Lời tựa
 Viết là cốc-tai trông có vẻ "quê quê", và lúc nói chuyện, nếu phát âm là /cốc-tai/ thay vì /ˈkɒk.teɪl/ thì nghe cũng thật "kém đẳng cấp", nhỉ?
 Nhưng sự thật là, sau một năm bắt đầu viết lách công khai xen lẫn nghiêm túc để nhận phản hồi từ anh chị bạn bè tứ miền, thay đổi lớn nhất mình có được là ý thức về "sự trong sáng của tiếng Việt". Mình (cố gắng) không đơm tiếng Anh trong câu nói hàng ngày lẫn khi viết bài. Vậy, nếu cậu thấy "cốc-tai" nom có vẻ buồn cười thì thông cảm nhé, quê mùa hay dởm đời thì vẫn là tiếng mẹ đẻ mà.
---

Quay lại chuyện Trà đạo hay Cốc-tai,
câu hỏi này chạy xoẹt qua đầu khi mình đang chôn chân ở quán rượu (hay còn gọi là pub), lần đầu tiên, xung quanh tràn ngập tiếng nhạc xập xình.
Mình không nghĩ ai đó có thể khóc hoặc buồn trong không gian này nữa. Thứ âm thanh hỗn độn với thứ nhạc này như được thiết kế để kích thích sự phấn khởi/ hưng phấn trong con người vậy, nếu không nói là dục vọng. Đi kèm với thứ âm thanh ấy là ánh đèn vàng, pha chút nâu, trộn chút đỏ. Tất cả hiện lên một cách mập mờ. Ánh sáng như phủ lên gương mặt những nam thanh nữ tú chiếc mạng che mặt của phụ nữ Ấn Độ vậy, đủ khiến ai nấy đều bí ẩn, "quyến rũ" (qua đôi mắt cận của mình).
 Mình vốn thích ánh đèn vàng, và cực ghét ánh đèn/ ánh sáng trắng. Lý giải theo cách của Taylor Swift thì "Everyone looks worse in the light" (có ánh sáng chiếu vào, trông mọi người còn tệ hơn). Ví von một chút thì ánh sáng vàng (bao gồm cả đèn và hoàng hôn) như mật ngọt kết nối mọi người, còn ánh sáng trắng (bao gồm cả nắng và đèn) như gáo nước lạnh khuyến khích người ta dành thời gian một mình gột rửa tâm hồn...

78424933_732085693970074_202993228289409024_o

 Ảnh mạng, quán Gallery. Tiếc là hôm đó đông nên mấy đứa mình qua quán khác, cơ mà vẫn được gửi xe miễn phí vì bảo là khách Gallery^^
---
Trở lại chủ đề quán rượu.
Với trải nghiệm ngắn ngủi (hai tiếng đồng hồ) của mình thì quán rượu (pub) có vẻ là một nơi khá văn minh đấy chứ. Ừ thì nhạc xập xình, đèn mập mờ, nhưng không phải để nhảy với thác loạn như quán ba. Không gian ở đó nhỏ và ấm cúng thôi, mọi người có thể đứng, ngồi, đôi khi là đung đưa hay gật gù (nhẹ) theo nhạc, tận hưởng cái không gian và không khí rất ngọt, rất "tình". Họ nói chuyện, hỏi thăm bạn bè, hoặc tán tỉnh.
Quán rượu như một nơi công cộng, nhưng cũng rất riêng tư. Những người mình trông thấy đều hành xử lịch sự và nhã nhặn. Cái thứ ánh sáng với không gian này còn gây cho người ta cảm giác kín đáo, an toàn mà từ ngữ không miêu tả nổi.
Cùng với không gian thưởng trà buổi tối ở Tông Đản thì chỗ này cũng khá lý tưởng cho những cuộc hội thoại chất lượng, lúc đó mình đã nghĩ vậy.
---
 Tiêu đề bài viết là Trà đạo và Cốc-tai, nhưng mình không định, và cũng không đủ chuyên môn để phân tích những loại đồ uống này. Chỉ là, khi thoạt nghĩ, với không gian mà hai thứ đó thuộc về, mình từng mặc định chúng là hai mảng đối lập.
Với tâm thức của một kẻ ngoại đạo lạc quẻ trong giới thưởng trà, và là a-ma-tơ trong làng thưởng rượu, mình đã hình dung trà đạo và cốc-tai, quán trà và quán rượu, giống như nước và lửa, mặt hồ mùa thu với sóng biển lúc bão đổ bộ, một vị sư trụ trì và một DJ quẩy tít các quán ba,
Một bên tĩnh, một bên động.
Một bên nhạt, một bên đậm.
Một bên thanh, một bên đặc.
Như hai thế giới tách biệt, khó dung hòa và chấp nhận thế nào đó...
23549977_1652674628118430_5638513743549818379_o.jpg
 Ảnh mạng, quán Thưởng Trà ở Tông Đản. Đầu năm 2018 mình đi buổi tối, vắng, và rất mê. cứ nhớ mãi
---
Sự khác biệt đến độ gần như tuyệt đối ấy khiến mình tự vấn bản thân rằng: "Ủa, sao mình thích không gian ở thưởng trà là vậy, mà đến đây mình cũng thích nữa?", "Rốt cục thì mình thuộc về thế giới nào?", "hay là đa sắc thái?"
Mình từng cho không gian ở thưởng trà là lý tưởng tuyệt đối để người ta có những cuộc nói chuyện chất lượng (kiểu vạn vật lắng xuống chỉ còn những lời nói cất lên, và đọng lại mãi). Cho đến khi thử vào quán rượu, trong mớ người và âm thanh hỗn độn kia, mình vẫn thấy sự riêng tư đến khó tả. Như đã miêu tả ở trên, mình tưởng như tiếng nhạc bập bùng nơi quán rượu có sức mạnh lấn át mọi tạp âm, của người, của dòng xe và dòng đời điên đảo, nhưng lại chỉ làm nền cho những cuộc hội thoại cậu có ở đó.
Vậy, xét trên khía cạnh “chất lượng cuộc trò chuyện”, trà đạo và cốc-tai cuối cùng cũng có nét tương đồng rồi, và việc thích cả hai không còn mâu thuẫn nữa.


*bàn luận ngoài lề: trà đạo và cốc-tai hình như còn có điểm tương đồng về độ tinh tế khi thưởng thức, cơ mà cái đó thì nằm ngoài phạm trù hiểu biết của mình rồi.😅


---

Kết bài, mình nhận ra việc hình thành thế giới quan trong mỗi cá nhân là quan trọng, thể hiện ở những việc nhỏ như thế đấy. Để biết tại sao mình đi đến chỗ này, mình muốn gì ở chỗ kia. Chẳng phải để a dua hay bắt kịp xu hướng từ ai cả, cũng để không giới hạn bản thân theo một khuôn mẫu nào hết. Để chủ động chọn cách sống, hạnh phúc và vui vẻ hơn, nhỉ?
 ---
🌿tập văn của mình: https://nalinhblog.wordpress.com/