Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
“Lập trình quỹ đạo cuộc đời” là cuốn sách được viết bởi tác giả Kiên Trần.
Cuốn sách là tập hợp quan điểm, góc nhìn, suy nghĩ của tác giả trong quá trình phát triển tư duy thực tế nhằm giúp bạn đọc trải nghiệm một cuộc đời phong phú và giá trị.
Chia sẻ trong cuốn sách có thể xem khá độc đáo, táo bạo, có tính ứng dụng, một số góc nhìn đáng để tham khảo và học hỏi.
Tuy nhiên, trong cuốn sách có nhiều quan điểm mình không hoàn toàn đồng ý, đặc biệt là phần tác giả viết về người phụ nữ và nỗi cô đơn, cảm giác rất quy chụp và phiến diện. Vì vậy trong bài viết này, mình chỉ điểm lại những ý chính mà bản thân mình thấy có giá trị chia sẻ đến bạn.
Một lưu ý nho nhỏ: Khi mình tìm hiểu về tác giả Kiên Trần, mình biết đến thông tin tác giả làm giả bằng Ielts. Đây là một vụ lùm xùm khá lớn, đã ảnh hưởng đến uy tín cũng như các đầu sách trước đó của tác giả bao gồm cả cuốn sách “Lập trình quỹ đạo cuộc đời”. 
Vậy nên khi đọc sách mình có chút phân vân không biết có nên chia sẻ về cuốn sách hay không. Nhưng nhìn lại, dưới cương vị một độc giả, mình cảm thấy kiến thức trong sách vẫn đáng để học hỏi và tham khảo, vì vậy mình vẫn tóm lược nội dung hữu ích để chia sẻ lại.
Bên cạnh đó, theo mình là con người, dù tài năng xuất chúng đến đâu cũng không thể tránh khỏi những sai lầm, mặc dù xét trên cương vị tác giả sách thì hành vi làm giả bằng Ielts rất khó chấp nhận.
Dẫu vậy tất cả chúng ta đều có thể nhìn nhận lỗi lầm của tác giả Kiên Trần với một góc nhìn vị tha hơn, bởi chúng ta đều biết rằng là con người không ai là hoàn hảo. Vì không hoàn hảo nên chúng ta sẽ mắc sai lầm, sẽ vấp ngã trên đường đời. Chính vì không hoàn hảo nên con người cần có nhau, chúng ta ở đây để cùng nhau học tập, cùng nhau thay đổi và cùng nhau phát triển.
Tiếp đến, mình sẽ điểm qua một số nội dung độc đáo có ích mà tác giả Kiên Trần chia sẻ trong cuốn sách “Lập trình quỹ đạo cuộc đời” nhé.
MỘT SỐ Ý TƯỞNG THÚ VỊ TRONG SÁCH

(1) Hệ tư duy thứ bậc (Trò chơi xếp hạng trạng thái)

Đây là hệ tư duy mang mình đi so sánh với người khác, để rồi dễ mang trong mình cảm giác hơn thua. Nếu bản thân hơn người ta thì sẽ cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, đôi khi âm thầm cảm thấy tự hào vì mình hơn người, nhưng nếu mình thua kém hơn người khác sinh ra cảm giác tự ti, đố kỵ. 
Mong muốn hơn người không có gì là sai, tuy nhiên khi sự so sánh trở thành thói quen thì sẽ vô cùng nguy hiểm bởi sự so sánh này ăn sâu bám rễ trong tư duy và tiềm thức của chúng ta.
Ví dụ cha mẹ ép con phải vào trường danh giá, phải du học Mỹ với lý do tốt cho tương lai cho con. Nhưng có thể tốt cho con chỉ ưu tiên số hai, còn ưu tiên chính nhất là phải “oai”, mở mày mở mặt, ra đường có cái để khoe khoang, để tự hào. 
Bạn lao đầu vào kiếm mức thu nhập cao đôi khi không hẳn vì bạn thiếu thốn mà vì bạn muốn thắng A, đứa bạn ngày xưa cái gì nó cũng hơn mình. Lúc này bạn kiếm thu nhập không phải để tập trung vào hạnh phúc, đời sống cá nhân mà vì lòng háo thắng, cảm giác hơn thua, nếu không biết cách dừng lại đúng lúc, bạn sẽ mắc kẹt trong cuộc chiến hơn thua.
Thay vì sở hữu hệ tư duy thứ hạng, ta cần tập trung phát triển hệ tư duy Wealth Creation (Kiến tạo sự giàu có).
Đây là hệ tư duy giúp chúng ta xây dựng đời sống của bản thân không chỉ giàu có tiền bạc mà còn là giàu có trong trải nghiệm, trong hạnh phúc, tiếng cười, sức khỏe, kiến thức. 
Nếu sở hữu tư duy Wealth Creation ta sẽ tập trung vào bản thân, hạn chế việc lao vào cuộc chiến vô nghĩa hơn thua với người khác.
Với hệ tư duy giàu có, ta làm mọi thứ vì sự phát triển cá nhân, ta học tập, làm việc để vượt qua chính mình, tìm kiếm hạnh phúc để giúp trái tim, tâm hồn trở nên tự do, phóng khoáng.
Hệ tư duy giàu có là hệ tư duy giá trị bất cứ ai muốn sống cuộc đời giàu phong phú nên sở hữu.

(2) Đừng cố đúng mà hãy cố bớt sai 

Khi bạn chỉ tập trung vào “đúng nhiều hơn” bạn sẽ luôn sống trong những trận chiến, luôn cố gắng tỏ ra đúng với người khác để bảo vệ cái tôi của bản thân.
Nhưng khi tập trung về việc “sai ít đi” bạn sẽ dễ dàng học hỏi và đón nhận được sự không hoàn hảo bản thân, người khác, bao gồm cả cuộc sống.
Trong hệ tư duy “bớt sai” bạn sẽ hiểu được mỗi cái sai chính là viên gạch khắc phục lỗi lầm, dần dần giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn. 
Và nếu bạn có thể nhìn thế giới thông qua lăng kính “bớt sai” thay vì “tôi luôn đúng” thì thế giới trở nên thú vị và rõ ràng hơn.
Bạn sẽ học được cách kiên nhẫn, khiêm tốn, thậm chí bao dung hơn mỗi khi đứng trước vấp ngã, sai lầm của bản thân, cả những người xung quanh. 

(3) Nhìn nhận cuộc sống ở góc độ thí nghiệm

Nếu bạn luôn có cái nhìn quá nghiêm túc về cuộc sống, bạn sẽ mang cái nhìn nặng nề gắn mọi sự kiện tiêu cực vào bản thân, luôn sống trong trạng thái lo lắng, căng thẳng vì có quá nhiều điều bạn chưa biết, có quá nhiều cái khó, có quá nhiều cái sợ như: sợ sai, sợ thất bại, sợ không thành công....
Nhưng khi bạn đặt mình là một nhà thí nghiệm trải nghiệm cuộc đời, sự lo lắng, căng thẳng sẽ giảm đi đáng kể.
Bạn sẽ học được cách cuộc đời là một sân chơi để bạn thỏa sức khám phá, mỗi thử thách là một cơ hội để bạn dấn thân, học hỏi, thử sai, trải nghiệm. 
Khi chọn nhìn cuộc sống dưới góc nhìn của nhà thí nghiệm, việc bạn nghèo khó hay vấp ngã trong thời điểm hiện tại không nói lên con người bạn ở tương lai. 
Sự vấp ngã hoàn toàn bình thường. Bài học rút ra sau đó mới quan trọng.
Càng làm nhiều thí nghiệm, bạn càng trở nên thông thái, có được cái nhìn rộng mở và phong phú về cuộc đời.
Nhìn nhận cuộc sống ở góc độ nhà thí nghiệm có thể đây là góc nhìn của tư duy phát triển.
Tư duy phát triển không định nghĩa thất bại hay việc một ai đó làm trong thời điểm hiện tại quyết định giá trị hay tài năng một người.
Tư duy phát triển cho phép chúng ta dấn thân, được thử sai và phát triển sau nhiều lần học hỏi.

(4) Đừng tập trung vào kết quả, hãy tập trung vào công việc bạn có thể làm 

Phần lớn ta không đạt những điều bạn mong muốn là vì chưa thực sự tập trung vào hành động mà chỉ luôn tập trung vào trạng thái lo lắng: “Liệu mình cố gắng thì có thành công?". Nỗi sợ hãi bất an ngăn ta vào những việc mình phải làm, đồng thời lãng phí rất nhiều thời gian, bỏ lỡ vô số cơ hội.
Hệ tư duy mà bạn cần rèn luyện cho bản thân ngay tại thời điểm hiện tại: “Làm hết sức trong khả năng, còn được hay không thì cũng đã cố hết sức rồi nên không phải tiếc.
Không thành công cũng thành nhân. Nhưng nếu chọn không làm gì cả thì bạn sẽ mãi chẳng có gì. Điều quan trọng là bạn phải tập trung 99% vào hành động và chỉ 1% vào kết quả. 

(5) Sự tập trung của bạn là tài nguyên hữu hạn

Thường chúng ta cho rằng tài nguyên là tiền, công sức lao động, thời gian và dầu mỏ. Điều đó đúng, nhưng có một loại tài nguyên quý giá bậc nhất trong xã hội chính là sự tập trung.
Nếu bạn có sự tập trung dài và sâu sắc bạn sẽ làm được những điều mà thế giới này cho là không thể. Nếu bạn kỷ luật có khả năng tập trung, một ngày bạn chỉ cần dành ra 3 tiếng siêu tập trung thôi bạn sẽ thấy được cuộc đời mình rất khác rồi.
Doanh nhân người Mỹ gốc Scotland Andrew Carnegie từng nói:
“Ta có thể đạt được thành công trong bất cứ lĩnh vực lao động nào. Luôn luôn có đủ thời gian và không gian đối với mọi điều ta theo đuổi. Điều quan trọng là hãy luôn tập trung mọi suy nghĩ và năng lượng vào những nhiệm vụ của mình.”

(6)Mỗi ngày là một cuộc đời

“Một ngày của bạn không đại diện cho cả cuộc đời bạn những cách bạn sống một ngày nói nên rất nhiều về cách bạn sống cuộc đời mình”.
Mỗi ngày giống như tế bào trên cơ thể bạn. Nếu tế bào trên cơ thể yếu và lão hóa, sức khỏe của cơ thể bạn suy giảm. Để cơ thể ngày càng khỏe mạnh, các tế bào cần được cung cấp năng lượng tốt cho hệ miễn dịch.
Hay nếu coi việc sống cuộc đời như việc bạn xây ngôi nhà. Thì bạn sẽ thấy mỗi ngày việc nung đúc từng viên gạch dù rất nhỏ nhưng cũng rất quan trọng. Cách bạn tạo nên một viên gạch là cách bạn tạo nên nhiều viên gạch khác nhau, cuối cùng là tạo nên cả căn nhà rộng lớn.
Nếu bạn thường xuyên ngủ trễ thức dậy trễ như 10 giờ sáng, thời gian rảnh trong ngày đáng lẽ ra phải dùng để học tập, phát triển kỹ năng, làm những thứ quan trọng thì bạn lại lướt facebook, tiktok. Thì có thể rất nhiều ngày sau đó cũng tương tự và bạn hoàn toàn không biết rằng mình đã hoài phí cuộc đời mình nhiều đến ngần nào.
Cuộc đời có thể không quá ngắn, cũng chẳng quá dài. Nhưng nếu bạn liên tục để thời gian trôi đi lãng phí thì bạn sẽ để mất trắng cả cuộc đời.
Vì vậy từ hôm nay mỗi ngày hãy có một kế hoạch cho những việc cần làm, để mỗi ngày của bạn trở nên ý nghĩa hơn một chút.

(7)“Nhu cầu thấy bản thân phát triển” 

Không phải “nhu cầu muốn bản thân phát triển” mà là “nhu cầu nhìn thấy bản thân phát triển”.
Tại sao lại là nhìn thấy chứ không phải là muốn? Nếu bạn chỉ liên tục muốn bản thân phát triển mà không thực sự cảm nhận, đánh giá, công nhận trong quá trình thì bạn sẽ mất động lực, bạn sẽ rơi vào cái vòng xoáy muốn bản thân phát triển hơn nữa trong trạng thái cực đoan.
Vì vậy trong quá trình hoàn thiện bản thân, hãy dành thời gian ghi nhận sự phát triển bản thân trong từng khoảnh khắc.
Nếu bạn cảm nhận được việc bạn đang giỏi lên, nếu bạn cảm nhận việc bạn đang nỗ lực học kiến thức mới, nếu bạn thấy những thứ bạn đang áp dụng mang lại lợi ích cho bạn. Bạn thấy được mức sống bạn đi lên. Bạn thấy đầu óc được mở mang.
Chính việc cảm nhận, thấy mình phát triển giống như một chiếc bình nạp nhiên liệu giúp bạn mạnh mẽ tiến về phía trước.

(8)Cuộc sống chúng ta được chia thành ba phần: phần sinh hoạt, phần sống trên sân khấu và phần sống trong hang động.

Phần sinh hoạt: Là lúc bạn ăn, uống, đi lại, ngủ, nấu ăn, giải trí, sinh hoạt, đây là khoảng thời gian riêng tư và thoải mái.
Phần thứ hai là phần sống trên sân khấu. Đó là khi ở trong các bối cảnh, tình huống đời sống, đó là nơi có thể hoàng nhoáng và ồn ào hơn. Đó là khi bạn ở trong sự kiện, gặp gỡ đối tác, làm việc, thể hiện khoảnh khắc hạnh phúc trên facebook đó chính là phần trên khấu. Phần sân khấu chính là phần bạn buộc phải vận dụng kỹ năng hiểu biết, hoặc một phần bạn thể hiện giá trị, bạn đang tỏa sáng.
Phần thứ ba phần hang động. Hang động là nơi bạn tập trung “ôn văn luyện võ”, mọi hoạt động chỉ có bạn và chính bạn, đây là không thời gian và khoảng thời gian tăng cường sức mạnh, đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Phần lớn chúng ta chỉ tập trung vào phần “hào nhoáng” trên sân khấu mà quên đi phần hang động. Sân khấu có thể hấp dẫn và lộng lẫy, nhưng thời gian hiện diện ở đó sẽ rất ngắn.
Vì vậy khôn ngoan bạn cần làm là thưởng thức phần thú vị trên sân khấu, nhưng hãy luôn ý thực rõ tầm quan trọng việc lao động chăm chỉ trong hang động.
Luôn giữ sự tập trung vào việc phát triển kỹ năng, đóng góp vào phần hang động, chỉ nên dành một phần để tận hưởng và bung lụa trên sân khấu.
Bạn hoàn toàn có thể thể hiện bản thân nhưng không nên sống quá lâu ở đó.
Hãy giữ sự kiên định, kỷ luật, dành thời gian mãi giũa bản thân để bạn của năm tháng sau này có thể tỏa ánh sáng rực rỡ.

Lời kết: 

Dưới đây là những điểm tư duy bản thân tóm lược lại trong cuốn sách, một số trích dẫn là do mình bổ sung thêm. Theo cảm nhận mình kiến thức nếu được chọn lọc, có thể dùng để tham khảo giúp bạn xây dựng một hệ tư duy thực tế, giàu trải nghiệm.
Cách viết tác giả Kiên Trần trong cuốn sách khá chủ quan, không có nguồn thông tin tham khảo đáng tin cậy, vậy nên khi đọc cuốn sách đôi lúc bạn sẽ cảm giác khá lý thuyết, không thuyết phục.
Mặc dù ở phần mở đầu tác giả nói rằng “Lập trình quỹ đạo cuộc đời” không phải sách phát triển bản thân. Nhưng cá nhân mình lại cảm thấy đây đích thị là cuốn sách self - help. Nhưng thuộc dòng sách gì không quan trọng, quan trọng là kiến thức trong đó sẽ hữu ích cho ta, hoặc ít nhất là ta có thể chọn lọc, tham khảo để làm mới lăng kính của chính mình.
Mong chia sẻ mình giúp ích cho bạn.