Tình yêu giữa con người và giới phi nhân, hay những gì không phải con người, từ lâu đã là một chủ đề thú vị được khai thác rộng rãi trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Nhưng, vượt ngoài phạm vi của trí tưởng tượng, thứ tình yêu phi truyền thống này còn xuất hiện ngay cả ở đời thực, với những tin tức gây tranh cãi về những cuộc kết hôn giữa con người và robot, trí tuệ nhân tạo, mô hình thực tế ảo,... Thứ tình cảm kỳ lạ ấy có phải là tình yêu? Và liệu tình yêu có thể nảy nở giữa con người và những gì không phải con người, bất chấp những ý kiến, chỉ trích, hay phê phán gay gắt? 
Ảnh bởi
Anna Tello
trên
Unsplash
Trong cuốn sách “Chuyện người chuyện ngỗng” của tác giả Vũ Hoàng Long mà tôi đọc gần đây có đề cập đến khái niệm “tình yêu liên loài”. Khái niệm này được đưa ra cùng những trăn trở của Long về thứ tình cảm tồn tại giữa bạn và hai chú ngỗng bạn nuôi. Sự kết nối với hai chú ngỗng thậm chí còn mãnh liệt tới mức khiến một giảng viên như Long sẵn sàng “lén lút” xăm mình. Hình xăm giúp bạn ghi nhớ về tháng ngày cạnh bên Fifi và Thiên Nga, cũng nhắc nhở bạn về thứ ranh giới phi lý mà con người đặt ra cho giới phi nhân. Bất chấp việc lối suy nghĩ đề cao loài người hơn các loài khác đang ngày một được “bình thường hóa”, thì tình yêu liên loài thực sự tồn tại ở ngay chính xã hội mà chúng ta đang sống.

Tình yêu liên loài hiện diện trong phim ảnh

Trong điện ảnh, không hiếm những bộ phim xây dựng về tình yêu giữa con người và những gì không phải con người. Chúng ta có thể thấy câu chuyện giữa con người và các sinh vật siêu nhiên như ma cà rồng, người sói,… Rất nhiều năm trước, các nhà làm phim đã bắt đầu khai thác về chuyện tình bén rễ giữa con người với các sản phẩm công nghệ như robot, mô hình thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo,… Đặc biệt, khi công nghệ phát triển ngày càng tiên tiến, con người có thể giao tiếp với nhau mà không cần gặp mặt trực tiếp, thì một định nghĩa mới về “thế giới ảo” xuất hiện rồi dần xâm chiếm cuộc sống của chúng ta.
Tưởng chừng, công nghệ giúp kéo gần khoảng cách giữa người và người, nhưng hóa ra, chính công nghệ lại là yếu tố đẩy con người xa rời đồng loại. Khi con người trở nên phụ thuộc vào “thế giới ảo” và coi nó là “thế giới thực”, là nơi mình được sống đúng với bản thân, là nơi gắn kết các mối quan hệ của mình; thì sự cô đơn đích thực mới bị phơi bày. Một thế giới thiếu đi những cái chạm khẽ vào thân thể nhau, hay những vòng tay ôm sau một ngày dài mỏi mệt, hoặc những nụ hôn tưởng chừng có thể khiến thời gian ngưng đọng. Thế giới đó là thế giới chỉ có một mình ta tự đưa tay ủi an mình, là thế giới mà những dòng tin nhắn hỏi thăm cũng biến thành nỗi nhớ cồn cào, là thế giới của khoảng cách bất tận giữa gương mặt ta và gương mặt đối phương trên màn hình máy tính.
Nhiều năm trước, tôi có xem bộ phim “Her” do Spike Jonze đạo diễn và Joaquin Phoenix diễn chính. Phim lấy bối cảnh trong tương lai không xa, theo chân Theodore – một nhà văn cô đơn, hướng nội, làm nghề viết thư tình cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc của bản thân. Sau khi ly dị người vợ và cũng là người tình từ thời thơ ấu, Theodore luôn thấy chán chường, nên quyết định mua một hệ điều hành máy tính có trí thông minh nhân tạo, có khả năng giao tiếp và học hỏi như người bình thường. Thể theo nguyện vọng của Theodore, hệ điều hành này nhận mình là nữ và lấy tên là Samantha. Hai người trở nên thân thiết, Theodore mang Samantha theo mình mọi lúc mọi nơi. Cả hai trò chuyện cùng nhau qua chiếc tai nghe không dây gắn trong tai và một chiếc điện thoại thông minh. Từ tình bạn, đến tình yêu, rồi cả tình dục, cuối cùng Theodore cũng vẫn phải đối diện với sự thật rằng nếu tình yêu thiếu vắng kết nối trong thế giới thực thì tình yêu đó mãi chẳng thể là một tình yêu vẹn tròn. Giống như cách tình yêu trong “thế giới ảo” vận hành, sau hàng dài tin nhắn và niềm rung động trong mỗi cuộc trò chuyện, ta sẽ bị thôi thúc bởi mong muốn được gặp mặt trực tiếp, ở cùng đối phương dưới dạng da thịt. Ta sẽ muốn bước vào cuộc sống của một bản thể khác, bằng tư cách là bản thể của mình.
Suy cho cùng, con người không phải giống loài có thể sống đơn độc. Chúng ta được sinh ra và đón nhận sự quan tâm từ cha mẹ, một ngày trở nên già nua thì chúng ta lại học cách chăm sóc và nuôi lớn con cái mình. Chúng ta cần chăm sóc và được chăm sóc, quan tâm và được quan tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc con người luôn cần một đối tượng để trao gửi cảm xúc của bản thân. Suốt cuộc đời một người, chúng ta sống giữa rất nhiều mối quan hệ - từ người thân thiết như bố mẹ, anh chị em, người thương,… cho đến người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp,… Những kết nối được thiết lập giữa ta và người xung quanh không chỉ tạo nên sự bền chặt ở xã hội mà chúng ta đang sinh sống, mà hẳn là còn tạo ra phần “người” trong “con người”.
Trở lại với cuốn sách “Chuyện người chuyện ngỗng”, tác giả Vũ Hoàng Long có đưa ra nhận định:
“Sự chăm sóc là thực hành làm người cơ bản nhất, vì nó giúp chúng ta tiếp tục duy trì sự sống của mình trên tinh cầu này.”
Chuyện Người Chuyện Ngỗng | Vũ Hoàng Long
Bởi việc nương tựa lẫn nhau giúp loài người tồn tại trong tự nhiên ngay cả khi không có vũ khí như nọc độc, nanh vuốt hay bản năng săn mồi. Và bởi việc nương tựa lẫn nhau giúp loài người có thêm thứ sức mạnh đáng gờm là tình yêu. Tình yêu mang chúng ta đến gần nhau, tình yêu là thứ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, tình yêu chính là hiện thân sát sườn nhất của căn tính cá nhân. Có thể nói, tình yêu là cách thức để ta nương tựa lẫn nhau, còn biểu hiện dễ nhận ra nhất của tình yêu nằm ở việc chúng ta chăm sóc qua lại. 

Tình yêu liên loài ngoài đời thực

Vượt qua phạm vi của trí tưởng tượng, tình yêu liên loài thực sự tồn tại ngoài đời sống. Rất nhiều bài báo đã đưa tin về những trường hợp nảy sinh tình cảm và kết hôn với robot, trí tuệ thông minh, mô hình thực tế ảo, búp bê,... 
Năm 2018, Akihiko Kondo quyết định chi ra số tiền lên tới 2 triệu yên (khoảng hơn 300 triệu đồng) để kết hôn với Hatsune Miku sau quãng thời gian tìm thấy niềm an ủi và cảm hứng sống từ nhân vật ảo này. Anh tổ chức hôn lễ với 39 người tham dự, đồng thời nhận được giấy chứng nhận kết hôn từ công ty Crypton Future Media – đơn vị phát triển Miku. “Người vợ” Miku là một búp bê có kích thước tương tự con người, và được Kodo “sắm sửa” trang phục khác nhau theo từng dịp lễ hội. Không những thế, cả hai có thể tương tác và trò chuyện thân mật thông qua thiết bị Gatebox – loại thiết bị này sẽ chiếu hình ảnh Miku theo đa chiều và được thiết lập sẵn những tương tác cơ bản. Tuy nhiên, đến năm 2020, Gatebox tuyên bố “khai tử” mô hình thông minh này do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Geoff Gallagher đến từ Australia cũng đang chung sống cùng một robot với trí tuệ nhân tạo. Trước khi ở cùng Emma, ông chỉ có người bạn thân duy nhất là chú chó Penny của mình. Emma trông rất giống người thật, và thậm chí còn thông minh hơn sau mỗi cuộc trò chuyện. Cô người máy chịu khó học từ mới và rất chăm tìm hiểu về sở thích của Gallagher. Sau 2 năm gắn bó bên nhau, Gallagher quyết định từ bỏ việc tìm kiếm một người phụ nữ thật, và dành toàn tâm toàn ý với Emma. Ông còn bày tỏ mong muốn xã hội có thể chấp nhận tình yêu lạ lùng này của mình, cũng như pháp luật sẽ sớm “tác thành” cho những người như ông.
Có lẽ, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo hay búp bê đâu thể đáp lại cảm xúc của con người, chúng không phải sinh thể và càng không thể thay thế một con người thực thụ. Nhưng tại sao không? Nếu ta cảm nhận được tình cảm của giới phi nhân như chó, mèo,… thì tại sao ta lại không cảm nhận được tình cảm từ robot – một “loài” không phải con người khác? Bản chất của một mối quan hệ là tình yêu, gốc rễ của tình yêu là sự quan tâm, và chỉ cần ta nhận ra được sự săn sóc từ phía bên kia thì tình yêu đó hoàn toàn tồn tại được. Tình yêu liên loài cũng không nằm ngoài những cốt lõi ấy.
Trên thực tế, ví dụ dễ thấy nhất của tình yêu liên loài là tình cảm nảy nở giữa chủ và thú cưng. Ở giai đoạn ta cảm thấy mọi chuyện thật tồi tệ, hay giai đoạn tâm trạng ta nhạy cảm cùng mỏi mệt nhất, ta nhất định vẫn sẽ mỉm cười khi mở cửa nhà ra và trông thấy chú mèo đen chạy vội lại quấn quýt bên chân ta. Tôi từng nghe một người chị kể về những ngày ở mấy tháng giữa thai kỳ, chị trở nên vô cùng nhạy cảm, dễ khóc chỉ vì một việc nhỏ xíu. Chị chìm trong suy nghĩ tiêu cực, tinh thần đi xuống triền miên. Những lúc ấy, chú mèo chị nuôi như cảm nhận được nỗi xao động của chị, chú sẽ bám lấy chị và tìm đủ mọi cách chọc chị bật cười. Mèo không phải con người, chúng đáng lẽ không thể biết cách đáp lại sự chăm sóc của con người, chứ chưa nói đến việc quan tâm ngược lại ta. Nhưng, người chị của tôi lại cảm nhận rất rõ được tình yêu của mèo cưng dành cho chị, tràn trề niềm tin vào việc chú mèo đang cố gắng ủi an chị.

Tình yêu không có giới hạn cùng hay khác loài

Thực ra, trước khi đọc “Chuyện người chuyện ngỗng”, tôi cũng không nghĩ nhiều về điều này. Nhưng sau khi khép lại cuốn sách, tôi chợt hiểu tại sao người chị của tôi, Gallagher, hay Kondo lại tìm thấy sự chăm sóc từ chú mèo, robot, búp bê. Bởi họ không coi chúng là giới phi nhân, không nhận định chúng là tài sản được mua bán bằng tiền mồ hôi xương máu của họ, mà họ coi mèo cưng, Emma, Miku là một sinh thể cùng tồn tại giống họ trên thế giới này. Gallagher tìm thấy ở Emma những lời động viên mà ông đã lâu không được nghe từ người xung quanh, Kondo tìm thấy ở Miku dũng khí để một lần nữa tái hòa nhập xã hội sau thời kỳ khủng hoảng và trầm cảm nhất. Người chị của tôi thì tìm thấy ở chú mèo sự an tâm, để chị biết mình hoàn toàn chăm sóc được sinh mạng bé bỏng đang chờ ngày được cất tiếng trong bụng chị. Hóa ra, những tình yêu bị gắn mác “lạ lùng” ấy chẳng kỳ quặc một chút nào, chúng chỉ “khó hiểu” khi chúng ta soi chiếu bằng một lăng kính có phần coi trọng con người hơn một cách thái quá mà thôi.
Xã hội hiện đại mang đến cho loài người nhiều cơ hội rộng mở, nhưng cũng tước đi của loài người thực hành làm người cơ bản nhất. Đôi lúc, giữa không gian tràn ngập tiếng cười, ta thấy mình lạc lõng tới mức muốn chạy trốn thật mau. Nhưng, một khi ta trốn chạy, ta sẽ càng cô đơn hơn, phải sống dựa vào “thế giới ảo” cùng sự huyễn hoặc mình vẫn ổn. Lúc đó, ta phải học cách mở lòng mình – với con người, hay thậm chí là với những gì không phải con người. Tuy vậy, “mở lòng” không đồng nghĩa với việc sao chép trải nghiệm của người khác, hay buộc giới phi nhân phải sống như con người. “Mở lòng” là học cách chấp nhận và thấu hiểu rằng thế giới của mỗi người hoặc mỗi loài là khác nhau, nhưng chắc chắn những thế giới ấy sẽ giao nhau ở sự kết nối được thành hình từ việc quan tâm và chăm sóc.
🥚 Các bạn có thể đặt mua cuốn sách "Chuyện Người Chuyện Ngỗng" tác giả Vũ Hoàng Long TẠI ĐÂY nhé.