Tóm tắt sách: Đi Tìm Lẽ Sống - Viktor E. Frankl
Có những cuốn sách không được đọc để giải trí mà để đối diện với chính mình. “Đi tìm lẽ sống” là một tác phẩm viết ra từ trải nghiệm cận kề cái chết nhưng lại chứa đựng ánh sáng của sự sống.
Có những quyển sách không chỉ để đọc mà là để sống cùng. "Đi tìm lẽ sống" của Viktor E. Frankl là một trong số đó. Quyển sách chỉ hơn trăm trang, được viết trong vỏn vẹn 9 ngày. Nhưng những gì nó truyền tải mang theo cả một đời người. Đó là một niềm tin vào chính mình, ngay cả khi rơi vào cùng cực của sự bất lực.
Sơ lược về tác giả

Viktor Emil Frankl (1905–1997)
Viktor Emil Frankl (1905–1997) là một bác sĩ tâm thần, nhà thần kinh học người Do Thái và là người sáng lập Liệu pháp ý nghĩa – Logotherapy.
Trong Thế chiến thứ II, ông bị đưa vào các trại tập trung của phát xít Đức. Đây là nơi cha mẹ, vợ và anh trai ông đều thiệt mạng. Ông sống sót nhờ niềm tin rằng ngay cả trong tận cùng của khổ đau, đời mình vẫn còn điều gì đó đáng sống.
Sau chiến tranh, Frankl trở lại với nghề y, giảng dạy tại hơn 200 trường đại học trên toàn thế giới và viết hơn 30 cuốn sách. Trong đó, “Đi tìm lẽ sống” là tác phẩm để đời của ông với hơn 12 triệu bản in trên toàn cầu.
Quyển sách nói về điều gì?
Xuất bản lần đầu năm 1946, chỉ một năm sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, “Đi tìm lẽ sống” không giống bất cứ cuốn hồi ký nào từng được viết trước đó. Frankl không kể lại chiến tranh như một tấn bi kịch lịch sử mà được kể lại như một hành trình nội tâm – nơi một người dường như đã mất tất cả vẫn tìm thấy ánh sáng cho đời mình.

Tóm tắt sách Đi tìm lẽ sống
Quyển sách chia làm hai phần:
Phần đầu: Hồi ký trong trại tập trung
Nơi Frankl mô tả cách con người phản ứng khác nhau trước khổ đau. Tại đây, có người buông xuôi, có người trở nên tàn nhẫn nhưng cũng có người bị vùi sâu trong bùn lầy giành giật sự sống vẫn giữ được lòng nhân hậu và phẩm giá.
Frankl quan sát mọi thứ không phải dưới góc nhìn của nạn nhân mà với đôi mắt của một người bác sĩ. Và chính trong quan sát ấy, ông bắt đầu tìm thấy một sự thật. Rằng khi không còn gì để mất, con người bắt đầu trở về với bản thể nguyên sơ của chính mình. Hoặc là rơi vào vực thẳm hoặc là bước lên một tầng ý nghĩa sâu hơn của sự tồn tại.
Phần hai: Trình bày về Logotherapy
Lý thuyết này được ông xây dựng từ trước chiến tranh nhưng chỉ đến khi trải qua cuộc sống khốc liệt trong trại tập trung, ông mới thực sự kiểm chứng được sức mạnh của nó.
Theo Logotherapy, nỗi đau là điều không thể tránh khỏi nhưng con người luôn có thể vượt qua nó nếu ta tìm thấy một ý nghĩa để tiếp tục sống. Ý nghĩa ấy không cần phải vĩ đại, đôi khi chỉ là một lời hứa chưa thực hiện, một người thân đang đợi hay đơn giản là khát khao giữ gìn phẩm giá giữa hoàn cảnh phi nhân tính.
Trích dẫn

Trích sách Đi tìm lẽ sống
"Khi một người không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh, anh ta buộc phải thay đổi chính mình.”
“Ai có lý do để sống thì có thể chịu đựng bất kỳ hoàn cảnh nào.”
“Mọi thứ có thể bị tước đoạt khỏi con người, trừ một điều: tự do lựa chọn thái độ của mình trước bất kỳ hoàn cảnh nào.”
“Sống không phải là chịu đựng, mà là tìm ra ý nghĩa trong sự chịu đựng ấy.”
“Không phải chúng ta hỏi cuộc đời là gì, mà chính cuộc đời đang đặt câu hỏi cho chúng ta.”
Lời kết
“Đi tìm lẽ sống” không đưa ra công thức, cũng không tô hồng hiện thực. Quyển sách diễn đạt trung thực đến lạnh lùng, bởi trong tận cùng tăm tối của cuộc đời, Frankl vẫn tìm thấy ánh sáng.
Với những ai đang bước qua khủng hoảng, mất định hướng, cuốn sách này sẽ không mang lại bất cứ câu trả lời rõ ràng nào. Nhưng nó đặt ra một câu hỏi quan trọng và đồng hành cùng bạn từng bước trong hành trình đi tìm câu trả lời đó.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này