Tuổi thơ nhiều sóng gió có giúp bạn thành công khi trưởng thành?
                                                    Sóng bắt đầu từ gió
                                                    Gió bắt đầu từ đâu
            Tôi cũng không biết nữa NHƯNG có một thứ tôi biết là nếu sóng và gió đi liền thành “Sóng gió” thì nó vừa vặn để nói về cách mà tôi đã lớn lên.
            Tôi sinh ra ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội, nơi mà mỗi sớm mai, đánh tôi thức giấc là tiếng gà gáy le té le sang, tiếng chim hót véo von, mùi thơm nhức nhối của gói mì miliket mẹ nấu hay thỉnh thoảng hơn là tiếng kẻng khô khan thông báo có người mất trong làng chuẩn bị được đưa ra đồng – Thật bình yên và dung dị. Thế nhưng, ngoài những thứ đầy thi vị trên, cũng đánh thức tôi mỗi sớm khi lỡ ngủ quá 6h, thứ in hằn trong từng nếp nhăn đầu tôi mà có lẽ đến già tôi cũng không quên được – ấy là thanh âm mắng nhiếc hay nói một cách “nhẹ nhàng” hơn là tiếng chửi rủa của Bố!. Không sai khi tôi dùng từ “chửi” bởi đó là chửi chứ không phải là cái gì khác.
            Bố tôi có cách dạy con hay lắm. Bố vẫn nói: “ đối với gia đình, phải quyết liệt, phải thẳng thắn” nhưng với đứa trẻ 6 tuổi mới chập chững bước vào cánh cổng trường thì cái thẳng thắn, quyết liệt ấy lại khiến tôi rùng mình đến vậy mỗi khi nghĩ tới. Chẳng phải tự nhiên mà chúng bạn nói rằng nhà tôi như một doanh trại quân đội. 3 bữa 1 ngày, 7 ngày 1 tuần, 4 tuần 1 tháng chẳng bữa cơm nào tôi được ăn trong yên lặng, nào là cách sống, cách học, nào là con phải thế nọ, con phải thế kia, con không được…, bố cấm con…kèm với đó là những lời hạch sách, chửi rủa thậm tệ mỗi khi tôi mắc lỗi rồi tôi cứ nghe còn Bố tôi cứ nói, cứ nói mà chẳng để tâm xem những lời ấy sẽ tác động đến đưá con mình thế nào.
            Giống như bao đứa trẻ con khác, tôi lười học và ham chơi nhưng trái lại tôi bận bịu, tôi chỉ ước một ngày trời sáng 18 tiếng để tôi có thể vui đùa với lũ trẻ con trong xóm sau khi làm xong hết số việc nhà được giao khoán từ sáng trước khi đi học.
            Từ cái hồi tôi còn tấm bé, điều kiện nhà tôi không được khá giá, kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ và chút tiền kiếm được từ việc trồng trọt, chăn nuôi của bố. vì vậy, tôi phải làm đủ thứ việc nhà  từ nấu cơm, làm vườn, cuốc đất, trồng rau, nấu cám….thế nhưng làm dăm ba cái việc nhà trên thì có gì đáng nói đúng không. Hãy tưởng tượng, tôi sẽ ăn hai cái tát nếu lỡ làm sứt miệng chén khi rửa kể cả khi đó là mồng 1 tết. Cả nhà tôi sẽ phải nhịn cơm nếu như khi bắc nồi cơm lên, tôi để nồi lệch trong lòng cái dế, hoặc ăn đòn nếu như lỡ là cà sau khi tan học mà về nhà muộn 5 phút. Và còn nhiều lắm, nhiều lắm những khắc nghiệt mà tôi đã nếm trải. Đã bao lần tôi khóc, cắn chặt răng lại để không ai biết, tôi hận bố tôi, tôi giận nhiều lắm, cái suy nghĩ non nớt của đứa bé tiểu học sao có thể hiểu nổi lý gì bố lại chửi rủa, mắng nhiếc, đối xử thậm tệ với mình tới vậy. Tôi thèm khát được nghe lời yêu thương, âu yếm, thèm khát được ăn bữa cơm chan hoà tiếng cười của cả nhà, nhưng những đó dường như qúa xa xỉ với tôi. Tôi ước được bố đón mỗi buổi tan lớp để không phải đi bộ gần ba cây số về nhà, tôi ước được bố đèo đi công viên ăn bánh mì gối, xem voi ỉa mỗi dịp lễ tết hay tôi ước được nhận món quà nhỏ xinh nhân ngày sinh nhật để cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa có thói quen kỉ niệm ngày sinh vì toàn chợt nhớ ra khi nó đã trôi qua vài ngày.
            Ngón tay tôi chi chít những sẹo do băm rau cho lợn mà có, nước da tôi đen lỳ, chai sạn vì dầm nắng tưới cây, bàn chân tôi thô dầy vì đạp đất gánh củi. Ấy vậy mà nhờ đó, tôi có sức khoẻ phi thường, tôi khoẻ hơn bất cứ thằng con trai nào bằng tuổi mà tôi biết, hay ví như có bao giờ tôi biết ốm đau là gì. Có thể coi đó là cái tích cực mà bố mang lại cho tôi sau bao nhiêu chua chát kể trên.
Vậy thì, tuổi thơ nhiều sóng gió có giúp bạn thành công khi trưởng thành?
            Nhờ những gì bố mang lại, chẳng biết từ bao giờ tôi im lặng, tôi Làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn, đúng giờ hơn để không phải nghe mắng nhiếc, học chăm hơn để biến cái ước mơ thành hiện thực, để bố không thể coi thường mà chửi rủa mình nữa hay chi tiết, cẩn thận hơn trong từng hành động để không phải ăn đòn oan và cứ thế, cứ thế tôi dần hoàn thiện mình. Tôi đã hứa với bản thân rằng mình phải thoát ra ngoài, mình không thể sống như thế này mãi được, tôi không muốn vì tôi mà những người khác phải cùng nghe những lời chói tai. Để đến bây giờ, khi phần nào ước mơ thành sự thật, phần nào trưởng thành hơn, trầm ngâm ngẫm nghĩ, tôi tự hỏi liệu bố đã đúng khi làm vậy, phương pháp dậy con như thế liệu đã đúng khi bản thân tôi nhờ vậy đã thay đổi. Tôi chẳng biết mình thay đổi như vậy là tốt hay không nữa, bởi… tôi tiêu cực!
            Các cụ vẫn nói, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Với tôi mà nói,suốt quãng tuổi thơ 3 bữa một ngày nghe những lời miệt thị tôi thuộc làu từng câu tục tĩu, tệ hại, nhuần nhuyễn như cách người ta đọc bảng cửu chương vậy. Từ đó, tôi hay cáu bẳn, suy nghĩ tiêu cực và chẳng còn đủ điềm tĩnh để lắng nghe ai đó nói hết câu chuyện nếu cảm giác không vừa ý mình.
            Lớp 12, tôi đi học thêm để chuẩn bị cho kì thi đại học và Nguyệt Hà là giáo viên dạy văn của tôi. Sức nóng của Nguyệt Hà tới mức, gần nghìn con người bỏ qua cái nóng thiêu rát của những ngày chớm hè Hà Nội, vai kề vai, mồ hôi nhễ nhại vẫn chăm chú nuốt từng lời cô nói trong 3 tiếng ngắn ngủi mỗi buổi tổng ôn. Những lời cô nói với chúng tôi mỗi từ mỗi câu đều là chân lý vậy.
            “Nếu một buổi sáng nọ, em sắp muộn làm và dắt xe ra khỏi nhà thì phát hiện xe bị thủng lốp, em sẽ nghĩ thế nào?” Đám học sinh ngồi dưới nhanh nhảu đáp:
 Một ngày đen như chó mực vậy
 Chắc sáng ra bước nhầm chân đây mà……
 Chắc em đốt xe quá.
            Còn Nguyệt Hà thì khác: “ Nếu cô rơi vào tình huống đấy, thì đó thực sự là một ngày tuyệt vời của cô. Vì may thay là ra khỏi nhà cô phát hiện ra lốp hỏng chứ đang đi trên đường mà nổ lốp thì đó mới thực sự là thảm hoạ bởi chẳng biết chuyện gì sẽ đến với cô sau đó nữa. Có khi lại ò í e cũng nên”
            Những lời ấy như làm tôi bừng tỉnh, như cú lay làm tôi thoát khỏi lớp sương mù u ám. Mình trước nay đã sống kiểu gì thế này. Thật tiêu cực và thất bại bởi tôi chưa từng nhìn mọi thứ ở khía cạnh khác mà chỉ vẻ lên nó một màu  tối đen của bực tức và nóng vội.
            Đúng là sướng khổ tại thân! Bạn chỉ hạnh phúc khi tâm hồn bạn được thanh thản hay nói một cách dễ hiểu hơn, sướng hay khổ phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Từ ấy, tôi không còn giận mỗi khi bố mắng nhiếc bởi hẳn là bố vẫn yêu thuơng tôi nhưng do tâm lý của một ngừoi có lối tư duy gia trưởng kiểu cũ đã trải qua chiến tranh nên chưa thay đổi được thôi hay yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi phải không nào. Tôi học cách nghĩ và sống tích cực hơn và cứ thế mọi thứ đến với tôi cũng suôn sẽ hơn từ khi nào tôi không rõ.
            Đến nay, khi trở thành một chiến sĩ hằng ngày tiếp xúc, giải quyết những mâu thuẫn của nhân dân càng giúp tôi hiểu thêm về chuyện đó.
Không dưới 3 lần tôi chứng kiến cảnh người bố hớt hải  chạy trước, con cầm dao đuổi chém sau lưng và cứ như sắp đặt vậy, hai trong ba trường hợp người con đều tên là “Tới”. Để rồi, khi đã tra tay vào còng, uống chút nước để lấy lại bình tĩnh, vượt qua ranh giới của người vi phạm pháp luật và cán bộ công an, trong tiếng nấc nghẹn ngào kèm những giọt nước mắt rơm rớm khoé mi, Tới kể tôi nghe vì sao lại vậy.
            “Nhà em chẳng khá giả gì, hết lớp 9 em bỏ học đi làm thuê vì gia đình không đủ khả năng tri trả học phí cho em. Đến nay gần 30 rồi em đã làm đủ thứ việc, lương tháng cũng được 6-7 triệu, cũng đủ chi tiêu bản thân và phụ giúp gia đình một chút. Còn bố em làm xe ôm trung bình mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm. Mấy năm trở lại đây, mỗi tối đi làm về là em thấy bố em say xỉn, mà hễ say là bố em chửi. Thằng ngu, thằng xúc vật, mày từng này tuổi rồi mà không giúp gì được tao, mày chẳng làm được cơm cháo gì cho cái nhà này cả. Em vẫn nhịn được vì chẳng ai chấp kẻ đang say. Thế rồi hôm nay, em xin tan làm sớm để về nói với bố chuyện em muốn lấy vợ. Người yêu em cũng làm công nhân quê ở Nghệ An và chúng em gặp nhau khi làm chung một công xưởng. Em đã rất hy vọng rằng bố sẽ tán thành cho chúng em nhưng khi vừa thưa chuyện xong, bố chẳng nói gì mà bỏ đi. Đến tối, em vừa ăn cơm xong thì bố em trở về, nồng nặc mùi rượu, bố cầm cái điếu chỉ thẳng vào mặt em mà quát: “Thằng xúc vật, mày muốn lấy vợ thì tự mày lấy, tao không có tiền, ai bảo mày lấy vợ xa thế làm gì. Rồi, thân mày mày đã lo xong chưa mà vợ với chẳng còn, xem lại xem mày đã làm được gì cho cái nhà này, cho bố mày mà mày vợ với chẳng con. Vừa nói, ông vừa cầm cái điếu vụt vào người em từng phát”.
            Giọt nước mắt to tròn rồi lăn dài thành dòng trên má sau cái chớp mắt thật lâu, tiếng nấc dồn dập hơn rồi nghẹn ứ ở cổ. Tới khóc thành tiếng. Huhu……. Vừa nghiến răng, Tới vừa nói: Nghĩ về cuộc đời em bao năm nay, em quá khổ rồi, ông ấy cho em được những gì, ông ấy có coi em là con không khi ngày ngày xúc phạm em như thế, và rồi bao hy vọng, niềm tin của em đặt vào chuyện em muốn được kết hôn, ông ấy cũng miệt thị cũng ngăn cấm. em không chịu được nữa, mắt em mờ đi, vớ được con dao trên bàn bếp, em chém loạn xạ về phía bố em….
Nói đến đây, tôi cũng chẳng đủ bình tĩnh mà nghe tiếp nữa, chạy vội ra khỏi phòng, tôi gạt vội giọt nước mắt, hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Tôi thực sự xúc động, không phải vì tôi đồng tình với hành động của Tới mà bởi tôi thấy đâu đó trong câu chuyện là hình ảnh của tôi những năm về trước. Đâu phải mỗi mình tôi có tuổi thơ nhiều sóng gió, ngoài kia còn bao người khác còn gặp phải bão táp, phong ba nữa kìa.
            15 phút sau, khi tiếng khóc không còn, tôi trở vào phòng để tiếp tục làm việc. Mắt Tới đỏ hoe, cốc nước  đã hết, chúng tôi tiếp tục làm phần việc của mình. “Anh dùng dao chém bố anh, như vậy là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm đạo đức của một ngừoi con bởi thay vì như vậy, anh có thể bỏ đi hay dùng cách khác để ứng xử trong tình huống ấy”, nhưng tôi có thể hiểu nguyên nhân một phần cũng chính từ ngừoi bố ấy mà ra. Vấn đề ở đây là cách con ngừoi ta suy nghĩ và làm chủ bản thân đến đâu.
            Như lời bài hát của một nam giới dáng người gầy, đầu trọc lốc tôi không biết là ai có câu: “khổ trước sướng sau thế mới giàu”. Tôi không biết câu đấy đúng với được bao nhiêu người vì có người khổ trước, khổ sau mà chẳng biết đến bao giờ mới hết khổ; cả cuộc đời họ quẩn quanh những ngày tháng ra tù vào tội, nửa đời người làm bạn với bốn bức tường giam. Tuy nhiên, nghĩ như vậy chưa hẳn đúng, bởi vẫn tồn tại người chấp nhận vào tù để được thoải mái, để không phải lo cuộc sống kim tiền vì trên đời này họ chẳng còn người thân, bạn bè hay tài sản nào khác. Vậy nên sẽ chẳng có định nghĩa đúng cho hai từ sướng - khổ, mà sướng hay khổ là do cách mỗi người định nghĩa. Theo tôi, một người được coi là sướng khi tâm hồn họ được thanh thản và cuộc sống của họ được lấp đầy bởi tiếng cười hạnh phúc.
            Đến một lúc nào đó, Mỗi người đều có cho mình một kế hoạch, một mục tiêu hay một vạch đích để băng qua. Thế nhưng, có những người sinh ra đã ở vạch đích của người khác bởi ta đâu được chọn nơi mình sinh ra. Tôi đồng ý những ai có tuổi thơ cực khổ nhiều sóng gió sẽ khó thành công hơn những người có điều kiện tốt – cả về kinh tế lẫn môi trường giáo dục. Việc người có điều kiện tốt trở nên thành công là điều thuận lẽ,  còn bạn biến cái khó khăn thành động lực để đi đúng, để thành công thì mới đáng trân trọng và khâm phục.Vì vậy trên tất cả, chúng ta tự quyết định mình sẽ trở thành con người như thế nào. Môi trường sống ảnh hưởng không nhỏ đến con người nhưng lớn hơn là con người sẽ thích nghi như thế nào để hướng tới cái trân quý, hướng tới cái vạch đích mình đặt ra để khi ngoái đầu nhìn laị, chúng ta được mỉm cười thanh thản. Với tôi đó mới là caí kết của câu chuyện tuổi thơ nhiều sóng gió có giúp bạn thành công khi trưởng thành!
NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC - BẠN SẼ SỚM GẶT HÁI THÀNH CÔNG!