Nguyên lý gây nghiện của ma túy và TikTok
TikTok đã rất thành công trong việc cuốn người dùng vào các nội dung vô tận. Bài viết này giải thích nguyên nhân đằng sau tính gây nghiện của TikTok.
Còn nhớ khoảng mười mấy năm trước, ma túy là một vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng ở thành phố nơi mình sống. Chỉ cần đi ra vùng ngoại ô chút xíu thôi thì bạn sẽ thấy những cây kim chích nằm la liệt bên đường. Những biển tuyên truyền như "Ma túy - không được thử dù chỉ một lần" xuất hiện nhan nhản ở mọi nẻo đường, nhắc nhở mọi người rằng bạn sẽ dễ dàng trở thành con nghiện chỉ qua một lần thử.
Giờ thì ma túy không còn là mối lo ngại hàng đầu nữa (ít nhất là ở thành phố mình), có lẽ vì mọi người nhận thức được sự nguy hiểm và tính gây nghiện cao của nó mà tránh. Tuy nhiên, ít người biết được rằng những ứng dụng mà ta dùng hàng giờ mỗi ngày như TikTok hay Instagram áp dụng chung một nguyên lý gây nghiện với ma túy để khiến ta không thể ngưng việc sử dụng nó, và đó là scarcity loop - vòng lặp khan hiếm.
Thế nào được coi là nghiện?
Bạn bị nghiện nếu bạn liên tục lặp đi lặp lại một hành vi mà nó dần dần gây đến những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bị nghiện phổ biến và xuất hiện thường xuyên hơn chúng ta nghĩ. Mức độ nhẹ là bạn uống vài ly cà phê mỗi sáng hay hút vài bao thuốc lá mỗi ngày. Nặng hơn chút là bạn thức tới sáng để chơi game hoặc tiêu hết tiền vào cờ bạc và rượu chè. Và dĩ nhiên, đáng sợ nhất là việc nghiện ngập chính là nghiện ma túy và dẫn đến tử vong.
Nghiện ngập nguy hiểm vì bạn dường như chẳng thể dừng lại hành động đó, mặc dù nhận thức rất rõ rằng nó đang gây tổn hại cho bạn. Nhớ những ngày mình đi làm về, cả đầu óc lẫn tinh thần đều rất mệt mỏi và chỉ muốn đánh một giấc. Thế nhưng, như một thói quen, vừa đặt người lên giường là mình đã mở TikTok và giành vài giờ đồng hồ trên đó. Đôi mắt thì rã rời, tâm trí thì mệt mỏi chẳng thể tập trung nhưng ngón tay thì cứ tiếp tục lướt màn hình, lâu lâu chạm nhẹ 2 cái để thả tim. Bản thân mình cũng muốn buông điện thoại để nghỉ ngơi nhưng mấy nội dung trên TikTok hấp dẫn quá khiến mình chẳng thể dừng được.
Vòng lặp khan hiếm - nguyên lý đằng sau những cơn nghiện
Ngoài việc dùng trí tuệ nhân tạo để đề xuất các video theo sở thích người dùng, TikTok đã áp dụng một nguyên lý gây nghiện thuộc hàng bản năng của con người để khiến ta chẳng dễ dàng ngừng sử dụng nó, và đó là scarcity loop - vòng lặp khan hiếm.
Cơ hội --> Một phần thưởng không lường trước được --> Khả năng lặp lại nhanh chóng.
1. Cơ hội
Đây là điểm khởi đầu của vòng lặp khan hiếm. Bạn có cơ hội để đạt được điều gì đó có giá trị với bạn. Ví dụ nếu bạn đang rất khát nước mà tình cờ đi ngang qua quán trà sữa, đây là cơ hội để bạn thỏa mãn cơn khát. Hoặc bạn đang rất buồn về chuyện tình cảm thì may thay ở nhà có mấy chai rượu, đây là cơ hội để bạn trút đi nỗi sầu.
Tuy nhiên, điều làm cho cơ hội trong vòng lặp khan hiếm không thể cưỡng lại đó là cơ hội này đi kèm với rủi ro, nghĩa là không phải lúc nào bạn cũng đạt được cái bạn muốn, mà bạn còn có khả năng mất đi một thứ gì đó. Đây cũng là nguyên nhân vì sao cờ bạc lại lôi cuốn đến vậy. Bạn thắng thì tiền vô, thua thì tiền ra, và điều này càng khiến ta dễ dàng bị "hook" vào nó.
Tiktok đã áp dụng điều này một cách rất thông mình và hiệu quả. Bạn lên TikTok để giải trí, tìm kiếm video khiến bạn cười, hay kiểm tra xem mạng xã hội hôm nay có gì hot. Chỉ trong ít hơn 1 giây, TikTok đã thu thập và xử lý mọi thông tin liên quan đến bạn và đề xuất những video mà bạn muốn xem. Không chỉ dừng lại ở đó, TikTok thỉnh thoảng sẽ chèn vào những nội dung có tính kích động và cực đoan, chẳng hạn như video mỉa mai celebrity, hay clip đánh ghen, để thu hút sự chú ý và tương tác của người dùng. Giờ thì bạn đã hoàn toàn bị cuốn vào các nội dung hấp dẫn trên TikTok mà khó có thể buông điện thoại.
2. Phần thưởng không lường trước được
Đây là phần tiếp theo của vòng lặp khan hiếm, nguyên lý đằng sau mọi cơn nghiện. Một phần thưởng không dự đoán trước giải thích vì sao hành vi này gây nghiện nhưng hành vi khác lại không. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang rất ngứa ở chân, bạn gãi chỗ ngứa đó và bạn hết ngứa. Hành vi gãi này không gây nghiện vì bạn biết chắc chắn rằng nếu bạn gãi thì bạn sẽ hết ngứa. Các hành vi mà bạn biết trước được kết quả thường không thể gây nghiện vì nó khá "nhàm chán".
Tuy nhiên, nếu để ý TikTok, bạn sẽ thấy mỗi cái lướt màn hình là một sự bất ngờ riêng. Bạn không hề biết trước rằng video tiếp theo mình sẽ xem là gì. Đó có thể là một nội dung khiến bạn cười, hoặc khóc, hoặc phẫn nộ, và sự không lường trước được đó khiến các nội dung trên TikTok trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
3. Khả năng lặp lại nhanh chóng
Đây là phần cuối của vòng lặp khan hiếm, nguyên lý giải thích cho việc nghiện ngập. Một hành vi mà có thể được lặp lại một cách càng dễ dàng và nhanh chóng thì nó càng dễ gây nghiện.
Hãy tưởng tượng bạn đang rất khát nước nhưng phải đi bộ tận 2 tiếng đồng hồ để uống ly trà sữa, bạn chắc chẳng còn hứng thú để đi thêm 4 tiếng cho ly thứ 3. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của TikTok là nó có thể xử lý và tải trước hàng ngàn video trong chớp mắt, và chỉ cần một cái lướt nhẹ màn hình, bạn đã có thể xem một video khác. Chính sự dễ dàng và nhanh chóng để lặp lại hành vi mà bạn dễ dàng bị cuốn vào những nội dung vô tận trên TikTok.
Điều cần làm để chấm dứt cơn nghiện
Dựa trên vòng lặp khan hiếm, bạn có thể loại bỏ một thói quen xấu bằng cách làm giáng đoạn một trong ba điểm của vòng lặp.
Ví dụ mỗi ngày khi đi làm về bạn có thói quen lướt TikTok, buổi chiều lúc về tới nhà chính là cơ hội để bạn bắt đầu vòng lặp, và thay vì lướt TikTok, bạn có thể làm một việc khác như nấu ăn, đi dạo, hay tập thể dục. Hãy làm một thứ gì đó mà bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ và nó không dẫn đến việc "nghiện".
Tuy nhiên, cần lưu ý là TikTok hay mọi phương tiện gây nghiện khác như game hoặc cờ bạc thường rất hấp dẫn và khiến ta khó có thể buông bỏ một khi đã bị cuốn vào. Vì thế, cách hiệu quả nhất để cai TikTok chính là hạn chế cơ hội mà ta có thể mở và lướt TikTok.
P/s: Mặc dù biết rõ nguyên lý gây nghiện của TikTok, bản thân mình vẫn giành vài tiếng đồng mỗi ngày trên đó. Bản chất của TikTok hay mạng xã hội nói chung không xấu, nó giúp ta giải trí và kết nối với mọi người. Nhưng cái không tốt chính là việc nghiện ngập và khiến ta trở nên sao nhãng với cuộc sống hiện tại. Mình vẫn chưa cai được TikTok, nhưng khởi đầu tốt cho quá trình "cai nghiện" chính là việc nhận biết nó và từ từ điều chỉnh hành vi để việc sử dụng TikTok ngày một ít hơn.
Chú thích:
1. Michael Easter (2023). Scarcity Brain: Fix Your Craving Mindset and Rewire Your Habits to Thrive with Enough. Rodale Books.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất