Nếu bạn có hứng thú sâu sắc và muốn bắt đầu tìm hiểu về Game hoá một cách có hệ thống (thay vì các mẩu thông tin nhỏ dạng “bite-size” cho dễ tiêu hoá trên Blog Game hoá), bạn có thể tìm đọc các cuốn sách sau đây. Đây đều là các đầu sách được chúng tôi lựa chọn kỹ càng trên ba tiêu chí: dễ tiếp cận, dễ áp dụng và cân bằng giữa chiều rộng và chiều sâu, và chắc chắn là sẽ đem lại vô cùng nhiều giá trị cho bạn.
Hãy xem xét đăng ký trả phí cho Blog Game hoá để nhận được bản PDF của các cuốn sách này.

10. Gamification At Work: Designing Engaging Business Software

Tiêu đề tạm dịch: Game hoá Công sở: Thiết kế phần mềm doanh nghiệp cuốn hút
Tác giả: Janaki Kumar và Mario Herger
Cuốn sách này có thể coi là cuốn sách giáo khoa khi bạn đăng ký học khoá học về thiết kế Game hoá trên nền tảng giáo dục của Interaction Design Foundation (IxDF). Tuy IxDF vốn chuyên về thiết kế tương tác nói chung chứ không quá chuyên sâu về Game hoá, nhưng các kiến thức họ cung cấp trong khoá học cũng như cuốn sách này đều là những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất. Do vậy, cuốn sách này rất phù hợp với những người hoàn toàn mới và chưa có khái niệm gì về Game hoá.

9. Enterprise Games - Using Game Mechanics to Build a Better Business

Tiêu đề tạm dịch: Game doanh nghiệp - Ứng dụng cơ chế Game để xây dựng một doanh nghiệp hiệu quả hơn
Tác giả: Michael Hugos
Ứng dụng Game hoá trong môi trường doanh nghiệp—nghe qua tưởng chừng như một điều không tưởng. Trong quá khứ và trong rất nhiều những tổ chức và doanh nghiệp ngày nay, khái niệm “chơi” là một điều gì đó mang lại cảm giác tiêu cực. Tuy vậy, trong cuốn sách Enterprise Games, tác giả cung cấp cho chúng ta một bộ các công cụ và case study để áp dụng Game hoá vào môi trường doanh nghiệp sao cho hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, đó là cuốn sách cung cấp cho chúng ta các chiến thuật khác nhau để đề xuất lên “sếp” và ban quản lý công ty cho phép xây dựng và điều hướng một dự án Game hoá doanh nghiệp với khả năng thành công cao nhất.

8. Reality is Broken: Why Games Make Us Better and How They Can Change the World

Tiêu đề tạm dịch: Thực tại rã rời - Vì đâu Game làm chúng ta tốt hơn và cách chúng có thể thay đổi thế giới (theo cách dịch của anh Đinh Trần Tuấn Linh)
Tác giả: Jane McGonigal
Một cuốn sách không đi quá sâu vào khía cạnh thực dụng và kỹ thuật của việc áp dụng Game hoá, mà thay vào đó sẽ nói về cái cách mà Game và thiết kế Game hoá giúp con người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn để từ đó thay đổi thế giới. Qua cuốn sách Reality is Broken, chúng ta sẽ tìm được cảm hứng cùng một sự trân trọng sâu sắc hơn dành cho game, biến chúng từ một thứ giải trí thành một công cụ mạnh mẽ phục vụ cho những điều tốt đẹp.

7. The Art of Game Design

Tiêu đề tạm dịch: Nghệ thuật thiết kế Game
Tác giả: Jesse Schell
Một cuốn sách vô cùng căn bản và hữu dụng dành cho các nhà thiết kế game, thiết kế game hoá và thiết kế tương tác nói chung. Cuốn sách đưa ra một góc nhìn tổng thể và toàn diện về những trải nghiệm tương tác, mà trong đó người thiết kế cũng chính là một người đưa tin tới đối tượng của mình thông qua trải nghiệm đó. Qua cuốn sách này, chúng ta thấy tác giả nắm rất rõ về cách trải nghiệm tạo ra động lực thúc đẩy hành động, thúc đẩy các cơ chế và quá trình đưa ra quyết định của đối tượng trong không gian trải nghiệm.
Đây cũng là cuốn sách mà Blog Game hoá đã dịch lại ra tiếng Việt và cung cấp miễn phí cho những người đăng ký theo dõi. Để nhận được cuốn sách này, bạn chỉ cần đăng ký theo dõi Blog Game hoá miễn phí.

6. The Gamification of Learning and Instruction Fieldbook - Ideas into Practice

Tiêu đề tạm dịch: Cẩm nang ứng dụng Game hoá vào Giáo dục và Đào tạo
Tác giả: Karl M. Kapp, Lucas Blair, Rich Mesch
Tuy không nổi tiếng như chuyên gia Gabe Zichermann (nhắc đến bên dưới), nhưng Karl M. Kapp cũng là một trong số những chuyên gia tiên phong của Game hoá. Chuyên môn của Karl M. Kapp cũng như các cuốn sách của ông tập trung nhiều hơn vào ứng dụng Game hoá trong mảng giáo dục và đào tạo. Cuốn sách này của ông sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều những case study ứng dụng Game hoá và các nghiên cứu tâm lý học chuyên sâu về giáo dục và đào tạo. Dù bạn quan tâm đến các vấn đề giáo dục như nuôi dạy trẻ hay là về đào tạo nội bộ cho doanh nghiệp, cuốn sách cũng sẽ là dành cho bạn.

5. Gamification by Design

Tiêu đề tạm dịch: Thiết kế cho Game hoá
Tác giả: Gabe Zichermann & Christopher Cunningham
Có lẽ chúng ta không cần phải nói quá nhiều khi nhắc đến cái tên Gabe Zichermann. Ông là một trong những chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực Game hoá, là nhà sáng lập tổ chức Gamification Alliance, tiền đề của hội thảo Gamification Europe hiện nay vẫn diễn ra hàng năm ở châu Âu, quy tụ hàng trăm những chuyên gia hàng đầu trong mảng Game hoá. Gabe cũng là giảng viên của một trong số những khoá học về Game hoá ăn khách nhất trên các nền tảng giáo dục trực tuyến Coursera và Udemy. Gamification by Design là cuốn sách nhập môn rất chi tiết và khoa học trong một bộ sách chuyên về ứng dụng Game hoá của ông.

4. Flow: The Psychology of Optimal Experience

Tiêu đề tạm dịch: Trạng thái nhập tâm: Tâm lý học đằng sau một trải nghiệm tối ưu
Tác giả: Mihalyi Czikszentmihalyi
Flow là một khái niệm khá quen thuộc với những người làm game và có thể được coi như là chiếc chén thánh trong thiết kế trải nghiệm. Trong cuốn sách này, tác giả cũng là nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi đã giải thích về khái niệm flow như một trạng thái tâm lý mà ở đó chúng ta được tận hưởng cảm giác tập trung và sáng tạo cao độ, giống như được hoà làm một với hiện thực. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra những cách để chúng ta đạt được trạng thái này nhằm tối ưu năng suất và mức độ hạnh phúc của bản thân cũng như trong thiết kế trải nghiệm.

3. Game On! Gamification, Gameful Design, and the Rise of the Gamer Educator

Tiêu đề tạm dịch: Game On! Game hoá, Thiết kế tính Game, và sự trỗi dậy của những người làm giáo dục có đam mê Game
Tác giả: Kevin Bell
Nếu bạn là người làm trong mảng giáo dục, hoặc có sự quan tâm lớn tới giáo dục, cụ thể là trong môi trường Đại học, thì Game On! là một cuốn sách bạn bắt buộc phải đọc. Bởi giáo dục là một trong số những “địa bàn” mà Game hoá thường được áp dụng nhiều nhất và cũng thường cho thấy hiệu quả vượt bậc. Nội dung chính của sách đưa ra cho người đọc những case study áp dụng Game hoá vào giáo dục (hay chính xác hơn là game-based learning) bao gồm hệ thống, quy trình áp dụng và suy nghĩ của những người thực hiện chúng sau khi kết thúc dự án. Đây là một cuốn sách bạn chắc chắn không thể bỏ qua.

2. Interactive Empathy & Embodiment Framework

Tiêu đề tạm dịch: Mô hình thiết kế dựa trên tính đồng cảm và hiện thân
Tác giả: Chris Solarski
Đây không hẳn là một cuốn sách, mà là một bộ gồm hai cuốn booklet nói về mô hình tư duy thiết kế trải nghiệm tương tác có tên gọi là IEE của chuyên tác Chris Solarski. Thực tế thì bộ booklet này không dễ học và khá trừu tượng, đồng thời cũng cần một chút kiến thức nền tảng về ngôn ngữ thị giác (visual language). Tuy rằng như vậy là không đáp ứng đúng được tiêu chí dễ tiếp cận đã đặt ra ban đầu, nhưng mô hình thiết kế IEE là một mô hình tư duy thiết kế vô cùng quan trọng và mang tính cách mạng trong thiết kế trải nghiệm tương tác mà bạn nên biết. Chí ít thì bạn hãy đọc qua Volume 1, vì cuốn này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng nhất. Còn Volume 2 sẽ đi sâu hơn vào cách áp dụng mô hình và sẽ hữu ích cho thiết kế game nhiều hơn.

1. Actionable Gamification: Beyond Points, Badges, and Leaderboards

Tiêu đề tạm dịch: Game hoá thực dụng: Trên cả Điểm số, Huy hiệu và Bảng xếp hạng
Tác giả: Yu-Kai Chou
Yu-Kai Chou được mệnh danh là một guru trong mảng Game hoá, và cuốn sách này của ông chắc chắn phải nằm số một trong danh sách những cuốn sách bắt buộc phải đọc khi tìm hiểu về chủ đề này. Nội dung chính của cuốn sách xoay quanh mô hình phân tích Game hoá vô cùng nổi tiếng có tên Octalysis của Yu-Kai Chou, cũng như cách áp dụng nó vào một dự án xây dựng giải pháp Game hoá cơ bản. Mô hình Octalysis cũng là mô hình phân tích chủ đạo mà bạn sẽ thấy Ludo Lab cũng như Blog Game hoá áp dụng rất nhiều trong tư vấn và trong các nội dung phân tích. Dù bạn là bất cứ ai thì mô hình này cũng sẽ tỏ ra vô cùng hữu ích với hạn vì nó tập trung vào phân tích những yếu tố thúc đẩy hành vi cốt lõi nhất của con người.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hoá: