Chào mọi người, vốn dĩ bản thân cũng là một người thích ngoại ngữ, hiện tại mình đang theo đuổi 2 ngôn ngữ là tiếng Nhật và tiếng Anh. 
Cùng với đó, mình tiếp thu cả văn hóa của cả Phương Tây và của cả đất nước mặt trời mọc. Ở Nhật bản, ngoài nhưng thứ tiên tiến như công nghệ tự động hóa, văn hóa 2D thì Văn hóa truyền thống là thứ mình hứng thú hơn cả.
Và mình định viết cả một series về chủ đề này. 
Hôm nay sẽ bắt đầu với Trà Đạo.

ĐẠO LÀ GÌ?

道, âm Hán Việt đọc là "Đạo" và nó mang ý nghĩa là một con đường ( cả hữu hình và trừu tượng ).
Dịch ra tiếng Anh thì có thể các bạn dễ mườn tượng hơn, nếu
神道 ( Thần Đạo ) là The Way of Kami
剣道 ( Kiếm Đạo ) là The Way of Sword
Thì 茶道 ( Trà Đạo ) là The Way of Tea
Khi coi những chuyện này là Đạo, tức là đây không còn là những việc làm ở mức bình thường, mà người Nhật đã đặt ra một tiêu chuẩn nhất định để thực hiện những chuyện này dù là vì mục đích nghệ thuật, rèn luyện, hay bất kỳ mục đích nào khác.


Một số điểm mà bạn có thể thấy rất rõ là các đạo này có rất nhiều câu lạc bộ/ các nhà/ các tổ chức, có tuyển thành viên, có các quy định rõ ràng và những người tham gia sẽ phải tuân thủ rất nghiêm ngặt.
Nghe cứ như là tôn giáo ấy nhỉ. 

TRÀ ĐẠO

LÀ VIỆC UỐNG TRÀ VỚI TƯ TƯỞNG CỦA THIỀN ĐỊNH

Mình sẽ không ghi một đóng số liệu, năm, thế kỉ, thời đại ra vì chuyện đấy buồn ngủ lắm và mọi người có thể đọc ở Wiki.
Người sáng lập ra Trà Đạo là Sen no Rikyu 千利休, âm Hán Việt đọc là Thiên Lợi Hưu.

Ông đã kết hợp việc uống trà, cùng với Thiền để tạo ra Trà đạo, thành một nghi thức uống trà ( gọi tắt là lễ trà ) được truyền cảm hứng và truyền cảm hứng về sự đơn giản, và nhấn mạnh về tinh thần.

VƯỜN KIỂU NHẬT VÀ NHỮNG CĂN PHÒNG VỚI CHIẾU TATAMI

Việc thực hiện lễ trà thường là trong những căn phòng kiểu Nhật lót chiếu tatami, có hướng ra sân vườn cũng kiểu Nhật.

Phòng này đặc biệt có cửa thấp hơn bình thường để khách khi vào sẽ tự giác cuối đầu thể hiện sự tôn trọng, có một hốc tường để treo những Thư Đạo hoặc tranh vẽ.
Không gian phải đủ rộng để pha trà, cho khách ngồi và hành lễ.
Khách đến thưởng trà nên mặc đồ giản dị và tránh đeo các trang sức ở tay có khả năng làm hư hỏng, sức mẻ chén cũng như dụng cụ pha trà.
Một chuyện nữa rất quan trọng, đó là nơi thưởng trà cần sự yên tĩnh. Vì mục đích của Trà Đạo là để khách đến thăm có thể cảm nhận sự tiếp đãi trịnh trọng của chủ nhà, và có thể tạm thời quên đi những ồn ào, xô bồ của cuộc sống hằng ngày vội vã.

ĐÂU ĐÓ TẦM 10 BƯỚC UỐNG TRÀ

Nhưng mình đã nói lúc đầu, đây là một tổ chức không tối mật lắm phi chính phủ cũng tuyển thành viên và vận hành như mọi tổ chức khác, nên nó cũng có những quy tắc riêng cần được tuân theo.
Chẳng hạn như việc thưởng trà, mình được đi thử một lần và khi ngồi nhớ lại thì có đâu đó tầm 10 bước mà bạn cần phải thực hiện đúng.
- Khi bước vào phòng, cúi đầu chào.
- Đến chỗ, ngồi quỳ gối kiểu Nhật (seiza).
- Được cho ăn kẹo ngọt của Nhật (和菓子-wagashi).
- Người pha trà mang chén trà đã đánh xong tới trước mặt.
- Chào người pha trà để cảm ơn, và kính người hai bên nếu có.
- Cầm chén trà lên bằng tay phải và đặt vào lòng tay trái.
- Xoay chén trà hướng về phía người pha ( dựa vào hoa văn ).
- Uống và chùi thành chén nơi đặt môi.
- Xoay lại như cũ và đặt chén trà xuống.
- Cúi cảm ơn lần nữa.
À, lưu ý là lúc uống nếu có thấy chén đẹp quá thì bạn cũng phải đợi đến cuối buổi để xem chứ đừng vừa uống vừa xem nhé.

Việc thưởng trà như thế này hiện nay là một quy trình rút gọn so với lễ thưởng trà gốc. Vì lí do để du khách trải nghiệm và lan tỏa văn hóa.
Còn một buổi thưởng trà theo đúng quy chuẩn có thể tiến hành trong nhiều giờ,  và bạn sẽ được ăn nhiều món ăn (会席料理) cùng với việc uống trà có vị từ đậm đến nhạt.

VẬY CÒN PHA TRÀ THÌ SAO

Vì mình không phải thành viên của một câu lạc bộ trà chính thức, nên thay vì nói thì mình nghĩ video này sẽ cho các bạn thấy rõ hơn nhiều.

SANSENKE

Trà đạo hiện tại chia làm ba trường phái chính: Urasenke (裏千家), Omotesenke (表千家), Mushakojisenke (武者小路千家).
Việc mỗi nhà/ hay mỗi trường phái được đặt tên có phần -senke kèm theo là nhằm để tri ân người đã sáng lập ra Trà Đạo. -senke 千家 theo tiếng Anh là House of Sen, và tiếng Việt là Nhà của Sen.
Những bạn nào nuôi boss chắc đoạn này sẽ bất giác bật cười :p

URASENKE và OMOTESENKE

Đây là hai trường phái có lượng người theo học cao nhất và nhì. Trong dụng cụ pha trà và cách pha trà của hai nhà có một số điểm khác nhau.
Chẳng hạn như Ura sẽ dùng các trà cụ hơi cao cấp một tí, vị trà nhạt, còn Omote thì ngược lại sẽ dùng những trà cụ có phần đơn giản và mộc mạc, còn vị trà đậm hơn.
Một số điểm có thể phân biệt khá rõ ràng giữa hai trường phái với người không chuyên là Omote sẽ dùng Chasen ( dụng cụ đánh trà ) màu trơn và khi đánh sẽ cố không tạo bọt. Ura sẽ dùng Chasen là loại trúc khói ( hơi đen ) và khi đánh sẽ tạo một lớp bọt bên trên ( như Cappuchino ).

MUSHAKOJISENKE

Về trường phái thứ ba này, thì mình tạm thời chưa có nhiều thông tin. Phần vì nhánh này ít phổ biến nhất, ít người theo học nhất nên thông tin cũng có phần hạn hẹp.
Đây là những hiểu biết sơ của mình với trà đạo, rất vui được giao lưu với những bạn nào có cùng đam mê văn hóa :D.
Nếu bài viết có chỗ nào chưa tốt thì rất hy vọng nhận được góp ý của mọi người.