Tada, sau hơn một tháng đọc không chăm chỉ lắm thì mình đã hoàn thành cuốn sách Suối Nguồn một cách thành công tốt đẹp.


Trong tác phẩm Suối nguồn, tác giả Ayn Rand đã xây dựng nên cả một thế giới chỉn chu và chi tiết gồm cả những con người, những tiêu chuẩn xã hội, những tư duy triết học của họ để kể một câu chuyện đầy hấp dẫn về một người kiến trúc sư tài năng, qua đó thể hiện một bản tuyên ngôn hùng hồn về chủ nghĩa cá nhân.
Đọc đến 1/3 cuốn sách, tôi phải nhìn nhận lại kỳ vọng của mình về cuốn sách. Tác giả vẽ ra một thế giới rất cực đoan, đầy mâu thuẫn trong mỗi nhân vật (trừ nhân vật chính), khiến tôi cảm thấy đó là cả một thế giới xấu xa và nhân vật chính của chúng ta phải một mình chống lại nó. Nhưng vì tác giả sử dụng bối cảnh là nước Mỹ những năm 30, tôi lại mong thế giới đó là một thế giới thực tế. Nhưng đâu nhất thiết tác giả phải viết hoàn toàn thực tế phải không. Cũng như bao truyện viễn tưởng khác, như Harry Potter, Chúa Nhẫn, tác giả tự do sáng tạo ra thế giới của tác phẩm. Và thế giới của Suối nguồn cũng là một thế giới được tác giả sáng tạo ra, sao tôi lại phải có ý kiến ý cò về nó nhỉ. Từ đó tôi phải cởi mở kỳ vọng của bản thân mình để chấp nhận những chi tiết “hư cấu” của tác phẩm, và tôi đã đọc nó một cách dễ dàng hơn rất nhiều, và học được những điều hay ho từ nó.
Điều tôi thích nhất từ cuốn sách là tài năng kể chuyện (mà tôi phải gọi là) siêu phàm của tác giả. Những câu văn đủ đầy ý nghĩa, đậm tính triết học. Tình tiết truyện lôi cuốn có tính kết nối cao. Và tôi cứ luôn tự hỏi, tác giả có chuyên ngành kiến trúc không mà viết được những câu văn về lĩnh vực này như là một chuyên gia uyên bác vậy.
Người ta nói nhiều về tính triết học trong tác phẩm này, và đúng là bạn sẽ thấy từng câu triết lý về con người, về cuộc sống ở bất kỳ trang giấy nào. Nếu một ngày hết ý tưởng post “so deep” trên facebook, bạn hoàn toàn có thể chọn một đoạn ngẫu nhiên trong sách để post lên, đảm bảo thâm thúy luôn.
Có những câu mà có lẽ quá thâm thúy đến nỗi tôi chưa thể hiểu được như:
“Tôi đã dạy cậu rất nhiều và không gì cả. Không ai có thể dạy cậu bất cứ cái gì”.
“Tôi muốn bị trừng phạt về cái việc mà tôi chẳng có gì để mà bị trừng phạt.”
“Anh chắc chắn là nó sâu sắc, vì anh không hiểu nó.”
Các bài review về cuốn này nói rất nhiều về những cái hay của tác phẩm này rồi, nên mình xin nói thêm vài điểm mình không thích lắm.
Đầu tiên là tác phẩm quá dài. 1.200 trang là quá dài đối với những độc giả thực dụng và nóng vội như tôi. Đúng là hàm lượng nội dung của tác phẩm rất đồ sộ và cần nhiều chữ để nói được hết, nhưng nhiều chỗ tôi thấy tác giả miêu tả cảnh vật dài dòng hoặc nêu các chi tiết phụ một cách quá tỉ mỉ. Tôi đã thử đọc lướt để tăng tốc độ nhưng hàm lượng triết học đậm đặc khiến tôi chẳng thể hiểu được gì khi đọc quá nhanh. Vậy nên tôi coi cuốn sách như một thử thách, cố gắng đọc từ từ, từng câu từng chữ một, hơn một tháng mới hoàn thành nó.
Khác với những tác phẩm thông thường, bối cảnh là trong một xã hội tốt đẹp có những nhân vật anh hùng chống lại nhân vật phản diện để bảo vệ xã hội đó. Thì Suối nguồn lại làm khác đi: miêu tả cả một xã hội tầm thường, mục rữa để nhân vật anh hùng (nhân vật chính) chống lại. Có thể là định kiến cá nhân của tôi, nhưng tôi thấy thật buồn và đầy cảm xúc tiêu cực khi đọc tác phẩm. Hầu hết các nhân vật được nhắc đến đều sống giả tạo, tầm thường, sợ sệt, không có chí khí và thiếu chính trực. Tác giả tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, tôn vinh nhân vật chính bằng cách hạ thấp tất cả những người khác xuống, hạ thấp cả xã hội với những giá trị khác với giá trị của nhân vật chính. Tôi không thích cách làm này, có thể nó giúp làm nổi bật triết lý của tác giả, nhưng nó tạo cho người đọc một thế giới quan có phần tiêu cực và nếu không đủ tỉnh táo, người đọc có thể bị lạc lối trong 1.200 trang đó.
Thường thì các tác phẩm sẽ gửi gắm một thông điệp nào đó thông qua cảm xúc của độc giả. Và vì tôi đã không bị thuyết phục bởi câu chuyện, nên cảm xúc cũng không nhiều, thành ra khi hoàn thành cuốn truyện mà trong đầu tôi khá trống rỗng. Tôi vẫn thấy các tính tiết và triết lý ở khúc cuối vẫn còn gượng ép và chưa chặt chẽ.
Và nếu nói về triết lý chủ nghĩa cá nhân mà tác giả nhấn mạnh trong tác phẩm này, thì còn rất nhiều điều cần xem xét. Dù được dẫn dắt từ đầu đến cuối với nhân vật chính rất ngầu và hay ho, nhưng sau khi gấp cuốn sách lại, trở về thế giới thực tế, thì những quan điểm tưởng như chân lý trong cuốn tiểu thuyết này trông rất là… tiểu thuyết, thiếu tính thực tế rất nhiều. Chúng ta cần có cái nhìn công bằng đối với những triết lý trong Suối nguồn. Một mặt công nhận rằng những ý tưởng của tác giả cũng giúp đánh thức trong ta phần nào đó cái bản chất ngủ quên trong ta. Tự hỏi rằng những điều ta làm lâu nay là vì chính mình hay chỉ vì danh lợi và kỳ vòng từ người khác. Liệu mình có quá dễ dãi đánh mất cá tính khi tham gia vào một tập thể? Cuốn sách cung cấp những ý tưởng tuyệt vời để chúng ta tự rà soát bản thân như vậy. Nhưng chỉ nên dừng ở mức đó thôi, đừng vội tin tưởng tác giả và làm theo như nhân vật chính.

Nếu bạn đọc đến đây rồi thì chắc sẽ nảy sinh câu hỏi:
“Vậy thì có nên đọc cuốn này không?”
Như tiêu đề mình đã nói, Suối nguồn là một quyển sách hay, nhưng không phải đối với tất cả mọi người. Hoặc diễn đạt theo một phong cách rất “suối nguồn” là: “Cuốn sách quá hay đến nỗi không thể hay được đối với tất cả mọi người”.
Cuốn sách vẫn nguyên giá trị với những triết lý, tầng sâu triết học và câu chuyện lôi cuốn. Nhưng khẩu vị sách của mỗi người lại khác nhau. Nếu bạn như tôi, không thích sách dài, mà thích sách lập luận đơn giản, chứa đựng giá trị vị nhân sinh tích cực thì Suối nguồn sẽ không hợp lắm. Nhưng nếu bạn thích quan điểm mới mẻ, không ngại các ý tưởng cực đoan (theo nghĩa tích cực nha), hứng thú với triết học và… có thời gian, thì chắc chắn cuốn sách sẽ không làm bạn thất vọng.
Ví dụ như bạn đang có crush, người bạn thầm thương trộm mến đó, thì hãy hỏi người ta có sách Suối nguồn không cho bạn mượn. Nếu có thì bạn lại có thêm 2 cơ hội gặp người ấy, một lần mượn và một lần trả, chưa kể còn có thêm lần đàm đạo về cuốn sách. Còn nếu không thì bạn cũng ghi điểm đó, vì đã quan tâm đến một tác phẩm kinh điển, đặc sắc và đậm đặc triết lý như vậy. Hãy xúc tiến liền đi nhé.
Nếu bạn còn phân vân không biết có nên đọc nó không, thì mình nghĩ cứ đọc thử đi. Mượn từ crush hoặc lên mạng chấm chấm chấm (vì có ý tôn trọng bản quyền nên mình không nói thẳng ra), rồi đọc một chương đầu tiên xem thử có thích nó không. Nếu thấy thích thì đọc tiếp, không thì thôi cũng được, không tốn bao nhiêu thời gian hết.
Rất mong được nghe chia sẻ các góc nhìn khác từ mọi người về Suối nguồn.
Chúc mọi người đọc sách vui.