(nguồn: Pinterest)
(nguồn: Pinterest)
“Cái thương nằm trong cái hiểu. Anh có khả năng đi tìm cái hiểu và cái thương ngay chính trong tự thân anh không? Có phải anh đang khát khao được thương và được hiểu? Ai là kẻ có thể hiểu anh, có thể thương anh? Nếu anh không hiểu được anh, nếu anh không thương được anh, thì anh sẽ hiểu được ai và anh sẽ thương được ai?”
(Anh đi tìm chi? - Trích trong cuốn sách “Bây giờ mới thấy” của Sư Ông Làng Mai)
Chúng ta đã bước qua thời đại sống vì lý tưởng của người khác mà bước sang thời đại sống hướng về mình nhiều hơn. Bởi vậy, có thể thấy cụm từ “yêu bản thân” xuất hiện rất phổ biến và được xem là điều mà cá nhân nên hướng tới. Nhưng nghịch lý là càng được nhắc đến nhiều thì sự khó hiểu càng tăng lên, vì ta loay hoay không biết điều gì mới thực sự phù hợp với mình.
Mối quan hệ đầu tiên của chúng ta là với bản thân mình và nó cũng là nền tảng cho các mối quan hệ với người khác. Chẳng hạn trong một mối quan hệ tình cảm, thật khó để cảm thấy hài lòng về đối phương khi chính mình không có sự hài lòng dành cho chính bản thân. Do đó, việc yêu bản thân giúp chúng ta sống một cách có ý nghĩa và đưa ra những lựa chọn lành mạnh trong các quyết định hàng ngày. Từ đó trở nên tích cực và cảm thấy cuộc sống tuyệt vời hơn.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, yêu bản thân là quan tâm đến hạnh phúc và sự hài lòng của chính chúng ta. Theo Tổ chức nghiên cứu về hành vi và não bộ, yêu bản thân đến từ những hành động hỗ trợ sự phát triển thể chất, tâm lý và tinh thần. Đó, mỗi người mười ý nên mình cũng có cái ý riêng của mình. Theo mình, yêu bản thân là chấp nhận, thấu hiểu và rèn luyện bản thân để trở nên tốt đẹp hơn.
Mỗi chúng ta là một cá thể độc lập. Điều này có nghĩa rằng việc yêu bản thân như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn, miễn là phù hợp nhất với mong muốn và điều kiện phát triển của bạn. Người ta bảo yêu bản thân là phải biết chăm chút cho ngoại hình của mình, làm thế này làm thế kia. Mình thấy rỗng tuếch. Mình luôn nghĩ con người giống như một vũ trụ thu nhỏ nên việc không hiểu mình cũng là dễ hiểu. Các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ từ năm này qua năm khác còn chưa biết một phần thì điều gì khiến bạn áy náy vì chưa hiểu bản thân?
Vậy giờ yêu bản thân như thế nào bạn he?
Nếu yêu chỉ yêu thôi, ta rất dễ rơi vào tình cảnh nuông chiều bản thân. Đừng chỉ yêu bằng con tim, bằng bản năng mà cần yêu bằng lý trí nữa. Bạn không cần ép mình phải theo một danh sách “15 điều cần làm để yêu bản thân”. Hãy tham khảo thôi và lựa chọn điều gì có giá trị nhất với bạn. Đúc kết của mình thì có 3 bước cực đơn giản:
Bước 1: Chấp nhận
Chấp nhận bản thân dù cho nó còn những khuyết điểm, chấp nhận sự khác biệt và những giới hạn năng lực của mình. Hãy coi bản thân là một vũ trụ và mình là một phi hành gia đang khám phá nó. Nếu vậy thì, sẽ không có sự tốt hay xấu, vì mọi thứ sinh ra trong vũ trụ đều phải có lý do của nó. 
Hmm, thêm nữa, bạn không cần lúc nào cũng phải gán cho mình một cái nhãn nào đó đâu. "Tôi là người hướng ngoại thì tôi lúc nào cũng phải vui vẻ hòa đồng", "tôi là người hướng nội nên ngại giao tiếp lắm". Xin đấy, đừng đánh đồng hành vi với con người và thỉnh thoảng cho phép mình không phải là mình (này học được ở Web5ngay nghe ngầu quá).
Cho phép bản thân nghỉ ngơi đôi chút (nguồn: Pinterest)
Cho phép bản thân nghỉ ngơi đôi chút (nguồn: Pinterest)
Bước 2: Thấu hiểu
Hiểu rằng chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu cùng tồn tại. Thay vì tập trung hướng ra bên ngoài và so sánh điểm yếu của bản thân với điểm ưu của người khác, chúng ta có thể đổi hướng về mình, quan sát và khám phá chính mình. Giờ mình mới thực sự hiểu vì sao việc đọc sách giúp hiểu bản thân. (Không phải những cuốn sách self-help dạy yêu bản thân đâu nhé). Dù là đọc sách, nghe postcard, xem vlog hay theo dõi mấy cuộc tranh luận trên facebook đều giúp mình tiếp cận được được nhiều thông tin và luồng quan điểm từ người. Mà "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", nghĩa là khi gặp những điều giống với con người mình thì trái tim đập rộn ràng như lúc mới yêu, vỗ đùi cái đét "Ồ, mình cũng nghĩ vậy". Còn không thấy không giống thì hoặc là tiếp thu, hoặc là nghĩ ra đủ lý do để bác bỏ của người ta.
Cứ vậy mà hiểu mình thôi.
Bước 3: Rèn luyện
Không phải chúng ta nói yêu bản thân là yêu được ngay, mà cần thời gian, công sức, đôi khi cả tiền bạc nữa vì mua sách cũng tốn tiền lém. Cũng như trong mối quan hệ đôi lứa, nói yêu thôi chưa đủ mà phải hành động nữa. Theo mình, đơn giản rèn luyện yêu bản thân bằng cách phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. 
Dành sự bao dung cho những khuyết điểm của mình, lấy nhu thắng cương. Nghĩ bụng thôi nó đã yếu rồi còn làm căng lên thì khác gì lấy đá chọi trứng (ý là nó chớt quắc lun á). Cùng ngồi lại với nhau, tự hỏi xem liệu có cách nào giúp m bớt yếu không em? Rồi lại tìm tòi giải pháp, rồi lại áp dụng. 
Điểm mạnh thì sao? Tất nhiên là những thứ bạn giỏi. Nhưng nó cũng là những sở thích, đam mê, trải nghiệm, kinh nghiệm, hay kể cả mối quan hệ với người khác… Nếu bạn biết ơn tất cả những gì xảy đến với mình và không cho rằng nó là tốt hay xấu thì mọi thứ dù là nhỏ nhất đều sẽ góp phần tạo nên điểm mạnh cho riêng bạn. Yên tâm là ông Trời không tiệt đường sống của ai cả đâu. Mình đoán vậy ^^
Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do, vậy thôi. Nói chung những điều mình chia sẻ cũng chỉ là một trong nhiều nhiều nhiều cách bạn có thể tìm được. Nhưng dù sao mình vẫn mong nó có chút gì đó gọi là “đồng thanh tương ứng” để giúp bạn xíu xiu trong hành trình đồng hành cùng chính mình đi đến cuối đời. Cố lên, dù bạn có 10 người yêu thì cũng chẳng ai yêu bản thân bạn hộ bạn được đâu.