Mấy ngày nay, rộ lên tin đồn Sendo và Tiki đã thỏa thuận xong việc sáp nhập, nên nay mình viết một bài về hai doanh nghiệp này khi nó sáp nhập nhé!
Việc Tiki và Sendo sáp nhập đã được đồn đoán trong thời gian gần đây khi mà hồi cuối tháng 4 Tiki đã mở một gian hàng trên Sendo với tên gọi là Tiki Trading Platium Mall. Trên gian hàng này có khoảng 8.000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng. Việc gian hàng của một đối thủ xuất hiện trên trang thương mại điện tử Sendo là chưa từng có tiền lệ
Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, hai trang thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đồng ý sáp nhập nhằm đương đầu với hai đối thủ mạnh là Shopee và Lazada.
BÀI VIẾT GỒM CÁC PHẦN:
- Tổng quan về hai doanh nghiệp này
-Cảm nhận của bản thân về tiki và sendo trước khi sáp nhập
- Vì sao phải sáp nhập ?
- Nếu sáp nhập, liệu hai doanh nghiệp có thể bổ sung điểm mạnh gì cho nhau ?
- Có thật sự có lợi như mọi người vẫn nghĩ ?
TỔNG QUAN VỀ HAI DOANH NGHIỆP NÀY:
Tiki là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thương mại điện tử, được thành lập năm 2010, khởi điểm ban đầu chủ yếu kinh doanh sách trực tuyến. Sau đó, Tiki mở rộng thành nhà bán lẻ trực tuyến với nhiều ngành hàng. Tháng 3/2019, Tiki đã gọi vốn được 75 triệu USD dẫn dắt bởi Northstar Group. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục các vòng gọi vốn khác, được cho là lên đến 100 triệu USD.


Được thành lập vào đầu năm 2010, Tiki hiện là trang TMĐT nằm trong top 10 tại khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.
Còn Sendo là sản phẩm của Công ty công nghệ Sen Đỏ, được thành lập bởi Tập đoàn FPT. Sendo vừa nhận khoản đầu tư 61 triệu USD từ năm ngoái. Sau vòng rót vốn series C, nhà đầu tư trong nước nắm gần 37% Sendo và 13 cổ đông ngoại nắm hơn 63% cổ phần. Trong đó, SBI E-Vietnam là cổ đông ngoại lớn nhất nắm 21,85%, Econtext Asia nắm 11,47%, Beenos Asia nắm 5,93%...
Báo cáo về Bảng xếp hạng doanh nghiệp Thương mại Điện tử của iPrice trong quý 3 này cho thấy một thay đổi bất ngờ về thứ hạng. Sendo vươn lên đứng thứ 2 về lượng truy cập, qua mặt các đối thủ kỳ cựu như Lazada hay Tiki, chỉ xếp sau Shopee.

CẢM NHẬN CỦA BẢN THÂN VỀ TIKI VÀ SENDO TRƯỚC KHI SÁP NHẬP:
Lưu ý: Cảm nhận này là chủ quan
- Cảm nhận về Sendo:
+ Giá rẻ nhưng vấn đề kiểm soát hàng nhái hàng giả không được tốt. Việc kiểm duyệt sản phẩm của Sendo đối với các shop còn nhiều lỏng lẽo. Lợi dụng những kẻ hở trên những người gian thương có thể trà trộn buôn bán các sản phẩm hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi trên thị trường
+ Và Senmall mình nghĩ là khá uy tín
+  Các đơn hàng của bạn thường sẽ được giao từ 3 – 5 ngày sau khi đặt hàng thành công
+ Hiện tượng nâng giá cao rồi treo biển giảm 50% thực tế là ngang bằng hoặc rẻ hơn đôi chút so với các sản phẩm cùng loại.
+  Gặp phải trường hợp đóng gói sản phẩm giao cho bạn nhầm màu sắc, kích cỡ,…
+  Các sản phẩm thời trang thì thường xuyên thấy mạng xã hội đăng những hình ảnh dỡ khóc dỡ cười với các sản phẩm khác 1 trời 1 vực với trên ảnh rồi. Mỹ phẩm thì khỏi nói với số lượng hàng giả hàng nhái chiếm lĩnh 90% thị phần
+ Giao diện mình cũng không thích lắm
+ Phí giao hàng cao
- Cảm nhận về Tiki:
+ Mua được các sản phẩm với chất lượng và giá thành tốt
+ Giao hàng miễn phí
+ Mình thích Tiki vì đối với mình đó là sàn Thương mại điện tử uy tín nhất. Hiện tại ở Tiki mình thích mua sách. Các mặt hàng khác thì mặt bằng chung mình ít mua hơn.
+ Các đơn hàng đều tập trung về kho mới đóng gói, nhưng cũng vì sản phẩm trong kho có thể đã bị hết hàng nên phải chờ những kho khác tiếp tế hàng hóa vì thế nên có thể giao lâu hơn
+ Giao hàng ở các Thành phố thường khá nhanh ( có lần mình đặt hàng từ chiều hôm nay, xong sáng mai họ gọi nhận hàng, mình bất ngờ luôn),nhưng ở tỉnh thì hơi lâu ( tại mình mua ở tỉnh năm 2019 thấy khá lâu)
+ Tikinow ở Thành phố Hồ Chí Minh giao hàng khá nhanh
+ Sản phẩm được kiểm duyệt kỹ càng, đảm bảo chất lượng khi tới tay khách hàng
+ Hàng hóa so với Lazada và Shopee thì chưa đa dạng bằng
VÌ SAO PHẢI SÁP NHẬP ?
Lâu nay, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn được ví von là "cuộc đua đốt tiền" của các "ông lớn" bởi biên lợi nhuận vô cùng thấp. Nhiều doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ lớn, thậm chí một số đã phải rút lui, đơn cử như trang thương mại điện tử Adayroi hay gần hơn là trang thương mại điện tử dành cho thời trang cao cấp LeFlair.
Theo Tập đoàn iPrice Group (Malaysia), Top 4 sàn hàng đầu là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo, dù đều có sự tăng trưởng bền vững qua các năm về lượng người sử dụng, nhưng lợi nhuận lại đi xuống. Tổng hợp báo cáo kinh doanh của các sàn này cho thấy, trong năm 2018, tổng mức lỗ của 4 sàn đã lên đến 5.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2017.

Tổng quan về công ty mẹ của Lazada ( Alibaba) và Shopee ( SEA)

Alibaba được Jack Ma sáng lập trong căn hộ của ông hồi năm 1999 đã vươn lên dữ dội, trở thành đế chế thương mại điện tử có giá trị vốn hóa vào khoảng 460 tỷ USD. Tập đoàn này đang thống trị thị trường tỷ dân, thay đổi thành công cách người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm và thanh toán.

SEA là công ty khởi nghiệp với doanh số đạt trên 1 tỷ USD/năm của Singapore, trước đây là Garena.

Thể hiện vị thế ban đầu trong lĩnh vực lập trình game vi tính, SEA đã đa dạng hóa hoạt động của mình sang cả thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Hiện nay, Sea có 3 nhãn hiệu, Garena, Shopee và AirPay, với sự hiện diện tại 7 quốc gia khắp Đông Nam Á là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Singapore.



Cả Lazada và Shopee hiện tại thuộc sở hữu bởi những công ty nước ngoài nên họ chỉ cần lo vận hành và phát triển thị trường còn tiền để hoạt động và khuyến mại thì không phải lo nghĩ ( hệt như những cậu ấm cô chiêu, cứ hết tiền là lại được phụ huynh rót ). Điều này khác hẳn với Tiki và Sendo ( hệt như những thanh niên tự lực cánh sinh,liên tục phải chứng minh để gọi vốn ngoài xã hội để sống )
Shopee được SEA rót gần 2.500 tỷ đồng trong năm 2019
Báo cáo thương mại điện tử của VNDirect nhấn mạnh rằng để giành được 1% thị phần từ các đối thủ khác, một công ty phải chi khoảng 142 tỷ đồng.
Do không có 'ông lớn' nào chống lưng thực sự nên 2 website này đều phải xoay sở để kiếm tiền hoạt động. Mới tháng 11/2019, Sendo đã công bố huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau việc này, các nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức sở hữu 61,1% vốn điều lệ của Sendo. Với Tiki, cổ đông chính vẫn là VNG và JD.com nhưng trong năm 2019 họ vẫn có 2 lần tăng vốn trong tháng 6 và tháng 12.
Dễ thấy sự chênh lệch tiềm lực này khi nhìn vào mức lỗ lũy kế hiện nay của các doanh nghiệp. Gia nhập muộn hơn Tiki những 6 năm nhưng đến thời điểm 2018, nghĩa là chỉ sau 2 năm vào Việt Nam, Shopee đã lỗ gấp đôi Tiki. Và các đối thủ ngoại đều không có ý định dừng đốt tiền trong cuộc chiến này.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 3.000 tỷ USD khiến việc gọi vốn cho các doanh nghiệp công nghệ càng khó hơn.
Đang có 1 sự chuyển dịch trên thị trường vốn thế giới, các nhà đầu tư giờ muốn rót vốn vào những công ty có lợi nhuận hơn, điều đó khiến startup chưa sinh lời trong ngắn hạn gặp khó khi gọi vốn".
Theo thông tin trên Reuters, sau cú sốc mang tên WeWork, làn sóng bùng nổ của các kỳ lân công nghệ tại Châu Á đã giảm dần trong năm 2019 cả về số lượng lẫn tốc độ gọi vốn. Còn số liệu từ PitchBook Data (công ty cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và công nghệ bao gồm các thị trường vốn tư nhân, bao gồm đầu tư mạo hiểm...) thì chỉ có 23 công ty khởi nghiệp đạt giá trị tỷ USD trong năm 2019, con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2018. Tốc độ gọi vốn cũng giảm 36% về số vụ và quy mô giảm 2/3.
Khi khẩu vị và độ chịu chi của nhà đầu tư thay đổi, phương án sáp nhập cũng có thể là "kịch bản" tốt cho cả Tiki và Sendo, vừa tăng sức hấp dẫn khi gọi vốn các vòng tiếp theo, vừa tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả.
Nhìn trên bình diện rộng hơn, mua bán sáp nhập cũng là xu hướng của ngành TMĐT toàn cầu. Để có vị thế thống lĩnh thị trường TMĐT thế giới như hiện nay, Amazon đã mua lại, sáp nhập hơn 100 công ty khác nhau. Trong đó có những thương vụ nổi bật như Amazon mua lại công ty bán giày và quần áo Zappos với giá 1 tỷ USD hay trang bán sản phẩm trẻ em Quidsi với mức 500 triệu USD.Theo giới đầu tư, thị trường Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này.
Thị trường Thương mại điện tử Việt nam đang bước vào sự cạnh tranh gay gắt.Hiện, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị áp đảo bởi Shopee với 1 triệu đơn hàng giao mỗi ngày trong năm 2019 và Lazada là 700.000 đơn; Sendo.vn, Tiki.vn dao động ở mức 500.000 - 600.000 đơn/ngày.
Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.Thi trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 23 tỉ USD vào năm 2025.Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cú "bắt tay" này thành hiện thực sẽ tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ, đủ sức đấu với 2 đối thủ còn lại.
Thương mại điện tử: Ai sống sót qua 2020
Đồng thời, cả Tiki và Sendo đều bớt đi được một đối thủ mạnh, giảm được lượng lớn chi phí vận hành, liên thông về công nghệ, mở rộng khách hàng...
NẾU SÁP NHẬP, LIỆU HAI DOANH NGHIỆP CÓ THỂ BỔ SUNG ĐIỂM MẠNH GÌ CHO NHAU ?
Theo số liệu từ Công ty đo lường SimilarWeb vào năm 2019, sàn TMĐT Tiki có thế mạnh về thu hút lưu lượng truy cập, kết nối của người dùng từ mạng xã hội; còn Sendo lại có ưu thế về tối ưu hóa kết quả tìm kiếm (SEO), thu hút lượng truy cập tự nhiên (organic search). Do đó, nếu hai đơn vị này hợp sức với nhau sẽ hỗ trợ nhau để tăng nhanh lượng truy cập trang web cũng như kết nối ứng dụng mua sắm di động.

Như hiện nay, sàn TMĐT Tiki chiếm ưu thế với nhóm khách hàng sinh sống ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TPHCM. Còn sàn TMĐT Sendo với số lượng gian hàng, nhà bán hàng… đa dạng sản phẩm, lại phù hợp với người tiêu dùng ở khu vực ngoại thành và nông thôn.

Cụ thể, Sendo có chiến lược “Lấy nông thôn vây thành thị” có thế mạnh và chiếm thị phần lớn ở các tỉnh thành địa phương, còn Tiki “từ thành thị chiếm nông thôn”, tập trung chất lượng dịch vụ tại các thành phố lớn

Tiki cũng có thế mạnh về giao hàng tức thời (Tiki Now), luôn bổ sung mặt hàng mới (như ngành hàng thực phẩm tươi sống); còn Sendo cũng bắt tay với các công ty giao nhận để rút ngắn thời gian giao hàng, đáp ứng nhu cầu nhận hàng sớm của khách hàng.

CÓ THẬT SỰ CÓ LỢI NHƯ MỌI NGƯỜI VẪN NGHĨ ?
Hiện tại Tiki và Sendo sẽ không hợp nhất mà chỉ sáp nhập theo chiều ngang (Horizontal M&A) [1] nhằm tối ưu sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng cũng như theo chiều dọc (Vertical M&A) [2] nhằm tận dụng ưu thế của hai bên, kể cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chuỗi cung ứng và công nghệ nhằm tối ưu hóa dòng vốn và chi phí vận hành, nên thị trường thương mại điện tử sẽ không có sự biến đổi to lớn. Thị phần giữa của các ông lớn về cơ bản cũng không biến động nhiều vì Shopee được chống lưng bởi SEA và Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba vô cùng lớn mạnh. Tuy nhiên, nếu cuộc M&A xảy ra như tôi nghĩ, thì có thể nói cuộc đua trên thị trường sẽ chỉ còn Big 3.
[1]Sáp nhập theo chiều ngang là hình thức sáp nhập diễn ra giữa các công ty trong cùng một ngành kinh doanh (hay có thể nói là giữa các đối thủ cạnh tranh).
Cạnh tranh sẽ có xu hướng cao hơn giữa các công ty hoạt động trong cùng một không gian, có nghĩa là sự hợp lực và tiềm năng tăng thị phần sẽ lớn hơn nhiều đối với các công ty sáp nhập. 
[2]M&A theo chiều dọc (Vertical) được thực hiện với mục đích kết hợp hai công ty có cùng chuỗi giá trị sản xuất cùng một dịch vụ và dịch vụ tốt, nhưng khác biệt duy nhất là giai đoạn sản xuất mà họ đang hoạt động.
Loại sáp nhập này thường được thực hiện để đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu và tránh sự gián đoạn trong nguồn cung cấp. Nó cũng được thực hiện để hạn chế cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh, do đó giúp nâng cao doanh thu và lợi nhuận, giảm chi phí trung gian
Nếu Sendo sáp nhập Tiki, thị trường sẽ là cuộc đua tam mã giữa 3 Shopee, Lazada và Tiki-Sendo
Theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành, Tiki và Sendo - hai sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam - sẽ không thể hợp nhất (để trở thành một sàn duy nhất) vì mô hình kinh doanh, cách thức vận hành hệ thống… của hai bên khác nhau. Do đó, nếu có về chung nhà thì họ chỉ bổ trợ cho nhau những điểm mạnh, tận dụng lượng khách hàng của nhau.
Việc sáp nhập này nếu có xảy ra cũng là một bước đi hợp lý và sẽ giúp cả hai; đặc biệt là Tiki có thêm tiềm lực để phát triển
Nếu M&A xảy ra, 4 ông lớn giờ chỉ còn là cuộc cạnh tranh của 3, vì thế khắc nghiệt hơn. Cuộc đua càng khắc nghiệt thì người tiêu dùng lại chờ đợi xem mình sẽ được hưởng lợi gì, nhưng cũng có vài băn khoăn vì họ có những trải nghiệm xung đột khác nhau trong quá khứ.
Nói cách khác, nếu như hiện nay, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng có xu hướng so sánh giá cả cũng như dịch vụ của tất cả các nhà cung cấp tại các sàn thương mại điện tử cụ thể là tại Shopee, Lazada, Sendo, Tiki...cơ hội sẽ chia đều cho tất cả (2 đối đầu 2).
Thế nhưng, sau khi sáp nhập, một mình công ty mới sẽ phải chịu sức áp cạnh tranh với 2 "ông lớn" còn lại. Do đó, kỳ vọng việc giảm chi phí, tăng doanh thu khi về cùng một nhà của Tiki và Sendo rất có thể sẽ mang lại tác dụng ngược lại.
Nếu hai doanh nghiệp Sendo và Tiki sáp nhập, có thể là hy vọng cho nền thương mại điện tử trong nước. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập sẽ tương đối rắc rối và mất nhiều thời gian vì hai mô hình hoàn toàn khác biệt. Tiki, hoạt động theo mô hình Marketplace, tức mở sàn cho các cửa hàng và chính Tiki đứng ra kinh doanh, công ty cũng đang tự quản lý hệ thống kho bãi, giao nhận. Trong khi đó, Sendo là nền tảng kết nối người bán, người mua, đơn vị giao nhận, thanh toán.
Về tên gọi sau sáp nhập,cho rằng cả hai sàn này sẽ vẫn giữ nguyên tên cũ, trong khi hợp nhấp lại bộ phận điều hành.
Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ (start-up có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam sau VNG. Việc sáp nhập nếu được thực hiện có thể ngay lập tức hình thành nên một kỳ lân mới.
TÓM LẠI LÀ, việc Tiki và Sendo sáp nhập là tín hiệu tốt đẹp cho thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, bổ sung điểm mạnh cho nhau, có đủ tiềm lực cho cuộc đua đường dài, dễ gọi vốn hơn. Nhưng quá trình sáp nhập sẽ tương đối rắc rối và mất thời gian và cũng đừng kì vọng quá vào sự thay đổi lớn sau khi sáp nhập.Và có thể kỳ vọng đây là kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam
Còn về phần mình, thì mình sợ Tiki sẽ không còn được như ngày nào, vì mình rất thích Tiki hơn bất kì trang thương mại điện tử nào khác. Tiki mình thấy có gì đó rất riêng, hiện đại. Từ Logo thương hiệu,giao diện, chất lượng sản phẩm, là người đồng hành của các MV. Nếu Tiki mất chất thì chắc mình sẽ không biết sẽ nên mua online nữa không. Nên mình rất kỳ vọng vào thương vụ sáp nhập này và đón chờ nó. Mong Sendo và Tiki sẽ bổ trợ cho nhau thôi, chứ đừng đổi tên
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
THANK YOU FOR READING !!!