Tình yêu thật sự là gì?
Nếu không đi cùng sự thấu hiểu, tình yêu của bạn có thể làm người ấy phải chịu đựng.
Bài viết là một chút chiêm nghiệm của mình về cuốn sách "True Love: A Practice for Awakening the Heart." của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mình sẽ mãi biết ơn vì những di sản mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để lại cho đời - tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi những tâm hồn héo hon ngờ vực, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu thương giữa người với người.
“Love is totally nonsensical. But we have to keep doing it or else we’re lost and love is dead, and humanity should just pack it in. Because love is the best thing we do.” - Ted Mosby
Theo đạo Phật, có bốn yếu tố tạo nên tình yêu đích thực.
1. Yếu tố đầu tiên là maitri - Yêu thương ân cần hay lòng nhân từ.
Sự yêu thương ân cần không chỉ đơn giản là mong muốn làm cho người khác hạnh phúc, mang niềm vui đến người bạn yêu mà đó là KHẢ NĂNG làm được điều đó. Bởi vì suy cho cùng ý nghĩa của yêu thương là khiến người đó cảm thấy được yêu chứ không phải việc bạn khao khát được yêu người đó hay được người đó đáp trả. Nếu không đi cùng sự thấu hiểu, tình yêu của bạn có thể làm người ấy phải chịu đựng.
Nếu bạn không hiểu người đó, bạn không thể yêu họ một cách đúng đắn. Thấu hiểu là cốt lõi của tình yêu - không có sự thấu hiểu, tình yêu là không thể. Thấu hiểu xuất phát từ việc thật sự quan sát, lắng nghe về những nhu cầu, mong muốn hay những điều khiến đối phương hạnh phúc và mang đến cho họ.
Thiếu đi sự thấu hiểu, tình yêu của bạn có thể là áp lực khiến người khác phải đau khổ. Ép buộc người khác phải đáp trả mong muốn yêu đương của bạn cũng là một loại áp lực – nó không xuất phát từ yêu thương mà từ mong muốn chiếm hữu.
…
Ngày trước mình cứ suy nghĩ mãi, làm cách nào để biết mình đã yêu một người (theo nghĩa tình yêu đôi lứa) khi mà lòng tốt mình dành cho mọi người là như nhau? Đôi khi những cử chỉ ân cần của mình có thể gây nhầm lẫn, vậy giới hạn nào dành cho những hành động đó?
Có lẽ câu trả lời nằm ở ý định đằng sau những hành động ấy. Ngày mình nhận ra mình yêu một người, là lúc mình bắt đầu hiểu hay nhớ vu vơ về những sở thích, thói quen và những điều nhỏ nhặt khác của người ấy. Giả sử như việc người ấy không biết ăn cay rồi vô thức order mà không cần phải hỏi. Hay những lúc bất giác cảm thấy người ấy thật đáng yêu vì sự kén ăn rất con nít ấy.
Tình yêu là sự lựa chọn – mỗi ngày – chọn để thấu hiểu và hiện diện mỗi giây phút bên cạnh người đó. Tình yêu thật khó để giải thích và luôn sẽ chỉ có một người thật sự đặc biệt hơn tất thảy, một người khiến bạn chấp nhận để thật sự hiểu họ - cả phần ánh sáng và bóng tối.
Có lẽ bởi vậy mà nỗi đau bị từ chối tình cảm là nỗi đau khó chấp nhận nhất – đó là khi bị người mình muốn thấu hiểu từ chối chính con người mình.
"Mình không đáng được yêu thương" – giọng nói nhỏ trong đầu bạn vang lên. Nhưng bạn tôi ơi, có thể rằng, họ yêu thương bạn, chỉ là không theo cách mà bạn muốn mà thôi.
2. Yếu tố thứ hai là kurana – Từ bi bao dung
Đó là khả năng giảm đau cho một người, xoa dịu nỗi đau của họ, thực sự lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau họ đang phải chịu đựng từ góc nhìn và hoàn cảnh hiện tại của họ – thực sự hiện diện ở đó và lắng nghe những gì họ đang trải qua. Nếu không có khả năng xoa dịu nỗi đau cho nhau thì tình yêu mà bạn đang có chỉ dừng lại ở Passion/ Lust.
3. Yếu tố thứ ba là mudita – Niềm vui
Không có niềm vui trong tình yêu thì đó ko phải tình yêu. Nếu bạn cứ phải đau khổ chật vật trong tình yêu thì đó ko phải tình yêu. Nếu bạn muốn kiểm soát, “kèo trên”, buộc người đó theo ý mình thay vì đơn thuần mong người đó được vui vẻ hạnh phúc thì đó không phải tình yêu – thậm chí là điều ngược lại.
Có những người lớn lên trong hoàn cảnh nhiều drama nên trong quá trình trưởng thành, họ lầm tưởng rằng diễn biến lôi cuốn, sự kịch tính mới chính là tình yêu. Họ tìm cách để đối phương yêu thương mình nhiều hơn thay vì tự hỏi làm cách nào để yêu thương người kia nhiều hơn.
4. Yếu tố thứ tư là upeksha - Tự do
Trong tình yêu thật sự, bạn đạt được sự tự do. Và khi yêu, bạn phải yêu theo cách mà người bạn yêu cảm thấy tự do.
Hãy tự hỏi: Người ấy có đủ khoảng trống trong tim và không gian xung quanh để thật sự là chính mình không?
Đôi khi chúng ta nhân danh tình yêu để cố gắng thay đổi một người, bạn cho rằng tất cả là muốn tốt cho họ.
Liệu là muốn tốt cho họ, hay tốt cho những mong đợi, lý tưởng bạn xây dựng cho họ? Nhiều người tự nhận rằng họ đang yêu trong khi, thứ họ thật sự yêu là mộng tưởng về một người hoàn hảo nhưng rồi chẳng đủ chín chắn để đối mặt với phiên bản thật sự đầy những khuyết điểm (như con người vốn luôn vậy) của họ. Thay vì tự hỏi bạn có còn yêu họ không thì hãy tự hỏi tình yêu của bạn có phải tình yêu thật sự không?
Yêu một người khi họ luôn làm theo những điều bạn muốn thì thật dễ dàng, nhưng cho phép người đó làm những điều họ muốn mà vẫn yêu thương họ thì thật khó.
Vậy câu hỏi đặt ra là, bạn đã có KHẢ NĂNG dành cho những người mình yêu thương TÌNH YÊU THẬT SỰ chưa?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất