Loài người chúng ta có rất nhiều quan điểm về sự sở hữu. Ví dụ như tại Mỹ, thì đất là của cá nhân, và không ai có quyền xâm phạm, cũng như theo tôi biết, thì tại Mỹ, những gì nằm trên mảnh đất của bạn, là của bạn.
Còn tại Việt Nam chẳng hạn, đất là của toàn thể xã hội và nhà nước sẽ đại diện cho toàn bộ xã hội để quản lý chúng. Những gì nằm trong đất, ví dụ như tài sản, khoáng sản, sẽ thuộc về của toàn xã hội.
Nhưng hôm nay tôi không nói về đất, vì những tranh luận như vậy thường đem đến những quan điểm mà ai cũng quan tâm, và vì vậy đã có nhiều thảo luận rồi. Tôi muốn nói đến không khí, âm thanh, và mùi vị. Những điều chỉ có điên người ta mới nghĩ đến chuyện tư nhân hóa.
Rõ ràng bầu không khí, âm thanh, mùi vị mà ta đều sống trong chúng là của chung. Điều này không cần phải bàn cãi. Mà có bàn cãi, thì cũng chẳng thể nào thay đổi được thực tế rằng bầu không khí này là ... của chung.
Nhưng có một mô tuýp đại diện cho cả âm thanh, không khí, và mùi vị, đó là sự "của chung" này làm giảm trách nhiệm của mỗi người đối với chính phần của mình, và phần của người khác. Ví dụ thế này:
Dân số Hà Nội có đâu đấy khoảng hơn 8 triệu người. Nếu cứ giả sử rằng có thể phân tài nguyên không khí, âm thanh, và ánh sáng, thì chúng có thể được phân thành 8 triệu phần, và mỗi người sở hữu 1 phần 8 triệu. Chúng ta có thể phải thừa nhận những điều như sau:
1. Mặc dù có quyền sở hữu 1/ 8 triệu nhưng phần này là quá nhỏ, vì vậy nên người ta thường chẳng cảm thấy vì khi phần này bị vi phạm.
2. Vì nó là của chung, chẳng của ai cả, nên cứ vi phạm đi, ta đi ra chỗ khác (hoặc đẩy nó sang chỗ khác), không quan tâm đến nó nữa là được.

Không khí

Có một chỉ số không khí tương đối nổi trong thời gian gần đây, đó là chỉ số bụi mịn PM2.5, chỉ số mà hiện ở Hà Nội đã cao gấp 7.9 lần so với khuyến cáo của WHO. Tất nhiên là có nhiều lý do, nhưng các bạn có bao giờ nghĩ chỉ số PM2.5 của khói thuốc và của khói nướng thịt là bao nhiêu không?
Nó cao gấp cả trăm đến ngàn lần so với không khí thông thường và không thể đo với máy cầm tay thông thường được, thường thì máy sẽ luôn hiển thị tối đa. Như khi tôi đo thì thường nó sẽ hiện 999.
<i>Phun khói vào người đi đường tại Sài Gòn. Điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ con phố nào có trường học tại Hà Nội, ví dụ: Thụy Khuê, Đội cấn ... Nguồn: <a href="https://zingnews.vn/nuong-thit-xa-khoi-vao-nguoi-tren-duong-pho-sai-gon-post603459.html">Nướng thịt xả khói vào người trên đường phố Sài Gòn - Ảnh &amp;amp; Video - ZINGNEWS.VN</a></i>
Phun khói vào người đi đường tại Sài Gòn. Điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ con phố nào có trường học tại Hà Nội, ví dụ: Thụy Khuê, Đội cấn ... Nguồn: Nướng thịt xả khói vào người trên đường phố Sài Gòn - Ảnh &amp; Video - ZINGNEWS.VN
Vậy tại sao tôi phải ngửi khói? Chỉ vì tôi đi qua những con đường mà người ta nướng thịt? Đường đó là của chung mà, ai chẳng có quyền đi qua đó? Không khí cũng rõ ràng là của chung mà? Ai cho họ cái quyền thổi khói vào trong không khí vậy? Họ có thể dùng cái phần không khí của họ (nếu giả sử không khí có thể chia thành của riêng được). Nhưng họ dựa vào quyền gì để xâm phạm phần không khí mà đáng ra tôi phải được hít thở một cách trong lành?!
Ý tôi là, tại sao tôi lại bị cưỡng bức ngửi một thứ mà tôi không thích, mà lại không hề có bất kỳ một ai giúp đỡ tôi trong việc cấm những người kia xâm phạm lợi ích chung của công đồng?
Như tôi thì dễ, tôi chỉ là người đi đường, đi qua là xong. Nhưng tại sao? Tại sao những người ở cạnh đó không đứng lên để nói về vấn đề này nhỉ? Hay họ cho rằng đó là điều hiển nhiên phải chịu khi có nhà mặt phố?

Âm thanh

Âm thanh, là những phần của môi trường xung quanh chúng ta. Tôi xin phép kể 3 câu chuyện ngắn cạnh nhà tôi.
Độ xe: Xe độ thì ai mà chả thích, nhưng nhiều ông rất quá đáng. Ngõ nhà tôi rất sâu. Và có mấy ông trẻ trâu đi rất khuya mới về, và có sở thích vít ga từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Ơ thì ai cho phép họ làm vậy nhỉ? Họ có quyền được chơi, nhưng chẳng lẽ tôi không có quyền được nghỉ ngơi lúc 2 giờ sáng sau một ngày làm việc mệt mỏi à? Tại sao đến giờ vẫn chưa có ai giới hạn lượng tiếng ồn mà một người có thể được phát ra. Hay là vì nó là của chung, nên thôi thì ... kệ mẹ?!
Gọi bố mẹ: Ừ, chuyện này thì hơi kỳ. Gần nhà tôi có một cặp vợ chồng ngoại tỉnh lên thuê nhà. Đứa con họ thì bé lắm, chưa đi học. Nhưng đêm nào họ cũng cho cháu thức đến 12 rưỡi hoặc 1 giờ sáng. Chuyện này thì cũng không sao. Nhưng tôi nhớ nhất có hôm ông bố và đứa con đi chơi đến khoảng 2 rưỡi sáng. Khi họ về, đứa con đập cửa tôn ầm ầm, váng động cả khu, đồng thời hét ầm ầm lên. Lúc đấy ông bố nói gì? Ông nói rằng: "Gọi to lên đi con, cho mẹ nghe thấy"?! Lúc đó tôi nghĩ, ôi vãi. Chẳng lẽ họ không có ý thức gì về việc phải bảo vệ không gian yên tĩnh vào buổi đêm này sao? Nhưng có lẽ, vì họ đã quen sống trong một không gian rộng rãi, nơi mà phần âm thanh họ được phép làm phiền là lớn hơn nhiều so với âm thanh ở đây (nhà ở quê thì có khi hét nữa tôi cũng chả nghe thấy gì, hoặc tưởng là chó mèo tru gì đấy thôi).
Hát karaoke: Thời xưa, lúc hàng xóm tôi có con bé, bố tôi thích bật loa to lắm, vào khoảng 7 - 8 giờ tối gì đấy thôi nhé chứ không phải bật khuya gì. Thế nhưng nhà hàng xóm sang và nhắc nhở: "Anh chị yên tĩnh thôi cho cháu học bài. Bật to quá cháu nó không học được". Ok thì tắt thôi, nhưng đến khi cháu nó lớn rồi, cháu hát karaoke thâu đêm. Thế là cả đêm chú thức cùng cháu, đến giờ chú đi làm thì cháu đi ngủ. Sang bảo cháu thì cháu bảo chú lắm điều, hát nhỏ tí ti thôi mà?! Thế là thế nào nhỉ, tức là cháu có quyền xâm phạm vào khoảng không âm thanh của chú, còn chú thì không được à??
Bản chất của âm thanh là những sóng dọc cứ thế chuyển mãi trong không gian đến khi cường độ của nó không còn phát hiện được. Thế nhưng, liệu rằng ta nên đặt ra một giới hạn của chúng trong việc làm phiền người khác?

Mùi vị

Những người nuôi chó đều có một mùi tanh đặc trưng, bất kể là anh có vệ sinh nó (và cả chính anh) tốt đến mức nào. Chỉ trừ trường hợp có nhà rất rộng, đất vườn ở quê, thì mùi này mới bị pha loãng ra và không phát hiện được thôi.
Nói vậy không phải là tôi hằn học gì với người nuôi chó, mà là hằn học với người nuôi chó giống.
Gần nhà tôi có một khoảng, mà cứ mỗi lần đi qua là tôi phải đứng cách đó một khoảng tầm 50 mét, hít thật sâu, rồi phóng xe thật nhanh qua. Ở đó có một mùi hôi tanh nồng nặc của chó. Cái mùi này làm ô nhiễm ít nhất là 3 căn hộ ở cạnh đó.
Đây là một điều nhỏ, có lẽ nên gọi là một sự vi phạm nhỏ. Nhỏ là vì, mặc dù bị cưỡng bức phải ngửi cái mùi kinh tởm đó. Nhưng đâu đấy thì ai cho phép họ nuôi chó ngay gần hộ dân như thế? An toàn ở đâu? Ai chứng nhận cho họ? Gọi là nhỏ, vì họ làm sai, xã hội này vẫn biết bảo vệ cái mũi cho người khác.
Thế nhưng còn bãi rác Nam Sơn thì sao?
Có mù chúng ta mới không thấy có những hộ dân ở rất gần bãi rác. Và con số này ở những năm trước là khoảng 1100 hộ. Về không khí của một bãi rác thì có lẽ tôi không cần tả thêm. Họ bị cưỡng bức phải ngửi bầu không khí, họ bị cưỡng bức phải sống cạnh một bãi rác. Và chính chính quyền, và cả chính chúng ta đang cưỡng bức họ.
Tôi không muốn nói đến pháp quyền, tôi muốn nhìn theo quan điểm tư hữu hóa, thì phải chăng rằng chúng ta đang tước đi cái quyền được hưởng không khí trong lành của một nhóm người, để cho chúng ta có quyền được hưởng không khí trong lành?!

Kết

Trên đây là những điều tôi suy nghĩ mà chưa từng nghĩ ra được một giải pháp vẹn toàn. Một phần là vì những giải pháp của nó vừa to tát mà lại vừa ... nhỏ nhặt. Chẳng hạn như những hộ dân cạnh bãi rác Nam Sơn thì đã được chuyển đi rồi, nhưng chẳng lẽ lại bắt các bác lập pháp cấm người ta hát karaoke khuya tại gia, hay là cấm con gọi mẹ, cấm quạt thịt à? Vậy theo các bạn thì nên thế nào?