[IRead] Nghệ thuật giao tiếp: sống để yêu thương
Một buổi chiều trời thu Hà Nội, khi những chiếc lá vàng xào xạc cuộn theo từng ngọn gió, tôi thấy em ngồi đó, trong trạm chờ xe bus...
Một buổi chiều trời thu Hà Nội, khi những chiếc lá vàng xào xạc cuộn theo từng ngọn gió, tôi thấy em ngồi đó, trong trạm chờ xe bus quen thuộc, với một khuôn mặt rạng người và nụ cười như ánh bình minh. Ngày nào cũng vậy, cứ cái giờ đi học này, là tôi lại nhìn thấy em. Tôi muốn bắt chuyện làm quen, nhưng lại không biết phải nói gì bây giờ. Thế là, cứ ngày này qua tháng khác, vẫn có một ánh nhìn dõi theo cô gái xinh xắn đó.
Đã có quá nhiều sự nuối tiếc trong những lần gặp mặt làm quen, bởi nhiều khi, người ta không rõ phải bắt đầu một câu chuyện như thế nào. Với cuốn sách "Nghệ thuật giao tiếp để thành công", Leil Lowndes luôn có nhiều hơn 1 cách để làm cuộc hội thoại trở lên đầy tự nhiên và thú vị.
1. Những lời khen chân thành
Hãy bắt đầu bằng những lời khen chân thật. Thực sự, chẳng ai là không muốn được khen cả. Nhưng đó nhất thiết không thể là những lời khen sáo rỗng như “Bạn trông thật là đẹp”. Ai ai cũng có một chi tiết gì đó mà khiến người khác chú ý. Những lời khen cho những chi tiết nhỏ nhặt cũng đã phần nào thể hiện được sự quan tâm đặc biệt của bạn dành cho người đối diện rồi. “Mình rất thích chú pikichu ngộ nghĩnh trên chiếc cặp của bạn”, “Bạn có một mái tóc tím thật là đặc biệt”, “Hình như ngày nào bạn cũng đi đúng giờ này thì phải, rất ít người có thể luôn đúng giờ như bạn đó”.
2. Chia sẻ sở thích thầm kín
Một lời khen dí dóm giúp bạn vượt quá điểm khởi đầu khó khăn, nhưng để tiếp tục câu chuyện còn khó hơn nhiều. Luôn có một sự ngại ngùng, một sự gượng gạo trong từng lời nói. Mỗi người trong chúng ta đều có một tấm khiên, tấm khiên đó giúp bảo vệ ta khỏi sự bất trắc trong xã hội, nhưng đồng thời cũng là vật ngăn cản để ta có thể tiến gần hơn với những người khác.
“Mình rất thích trời thu Hà Nội, một tiết trời dễ chịu và thoải mái. Người ta có thể mặc thêm chiếc áo mỏng khi cần mà vẫn có thể thoải mái chạy nhảy với bộ quần áo mùa hè”. Hạ tấm khiên của bản thân xuống trước, chia sẻ nhiều hơn về những sở thích như cách ta thường chia sẻ với những đứa bạn thân sẽ giúp xóa bỏ những rào cản vô hình giữa 2 người. Khi cảm nhận được sự chân thành từ người đối diện, mọi người cũng sẽ dần dần hạ tấm khiên của mình xuống theo.
3. Chọn đúng chủ đề
Nhưng mà nói về gì bây giờ, con vật yêu thích, công việc yêu thích, hay môn thể thao yêu thích. Ai ai cũng có những chủ đề mà chúng ta có thể nói không ngừng nghỉ, vì thế, việc trở thành thám tử ngôn từ sẽ giúp ta phát hiện được chủ đề yêu thích của người khác. “CLB bóng chuyền của chúng tớ vừa dành giải nhì trong cuộc thi giữa các lớp tuần trước. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến 6h cả lũ lại tập trung tại sân trung tâm, khởi động, chạy mấy vòng…” Oh, một người ít nói đột nhiên có thể nói liến thoắng về những gì diễn ra tại clb bóng chuyền, chắc hẳn bạn ấy phải đam mê môn thể thao đó lắm.
4. Chia sẻ cảm xúc
Cuộc hội thoại sẽ thật là thú vị nếu cả 2 người đều đam mê bóng chuyền. “CLB nữ của cậu hay thế, CLB nam tớ rủ mãi mà chẳng có mấy mống chịu đi tập”. “T tập nhảy lên đập bóng mãi mà chẳng được gì cả, mấy lần tập đến mức tay đỏ rực lên mà bóng nó vẫn bay tứ tung”. Có lẽ, để nói thêm về chủ đề mà cả 2 người đều thấy hứng thú là quá thừa, bởi đơn giản, có ti tỉ thứ mà 2 người có thể nói cùng nhau khi đã tìm được điểm tương đồng, tâm hồn đã đồng điệu. Nhưng không phải, lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ như vậy.
5. Luôn tò mò
Mình chẳng biết gì về bóng chuyền cả, nhưng mình lại rất tò mò về những gì bạn ấy nói. “Chạy 3 vòng quanh sân thật á :O”, “làm thế nào các bạn để thua sec 1 với tỉ số rất đậm 24-10 mà sec sau có thể dành ngược lại chiến thắng vậy”, hay đơn giản chỉ là nhắc lại những gì bạn ấy nói, để bạn ấy có thể mô tả kĩ hơn. “Ngày cuối cùng hội tớ phải tập đến 10h tối” – “10h?”. Ai cũng muốn được chia sẻ những gì mình làm. Chỉ cần một sự tò mò chân thành thôi, hỏi để được chia sẻ, để biết hơn về những gì mọi người đang làm cũng là một cách để con người xích gần lại với nhau hơn, hiểu hơn về nhau.
6. Không gượng ép, hãy thành thực
Mình không những không biết về bóng chuyền, mà cũng chẳng tò mò về nó. Vậy ta lại tiếp tục cố gắng đi tìm điểm chung nào đó khác thôi. Cố gắng tiếp tục một chủ đề bạn không thích hay không hứng thú sẽ chỉ làm mọi thứ tệ hơn. “Ngày cuối cùng hội tớ phải tập đến 10h tối” – “10h?”. Vẫn câu hỏi đó, nhưng 1 câu hỏi với 2 mắt long lanh, thân người hướng về phía trước, 2 tai mở rộng như chỉ để trực nuốt từng lời nói tiếp theo, sẽ khác hoàn toàn với 1 câu hỏi với vẻ mặt chán chườn, mệt mỏi, 2 tay chỉ trực đưa lên để che cái miệng muốn ngáp liên hồi. Chúng ta có thể che dấu tâm tư bằng lời nói, nhưng thật khó để giấu được ngôn ngữ không lời. Mọi người luôn có nhiều hơn 1 chủ đề hứng thú, và không nhất thiết ta phải ép bản thân mình nghe những gì không muốn nghe.
7. Kể những câu chuyện thú vị
Nhưng mà bạn ấy nói mấy cái mà mình chẳng tìm được điểm chung, và cũng chẳng cảm thấy thú vị gì cả. Lắng nghe, luôn là một điều vô cùng cần thiết, nhưng nhiều lúc cũng cần cả sự chia sẻ nữa. Kể về một câu chuyện thú vị mà cả 2 người đều có thể cười, có thể trao đổi. Biết đâu bạn ấy có rất nhiều sự tò mò về những gì bạn thích làm thì sao. Vì dẫu sao, giao tiếp vẫn là tương tác 2 chiều. Nhưng hãy cố chia sẻ điều gì đó mà bạn ấy cũng cảm thấy hứng thú. Bạn có thấy đôi mắt long lanh đang dõi theo những gì bạn nói, hay những câu hỏi ngây ngô bất chợt. Nếu thật vậy, đó hẳn là một chủ đề cả 2 có thể tiếp tục trò chuyện rồi. Nhưng nếu bạn nhìn thấy một đôi mắt đảo quanh tìm lối thoát, có lẽ ta nên cố gắng dừng câu chuyện đang để chuyển sang một chủ đề thú vị hơn. Dù sao thì, sự tĩnh lặng vẫn tốt hơn là một người cố nói mà một người lại không muốn nghe.
Vậy rút cuộc nghệ thuật giao tiếp là gì… Tìm được điều mà cả 2 cùng thấy thú vị để nói về, lắng nghe với sự tò mò vô hạn hay chia sẻ những gì hay ho trong cuộc sống. Hóa ra nghệ thuật giao tiếp cũng không có gì to tát lắm, đơn giản chỉ là những lời khen chân thật, thật sự quan tâm đến người khác, luôn cố gắng nói về những điều mà họ muốn nói, hay kể những câu chuyện thú vị để cho họ vui (và cả mình cũng vui nữa). Tự làm bản thân thú vị, tăng sự tò mò, biết nhiều chủ đề hơn để dễ hòa nhập, sống thật chân thành và đem lại nhiều niềm vui nhất cho người khác. Bởi thật sự, ai mà không thích mình là trung tâm của vũ trụ, để được kể, được chia sẻ những hiểu biết của mình. Định nghĩa cũng đơn giản thật nhưng để làm được thì cũng không dễ tí nào T__T.
Để kết thúc bài viết, mình xin trích lại một mẩu chuyện rất thú vị về chú ngựa Hans trong cuốn sách
Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng quê nhỏ có một chú ngựa Hans. Chú ngựa nổi tiếng khắp vùng bởi một khả năng trời phú: biết đọc số. Đã biết bao nhiêu người tò mò đến tìm hiểu tài năng của chú ngựa này, biết bao nhiêu show trình diễn được tổ chức, và lần nào chú cũng làm nức lòng người đến xem, bởi không ai nghĩ ngựa có thể biết đọc số.
Hôm nay, số 17 là con số được chọn. Người nuôi ngựa giơ bảng số trước mặt ngựa, giơ lên giơ xuống, giơ trái giơ phải, như chỉ để chắc rằng ngựa đã nhìn rõ ràng con số được chọn. Và lại như thường lệ, ngựa Hans bắt đầu những tiếng gõ chân trên mặt sàn. Cộc, cộc, cộc… từng nhịp móng ngựa đập xuống đất. 14, 15, 16… Mọi người cùng đếm nhẩm trong đầu số tiếng gõ ngựa trên mặt đất. Càng đến gần con số đó, cả không gian như nín lại, rồi cùng chờ đợi một điều kì diệu gì đó sắp diễn ra. Và cộc, 17 phát, rồi người ta bật cười, những tiếng vỗ tay, những màn tán dương không dứt dành cho chú ngựa kỳ lạ đó. Người ta vẫn luôn tò mò, vì làm sao mà một con ngựa lại có thể biết đọc số như vậy. Và sự thật là, chú ngựa đó biết cách giao tiếp tốt hơn những chú ngựa khác mà thôi.
Tại sao lại như vậy nhỉ?
/sach
- Hot nhất
- Mới nhất