Top 10 vật dụng nếu bạn biết thì bạn ĐÃ GIÀ
Tuy không còn giá trị sử dụng ở thời điểm hiện tại, nhưng những vật dụng này lại mang trong mình giá trị lịch sử nguyên vẹn.
Đây là những vật dụng mà bạn sẽ KHÔNG THỂ bắt gặp ở các thành phố, và thậm chí tỉ lệ bạn bắt gặp chúng ở các vùng nông thôn cũng vô cùng hiếm hoi, vì những vật dụng trên gắn liền với văn hóa nông thôn Bắc Bộ cũ, được sử dụng phổ biến nhất trong thời bao cấp. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học, công nghệ, những vật dụng thô sơ này đã hoàn toàn bị thay thế vì không còn tiện dụng nữa.
Tuy không còn giá trị sử dụng ở thời điểm hiện tại, nhưng những vật dụng này lại mang trong mình giá trị lịch sử nguyên vẹn. Đó là những “chứng nhân” lịch sử, là những câu chuyện lưu danh cho một thời vang bóng, một thời “tiếng gà gọi cha vác cuốc ra đồng”, một thời mướt mải, kham khó, lo toan nhưng chân quê và gần gũi.
Trong bài viết này của mình, toàn bộ hình ảnh đều đến từ Viet Retreat, khu nghỉ dưỡng hướng về phong cách và giá trị của văn hóa nông thôn Bắc Bộ tại Lương Sơn, Hòa Bình. Những vật dụng trong video này đều là những món đồ nằm trong khuôn viên của Viet Retreat, do gia chủ sưu tầm qua tháng năm.
1. “Con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh”
Đầu tiên là chiếc xe đạp Thống Nhất “huyền thoại”, một trong những thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90. Tuy nổi danh vào thời bao cấp, song chiếc xe lại là thương hiệu danh tiếng suốt 60 năm qua, là nhân chứng bền bỉ đồng hành cùng người Việt đi qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Xe đạp Thống Nhất được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội vào giữa năm 60. Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng.
Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh “con ngựa sắt”, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Chiếc xe được đặt tên là Thống Nhất nhằm gửi gắm mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.
Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ. Có người được phân phối xe, quý đến mức không dám đi, về treo lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.
2. Máy ép mía bằng sức trâu
Đã bao giờ bạn nghe tới máy ép mía hoạt động bằng sức trâu?
Cách đây ba bốn chục năm, có một nghề mang tên trồng mía và thủ công làm đường bát rất được trọng vọng. Do là nghề thủ công nên chiếc che mía đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nghề làm đường bát nổi tiếng một thời. Sự hiện diện của bộ che mía đã trở thành một hình ảnh thân quen. Nó đóng một vai trò quan trọng làm nên những bát đường ngọt ngào, tinh khiết của vùng quê, là hình ảnh gắn liền một thời no ấm, đủ đầy cho những người nông dân một nắng hai sương nơi vùng quê nghèo.
Trước đây, có được một bộ che mía là niềm mơ ước lớn nhất của biết bao gia đình trồng mía, thậm chí là niềm mong mỏi của cả làng. Những gia đình giàu có hoặc ba bốn gia đình trồng mía khá giả trong làng chung lại mới có thể sắm được một bộ che để ép mía. Tương truyền rằng, để sắm bộ che ép mía, các bô lão phải bàn đi tính lại rất kỹ lưỡng và chọn ngày lành, tháng tốt, phải thuê người lên núi tìm đốn những loại gỗ tốt, ưng ý rồi vận chuyển về làng sau đó thuê những người thợ mộc có tay nghề giỏi đẽo gọt cả tháng trời mới hoàn thành được một bộ che mía.
Vì phải chịu lực ma sát rất cao trong quá trình ép mía nên che mía phải được làm bằng những loại gỗ cứng, lâu năm như gỗ lim, kiền kiền, dẽ... cùng lắm thì dùng gỗ mít lâu năm trong vườn nhà. Việc đẽo gọt, chế tác che mía cũng đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao vì một bộ che mía bao gồm rất nhiều chi tiết phức tạp, lại làm hoàn toàn bằng gỗ, lắp ghép bằng mộng và điều cơ bản là tất cả những chi tiết, cấu kiện phải ăn khớp nhịp nhàng với nhau để lúc vận hành khi ép mía không gặp bất cứ một sự cố nào dù nhỏ nhất.
Một bộ che ép mía hoàn chỉnh gồm có 3 trục hình trụ tròn (được gọi là ống che) được đặt liền kề nhau (gồm một trục cái và hai trục con), bao quanh phần trên của mỗi trục người ta đục các nhông (hay còn gọi là bông), khi quay chúng ăn khớp vào nhau và làm cho cả ba trục đều quay. Phía trên 3 trục này có một thanh gỗ lớn (gọi là phủ che) để giữ cố định phần trên của các ống che và để buộc ách cho trâu hoặc bò kéo. Phía dưới các trục là mông che để giữ cố định phần dưới của ống che và đựng nước mía chảy ra trong quá trình ép.
Để ép mía, người ta cho cây mía vào giữa hai ống che rồi dắt trâu, bò (có cột ách nối với trục che cái) đi vòng quanh che. Khi trâu, bò di chuyển, nó làm quay chiếc trục cái và chiếc trục cái làm quay hai chiếc trục con nhờ những nhông gỗ được đục ăn khớp với nhau. Mía được ép chảy ra nước giữa các trục và nước mía được người ta hứng ở phần mông che, sau đó cho vào chảo to để nấu thành đường.
3. Mõ trâu “tìm trẻ lạc”
Mỗi con trâu trưởng thành đều được trang bị cho một cái mõ. Trâu chưa trưởng thành thì đi cùng mẹ, khỏi cần. Mõ trâu, nhà nào cầu kỳ thì làm bằng gỗ, không thì làm bằng tre. Thường là một khúc gỗ mít đục đẽo thành hình chữ nhật, dài khoảng ba mươi phân, rộng chừng trên dưới mười phân, đục rỗng phía trong theo mặt cắt ngang hình chữ nhật. Phía trong treo vài khúc gỗ nhỏ, khi lắc qua lại những khúc này va vào thành mõ gây ra tiếng động. Nếu là mõ bằng tre thì chỉ cần dùng một khúc tre có hai mắt tre bọc hai đầu, chẻ dọc khúc tre để lộ ống phía trong, treo dây có vài khúc tre nhỏ, xuyên qua theo chiều ngang mõ. Hai phía đầu mõ có dây để đeo vào cổ trâu. Đó là mõ ngang, mõ dọc thì chỉ cần một phần hai đốt tre, khoét một lỗ nhỏ giữa mắt tre, phía trong treo một thanh tre nhỏ. Mõ bằng gỗ cũng làm tương tự.
Hầu như trâu nào cũng đeo mõ, chất liệu làm mõ không khác nhau là bao, nhưng hội đi trâu quen, để ý thì luôn phân biệt được tiếng mõ trâu của nhà nào. Chỉ cần nghe qua là biết ngay trâu nhà mình đang ăn ở phía nào, cách mình bao xa, yên tâm mà chơi đã. Nhờ tiếng mõ vậy nên trâu thả vào rừng chẳng bao giờ mất.
4. Người xưa lấy gạo thế nào
Để tạo ra từng hạt gạo trắng ngần ngon miệng, thì không chỉ cần một loại nông cụ mà cần đến một loạt các dụng cụ khác nhau.
Đầu tiên khi lúa được mang về, chúng sẽ được bó lại thành những bó lúa và đem đập vào máng. Từ máng này, thóc sẽ rơi ra, lọc khỏi rơm, và từ đó rơm sẽ được bỏ đi, nhưng thường là các bà, các mẹ sẽ giữ lại để làm nguồn nguyên liệu đốt bếp.
Đối với thóc, sẽ có hai loại hạt thóc là hạt lép và hạt chắc, đây là lúc thêm một nông cụ nữa được đưa vào sử dụng để lọc lấy hạt chắc ra. Hạt chắc sau đó sẽ được mang để xay ra hạt.
Với thóc đã sàng được rồi, người nông dân sẽ cho vào máy xay lúa, chầm chậm để lu quay. Sức ép từ lu sẽ giúp thóc tách mình, lấy được lớp vỏ trấu đầu tiên và gạo. Thế nhưng nếu bạn nghĩ đến đây, gạo này có thể nấu thành cơm dẻo thì không đúng. Ngay lúc này đây, ta mới chỉ được gạo còn lớp màng, nôm na là gạo xay hay chính là gạo lứt. Tất nhiên, tùy vào mục đích sử dụng mà có người sẽ tận dụng gạo từ bước này để nấu ăn, bởi vì hạt gạo lúc này còn có một lớp màng vàng để nấu rượu hay gạo lứt thì nghe nói rất ngon miệng.
Sau đó, để hoàn thiện quá trình tạo ra gạo, hạt gạo còn màng sẽ được đưa vào cối đá, được giã chân để giã bỏ đi lớp màng ngoài kia. Khi đó, ta sẽ thu về đúng những hạt gạo thơm ngon mà mình vẫn hay ăn.
5. Đánh gì lại đi đánh dậm
Những món đồ được dùng để trang trí như này hóa ra lại có tên và cả công dụng nữa. Ngay lúc này đây bạn đang nhìn vào bộ dụng cụ đánh dậm.
Một bộ dụng cụ để đi đánh dậm gồm dậm và mõ dậm. Dậm được đan bằng nan tre nhỏ, mềm, có hình bán nguyệt, phía dưới phẳng để luôn sát đáy khi đánh bắt. Còn mõ dậm dùng để xua tôm, cá vào trong dậm. Mõ được làm bằng một đoạn cây tre thẳng, có nhiều đốt, được chẻ bỏ đi 1/3 phía dưới để tạo mặt phẳng. Mõ có cán hình vòng cung, điểm cuối hai đầu cán đính chặt hai đầu mõ.
Khi đánh bắt, một tay cầm cán dậm, dìm dậm xuống nước sao cho khung bám sát đáy. Một tay cầm mõ dậm song song và cách miệng dậm một khoảng, một chân dậm mõ, dịch chuyển dần về phía miệng dậm để dồn tôm, cá vào phía trong dậm.
Nghề này cực lắm, quanh năm lội nước vì thế mà chân tay ai nấy đều thô kệch, tróc vảy. Trời nắng nóng đã vậy, những khi mưa to, giá rét phải dầm mình dưới nước thì quả là cực hình. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một người đánh dậm cũng kiếm được 50-70 nghìn đồng, có khi gặp may được cả trăm.
7. Đừng nhầm cày với bừa
Cày, bừa là hai trong những loại nông cụ quan trọng ở khâu làm đất trước khi sạ cấy. Song mấy chục năm nay việc đồng ruộng được cơ giới hóa, hình ảnh con trâu và thợ cày đã dần vắng bóng. Khoảng năm 1990, không còn mấy đôi trâu gắn bó với nhà nông trên vùng đất lúa. Hiện nay, những chiếc cày đã dần mục nát theo thời gian, việc cày bừa theo lối xưa chỉ còn trong ca dao, tục ngữ.
Thân cày đổi được đẽo từ một khối gỗ, dài khoảng 1,4m, gồm các bộ phận thân cày, trạnh cày, bắp cày, mom cày, chuôi cày (tay nắm) và bàn cày. Đây là loại cày kết hợp giữa chiếc cày chìa vôi của người Việt với cây cày của người Chăm ở miền Trung đã qua cải tiến. Bắp Cày đóng chặt cứng vào thân cày nhờ các con bằng (cây nêm). Lưỡi cày bằng sắt. Giữa thân cày có cắm một cái bắp hình lưng thỏ, dài khoảng 1,5m, được kìm cứng bởi một cây náng xuyên qua. Ở nơi ruộng đất sình lầy phải dùng hai con trâu kéo,mắc ách đôi lên cổ trâu, dính liền với cái vòi đàn nhờ cây đỗ và dây đõi, dây nài, dây ống. Cây đõi tuy đơn sơ nhưng làm nhiệm vụ quan trọng là điều chỉnh thăng bằng khi cày, giúp cho trâu vượt qua những chỗ đất gồ ghề.
Bừa là nông cụ dùng xới mặt đất. Sau khi cày, người ta sử dụng bừa để cào những đám cỏ khó phân hủy, trước khi trục để sục bùn nhận cỏ.
Bừa có hai phần. Thân bừa là một khối gỗ chữ nhật, dài khoảng 1,5m - 1,7m, giữa có 2 lỗ mộng để cắm 2 gọng tre. Chiếc gọng dài khoảng 2m, đuôi gọng gắn con sẻ/chốt. Thân bừa có từ 9 - 10 răng, mỗi răng dài khoảng 0,2m, thường làm bằng tre. Tùy theo vùng đất mà người ta tính độ dài của thân bừa. Nếu đất lầy, gắn 10 răng, tức loại dài đến 2m thì trâu sẽ kéo không nổi, vì vậy có câu "Chín răng trâu cười, mười răng trâu khóc". Việc điều khiển trâu bừa cũng như điều khiển trục, người đứng bừa trụ chân trên thân bừa, một tay nắm vàm trâu, một tay cầm roi điều khiển.
Khởi đầu cày dùng sức con người, nhưng quá trình này trở nên hiệu quả hơn đáng kể khi sử dụng các con vật. Những động vật đầu tiên kéo cày là bò, và sau này là ngựa và la, ngoài ra còn nhiều loài động vật khác nhau đã được sử dụng.
8. Chạn bát bao cấp
Đối với những ai đã từng sống vào thời bao cấp đầy khó khăn và gian khổ thì cái chạn hay còn gọi là Gạc Măng Rê là vật quen thuộc nhà nhà đều có.
Đó là chiếc chạn bát, hay còn gọi là tủ đựng thức ăn. Nhưng ông bà ngày xưa vẫn quen gọi nó là gạc-măng-rê (Garde à manger). Có lẽ những chiếc tủ này ra đời từ thời xưa Pháp thuộc nên mới được gọi theo phiên âm như vậy.
Ngày đó, hầu như nhà nào cũng có một chiếc chạn bát để chứa thức ăn. Chiếc tủ bằng gỗ, cao khoảng 2m, được đặt trong nhà bếp. Thời sàn nhà chỉ toàn là đất nện, 4 chân tủ được đặt trên 4 chiếc tô sành lồi, xung quanh đổ nước vào để chống kiến, gián. Chiếc tủ cũng được đặt cách ly với vách chừng vài cm.
Tại Viet Retreat, cô An cũng sưu tầm được một chiếc tủ như thế. Ngày ấy, cho dù từ thành thị đến nông thôn, nhà khá giả hay nhà nghèo khó đều có sẵn cái chạn để trong nhà là nơi gia đình cất giữ đồ ăn ngăn không cho chuột bọ xâm nhập. Tùy theo điều kiện, nhà giàu thì có chạn gỗ chắc chắn bền đẹp hơn, nhà nghèo thì chạn có thể được đóng bằng tre.
Ngày ấy nghèo khó cũng chả có tủ lạnh nên thức ăn cứ cất vào chạn lâu lâu mang ra hâm lại, chạn chủ yếu để tránh gián, chuột chui vào và con mèo hay chó cũng chả ăn vụng được. Chạn được đặt các tường một góc, dưới mỗi chân chận đều có 4 cái bát mẻ đổ ngập dầu luyn để tránh kiến và các con côn trùng tương tự bò lên.
Cái chạn đã gắn bó với con người Việt qua nhiều năm khốn khó cho đến mãi sau này. Ngày đó, như bố tôi kể, luôn có sẵn lọ muối vừng, có bát mắm dở và vài quả cà thâm đen hên hên thì được thêm vài con tép rang ấy vậy mà cũng đủ vét sạch nồi cơm dư bữa trước; lại nhớ cả lần cửa chạn để hở, con chuột nhắt mò vào thế là mấy đứa trẻ sập cửa chạn lại hò nhau bắt, bắt được mừng hớn hở…
Cái chạn chứa đựng cả một thời khốn khó, là đồ vật đơn sơ nhưng không thể thiếu trong mỗi căn bếp cùng cái kiềng đun rơm củi, xoong nồi đen nhẻm nấu cơm. Hiếm có một món sơn hào hải vị nào được cất giữ trong những món đồ đơn sơ đó.
9. Bộ trường kỷ
Nằm nép mình bên vạt lúa, Viet Retreat lưu giữ một bộ trường kỷ truyền thống xưa. Loại bàn ghế này nghe nói rất được ưa chuộng cả 3 miền Bắc Trung Nam. Tuy kiểu dáng có thế khác nhau, nhưng một bộ Trường kỷ về cơ bản gồm có 2 ghế Trường kỷ, 1 bàn, 1 hoặc 2 cái Tíu. Trường Kỷ đã và đang được các nghệ nhân sáng tác với rất nhiều kiểu dáng phong phú, được đóng trên các chất liệu gỗ khác nhau như Gỗ Gụ, Trắc, Cẩm, Hương, Tre ...
Từ xa xưa, bộ trường kỷ đã là một đồ dùng thiết yếu trong mỗi gia đình Việt Nam bởi công dụng ưu việt đa năng của nó như: Để tiếp khách quý, để làm bàn viết, để ăn cỗ, ăn giỗ và ăn cơm gia đình hàng ngày, thậm chí là ngủ, hay hóng mắt, ngắm trăng, uống trà…
10. Giếng nước
Theo quan niệm dân gian, giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn, sức sống của dân làng. Ở các làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ mà người dân vẫn còn đang sử dụng phục vụ cho đời sống, trong đó, nhiều giếng có niêm đại lên tới hàng trăm năm. Như nguồn mạch của văn hóa dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng những câu truyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn thể hiện nét văn hóa tâm linh của cả cộng đồng.
Là nơi cung cấp nước sinh hoạt nên giếng làng được xem như “báu vật” của người dân. Giếng làng thường được khơi gần đường cái, ở nơi có nguồn nước dồi dào, không bao giờ cạn để vừa đảm bảo nguồn nước cung cấp, thuận lợi cho bà con sử dụng, vừa thể hiện mong muốn nơi khởi nguồn của sự sống luôn luôn sinh sôi, nảy nở, đầy ăm ắp, phát triển không ngừng. Cũng chính vì sự quý giá ấy mà giếng làng xưa được xây dựng khá kiên cố và vững chắc. Phần lớn giếng được xây dựng bằng chất liệu đá như: Đá cuội, đá ong,… Trong đó, từ đáy giếng lên đến thành giếng được xếp bằng đá ong, đá cuội,… tạo thế vững chắc cho thành giếng mà qua hàng trăm năm nay không bị sụt, lún. Đá ong còn góp phần lọc nước từ trong nguồn chảy ra, giúp nước trong, ngọt hơn.
Không chỉ mang ý nghĩa duy trì nguồn nước, sự sống cho dân làng, giếng làng còn như “nhịp sống, hơi thở”, là nơi chứng kiến những buồn vui, lắng nghe những tâm sự của mỗi người con, là nơi sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Với những người con xa quê lâu năm, sau một hành trình dài trở về, đơn giản chỉ nghỉ chân, soi bóng mình hay uống hụm nước mát trong nơi giếng làng đã mang đến cảm giác sảng khoái, bình yên, bỏ lại phía sau những ồn ào, tất bật của cuộc sống thường nhật.
Lời kết
Như vậy, có thể thấy, từng dáng hình nông cụ tại Viet Retreat lại hàm chứa một câu chuyện khác nhau không chỉ là cách sử dụng trong những ngày xa xưa, mà còn là những câu chuyện nhân văn được gửi gắm theo năm tháng.
Những nông cụ này tuy không quá nhiều, nhưng là những điểm, chấm tiêu biểu nhất cho nét văn hóa, phong tục tập quán của làng quê Bắc Bộ xưa, một nền văn hóa đang dần bị mài mòn vào trong đô thị hóa.
Nhờ có gia chủ của Viet Retreat sưu tầm và cho những nét chân quê này một sức sống mới tại nơi đây, ta mới có dịp để nhìn lại và học hỏi thật nhiều từ vẻ đẹp dân dã xưa. Mong rằng nếu bạn có ghé lại nơi này, hãy hỏi gia chủ về phong cách thôn quê Bắc Bộ ngày ấy, để cả nơi ấy, cả bạn, được sống một cuộc sống tiếp mới hoàn toàn.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất