Hình ảnh sách
Hình ảnh sách
Bạn có bao giờ:
Đầu tư thời gian vào thứ gì đó mà sau này nhận thức lại thì không đáng?
Tiếp tục làm điều gì đó mà bạn biết là có hại cho bản thân?
Mãn nguyện vì được khen ngợi khi thành công nhưng lại đổ lỗi thất bại cho hoàn cảnh bên ngoài?
Đây là một vài ví dụ về những thành kiến ​​trong nhận thức, những lỗi cơ bản mà hầu hết chúng ta đều mắc phải trong suy nghĩ hàng ngày. Điều quan trọng là cần phát hiện ra những lỗi này và học cách loại bỏ chúng để đưa ra sự lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống.
99 lỗi tư duy phổ biến được tác giả Rolf Dobelli trình bày rõ ràng trong “Nghệ thuật tư duy rành mạch”. Nội dung cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu được những lỗi tư duy nhỏ nhặt và cơ bản hoàn toàn có thể tích tụ thành những thành kiến khó bỏ. Chính những thành kiến này đã tạo ra vô số những sai lầm trong sự lựa chọn và quyết định của bạn.

Tại sao nhận biết về lỗi tư duy lại quan trọng?

Nhận biết về lỗi tư duy là một yếu tố quan trọng trong quá trình tư duy. Nhận thức này giúp bạn cải thiện sai lầm, nâng cao khả năng phán đoán, phát triển tư duy logic.
Bằng cách nhìn nhận các lỗi tư duy, bạn trở nên mạnh mẽ hơn trong việc giao tiếp và thuyết phục người khác. Nhận biết lỗi tư duy là một phương pháp tự cải thiện bản thân hiệu quả, nó không chỉ giúp bạn trở nên nhạy bén, xử lý tình huống khéo léo, mà còn giúp bạn đạt được kết quả tối ưu trong công việc và đời sống.
Nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein từng nói một câu khá nổi tiếng về việc nhận thức lỗi tư duy: "Insanity is doing the same thing over and over again and expecting different results."("Sự điên cuồng là làm điều giống nhau lặp đi lặp lại và mong đợi kết quả khác nhau.")
Câu nói này nhấn mạnh tác hại của việc tiếp tục thực hiện cùng một hành động mà không nhận ra sai lầm để cải thiện thì chúng ta không thể trông đợi kết quả khác biệt.

Đôi nét về tác giả

“Nghệ thuật tư duy rành mạch” được viết bởi Rolf Dobelli. 
Rolf Dobelli sinh ngày 15/7/1966. Ông là tác giả đồng thời là doanh nhân người Thụy Sĩ. Rolf Dobelli bắt đầu sự nghiệp viết lách vào năm 2002, bắt đầu trở nên nổi tiếng sau khi xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật của tư duy rành mạch”. 
Ông nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh và Tiến sĩ tại Đại học ST. Gallen, Thụy Sĩ. Từng cộng tác với The Wall Street Journal, The Washington Post, Financial Time cùng nhiều tạp chí uy tín khác của Châu Âu và Châu Mỹ.

Nghệ thuật tư duy được viết như thế nào?

Ban đầu “Nghệ thuật tư duy rành mạch” là bản danh sách các lỗi tư duy cá nhân do Rolf Dobelli tổng hợp để kiểm nghiệm những những thành kiến trong quan điểm và nhận thức của riêng ông. Sau này khi bản danh sách dần hoàn thiện. Ông nhận ra chính việc hệ thống lại các lỗi tư duy giúp ích cho ông rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, hữu ích trong cả kinh doanh và xử lý cả các vấn đề cá nhân.
Vậy nên “Nghệ thuật tư duy rành mạch” bắt đầu được in ấn thành sách với mục tiêu chia sẻ kiến thức, giúp mọi người nhận biết các lỗi tư duy thường gặp, nhằm né tránh việc mắc sai lầm, có được quyết định sáng suốt.

Cùng kiểm định một vài lỗi tư duy cơ bản

Dưới đây mình sẽ viết tóm tắt lại một vài lỗi tư duy cơ bản, bạn hãy cùng kiêm nhiệm đây có phải lỗi tư duy bạn thường gặp và liệu cuốn sách này có thể giúp ích gì cho bạn không nhé!

 Phần 5: Ngụy biện chi phí 

Ngụy biện chi phí đề cập đến việc không muốn bỏ lỡ điều gì đó, nhưng dù chúng ta có đầu tư thêm thời gian, công sức, tiền bạc thì cũng không thể có kết quả tốt đẹp, nhưng chúng ta vẫn cố chấp không chịu dừng lại hoặc buông bỏ.
Thực tế, ngụy biện chi phí liên tục vận hành trong đời sống con người.
Ví dụ như bạn không muốn bỏ lỡ khóa học nào đó vì đã dành rất nhiều tiền để mua nó mặc dù khóa học dở tệ, chẳng giúp thêm được gì cho bạn mà chỉ tiêu tốn của bạn mớ thời gian.
Tương tự trong mối quan hệ, hai người không còn yêu nhau nhưng không chọn chia tay bởi vì chúng ta thấy luyến tiếc khoảng thời gian, công sức đã bỏ ra trong nhiều năm. Mặc dù bây giờ ở khi cạnh nhau hai người không còn cảm xúc gì đối với đối phương.
=> Hiểu về sự tồn tại của ngụy biện chi phí sẽ giúp bạn hiểu ra một vấn đề quan trọng: Đôi khi trong cuộc sống để có thể đưa ra các quyết định hợp lý đòi hỏi bạn phải quên đi những chi phí mình đã bỏ ra cho đến hiện tại. Dù bạn đã đầu tư nhiều đến đâu, đánh giá về lợi ích và chi phí tương lai vẫn nên được xem là một điều quan trọng.

Phần 11: Thành kiến về những thứ có sẵn

Thành kiến về những thứ có sẵn là cách chúng ta thường chọn vẽ nên bức tranh về thế giới thông qua việc sử dụng các ví dụ mà chúng ta từng chứng kiến, quan sát, biết về nó thông ai đó, dù rằng điều đó có thể chỉ đúng một cá nhân nhưng nhất thiết là sự thật khách quan.
Bạn không tin việc hút thuốc nguy hại như lời cảnh báo của các bác sĩ y khoa chỉ vì đơn giản ông bạn đã hút hơn ba bao thuốc một ngày nhưng vẫn sống đến hơn một trăm tuổi.
Bạn cho rằng một địa điểm/ một thành phố nào đó an toàn chỉ vì bạn biết một người bạn sống ở đó chẳng bao giờ khóa cửa ngay cả khi đi ra bên ngoài.
Việc sở hữu thành kiến về thứ có sẵn khiến chúng ta chúng ta sống với sự chủ quan về hiểu biết của mình, điều đó cũng dẫn đến việc định hình suy nghĩ, quyết định hành vi thiếu chính xác và đầy rủi ro trong đời sống.
Các bác sĩ chuyên khoa cũng có thể nạn nhân của thành kiến về thứ có sẵn. Ví dụ theo quán tính họ có thể áp dụng mọi phương pháp chữa bệnh quen thuộc của mình vào mọi trường hợp có thể. Mặc dù trong nhiều trường hợp, nếu họ suy nghĩ kỹ hơn về các khả năng, có thể họ sẽ tìm ra một phương pháp điều trị mới.
Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của thành kiến về thứ có sẵn. Vì vậy cách khắc phục lỗi tư duy mà tác giả gợi ý là bạn hãy dành thời gian ở bên những người có tư duy khác với bạn - những người có năng lực chuyên môn khác bạn.
Khi trò chuyện chia sẻ với họ, hãy tiếp thu và ghi nhận ý kiến của họ, đồng thời luôn soi xét lại những quan điểm, suy nghĩ của mình để kiểm nghiệm xem bản thân có đang bẫy của thành kiến có sẵn hay không.

Phần 42 Vấn đề không phải là bạn nói gì, mà là cách bạn nói| Đóng khung ý nghĩa

Cùng xem xét hai câu nói dưới đây:
“Này, thùng rác đầy rồi”
“Anh có thể giúp em đi đổ rác đầy được không?”.
Cùng một thông điệp nhưng tùy vào cách truyền đạt chúng ta sẽ quyết định quá trình giao tiếp đạt được thành công hay thất bại. Mỗi thông tin được truyền đạt sẽ tùy thuộc vào ngữ nghĩa, bối cảnh, giọng điệu sẽ tạo ra những ý nghĩa thông điệp khác nhau.
Một ví dụ khác về cách truyền đạt thông tin: Các nhà nghiên cứu cho một nhóm người hai lựa chọn về thịt “99% không có chất béo” và có “1% chất béo”, sau đó yêu cầu mọi người lựa chọn loại nào tốt cho sức khỏe. Bạn hãy thử đoán xem mọi người lựa chọn gì? 
Đáp án là những người tham gia thực nghiệm đều xếp hạng loại thịt “99% không có chứa chất béo” tốt hơn cho sức khỏe hơn “1% chất béo” mặc dù xét về bản chất hai loại thịt này có thành phần tương đương nhau.
Điều này chứng tỏ cách sử dụng từ ngữ truyền đạt chúng ta sẽ tạo ra thông điệp, hiệu ứng khác nhau.
=> Nhận ra sử dụng từ ngữ, cách truyền đạt thông tin tạo ra sự tiếp nhận khác nhau có thể có ích trong các chiến lược quảng bá marketing, đồng thời trong đời sống cá nhân, người ta học cách điều chỉnh cách sử dụng từ ngữ để đạt được thành công trong quá trình giao tiếp.
Hiệu ứng sở hữu chỉ ra rằng con người thường có xu hướng bám víu và đề cao tài sản họ có như nhà cửa, đồ đạc, các vật dụng tiêu tốn đống tiến.
Tính sở hữu không có gì nguy hiểm cho đến chúng ta vô tình bị tước đoạt đi mọi thứ. Sự mất mát sẽ biến thành sự thất vọng, nỗi oán hận và day dứt.
Điều khôn ngoan khi biết về hiệu ứng sở hữu là đừng cố bám lấy thứ gì, hãy tập coi tài sản của bạn là thứ vũ trụ ban tặng và nó có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.
Ảo tưởng việc lên kế hoạch điều này lý giải khi càng lên kế hoạch chi tiết chúng ta càng có xu hướng bỏ qua những yếu tố phụ có thể làm chệch hướng kế hoạch của chúng ta. Vậy nên trong cuộc sống, lập kế hoạch là điều tốt những đừng quá cứng nhắc bám lấy từng chi tiết hoàn hảo có trong kế hoạch, nhất nhất tuân theo. Phải nhớ cuộc sống luôn có những yếu tố bất ngờ xảy đến, vì thế hãy sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. 
Kiến thức tài xế là dạng kiến thức bề nổi, bóng bẩy nhưng không thực sự hữu ích. Hãy cẩn thận và xem xét kỹ càng hơn với những người sở hữu kiến thức tài xế, họ có thể là người phát ngôn của một công ty, người dẫn chương trình, phát thanh viên, kẻ khéo miệng, kết thích ba hoa chích chòe. Hãy nhớ những người thực sự hiểu biết là những người khiêm nhường, họ chỉ nói những điều bản thân biết, im lặng khi không biết và thường họ sẽ chỉ nói về những gì thuộc vòng tròn hiểu biết của riêng họ (vòng tròn hiểu biết có thể lĩnh vực ngành nghề mà người đó quan tâm và đang làm việc)
Trên đây là một số lỗi tư duy mình viết tóm tắt và giảm lượt theo cách hiểu của mình. Để tìm hiểu thêm về các lỗi tư duy còn lại, bạn có thể đọc cuốn sách để nắm rõ hơn nhé.

Đánh giá chung về cuốn sách

Đầu tiên chúng ta sẽ cùng bàn về tính khoa học của thông tin, lý thuyết được trình bày trong sách. Như chia sẻ ban đầu của tác giả, “Nghệ thuật tư duy rành mạch” là bản ghi chép cá nhân mà Rolf Dobelli tổng hợp từ nhiều nguồn kiến thức mà ông đã đọc và học hỏi trong nhiều năm.
Điều này có nghĩa những kiến thức trong sách không phải là khoa học chính thống, thay vào đó là một hệ thống kiến thức có vay mượn, được sửa chữa, chọn lọc thông qua lăng kính và trải nghiệm cá nhân của tác giả. 
Vậy nên khi tiếp cận với cuốn sách này, bạn hãy đọc với một tư duy cởi mở, đặt mục tiêu là tham khảo tri thức. Bạn cũng có thể dựa vào cuốn sách tạo ra một bản danh sách các lỗi tư duy của riêng mình, nhằm đúc kết những kinh nghiệm sau những sai lầm và học hỏi những điều bổ ích.
Hơn hết, hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng phản biện nếu như bạn cảm thấy chia sẻ của tác giả chưa thực sự đúng đắn và thuyết phục.
“Nghệ thuật tư duy lành mạnh” liệu có mang lại sự thịnh vượng nhảy vọt như tác giả kỳ vọng hay không thì điều đó vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, cuốn sách có thể mang lại cho bạn sự thú vị riêng biệt nếu như bạn dành chút thời gian rảnh rỗi thưởng thức nó.

Lời kết

Trong cuộc sống và công việc, việc nhận biết các lỗi trong tư duy đóng một vai trò quan trọng. Việc tự đặt ra câu hỏi, cởi mở với những quan điểm khác nhau sẽ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống với một lăng kính phong phú và khách quan. Cùng với đó, hãy luôn giữ sự  kiên nhẫn, liên tục học hỏi từ những sai lầm, không ngừng mở rộng tư duy.
“Nghệ thuật tư duy lành mạnh” không phải ấn phẩm đặc sắc, tuy nhiên cuốn sách có thể trở thành một bước đệm nho nhỏ giúp bạn nhận biết các lỗi tư duy thường gặp, từ đó đưa ra các quyết định cân bằng và sáng suốt hơn.