Yên lành màu đen
“Từ năm 19 tuổi, tôi bắt đầu ra vào trong bệnh viện để chăm người thân.
Nhiều khoảng thời gian lưu lại phòng cấp cứu, tôi chứng kiến những bệnh nhân rất nặng: Họ phải cắm ống xông truyền thức ăn, dùng ống tiểu dẫn nước đái, đóng bỉm vì không kiểm soát được phân sẽ phọt ra lúc nào. Những người đàn ông, phụ nữ cởi chuồng, kêu rên vì đau. Họ nằm một chỗ lâu đến mức loét da, thịt tróc từng mảng đỏ hỏn và bốc mùi. Mỗi lần thay đồ là nồng lên mùi phân, mùi thịt thối,… Thi thoảng lại có xe trùm vải trắng đẩy người đi ra, xe khác đẩy người nguy kịch vào thế chỗ.
Có một bé gái chỉ khoảng 10 tuổi, trong bộ quần áo cũ kỹ xỉn màu, người chằng chịt máy móc. Em nằm trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ, đầu nghiêng nhìn ra ngoài, đôi mắt thất thần, khuôn mặt vô hồn đến ám ảnh. Em là nạn nhân của bạo lực tình dục. Tôi chỉ biết đến thế, không đủ can đảm tìm hiểu sâu hơn. Lúc ấy, tôi vừa sợ vừa tức giận đến gai người. Đó là hình ảnh duy nhất đến bây giờ khiến tôi se thắt khi nhớ lại.
Rồi tôi đi học, rồi kinh doanh, rồi tập thiền, rồi loạn tâm, rồi tìm đến Phật giáo nguyên thủy, rồi đi, gặp và hỏi đủ mọi nơi, đủ loại người, đằng đẵng 10 năm. Rồi bỗng một ngày trong nhiều ngày sau đó, tôi chợt thấy cuộc đời của mình, những thứ mà mình tưởng rằng to tát, những chuyện mình kêu than kể khổ, chúng thu lại bé xíu khi tôi nhắm mắt. Tôi trầm dần theo trải nghiệm, vài nỗi sợ hãi vợi đi, hiểu hơn về lòng biết ơn, dành thời gian than phiền để tự sửa mình bằng những phản biện trung thực, nỗ lực nghĩ điều thiện, làm việc thiện. Chặng đường học cách bình thản đón nhận cái chết khiến cuộc đời trở thành chuyến dạo chơi: Mệt thì nghỉ chân, khỏe lại cất bước, vui cũng tốt mà buồn cũng chẳng sao.
Ngoái đầu nhìn lại, thấy mình đã cảm nhận được vạn điều trên quãng đi, vậy là yên lành - thứ yên lành chẳng bao giờ cũ, dẫu dài, dẫu ngắn”
Thứ yên lành này, tôi nhận được từ vô số những buồn khổ, nên tôi gọi nó là “yên lành màu đen”.
Ảnh bởi
Erico Marcelino
trên
Unsplash
Mãn nguyện màu trắng
Ngày khỏi covid, tôi dậy sớm, hào hứng phi xe đi ăn bát phở thật ngon rồi lên quán trà đá quen thuộc đã hơn 2 tháng không ghé thăm.
Quán nằm gọn gàng nơi ngõ nhỏ ít người qua lại. Ông chú chủ quán có chiếc điếu cày chăm bẵm đã hơn 20 năm, hút ngon vô cùng. Tôi thường mượn điếu của chú, mang ra đầu ngõ ngồi một mình một chỗ, kéo bi đầu ngày lỡ có trôi đỡ bị nhìn.
Chẳng biết vì sao, sáng đó chú bỗng bảo tôi:
- Mày ngồi luôn trong này mà hút, phê quá thì dựa vào đống củi tao mới dựng đây.
- Dạ được chú.
Thế rồi chú đẩy cái điếu sang cho tôi, đoạn ngồi bên cạnh, ung dung nhấp chén rượu vừa rót, giọng vỗ về đồng nghiện =)):
- Ngồi có chỗ dựa, cứ kéo thật căng, ngửa cổ lên trời phả khói ra mà phê, quên hết suy nghĩ đi, không ai cười cả, phê là phải như thế, đời phải thả như thế.
Chú nói chẳng sai lấy một chữ, tôi làm được gì hơn ngoài gật gù “vâng, dạ”. Rồi châm đóm, rồi kéo căng, rồi ngửa cổ lên trời, rồi phả khói, rồi phê, rồi quên, rồi thả.
Vài phút sau, tôi đứng lên, biêng biêng bước ra đầu ngõ. Phố sớm vẫn vắng thênh thang, bên kia đường hoa gạo rụng chấm đỏ đường chân bước, trời dịu nhẹ, gió mơn man, hàng cây già chồng chồng lớp lớp những tàng lá biếc đung đưa ngay tầm mắt.
Chú thấy tôi đứng lặng yên ngắm nhìn cảnh ấy, bỗng vỗ nhẹ vai tôi từ phía sau:
- Đi nhá, giữ sức khỏe nhá!
Tôi ngoái cười, lại “vâng, dạ”, tôi làm được gì hơn?
Tôi chẳng làm được gì hơn cả, bởi khoảnh khắc ấy, thấy đời mình, vậy là mãn nguyện.
Thứ mãn nguyện này, tôi nhận được từ vô số những bình dị, nên tôi gọi nó là “mãn nguyện màu trắng”.
Ảnh bởi
Fabrice Villard
trên
Unsplash
2 câu chuyện trên, tôi viết “yên lành” và “mãn nguyện” bởi nó đơn giản, dễ hiểu. Tôi không dám viết “hạnh phúc” vì chẳng hiểu nó là cái gì. Tôi chỉ biết những cảm xúc đời thường của một con người thôi.
Thế mà, người ta cứ vội vã ngấu nghiến đủ điều về “hạnh phúc”, hòng phân định “trắng - đen”. Nơi ngợi khen việc đua tranh, sở hữu, “đen” trong dạn dày gió sương. Nơi ca tụng sự thư thả, nuông chiều, “trắng” trong cỏ mềm lá biếc. Chả nơi nào chịu nhường, chịu nhịn nơi nào, cứ tranh khôn tranh dại triền miên.
Thế nhưng, giữa thứ “yên lành màu đen” và “mãn nguyện màu trắng” ấy còn chứa hằng ha sa số cảm xúc với đủ cung bậc khác nhau. Bạn gọi tên chúng là gì cũng được: bình yên, đau buồn, vui vẻ, hoang mang, chơi vơi, chênh vênh,… Bạn gán cho chúng màu gì cũng được: xám, hồng, đỏ, xanh, vàng, cam,… Tất cả những dải màu ấy, khi kịch dày sẽ chuyển đen, khi kịch mỏng sẽ chuyển trắng. Thế chẳng phải “đen” – “trắng” đều nằm trên dải màu “hạnh phúc” cả sao? “Hạnh phúc” có khi nào là gã tham lam ôm đồm tất cả những cung bậc ấy?
Thế nên, thay vì ngồi đọc, nằm nghĩ, đứng cãi đủ thứ phức tạp về 2 từ “hạnh phúc” mơ hồ và bao la kia, tôi cứ sống thôi. Sống bình thường cũng được, sống phi thường cũng được, sống sao cũng được. Sống sao cũng được, để rồi tháng tháng, năm năm, mỗi cuối ngày có thể mỉm cười khi nhìn lại chính mình như thế, vậy là được.
Thế rồi, nếu một ngày bạn trăn trở tìm lời giải về “hạnh phúc” mà chỉ nhận lại từ tôi sự im lặng hay vài cái gật gù, mong bạn đừng lấy đó làm phiền giận. Chỉ là tôi không tự tin vào những điều mình chưa biết mà thôi. Bởi, xin mượn lời bác Trịnh Lữ để ve vuốt chút bàng quan của bản thân: “… điều đó chẳng hại gì, hãy sống, hãy trung thực, con người tuổi trẻ chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được cuộc đời đâu.”
Thế đấy, nếu lỡ ngày đó đến, tôi nghĩ mình sẽ cho bạn xem đoạn thơ này, bởi mỗi lần đọc, tôi thấy mình cũng gần chạm vào “hạnh phúc” thì phải? Chẳng rõ có phải tôi ảo tưởng không?
... Không thể ôm cả bầu trời lồng lộng Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày Không tới được một vì sao xa lắc Nhưng có thể đến trong mùa cấy gặt Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong Và nhận hết niềm vui trên cõi sống Mũi kim nhỏ mà chiều mau tắt nắng Có sao đâu: áo đẹp đã xong rồi Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay Ta đã có những ngày vui sướng nhất Đã uống cả men nồng và rượu chát Đã đi qua cùng tận của con đường Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên: Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt. - Lưu Quang Vũ -