa trưa hè oi ả, con bé đi ra khỏi nhà, leo lên bức tường bê tông chắn giữa sân nhà nó và nhà bên cạnh để nằm ở trên đấy. Ngửa mặt lên trời, khóc.
Lúc đấy, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Trời quá đẹp nhưng lòng người thì quá buồn.
Con bé đấy là tôi.
Cái khoảnh khắc từ hơn chục năm về trước bỗng nhiên lại hiện ra rõ nét trong tâm trí tôi, khi mà mấy hôm nay tôi nhìn thấy những bức ảnh như thế này:
Cảm nhận đầu tiên của tôi là xúc động. Xúc động bởi vì nhìn thấy hình ảnh của mình một thời ở đấy: trẻ con, đơn giản, dễ chảy nước mắt.
Hoặc ở một tầng sâu tâm lý hơn thì là: tâm hồn mong manh, sợ bị chê kém cỏi, sợ tốn tiền bố mẹ đầu tư cho đi học rồi không đạt kỳ vọng.
Thế rồi tôi nhìn thấy một vài người lớn viết bài chia sẻ rằng: Ai đã khiến cho các em mới ở độ tuổi 15, 16 kia phải khóc? Tại sao thi cử bây giờ lại áp lực trẻ con khủng khiếp đến như vậy? Những lãnh đạo của ngành Giáo dục, họ đã ở đâu và làm gì lũ trẻ con thế này?
Người ta tính ra rằng có một con số rất lớn những em học sinh này sẽ không có cơ hội bước chân vào một trường THPT công lập nào cả, đơn giản bởi vì không đủ trường công cho từng đó em. Ví dụ như ở Hà Nội, sẽ có khoảng hơn 18 ngàn em không vào được trường công. Con số này ở TP. HCM rơi vào khoảng gần 13 ngàn em.
Khi đọc những bài viết này, tôi cảm thấy có gì đó không ổn.
Tôi không chỉ trích quan điểm của họ, vì tôi nghĩ mỗi người nên được quyền bày tỏ quan điểm của bản thân. Nhưng tôi nghĩ họ đã đặt ra sai câu hỏi.
"Ai là người chịu trách nhiệm?"—tôi nghĩ câu hỏi này không giải quyết được vấn đề bản chất của giáo dục Việt Nam hiện tại. Bởi vì dù người ta cứ đổi hết hình thức thi này đến hình thức thi nọ, sửa hết bộ chữ này đến bộ chữ kia, cải cách sách giáo khoa liên tục, thì vẫn không làm cho giáo dục hết tiêu cực và trẻ con được hưởng một môi trường phát triển toàn diện hơn, tôn trọng sự khác biệt hơn.
Tôi nghĩ câu hỏi nên đặt ra ở đây là: "Làm sao để giúp các em hình dung ra, và lựa chọn được một viễn cảnh tương lai phù hợp nhất đối với mình?"
Tương lai có thể có nhiều nghĩa, đấy là tương lai xa và tương lai gần.
Tương lai gần với một em học sinh cuối cấp 15, 16 tuổi có thể là mình sẽ tiếp tục theo đuổi trường THPT công lập, hay là đi vào một trường nghề, hay là rẽ sang một lĩnh vực nghệ thuật/thể thao cần đào tạo đặc thù hơn? Rõ ràng các trường nghề hay các trường nghệ thuật/thể thao đặc thù cũng được mở ra để phục vụ một bộ phận "khách hàng" nhất định có nhu cầu đấy chứ. Nếu như 100% ai cũng muốn/có nhu cầu vào trường công lập giống y đúc nhau thì đâu cần tồn tại những mô hình mới như vừa nêu?
Tương lai xa của các em có thể là mình muốn trở thành ai sau khi ra đời, mình có thể tạo ra giá trị tăng thêm gì cho xã hội, để từ đó có thể kiếm được thu nhập như mong muốn và nhu cầu của bản thân? Tương lai xa đó không nhất thiết phải bó hẹp vào trong một ngành nghề hiện có sẵn trong xã hội.
Sau này tôi mới nhận ra điều thực sự đáng buồn của tôi phiên bản 16 tuổi khi xưa không phải là chuyện thi trượt chuyên Toán - Tin. Điều đáng buồn thật ra là:
1/ Mình cứ cố gắng theo đuổi một mục tiêu mà thực ra mình không thực sự quá đam mê, không có đủ nhiều năng khiếu, và không quá phù hợp—nói chung là không "hiểu mình". Năng lực Toán - Tin của tôi khi ấy ở mức giỏi so với đại trà, nhưng chưa phải là mức xuất sắc, càng không phải ở mức để đem đi "gà chọi" trong các cuộc thi này-nọ-kia.
2/ Mình đã tốn thời gian dằn vặt thất bại của bản thân cho dù đã cố gắng hết sức; thay vì tự tin đi tìm một con đường hợp lý hơn.
Nhưng tôi 16 tuổi khi ấy không đáng trách, bởi vì thế giới của tôi khi đó chỉ là gia đình, trường học và sách vở. Thế giới đó quá nhỏ bé để cho tôi có thể hiểu rằng một sai lầm không thể đánh giá tiềm năng của một con người, và biết được rằng bất kỳ ai cũng sẽ có khả năng tìm thấy một lĩnh vực gì đó họ làm tốt.
Tôi nghĩ có nhiều khả năng em gái đang khóc trong tấm hình, cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa của em ở khắp Việt Nam trong suốt vài ngày qua thực ra cũng không hiểu rõ bức tranh tổng thể của câu chuyện "thi vào cấp 3" này. Em có thể đã không hiểu rõ ngôi trường em thi vào đóng vai trò gì với tương lai của mình những năm về sau. Hoặc sâu xa hơn là hiểu bản thân mình muốn gì, hay điều mình muốn chỉ là điều bạn bè mình muốn, bố mẹ mình muốn, xã hội muốn.
Với tầm hiểu biết hạn hẹp của bản thân, tôi cho rằng các em cần những sự giúp đỡ để định hướng cuộc sống ngay từ giai đoạn 15, 16 tuổi. Và nhà trường hay gia đình hay toàn xã hội, thay vì tìm kiếm nhân vật nào "chịu trách nhiệm" để đổ lỗi, có thể giúp các em bằng cách:
- Mở rộng sự hiểu biết của các em về thế giới thông qua những người đi trước: Cho các em cơ hội gặp gỡ những người lớn tuổi hơn đã có trải nghiệm trong những lĩnh vực nhất định, nghe họ chia sẻ về công việc đó cũng như triển vọng của những lĩnh vực mới có tiềm năng xuất hiện trong tương lai. Cùng ý tưởng này có bài viết của bạn Huskywannafly, và tôi rất thích bài viết này.
Bản thân ở Spiderum chúng tôi cũng đang tạo ra những sự kiện offline chia sẻ kinh nghiệm như vậy cho các bạn quan tâm tới những lĩnh vực nghề cụ thể. Chuỗi chương trình mà chúng tôi đang ấp ủ trong năm nay là Nghề chọn Người hay Người chọn Nghề?, với hi vọng sẽ đem tới nhiều mảng "thế giới ngoài kia" đa chiều và nhiều màu sắc hơn cho những em/những bạn quan tâm.
- Trao cơ hội để thử trải nghiệm ở một vài lĩnh vực mà các em nghĩ là mình thích: Thích trồng cây thì đi làm vườn, thích chữa bệnh thì đi thực tập tại bệnh viện, thích dạy học thì vào trợ giảng... Thực ra những hoạt động này có vẻ na ná những chương trình thực tập sinh (internship), nhưng hiện tại ở Việt Nam tôi thấy đa số chương trình thực tập mới dành cho sinh viên, hoặc là ở quy mô nhỏ tại những trường Quốc tế với chi phí cao. Trong khi đó đúng ra ở tầm học sinh cuối cấp 2, đầu cấp 3 là đã có thể cho đi trải nghiệm rồi.
Có thể các em ngộ nhận về lĩnh vực mà mình thích, điều đó là hoàn toàn bình thường. (Đến ngay bản thân tôi đến khi đã "to đầu" vẫn còn ôm mộng tương đối... hão huyền về một tỉ thứ mình thích, từ việc trở thành MC truyền hình cho đến việc tham gia sản xuất một bộ phim hoạt hình). Nhưng tôi nghĩ rằng việc hiểu nhầm bản thân là chuyện rất đương nhiên mà ai cũng gặp phải. Nếu không có trải nghiệm thực tế, sẽ rất khó để biết mình thực sự phù hợp với cái gì, và rất khó để ước lượng được sức bền của mình với ngành nghề/lĩnh vực nào đó cụ thể.
Bố tôi có một xưởng sửa chữa xe hơi. Ông nói đã hai tháng nay không thể tìm được một thợ học việc nào phù hợp, dù sẵn sàng trả khởi điểm mức 6 - 10 triệu đồng - không yêu cầu kinh nghiệm, miễn là kiên trì học hỏi. Các bạn đến học việc được một thời gian ngắn thì đều cảm thấy công việc "khó", muốn làm ở những nơi an nhàn hơn. Ông nói thực sự thị trường việc làm bây giờ vẫn quá khát nhân lực thợ có tay nghề, trong khi nhân sự mới tốt nghiệp thì lại vẫn "ế" chỏng chơ và nghĩ rằng mình phải làm sếp. Có lẽ không chỉ những em cấp 2, cấp 3, mà ngay cả những bạn sinh viên đã ra trường cũng không nắm được một điều cơ bản là: Mọi thứ đều cần thời gian, và ở cương vị khởi đầu thì chúng ta cần một chút kiên trì. (*)
Quay lại câu chuyện trải nghiệm, rõ ràng nếu không có những thử nghiệm thì các em không thể hiểu rằng bất kỳ công việc gì cũng sẽ phải trải qua nhiều khó khăn và trăn trở. Nhưng sau những trăn trở đó, các em sẽ học được rằng cần rất nhiều sự kiên trì để theo đuổi một con đường đã chọn, và còn cần phải hi sinh rất nhiều nữa để có thể trở thành người xuất sắc ở trong một công việc cụ thể, dù là bất kỳ nghề nào.
- Được tôn trọng thông qua đối thoại: Đặt ra các câu hỏi "nên hỏi" và để các em đi kiếm tìm câu trả lời. Tôi nghĩ các em có khả năng tìm được câu trả lời tốt cho bản thân mình với sự hỗ trợ của mạng lưới những người đi trước & công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay. Nhưng cái các em cần là được gợi ý những câu hỏi chuẩn xác và nghiêm túc về tương lai; thay vì tự hỏi thi đỗ vào trường cấp 3 thì nên đòi bố mẹ mua cho iPhone/túi xách hàng hiệu gì...
Cụ thể hơn cho 3 điểm nêu trên, giải pháp tôi nghĩ đến có thể là những lớp học, những khoá học, những ngôi trường "đặc biệt" mà trong đó học sinh có thể được dạy "cách học" & "cách tư duy". Có thể quy mô và cách vận hành của trường học truyền thống sẽ khó để thực thi những điều nói trên, bởi vì thay đổi cả hệ thống cũ cồng kềnh là điều không đơn giản và một sớm một chiều được. Bản thân nhiều gia đình mà cụ thể là cha mẹ của các em cũng không chắc đã hiểu được những năng lực, thiên hướng của con cái mình, hoặc đủ kiên nhẫn và thời gian để khai thác những khía cạnh đó rồi tư vấn cho con. Nhưng tạo ra những cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo và định hướng chuyên biệt để thực hiện những chức năng này thì tôi nghĩ là khả thi. Những cơ sở này sẽ dần dần thay đổi "tư duy" dạy & học của các trường công lập truyền thống, cũng như "tư duy" của các phụ huynh. Ví dụ, các trường công lập trong ngắn hạn có thể đưa ra những chương trình liên kết với các cơ sở này để tích hợp mảng đào tạo/trải nghiệm thực tế hữu ích này. Còn các bậc phụ huynh thì trước tiên có thể học cách lắng nghe con cái nhiều hơn thay vì đưa ra định hướng cho mọi vấn đề từ A - Z.
Một khó khăn nhìn thấy được của mô hình này theo tôi là vấn đề chi phí, tức là học phí cho những cơ sở như vậy ban đầu sẽ không thấp. Nhưng dù sao thì lĩnh vực gì cũng cần có sự khởi đầu. Một vài mô hình mà tôi khá thích là chương trình học bổng của Vietseeds foundation (**) hay là chương trình đào tạo của Point Avenue (***).
Với bản thân tôi thì dù ý tưởng nêu trên cũng chưa thực sự hoàn chỉnh, tôi nghĩ rằng đó là một vài hành động cụ thể và ý nghĩa hơn là cứ mỗi mùa thi đến, ta lại buồn và thương cho các em khi phải chạy đua trên cùng một đường đua khốc liệt. Mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu các em biết rõ rằng mỗi người có một con đường riêng (dù về cơ bản sẽ có một số yếu tố chung), và lạc quan hướng tới cái đích cần đến thay vì đau khổ bởi một vài chướng ngại trên đường đi. Tôi hi vọng các bạn quan tâm sẽ bình luận ở dưới bài viết này những ý tưởng mà các bạn cho là khả thi.
Với em gái trong tấm ảnh, tôi muốn nói với em là: Em ơi, đừng khóc, dù vẫn biết khóc chẳng có gì là đáng xấu hổ hết. Nhưng khóc là việc dễ nhất trần đời rồi, việc khó hơn là vượt qua sự hoang mang của bản thân, vượt qua những lời dị nghị hay so sánh, vượt qua "công thức chung" về thành công của mọi người xung quanh để tiếp tục đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhất cho mình.
Việc khó hơn nữa là biết mình phù hợp với điều gì, và xứng đáng với điều gì.
Chỉ xét riêng trong phạm vi cuộc thi này thôi, nếu em đã cố gắng hết sức nhưng cũng chưa làm tốt như kỳ vọng thì hãy hiểu là việc học và thi không được thiết kế dành cho tất cả mọi người. Còn nếu em đã mải chơi suốt vài năm học vừa rồi, và đến hôm nay không làm được bài, thì cũng chẳng có lý do để khóc, bởi vì em đâu có xác định lựa chọn cơ hội này ngay từ đầu? (Và cho dù em có mải chơi đi chăng nữa thì tôi cũng không nghĩ là em là "đồ bỏ", bởi vì đam mê "chơi" ấy của em chỉ cần không phạm pháp, sau này nó cũng có thể trở thành một công việc nếu em đủ nghiêm túc).
Tôi viết bài này cũng là để dành tặng cho em trai tôi, người chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại học năm nay. Tôi nghĩ em là một trong những thiếu niên đặc biệt ở độ tuổi của em với nhiều tiềm năng hơn em tưởng. Nhưng dù cuộc thi sắp tới kết quả có như kỳ vọng hay không, tôi mong em tôi sẽ hiểu rằng mục đích thực sự của việc đi học bất kỳ ngôi trường nào cũng là để trưởng thành, để nên người, và để sống hạnh phúc. Đây là bài học mà tôi - một đứa từ nhỏ đến lớn luôn mang tinh thần ganh đua để đạt điểm số cao nhất lớp - đã rút ra sau hơn 2 mươi mấy cái nồi bánh chưng.
À quên, cho những bạn nào băn khoăn về kết cục của con bé "tôi" phiên bản 2008, thì sau khi trượt chuyên Toán - Tin của trường X, tôi đã đỗ vào chuyên Anh của trường Y. Tuổi trẻ của tôi tính đến thời điểm này có nhiều lần cũng "thi trượt", nhưng ít nhất tôi đánh giá bản thân mình đã bắt đầu hiểu rõ mục đích cuộc đời, và kiên định với những mục tiêu ngắn hạn đặt ra. Tôi rất tầm thường so với nhiều bạn bè cùng trang lứa (vâng, dù đỗ trường chuyên Y và có bằng xuất sắc một trường Đại học top đầu Việt Nam thì cũng chỉ tầm thường thôi các bạn ạ); nhưng tôi nghĩ mình đã có một bước tiến quan trọng là hiểu rõ bản thân mình, và đã biết ngừng so sánh chính mình với người khác.
Chúc các bạn ngày một trưởng thành và hiểu rõ chính mình.
(*) Nhân đây nếu có bạn nào đang theo học ngành cơ khí ô tô mà quan tâm, và dám thử việc làm "thợ", tôi rất vui nếu bạn liên hệ cho công việc ở chỗ của bố tôi vì ông vẫn đang tuyển người.
(**) Vietseeds là quỹ học bổng chu cấp học phí & sinh hoạt phí tối thiểu cho các bạn học sinh có mong muốn học lên Đại học nhưng hoàn cảnh khó khăn. Tất nhiên bạn phải chứng tỏ được là mình rất có nghị lực nữa. Nếu bạn nào cần khoản học bổng này, tôi cực kỳ khuyên các bạn nên nộp đơn ứng tuyển vì bên cạnh tiền thì theo tôi được biết họ còn cung cấp các khoá dạy kỹ năng cũng như có những anh chị huấn luyện (mentor) có tâm nữa.
(***) Point Avenue là một công ty giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp theo nhiều lứa tuổi, với rất nhiều kỹ năng thú vị như Viết, Nói trước công chúng & Huấn luyện cuộc sống... và sắp tới sẽ có những hợp tác với Spiderum.
Một phút quảng cáo: Spiderum team đã chính thức mở pre-order cho cuốn sách "Du học ký: Vạn dặm có chi?", một sản phẩm mà mình tin là đem lại nhiều những góc nhìn cả về du học lẫn cuộc sống:
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về dự án tại đây.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất