Tộc người La Hủ cư trú ở địa bàn xã Pa Ủ huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của hệ thống 54 dân tộc ở Việt Nam. Ngôn ngữ chính của người La Hủ sử dụng thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến trong ngữ hệ Hán – Tạng. Với truyền thống di canh di cư lâu đời, người La Hủ luôn du canh vào sâu trong rừng tản mạn khắp các nơi dọc theo biên giới Việt – Lào. Tộc người này chủ yếu sống nhờ thức ăn từ nương rẫy không cố định và săn bắn, hái lượm. Trong hoàn cảnh như vậy, tộc người La Hủ đối diện với nhiều khó khăn vô cùng khắc nghiệt của tự nhiên đe dọa đến kế sinh nhai, thậm chí là mạng sống. Tuy nhiên, trong giai đoạn khoảng vào năm 2010, tộc người này bắt đầu chuyển đổi tập tính từ du canh du cư thành định canh định cư nói chung và thay đổi toàn diện phương thức mưu sinh nói riêng. Ở đó, từ lối mưu sinh săn bắt không bền vững đã chuyển thành cách thức chăn nuôi bền vững hơn, có giá trị kinh tế cao hơn, chủ yếu là bò. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi phương thức mưu sinh chăn nuôi của tộc người La Hủ ở xã Pa Ủ huyện Mường Tè? Từ sự thay đổi của phương thức mưu sinh đó đã có những vấn đề nảy sinh và hành động chính sách của chính quyền Nhà nước diễn ra như thế nào?
<i>nguồn ảnh: dantocmiennui.vn</i>
nguồn ảnh: dantocmiennui.vn
Dựa trên các giả thuyết đó, bài tiểu luận sử dụng phương pháp lý thuyết sinh thái để tìm hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa hệ thống sinh thái và hệ thống xã hội của tộc người La Hủ. Do đó, bài viết tập trung phân tích những nguyên nhân làm thay đổi phương thức mưu sinh săn bắn và qua đó làm rõ các chính sách dân tộc tại địa phương tác động vào phương thức mưu sinh này.
Nguyên nhân thay đổi?
Trước hết, về khái niệm phương thức mưu sinh, ta hiểu là cách thức mà con người lao động để thích ứng với các điều kiện tự nhiên, xã hội có được các giá trị vật chất, tinh thần để thỏa mãn nhu cầu.[1] Khái niệm này được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu dân tộc học đặc biệt để chỉ ra những hoạt động cơ bản, nền tảng hình thành tư duy, sản phẩm vật chất và tinh thần của tộc người đó. Bởi trong quá trình thực hiện phương thức mưu sinh, rất nhiều giá trị được hình thành nhờ sự vận động, phát triển trong nhu cầu đáp ứng sinh lý, thể trạng.
Nguồn gốc của tộc người La Hủ thuộc bộ phận Đông Thoán Ô Man, một thành viên của nhà nước Nam Chiếu và Đại Lý. Trước đó, họ sinh sông tại Vân Nam (Trung Quốc) song luôn bị biến động do chính sách nghiệt ngã của nhà Thanh. Suốt thế kỷ XVIII – XIX, đầu thế kỷ XX, người La Hủ cùng tham gia nối dậy chống nhà Thanh và dẫn dến bi kịch phải lưu tán xuống Việt Nam buộc phải cư trú ở miền ngoại vi, rất cơ cực.[2] Tộc người La Hủ coi trọng truyền thống săn bắt của họ và là một trong những hành động quan trọng trong đời sống kinh tế. Hai dạng công cụ chủ yếu của người La Hủ trong đi săn đó là, săn bằng nỏ hoặc đặt bẫy. Khoảng thời gian đó, do sống ở nơi rừng nguyên sinh còn tương đối nhiều nên việc săn bắt dễ dàng khi số lượng thú nhiều, do đó người La Hủ tạm duy trì cuộc sống trong nuôi sống bản thân và gia đình. Tuy nhiên, đó chỉ là mang tính tạm thời, trong đợi vào hoàn cảnh nên dần dần người La Hủ chìm vào bóng tối của cái ăn, chỗ ở của cuộc sống rừng rú. Vì vậy, khoảng từ năm 2010, về cơ bản, phương thức mưu sinh đã được chuyển đổi từ săn bắt thành chăn nuôi, và điều này đến từ một số nguyên nhân như sau:
Về nguyên nhân khách quan, sự thay đổi này là một trong những kết quả chính sách định canh định cư triệt để đối với các dân tộc thiểu số của Nhà nước. Từ hoạt động của Chính phủ, các cơ quan hành pháp địa phương phối hợp chặt chẽ vừa khuyến khích, động viên và vừa kịp thời chỉnh đốn, ngăn chặn tập quán du canh du cư. Hơn nữa, do nạn săn bắt quá mức không chỉ của người La Hù mà còn là của người Kinh tham mại hóa động vật và đồng thời ô nhiễm môi trường diện rộng đã tác động lớn đến hệ sinh thái ở đây. Đánh giá chung của các nhà khoa học cho thấy: hệ sinh thái của huyện Mường Tè đang bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng rừng; 3 cấu trúc rừng tự nhiên đã bị phá vỡ, dẫn đến công dụng phòng chống thiên tai của rừng bị suy giảm.[3]
nguồn ảnh: laichau.gov.vn
nguồn ảnh: laichau.gov.vn
Về nguyên nhân chủ quan, sự thay đổi này cũng có vai trò quan trọng đến từ tư duy nhận thức phát triển của tộc người La Hủ. Cũng một phần bởi sự tuyên truyền và những chính sách can dự từ phía cơ quan chức năng đã làm thay đổi nhận thức của tộc người này. Tuy nhiên, chính sách Nhà nước chỉ là sự hỗ trợ mang tính cơ sở, nền tảng đối với sự thay đổi của tộc người La Hủ mà nhìn sâu hơn đó phải là sự chủ động thay đổi tư duy của họ. Cái đói của đồng bào La Hủ bắt đầu từ khi núi rừng còn chưa thức giấc, nhưng đám trẻ con đã mò dậy. Dậy để tìm những cái nồi trong góc bếp, nhưng đáy nồi nào cũng trống không. Trong điều kiện tự nhiên ấy, chúng tự sinh tự diệt, nhiều đứa trẻ không tìm được cái ăn đã không chịu được cái đói rồi lịm đi.[4] Rõ ràng, tập quán du canh du cư mà cụ thể là săn bắn không hiệu quả trong việc đem lại kế sinh nhai cho người La Hủ khiến họ phải đánh cược mạng sống trong hoàn cảnh, do đó sự thay đổi “hủ tục” này là cần thiết để cứu sống chính mình, và dân tộc của mình.
Nỏ tự chế vẫn là công cụ săn bắt chủ yếu, nguồn: redsvn.net
Nỏ tự chế vẫn là công cụ săn bắt chủ yếu, nguồn: redsvn.net
 Súng kíp cùng được sử dụng trong săn bắt nhưng dùng rất tiết kiệm và ít hộ gia đình sở hữu, nguồn: redsvn.net
Súng kíp cùng được sử dụng trong săn bắt nhưng dùng rất tiết kiệm và ít hộ gia đình sở hữu, nguồn: redsvn.net
          Có thể thấy, các nguyên nhân đóng góp cho sự thay đổi phương thức mưu sinh của tộc người La Hủ từ săn bắn sang chăn nuôi không những đến từ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của chủ thể Nhà nước bằng các chính sách mà quan trọng hơn đó là bước đánh dấu đổi mới nhận thức, tư duy của người La Hủ.
Nhà nước Việt Nam làm gì?
Đổi mới phương thức mưu sinh chăn nuôi về gia súc mới, đặc biệt là bò cũng một mặt làm thay đổi mạnh mẽ về đời sống kinh tế song cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề đối với đời sống sinh hoạt của tộc người La Hủ. Từ đó, Nhà nước đã phối hợp các cơ quan chuyên môn và quán triệt, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện những chính sách dân tộc giải quyết các vấn đề như sau:
Một là, ban đầu trong sự đổi mới tập quán thành định canh định cư, dân tộc La Hủ chủ yếu tập trung nuôi các gia súc ít mang lợi nhuận mà chủ yếu đem lại nguồn thức ăn sinh hoạt như gà, chó. Sau đó, sau một số hỗ trợ vốn và tuyên truyền khuyến khích mua bò, trâu vừa thay thế sức lao động vừa kiếm thêm lợi nhuận đã tăng số hộ người La Hủ nuôi bò. Tuy nhiên, vấn đề là họ không biết đảm bảo sự duy trì nòi giống, nuôi bền vững bằng s inh đẻ. Vì vậy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã có chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản để đồng bào La Hủ chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. [5]
Hai là, sự chuyển đổi về phương thức mưu sinh giúp phát triển kinh tế người La Hủ nhưng đi kèm đó là tình trạng mù mờ về cách quản lý, nắm bắt phương thức mới, đặc biệt là chăn nuôi bò. Họ chủ yếu buộc bò và không xây chuồng bò cẩn thận và cũng chưa biết cách tìm kiếm, trồng nguồn cỏ ăn, mặt khác là đối mặt với dịch bệnh của bò. Do những nhận thức sơ sài về kỹ năng chăn nuôi gia súc, có thể dẫn đến hiệu quả không cao của chính sách hỗ trợ bò của chính quyền, từ đó các chính sách khác liên tục được hình thành tạo thế đan kết nhằm thúc đẩy mục tiêu chung. Năm 2016, Đồn Biên phòng Pa Ủ cùng các cấp, các ngành huyện, xã triển khai mô hình nuôi bò tập trung ở hai bản Tân Biên và Mu Chi. Nhận thấy bà con La Hủ vốn chưa quen với cách thức chăn nuôi khoa học, nên nhiều dự án đưa về hiệu quả không cao, con giống kém phát triển, tỷ lệ chết nhiều. Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước sẽ không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà các chiến sĩ cùng bà con chăn thả, chăm sóc tập trung, như vậy vừa bảo đảm tỷ lệ con giống sinh trưởng phát triển tốt vừa giúp bà con tiếp thu, tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.[6]
Ba là, tuy đã định canh định cư và đảm bảo duy trì chăn nuôi nhưng người La Hủ vẫn gặp tình trạng thiếu thốn các cơ sở hạ tầng cần thiết không chỉ đối với người dân La Hủ mà còn về đảm bảo sinh sống cho bò trong việc tiếp cận nguồn nước, thức ăn. Do vậy, chính quyền địa phương đã xin ý kiến, đề xuất chính sách hỗ trợ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho người La Hủ. Do vậy, vào năm 2011, đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” được thự c hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, mức sống của đồng bào 4 dân tộc tương đương mức sống của các dân tộc khác trong vùng.  Thực hiện Đề án, các địa phương đã triển khai đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu (điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng,…).[7]
          Tựu trung lại, sự đổi mới phương thức mưu sinh thành chăn nuôi bền vững của tộc người La Hủ ngoài việc đem lại những thành công về kinh tế - xã hội song nảy sinh nhiều vấn đề mới cần các chính sách dân tộc để giải quyết. Các vấn đề đó là không biết phối giống tăng năng suất vật nuôi và chưa biết cách quản lý, chăn thả đúng cách, mặt khác là thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu duy trì sự sống loài vật.
Kết quả từ hành động của Nhà nước
Nhìn nhận thực tiễn quá trình thay đổi tập tục sang định canh định cư của tộc người La Hủ ở xã Pa Ủ huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, ta nhận ra được sự kết hợp nhuần nhuyễn vai trò quản lý của Nhà Nước và sự quyết tâm đổi mới, thay đổi diện mạo của bản thân. Từ đó, phương thức mưu sinh chăn n uôi của tộc người La Hủ đã đạt được những thành tựu quan trọng đó là:
Thứ nhất, đời sống kinh tế vật chất được cải thiện đáng kể nhờ phương thức mưu sinh chăn nuôi có hiệu quả, thực chất. Thực hiện Đề án 1672, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai, như: mô hình trồng quế, dong riềng, nghệ; mô hình chăn nuôi bò, dê... tại các xã bản của người Mảng, La Hủ, Cống, Cơ Lao. Các mô hình này đã dần giúp người dân định hình các vùng sản xuất, chăn nuôi giúp họ định canh ổn định để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương,  tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm nhanh, từ hơn 90% trước đây giờ chỉ còn 50% theo tiêu chí mới.[8]
Thứ hai, phát triển mảng xã hội trong các khía cạnh về học vấn, tỷ lệ sinh cân đối với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Mọi trẻ em trong thôn bản của người La Hủ đều được khuyến khích và tạo điều kiện hết mức để tiếp cận giáo dục. Những căn nhà khang trang, kiên cố được xây dựng và các công trường thiết yếu về “điện đường, trường, trạm” đã từng bước đi vào hoạt động. Năm 2015 mức sinh của tộc người La Hủ thuộc trong số nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh cao nhất khoảng 3,71 con/ phụ nữ nhưng nay đã giảm mạnh nhất lần lượt giảm 0,36 con/ phụ nữ.[9] Rõ ràng, với mức sống còn khó khăn, tỷ lệ sinh cân đối giúp giảm gánh nặng kinh tế và áp lực xã hội đối với gia đình và tộc người La hủ nói chung nhằm tạo động lực, cơ sở bước đầu cho sự phát triển bền vững, và chiến lược hơn.
1 góc bản Seo Thèn - nơi người La Hủ sinh sống tại Lai Châu vào năm 2013: nguồn ảnh: baotintuc.vn
1 góc bản Seo Thèn - nơi người La Hủ sinh sống tại Lai Châu vào năm 2013: nguồn ảnh: baotintuc.vn
tuy nhiên, cách đó không xa tại bản Thò Ma được đăng tải bởi websongdep.com cho thấy chính sách của Nhà nước vẫn còn hạn chế về cải thiện đời sống người La Hủ
tuy nhiên, cách đó không xa tại bản Thò Ma được đăng tải bởi websongdep.com cho thấy chính sách của Nhà nước vẫn còn hạn chế về cải thiện đời sống người La Hủ
Thứ ba, tiền đề quan trọng để giữ gìn an ninh – chính trị biên giới và tránh khỏi các tệ nạn, trở thành tội phạm do nghèo đói. Mối quan hệ giữa nghèo đói, thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm biên giới đồng thuận với nhau. Chính vì vậy, những chính sách phát triển dân tộc của Nhà nước đối với tộc người La Hủ là một quyết định quan trọng nhằm giữ gìn ổn định biên cương. Bởi vì, nếu không có sự ổn định, đem lại nhu cầu thiết yếu đối với họ thì những rằng buộc mang tính có tổ chức sẽ khiến họ rơi vào con đường tội phạm xuyên biên giới như buôn lậu, vận chuyển ma túy, … Vì vậy, những thành tựu về kinh tế - xã hội trở thành động lực quan trọng vừa để giữ vững an ninh – chính trị ở vùng biên giới vừa quảng bá hành dân tộc hướng ra các nước lân cận, đặc biệt là nước bạn Lào.
Do địa lý giáp biên giới, người La Hủ được giúp sức mạnh mẽ từ phía các chiến sĩ bộ đội biên phòng để phát triển. nguồn ảnh: tuoitre.vn
Do địa lý giáp biên giới, người La Hủ được giúp sức mạnh mẽ từ phía các chiến sĩ bộ đội biên phòng để phát triển. nguồn ảnh: tuoitre.vn
Tuy nhiên, phương thức mưu sinh mới này cũng bao hàm nhiều khó khăn và hạn chế đối với người La Hủ như là:
Một là, phương thức mưu sinh có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Tập tục du canh du cư hay nói cụ thể hơn là phương thức săn bắn được xem như một nơi chuyển hóa các tư duy vật chất và tâm linh của tộc người La Hủ vào đó để chuyển thành giá trị hiện hữu. Một vài truyền thống, như tục lệ “lá vàng” – xây nhà bằng lá cho đến vàng lá rồi di chuyển đến nơi khác chắc chắn sẽ bị mai một. Hơn nữa, do hoàn cảnh và phương thức đã thay đổi, phương thức săn bắn truyền thống sẽ đôi phần bị hạn chế từ đó dẫn đến các kỹ năng, và ý nghĩa tâm linh khi săn bắn dần dần đi vào quên lãng.
Hai là, người La Hủ chưa tương xứng về trình độ phát triển với các dân tộc thiểu số khác. nếu đem so sánh với điều kiện phát triển với các dân tộc thiểu số khác tương đường thì về nhiều khía cạnh tộc người La Hủ còn rất hạn chế. Về tỷ lệ chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) của dân tộc La Hủ cao nhất trong các DTTS (66,23‰), cao gấp 5,5 lần IMR của dân tộc Hoa (11,94‰). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ sử dụng ti vi rất thấp, dưới 50%, bao gồm: La Hủ (35,3%). Trong số 53 DTTS, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (83,7%), tiếp đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%).[10]
Kết luận lại, phương thức mưu sinh của người La Hủ đã có sự chuyển đổi từ săn bắn truyền thông làm trung tâm thành chăn nuôi mang tính bền vững không chỉ đem lại diện mạo mới cho tộc người mà còn thúc đẩy tiềm năng phát triển trong tương lai. Nguyên nhân đến từ sự tham gia hỗ trợ, tạo cơ sở nền tảng bước đầu phát triển của Nhà nước bằng chính sách, luật pháp vừa mang tính bắt buộc vừa thể hiện tính khuyến khích, khuyên bảo. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa đến từ quá trình nhận thức nâng cao của tộc người La Hủ khi đối mặt với nạn đói, và tập quán du canh du cư đã tỏ ra lạc hậu. Tuy nhiên, khi chuyển đổi phương thức mưu sinh mới, người La Hủ gặp không ít những vấn đề về chăn nuôi như: chưa biết chăm sóc, quản lý và thiếu thốn hạ tầng chăn nuôi. Trước các vấn đề đó, các cơ quan chính quyền sở tại cùng kết hợp với các chính sách của Trung ương vào cuộc quyết liệt và đã có những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh chính trị biên giới. Song, điều đó vẫn còn gặp nhiều khúc mắc như nguy cơ đánh mất một số bản sắc văn hóa tộc người và trình độ phát triển chưa tương xứng với bình quân dân tộc thiểu số khác. Thế nhưng, chung quy lại, sự thay đổi cơ bản phương thức mưu sinh của người La Hủ đã có những biểu hiện tích cực đối với sự phát triển tộc người nói riêng và phát triển đất nước Việt Nam nói chung.
[1] Vũ Thị Hạnh, “Phương thúc mưu sinh và chất lượng cuộc sống của ngư dân làng chài công giáo hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại làng chài ngọc sơn, kiến an, hải phòng)”, tạp chí Khoa học Đại học Hải Phòng, số (15) – 3/2016, trg.48.
[2] Đặng Nghiêm Vạn: Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam đa tộc người, NXB Đại học Quốc gia TP HCM, 2009, trg.326.
[3] Bích Đào, (2011), “Hội thảo khoa học về đa dạng sinh học và giải pháp bảo tồn thực vật quý hiếm tại huyện Mường Tè”, http://laichau.gov.vn/danh-muc/hoat-dong-trong-tinh/tin-cac-dia-phuong/hoi-thao-khoa-hoc-ve-da-dang-sinh-hoc-va-giai-phap-bao-ton-t.html
[4] Khắc Kiên, (2022), “Mùa lá rụng và hành trình xuống núi của người La Hủ: mùa đói trên hành trình di cư”, https://vov.vn/xa-hoi/mua-doi-tren-hanh-trinh-di-cu-post915291.vov
[5] Viết Lam – Nguyễn Linh, (2020), “Người La Hủ hồi sinh (phần 2)”, https://www.bienphong.com.vn/nguoi-la-hu-hoi-sinh-bai-2-post429482.html
[6] Hoàng Quý, (2020), “Sát cánh cùng đồng bào La Hủ bảo vệ biên cương”, http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/202012/sat-canh-cung-dong-bao-la-hu-bao-ve-bien-cuong-174581
[7] Sỹ Hào, (2021), “Tầm nhìn mới cho công tác dân tộc: Khởi sắc vùng khó (bài 1)”, https://baodantoc.vn/tam-nhin-moi-cho-cong-tac-dan-toc-khoi-sac-vung-kho-bai-1-1625479663077.htm
[8] Nhóm PV, (2019), “Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc”, https://nhandan.vn/phong-su-ky-su/doi-thay-cua-nhung-toc-nguoi-dac-biet-vung-tay-bac-368340
[9] Ủy Ban Dân tộc – Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, NXB Thống Kê, 2020, trg.63.
[10] Ủy Ban Dân tộc – Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, NXB Thống Kê, 2020, trg.70, 95, 97.