Cứ mỗi lần đến dịp lễ tết là người dân ngoại tỉnh tại Sài Gòn lại lục tục khăn gói đùm đề để về quê, tiếp chút sức, gặp gỡ gia đình sau thời gian dài xa cách để rồi lại tiếp tục lặn lội "lên Sài Gòn" đặng kiếm cơm, mưu sinh và ngóng trông về một tương lai tốt đẹp hơn. Đâu đó lại vang vọng câu nói:
Lễ Tết là đám dân tỉnh nó kéo về, Sài Gòn ta được mấy ngày yên bình, ra đường nó dễ chịu gì đâu.
Một câu thoại điển hình của dân Sài Gòn
Đường phố vắng vẻ ngày mùng 1 Tết (Nguồn ảnh Kenh14)
Đường phố vắng vẻ ngày mùng 1 Tết (Nguồn ảnh Kenh14)
Cách đây tầm chục năm tôi, lúc bấy giờ là sinh viên năm nhất, cũng hòa vào dòng người khăn khăn gói gói hồ hởi về lại với Nha Trang để tận hưởng những khoảnh khắc yên bình mà tôi hiếm khi nào có được tại Sài Gòn. Thế nhưng cái khoảnh khắc cách đây chục năm ấy lại có cảm giác đăng đắng nhiều hơn tôi từng nghĩ khi rời bỏ quê hương để đến với một thành phố xa lạ và xô bồ. Ấy là khi tôi nghe được câu nói của một chị sinh viên năm trên, vốn là người Sài Gòn gốc:
Sài Gòn bây giờ dân tứ xứ quá nhiều, không còn đi cái sự hào hoa của ngày xưa nữa.
Lúc ấy tôi đã nghĩ rất rất nhiều về câu nói này, cộng thêm việc học ngành Quy Hoạch nên tôi hiểu được tương đối về quá trình phát triển đô thị TP.HCM qua nhiều chặng đường lịch sử, qua nhiều làn sóng dân nhập cư từ các tỉnh nghèo khó đổ về Sài Gòn mưu sinh và học tập. Thuở ấy, và có khi cũng là thuở nay cũng nên, người ta không nói là "vào Sài Gòn", hay là "ra Sài Gòn" như cái quy luật "ra Bắc vào Nam". Người ta dùng cụm "lên Sài Gòn". Tức là từ tỉnh lẻ phía dưới, bước lên trên Sài Gòn hoa lệ. Chúng ta không thể dàn trải toàn bộ ngân sách để phát triển quá nhiều trục kinh tế một lúc, mà phải tập trung vào nơi có tiềm năng nhất và từ đó phát triển các đô thị vệ tinh. Nơi tiềm năng nhất trong toàn miền Nam dĩ nhiên là TP.HCM.
Lúc ấy tôi còn bảo với nhiều người bạn về câu nói kể trên. Người cùng khóa họ cùng cảm giác sốc giống tôi. Người trên khóa tặc lưỡi bảo họ quen rồi, mình đi sống trên đất nhà người ta, họ nói gì thì chịu cái đấy chứ biết phải làm sao. Chỉ hy vọng họ không vơ cả nắm đũa rồi bảo dân tỉnh lẻ làm hư cả cái đất Sài Gòn là được.
Ấy vậy mà chị năm trên ấy hàng năm đều không ở lại Sài Gòn để tận hưởng cái không khí yên bình ngày lễ Tết. Suốt dọc tuyến quốc lộ không thiếu biển số 59 tỏa đi các địa điểm du lịch để tận hưởng cái xô bồ ngày lễ tết nơi tỉnh lẻ.

Cộng sinh hay phụ thuộc?

Cái thuở năm nhất ấy, tôi cứ canh cánh mãi trong lòng về việc mình là một người chỉ đang ở nhờ đất Sài Gòn hoa lệ để học tập và có thể là sinh sống sau này. Cộng thêm việc bản thân mình chỉ dám bước vào những nơi bình dân, trong khi người dân Sài Gòn ra ra vào vào những nơi sang trọng mà tôi không bao giờ dám mơ đến mà họ vẫn tặc lưỡi khen "rẻ rề". Mãi cho đến khi tôi đọc được một vài tài liệu về kinh tế, tiếp xúc với cô lao công người Thái Bình, với anh công nhân người Thanh Hóa, với cô chủ quán cơm người Quảng Nam thì tôi mới hiểu ra rằng không có những người tỉnh lẻ này thì chưa chắc Sài Gòn đã phát triển phồn vinh đến như thế.
Nhà máy sản xuất thép cuộn (Nguồn ảnh Báo Lao Động).
Nhà máy sản xuất thép cuộn (Nguồn ảnh Báo Lao Động).
Việc Sài Gòn là nơi tập trung rất nhiều nguồn vốn từ nước ngoài cho việc sản xuất công nghiệp dẫn đến việc Sài Gòn cũng cần một nguồn lao động khổng lồ kèm theo toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất hậu cần cho nguồn lao động ấy. Ban đầu sẽ là phát triển công nghiệp hóa, và sau đó để thực hiện chính sách giãn dân, thì Sài Gòn cũng dần trở thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ trong khi nhiệm vụ sản xuất công nghiệp sẽ được đẩy sang cho các đô thị vệ tinh như Bình Dương chẳng hạn.
Và cũng chính vì mục đích ban đầu là để phục vụ những người xa xứ nhưng vẫn muốn cảm nhận được chút gì đó từ quê hương, thì các hàng quán ăn uống với đặc sản từ nhiều vùng miền mọc lên tại Sài Gòn như nấm. Và đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng ở Sài Gòn thứ gì cũng có, miễn là có tiền. Chính vì sự đa dạng và cạnh tranh liên tục đó mà ngành F&B ở Sài Gòn trở thành một ngành hái ra bao tải tiền.
Ngành F&B tại Việt Nam - Những cơ hội và thách thức (Nguồn ảnh từ bài viết tại báo Dân Trí)
Ngành F&B tại Việt Nam - Những cơ hội và thách thức (Nguồn ảnh từ bài viết tại báo Dân Trí)
Sự phát triển nhanh chóng của một đô thị cộng thêm lượng gia tăng dân số cơ giới khiến cho giá cả bất động sản tăng lên chóng mặt. Và chính vì thế nên cũng có một bộ phận người dân địa phương trở nên giàu lên từ việc buôn bán bất động sản, hay chỉ đơn giản rằng họ không cần phải tốn tiền thuê nhà để mưu sinh tại Sài Gòn nữa. Ngày tôi đi học xa nhà ấy, hầu như những đứa sinh viên đi chạy bàn tại quán nhậu hay quán cafe phần lớn là dân tỉnh lẻ. Các bạn khác sinh viên Sài Gòn thì họ có vẻ là dư dả hơn về mặt tài chính và có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa lẫn học phụ đạo hơn.
Sự phân hóa giàu nghèo cũng trở nên khủng khiếp hơn rất nhiều. Một bộ phận người dân địa phương trở nên dư dả hơn cuộc sống và họ hướng đến những thứ cao xa hơn. Chính vì thế nên những công việc mà nhiều người cho là "thấp kém" như dọn rác, lao công, vận chuyển hàng... không còn trở nên hấp dẫn trong mắt những người dân bản địa nữa. Thay vào đó họ nhắm vào giáo dục bậc Đại Học, sau Đại Học và các công việc hành chính. Cũng chính vào lúc này thì toàn bộ hệ thống hậu cần lại phụ thuộc rất nhiều vào người dân ngoại tỉnh. Chỉ có những người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn thì mới có hệ thống hậu cần giá rẻ. Đấy là quy luật về kinh tế áp tại bất cứ đô thị trung tâm nào, không chỉ là SG. Cũng chính vì giá lao động rẻ mà rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đổ vốn về SG.
Tạm chưa nói đến những vấn đề mặt trái như xung đột về văn hóa, tệ nạn xã hội... thì liệu cho người Sài Gòn chọn giữa việc toàn bộ công nhân không còn đổ về Sài Gòn nữa và hiện trạng, thì người Sài Gòn sẽ lựa chọn điều gì?

Chúng ta, ai cũng mất gì đó để được thứ gì đó.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái lần ngồi học ở Urban Station (Bây giờ đã đóng cửa toàn bộ chuỗi cafe này), ở bàn bên là 3 bạn sinh viên trường kinh tế đang ngồi trọ trẹ tập nói. Một người từ Phú Yên, một người từ Quảng Trị và một người từ Quảng Nam.
Sai rồi, phải đọc là ăng cơm, chứ không phải eng cum. Còn cái này đọc là ga, đi ga đi dô, chứ không phải đi ra đi vô nha mậy.
Đoạn hội thoại tôi nghe lén được
Người dân tỉnh lẻ thật sự cũng phải bỏ lại sự yên bình nơi làng quê của mình để khăn gói lên SG, học hỏi tất cả những thứ để có thể tồn tại, phải từ bỏ chất giọng địa phương đặc sệt của mình để có thể được thấu hiểu, được chấp nhận. Dân tỉnh lẻ có thể không hào hoa, có thể chân còn lấm và tay còn bùn, nhưng cũng chính họ là một nguồn nhiên liệu cho toàn bộ máy kinh tế, văn hóa và dịch vụ của SG được vận hành trơn tru nhất có thể. Cũng là 3 cậu sinh viên kể trên, nếu như tại quê hương, họ có thể theo học trường ĐH mà họ mong muốn, thì liệu họ có muốn rời bỏ để đến với SG?
Và cũng cùng lúc đó thì người Sài Gòn lại không có điểm cộng vùng khi thi Đại Học, không có cái niềm vui xa xỉ giống như dân Nha Trang là được phép sống chậm lại bất cứ lúc nào tôi muốn, được gửi toàn bộ tâm sự vào biển mỗi khi tôi chán nản điều gì đó trong cuộc sống. Nhiều lúc họ phải quay cuồng rất dữ dội giữa các lớp học thêm, phải luôn cố gắng cạnh tranh với những người Sài Gòn khác và với những người dân tỉnh lẻ.
Còn bàn lại về vấn đề "hào hoa" thì tôi chỉ có một suy nghĩ như thế này:
Hào hoa hay không là phụ thuộc vào con người, việc họ có giữ được phẩm giá của mình hay không, hay lại bị "thói hư tật xấu từ ngoải" tiêm nhiễm.
Hào hoa hay không là phụ thuộc vào việc họ có chịu nhìn lại quãng đường lịch sử và những nhân tố thay đổi toàn bộ Sài Gòn, trong đó có những người ngoại tỉnh bất chấp làm tất cả mọi việc để kiếm sống.
Hào hoa hay không là phụ thuộc vào việc họ có còn rộng rãi và lịch thiệp trong cách ứng xử, chứ không phải là đổ lỗi cho một phía rồi tự cho rằng bản thân mình đánh mất sự hào hoa là vì dân tỉnh lẻ.
Trong cuộc sống này không một ai có thể nhận không từ ai bất cứ thứ gì. Cùng nhau vẫy vùng trong nhân gian, tôi cứ tự hỏi tại sao con người cứ phải phân biệt lẫn nhau làm gì cho mệt người. Cùng nhau sống trong hòa bình liệu có quá khó không?
Nông dân địa phương vẫn đăng tin tuyển nhân công phục vụ thu hoạch tại EU trong khi các chính trị gia cực hữu vẫn ra rả bài ca đổ lỗi nhập cư (Nguồn ảnh Kleine Zeitung)
Nông dân địa phương vẫn đăng tin tuyển nhân công phục vụ thu hoạch tại EU trong khi các chính trị gia cực hữu vẫn ra rả bài ca đổ lỗi nhập cư (Nguồn ảnh Kleine Zeitung)
Nói thì nói là thế, chứ câu nói kia vẫn truyền từ ngày này sang ngày khác, từ đời này sang đời khác, từ thành phố này sang thành phố khác, từ đất nước này sang đất nước khác mà không có ngoại lệ. Cũng giống như Vienna là thành phố đáng sống nhất thế giới và cũng là thành phố không thân thiện nhất thế giới. Paris là thành phố lãng mạn nhất thế giới và người Paris thì cũng cau có chỉ thua người Vienna. Cũng giống như các quốc gia châu Âu đang tìm đủ mọi cách để ngăn chặn dòng nhập cư trong khi chính toàn hệ thống nhân công siêu thị, nhân công thu hoạch mùa vụ và công nhân logistics là người nhập cư. Chỉ đến khi toàn bộ hệ thống hậu cần sụp đổ như UK sau khi rời khỏi EU, thì có lẽ họ mới nhìn thấy được họ cần những người tỉnh lẻ như thế nào. Hiếm có ai ở trên đỉnh vinh quang phú quý mà chịu nhìn lại xuống dưới chân xem ai là bệ đỡ cho tất cả những thứ họ có được.

Bởi lẽ vậy mới là cuộc sống