Tĩnh lặng - thanh âm của chữa lành
Nghiện suy nghĩ. Đau khổ. Và sự chữa lành của Thiền.
Tháng trước, một người bạn của mình mới bị bồ đá, và bạn ấy nhắn mình để tâm sự.
Trước đó, cũng có một chị kia, cũng mới bị người yêu chia tay, liên hệ mình.
Mình đề nghị call, vì như thế dễ trò chuyện hơn.
Cả hai người đều chia sẻ chuyện của họ một cách khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu. Khi nói thì câu từ hỗn loạn, đôi lúc nấc cụt. Những lúc vậy thì mình chỉ lắng nghe, và để sự im lặng đó tạo điều kiện cho họ được bình tâm mà trải lòng.
Tất nhiên "bồ đá" và "người yêu chia tay" thì cũng như nhau cả thôi - nếu mà bạn nào có thắc mắc, và mình sẽ không đi chi tiết vào chuyện của họ.
Bài này sẽ viết về những lúc khó khăn, khi cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực lan ra khắp cơ thể và tâm trí ta, ta cảm thấy có phần bị bóp nghẹt, bối rối, cạn năng lượng.
Chúng ta có thể làm gì trong những lúc như thế?
…
Tôi cần sự cô tịch, nói cách khác, sự chữa lành, sự được trở về với chính mình, về với bầu không khí của tự do, trong lành, và hoan hỉ. Có một số người đã quá quen thuộc với sự cô tịch đến nỗi họ chẳng bao giờ so sánh họ với ai, và cứ thế họ thu mình trong cuộc độc thoại của một đời sống bình dị, tươi tắn, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với bản thân, thi thoảng còn bật vang tiếng cười. - Nietzsche -
Đa phần đau khổ ta nằm trong tâm trí.
Để bớt đau khổ, thì có 2 cách chủ yếu là: Bớt nghĩ, hoặc có nghĩ thì nghĩ mạch lạc hơn.
Nghĩ mạch lạc đòi hỏi đối diện, suy tư, hóa giải vấn đề, và rất khó, vì lề thói tư duy ta đã bị hình thành từ nhỏ. Còn bớt nghĩ thì dễ hơn, và ta nên làm việc dễ trước.
1. Nghiện suy nghĩ: nghĩ mãi không dứt
Không biết bạn từng nghe điều này chưa, nhưng suy nghĩ cũng là một thứ gây nghiện.
Tiêu chuẩn để xác định một thứ có là “nghiện” hay không, là xem thử ta có lệ thuộc tâm lý vô chúng không: Thiếu chúng, ta có cảm thấy bứt rứt khó chịu không.
Bạn cứ thử ngồi im cố gắng không suy nghĩ 5 phút, 10 phút, là bạn sẽ thấy bạn bồn chồn khó chịu thế nào. Những chùm suy nghĩ cứ bất chợt hiện lên, lơ lửng, cuốn bạn theo, biến mất, rồi lại xuất hiện, không dứt được.
Đấy là bạn biết bạn nghiện suy nghĩ rồi đó. Và phần lớn chúng ta đều nghiện suy nghĩ ở các mức độ khác nhau.
Bạn có thể bảo, những suy nghĩ “tôi vô dụng” thì chẳng sung sướng gì cả để mà bảo là nghiện? Nhưng, có phải khi đối diện một thách thức nào đấy trong cuộc sống, thì bằng những suy nghĩ tiêu cực, bạn cũng được giải tỏa phần nào không?
Tức, trong suy nghĩ tiêu cực, nó cũng có sự thỏa mãn tâm lý bù đắp vô.
Bạn nghĩ “mình là đứa vô dụng, cho nên thôi không làm gì thì tốt hơn, sẽ chẳng ai đánh giá mình”, và bạn thở phào nhẹ nhõm, xóa cái bài mà bạn đang viết dở dang, hay bạn để “only me” và không bao giờ đụng tới nữa. Và bởi bạn nghĩ mình vô dụng, nên bạn đi nằm ườn, lướt mạng xã hội, chơi game,... đó là những hành vi bạn cho rằng xứng đáng với một đứa vô dụng như bạn.
“Chẳng ai thích mình đâu!”, và bạn từ bỏ bắt chuyện với một người, đồng thời cảm thấy giải tỏa vì bạn vừa tránh được nguy cơ bị từ chối.
Thực chất những lo âu, hay suy nghĩ tiêu cực cũng là điều bình thường, chúng giúp ta cẩn trọng và đưa ra những quyết định hợp lý hơn trong cuộc sống. Nhưng suy nghĩ tiêu cực sẽ trở nên bất thường khi ta để cho chúng chỉ huy phần lớn đời sống của ta, khiến ta bị bào mòn cả về tinh thần lẫn sức khỏe.
Nghiện gì thì đều thường không tốt, bao gồm cả nghiện suy nghĩ.
Vậy nên ta cần xem xét cách suy nghĩ xảy ra, nguồn gốc của nó, để xem liệu ta có thể bớt phụ thuộc vào nó được không.
2. Cách thức bộ não vận hành
Hầu như mọi vấn đề trong cuộc sống, đều do tâm trí ta chỉ huy, thế nên mới có cái quy tắc tâm lý như sau:
Gieo suy nghĩ, gặt hành vi;
Gieo hành vi, gặt thói quen;
Gieo thói quen, gặt tính cách;
Gieo tính cách, gặt số phận.
- Đàm Vĩnh Hưng (hình như vậy)
Suy nghĩ, chính là cái ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng sống của ta. Do vậy, rất cần suy tư thật kỹ về cách bộ não ta vận hành.
Đầu tiên, ở đây bạn sẽ cần ghi nhớ cách thức bộ não vận hành, ở mức cơ bản thôi:
Giác quan > Kinh nghiệm > Phản ứng > Ý nghĩ > Ý tưởng > Hành động
(Sense > Memory > Response > Thought > Idea > Action)
Cần lưu ý là quá trình trên không tịnh tiến từ A tới B rồi tới C, mà nó sẽ phi tuyến tính, diễn biến rất nhanh trong tích tắc.
Khi xét các yếu tố trong Cách thức bộ não vận hành, thì Giác quan (những kích thích) chính là thứ cần được ưu tiên để tâm tới, bởi vì ta chủ động được với Kích thích nhiều hơn là với các Phản ứng.
Ví dụ, để tập trung học bài, bạn hoàn toàn có thể chủ động tắt nguồn luôn điện thoại - ở đây là kích thích. Trong khi nếu điện thoại báo tin nhắn, bạn sẽ phản ứng, vớ ngay một cách tự động không kiểm soát được.
Và bởi suy nghĩ cũng là một sự phản ứng, nên bạn cũng khó kiểm soát suy nghĩ được.
Đau khổ, suy nghĩ tiêu cực, là những sự phản ứng liên tục không thể kiểm soát.
3. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Khi ngón chân bạn va vào cục đá, bạn kêu "á", bạn đau điếng!
Nhưng bạn không lấy cái chân đang đau của bạn đá tiếp vô cục đá nữa, vì như thế thì thật là dở hơi người dơi. Bạn nhận ra một cách tự nhiên rằng không nên đá cái chân vào cục đá nữa. Cái này thì hiển nhiên rồi!
Nhưng tâm trí thì khác.
Một sự kiện khiến bạn đau lòng, ví dụ như bồ đá, hay ai đó mỉa mai xéo sắc bạn, hoặc tự dưng bạn nhận ra cuộc đời bạn thật bế tắc. Thì tất cả những sự kiện đau lòng đó, nó lại kích thích những liên tưởng, suy tư mà thường là mang tính tiêu cực, sai lầm. Rồi những tưởng tượng tiêu cực khiến bạn lại cảm thấy đau lòng, kích thích thêm liên tưởng tiêu cực mới.
Cứ thế bạn mắc kẹt trong vòng lặp của "suy nghĩ tiêu cực --> cảm giác tiêu cực --> (suy nghĩ tiêu cực ---> cảm giác tiêu cực) ...". Và cuối cùng là bạn mệt mỏi, cạn năng lượng.
Vậy là tâm trí có khả năng tự nó làm đau chính nó, mà nó không nhận thức được. Cứ như Ma đưa lối, quỷ dẫn đường vậy!
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường là một thành ngữ mô tả trạng thái ta bị cuốn theo cảm xúc, hành động, mà ta không ý thức được.
Có một số chuyện bạn biết thừa nếu làm thì sau đấy bạn sẽ hối hận, nhưng cuối cùng bạn vẫn thấy bạn thực hiện hành vi đó, ví dụ như: chơi game, luyện phim, quay tay, ăn giải sầu,... Bạn sẽ thất vọng, nghĩ "chẳng hiểu sao mình lại làm thế!".
Để thức tỉnh khỏi trạng tháng u mê của Ma đưa lối quỷ dẫn đường, thì rất khó.
Bạn có thể đọc nhiều sách, blog về đề tài những cách để bớt đau khổ, bớt suy nghĩ tiêu cực này rồi. Nhưng cái hay của những bài viết như bài này, là nó có gì đó mới lạ, cập nhật, và gần gũi. Vậy nên mình xin kể câu chuyện về con mèo của mình.
4. Trauma mèo
Đây là Gâu (dịch từ Vàng, Gold).
Gâu là mèo hoang, vô nhà mình từ hồi nó đã lớn.
Đây là lần đầu tiên, mình nuôi một con mèo hoang đã lớn.
Quá trình thu phục nó thì cứ mỗi ngày dụ nó bằng đồ ăn, mình ngồi tránh xa ra, rồi cứ thế thu hẹp khoảng cách lại. Có khi phải đợi nó cả nửa tiếng, nó mới chịu tới ăn khi có mình gần đó. Và sau cỡ 1 tuần, thì mình đã sờ được nó. Lúc đấy thì cảm giác rất sướng!
Nhờ Gâu, mình mới nghĩ ra khái niệm Trauma (ẩn ức, sang chấn) mèo, bởi Gâu có một thói quen lạ kỳ: đó là dù đã quen thân, thậm chí hay nằm cạnh mình, nhưng nó vẫn có lúc cắn mình, phập chảy máu luôn.
Sau nhiều lần như vậy, mình để ý rằng, khi nó tới dụi chân mình, rồi nằm cạnh bên mình, thì dù có vẻ thân thiết vậy, nhưng nếu mình sờ nó mà nó không thấy tay mình, tức sờ từ đằng sau, thì nó sẽ giật mình la "méo!" rồi quay lại cắn.
Hồi đầu, thì vì giật mình, nên mình phản ứng, rụt tay lại, nạt nó, vỗ nó một cái, kiểu dạy bảo ấy. Nhưng sau này để ý hơn thì mình mới hiểu nó.
Quá khứ mèo hoang của nó thì có gì? Đó là những đêm dài đang ngủ, bất chợt bị chuột cắn, người đánh hay bị ném đá, hoặc rất nhiều thứ khác chực chờ tấn công nó. Cho nên những sự kiện, những phản ứng sinh tồn đó đã ghi lại trong tiềm thức nó.
Đến giờ, dù đã ở với mình hơn 1 năm, nó vẫn quay lại cắn như thuở ban đầu.
Và nhờ những sự nhận ra của mình, thì thay vì phản ứng, mình đã để tay yên, không giật mình nữa.
Và kỳ diệu thay, nó kêu "méo", quay lại dữ dằn, nhưng lại cắn nhẹ hều.
Lúc quay lại cắn, nó vẫn đang ở chế độ chuỗi phản ứng không kiểm soát được, nhưng khi mắt nó nhìn thấy tay mình, nó nhận ra, nó kìm lực cắn lại, nên cắn rất nhẹ, như cắn yêu vậy.
Từ đó trở đi, mình không sợ nó cắn nữa, và cũng không chảy máu vì nó nữa.
5. Chỉ khi ta dành thời gian cho một thứ, để ý nó thật nhiều, thì ta mới hiểu nó và thương nó
Nhờ dành nhiều thời gian bên Gâu, và để ý nó, nên mình mới hiểu nó.
Nhưng tất cả những người khác, đều bị chảy máu vì nó. Và, họ bảo con mèo dữ dằn.
Họ không biết rằng, nó rất ư... dễ thương, hay làm nũng, dụi, và nằm cạnh mình khi mình ngủ.
Và, vậy với tất cả những người khác, mà chúng ta thường phản ứng họ, khiến họ đau đớn bằng hành động, ngôn từ ta, thì liệu ta có hiểu rằng ta vốn từ lâu đã không hiểu họ?
Và, hơn thế nữa, ta cũng không dành thời gian cho ta, không để ý những tâm tư, tình cảm của ta, thì ta có hiểu ta? Hay ta sẽ phán xét ta tệ, ta dữ dằn, ta vô vọng?
Một thứ chỉ trở nên quan trọng với ta, khi ta dành nhiều thời gian cho nó. - Hoàng tử Bé
6. Cho kích thích cũ những phản ứng mới
Những lúc "ma đưa lối, quỷ dẫn đường", những điều ta biết là sai, nhưng ta vẫn làm. Có thể đó là vì tiềm thức, những sự kiện xảy ra suốt chiều dài quá khứ của ta đã cuốn ta vào một chuỗi những phản ứng không kiểm soát được.
Nhưng nếu ta có thể thực hành kỹ năng Nhận biết (Mindful, tỉnh thức), thì ta sẽ như con mèo Gâu vậy: ta dừng lại.
Khi nhận biết, ta đã có một phản ứng khác cho những kích thích cũ, và những kích thích cũ từ đó cũng không còn uy lực vốn có của chúng. Ví dụ như khi bị dè bỉu, thay vì phản ứng như ta thường làm, thì nhờ nhận ra, ta không còn phản ứng nữa, như con Gâu nhận ra chủ rồi cắn nhẹ hều vậy. Và nếu luyện tập kỹ năng Nhận biết nhiều hơn, thì sau một quãng thời gian nhất định, ta sẽ thấy mấy lời dè bỉu không còn tác động với ta như trước nữa.
Vậy, ta rèn kỹ năng Nhận biết thế nào?
7. Tĩnh lặng - thanh âm của chữa lành
7.1. Thiền để bình tâm
Sau đây là một câu chuyện đẹp. Trích trong sách Tự truyện Osho:
"Một hôm Đức Phật đang băng qua một khu rừng. Đó là một ngày mùa hè nóng nực, và Ngài đang cảm thấy rất khát nước. Ngài nói với Ananda, thị giả của ngài, “Ananda, con hãy quay lại phía sau. Chỉ ba hay bốn dặm, chúng ta đã băng qua một suối nước. Con hãy đi lấy một ít nước - cầm lấy bình bát của ta. Ta đang cảm thấy rất khát.” Ngài đã già đi.
Ananda quay trở lại, nhưng vào lúc ông đến dòng suối, một vài cái xe bò đã băng qua nó, làm cho toàn bộ dòng suối đục ngầu. Những cái lá chết rơi xuống lòng suối, đã nổi lên; nước không còn uống được nữa – nó quá dơ bẩn. Ông trở lại, tay không, và nói, “ Thế tôn sẽ phải đợi một chút. Con sẽ đi về phía trước. Con đã nghe nói rằng, chỉ hai, ba dặm đằng trước, có một con sông lớn. Con sẽ lấy nước từ đó.”
Nhưng Đức Phật cương quyết. Ngài nói, “ Hãy quay trở lại và lấy nước từ dòng suối đó.”Ananda không thể hiểu cái sự cương quyết này, nhưng thầy đã nói vậy, thì đệ tử phải vâng lời. Thấy sự vô lý của nó – rằng một lần nữa ông sẽ phải đi bộ ba, bốn dặm, và ông biết rằng nước đó không thể uống được – nhưng ông vẫn phải đi. Trong khi ông sắp đi, Đức Phật nói, “Và đừng trở lại nếu nước vẫn dơ. Nếu nó dơ, con chỉ đơn giản ngồi im lặng chờ trên bờ. Đừng làm gì cả, đừng bước vào dòng suối. Hãy ngồi im lặng trên bờ và quan sát. Không sớm thì muộn, nước sẽ trong trở lại. Con chỉ việc đổ nước đầy bình bát rồi trở về.”
Ananda đi đến đó. Đức Phật nói đúng: nước gần như trong, những chiếc lá đã trôi đi, bụi đã lắng xuống. Nhưng nó chưa hoàn toàn trong, cho nên ông ngồi trên bờ, chỉ quan sát dòng suối chảy qua. Chầm chậm, chầm chậm, nó trở nên trong vắt. Rồi ông trở lại, nhảy múa. Rồi ông hiểu tại sao Đức Phật lại quá cương quyết như vậy. Có một thông điệp nào đó trong nó cho ông, và ông hiểu cái thông điệp đó. Ông trao nước cho Đức Phật, và cám ơn Đức Phật, sờ vào hai chân Ngài.
Đức Phật nói, “Con đang làm gì vậy? Ta nên cám ơn con đã mang nước về cho ta thì đúng hơn.”
Ananda nói, “Bây giờ con có thể hiểu. Ban đầu, con tức giận; con không biểu lộ ra, nhưng con tức giận bởi vì quay lại là vô lý. Nhưng bây giờ con hiểu cái thông điệp đó. Đây là cái mà con đang cần vào khoảnh khắc này. Với tâm trí con, cũng tương tự – ngồi trên bờ dòng suối nhỏ đó, con trở nên nhận biết rằng, với tâm trí con, cũng như vậy. Nếu con nhảy vào dòng suối, con sẽ làm cho nó dơ bẩn trở lại. Nếu con nhảy vào tâm trí, thêm nhiều tiếng ồn sẽ được tạo ra, thêm nhiều vấn đề bắt đầu nổi lên bề mặt. Ngồi trên bờ, con đã học được cái kỹ thuật đó.
“Bây giờ con cũng sẽ ngồi bên bờ của tâm trí con, quan sát nó với tất cả sự dơ bẩn của nó, những vấn đề và những chiếc lá, những vết thương cũ của mình, những kỷ niệm, những dục vọng của mình. Một cách vô tư (unconcerned), con sẽ ngồi trên bờ và đợi chờ cái khoảnh khắc khi mọi sự trở nên trong trẻo.”
Và nó tự mình xảy ra, bởi vì cái khoảnh khắc bạn ngồi trên bờ của tâm trí bạn, bạn không còn cung cấp năng lượng cho nó. Đây là thiền định thực thụ. Thiền định là nghệ thuật của sự siêu việt."
(sách Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra , Nhà xuất bản Trẻ)
Bình tâm, chính là trạng thái mặc định (default mode) của tâm trí.
Này giống với việc bạn dùng vi tính vậy. Bạn bật máy vi tính mới mua lên, nó sẽ chạy rất mượt, vì nó đang ở chế độ mặc định, vốn đã được cấu hình tối ưu và hiệu quả nhất. Nhưng khi bạn bắt đầu cài, mở nhiều trình duyệt, phần mềm, tác vụ, thì máy sẽ chạy chậm hơn.
Tâm trí cần gạt bỏ hết những suy nghĩ, cảm xúc, kích thích tiêu cực, thì nó mới trở về với sự tĩnh lặng, bình tâm, và làm mới chính mình được.
7.2. Thiền để nhận biết
Thiền có nhiều thể loại khác nhau, bạn có thể tham khảo Google thêm và thử các cách xem cái nào là phù hợp với bạn.
Với cá nhân mình, thì ngoài tác dụng giúp cho bình tâm, thì thiền còn có tác dụng thứ hai là giúp ta nhận biết rõ hơn những lề thói tư duy của ta.
Nếu bạn đang sinh hoạt, làm gì đó khác, thì các giác quan bạn vẫn thu nạp tất cả thông tin mà nó tiếp xúc, rồi gây ra những phản ứng liên tục, điều này khiến khả năng Nhận biết trở nên khó khăn.
Nhưng khi thiền, là ta đã sắp xếp, gác lại các kích thích giác quan, cái còn lại chỉ là tâm trí ta với tâm trí ta: việc nhận biết những luồng suy nghĩ ta trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Đối với bất cứ kỹ năng nào, thì cần phải đi từ dễ đến khó, theo đúng khoa học về hình thành thói quen, cho nên để có thói quen Nhận biết thì bạn cần phân biệt được, và tập dần theo các cấp sau:
a. Dễ: Thiền, quan sát hơi thở, nhận biết suy nghĩ.
b. Trung bình: Ăn chậm, nhai kỹ, nhận biết từng vị ngọt, mặn, dẻo, giòn,... của món ăn tan ra trong miệng bạn. Hay lắng nghe âm thanh của từng nhạc cụ trong một bản nhạc. Và những thứ nho nhỏ khác của một ngày.
Mọi khoảnh khắc của một ngày, bạn đều có thể tập nhận biết bạn, những người, những thứ xung quanh bạn, bằng cách để ý hơn.
c. Khó: Coi porn, giận dữ, chơi game, luyện phim, đau khổ, ăn thừa mứa,... rồi nhận biết và dừng lại trong những lúc này. Khó, bởi những lúc này là lúc thách thức nhất. Khi dần bạn học được cách biết dừng lại đúng lúc vào những lúc khó khăn này, bạn sẽ tránh được những tai họa, hay những hối hận sau đấy.
7.3. Thiền và vài lưu ý nhỏ
- Nếu không gian sống của bạn hơi ồn, thì bạn rất khó thực hành thiền. Bạn có thể lên mạng tìm mua nút bịt tai chống ồn, thì sẽ dễ đưa bản thân vào trạng thái thiền định hơn.
- Nhờ hành thiền mỗi ngày, thì mình thấy tinh thần thoải mái hơn, sự tập trung tốt hơn, ngủ cũng dễ vô giấc hơn, tầm 5 phút là ngủ ngon ơ (vì chỉ chú tâm vô hơi thở). Còn mấy chuyện suy nghĩ tiêu cực liên miên thì hầu như không còn nữa. Giờ mình vẫn giữ thói quen hành thiền mỗi ngày tầm 15-30 phút.
- Không chỉ thiền (meditate) có tác dụng giúp bình tâm, chữa lành, mà ngay cả những việc đưa bạn vào trạng thái dòng chảy (flow) cũng có tác dụng tương tự, như là đam mê viết lách, vẽ, chơi piano,... Ngay cả chơi game cũng có thể là thiền định, chơi game không có gì sai cả. Cái xảy ra sau đấy, cái cảm giác hối hận cùng những suy nghĩ "mình là đứa thất bại", rồi áp lực của học hành ập tới, mới chính là vấn đề.
Thiền chỉ có thể giúp bạn bình tâm, rồi nhận rõ vấn đề hơn. Nhưng chính việc đối mặt, suy tư, và hóa giải vấn đề, mới giúp bạn thực sự giải quyết vấn đề. Ví dụ như bạn không thể thiền để cải thiện mối quan hệ với bố mẹ được, mà cần nhiều hành động hơn thế.
Bạn có thể đọc bài này, để tập dần kỹ năng đối diện vấn đề:
- Thường người trẻ sẽ không có nhiều động lực để tập thiền, cho rằng thiền là phí thời gian, vì họ còn tràn đầy năng lượng: Nếu họ buồn, tiêu cực, họ sẽ tìm những sự giải trí bù đắp vô. Và thế là xong một ngày.
Nhưng nếu thực hành thiền từ sớm, thì bạn đang được trang bị một trong những kỹ năng thiết yếu, hiệu quả nhất giúp con đường đời của bạn trở nên vững tâm hơn.
Có thể bài này chưa đủ thuyết phục bạn đến với thiền, nhưng lần sau, khi bạn đau khổ, mệt mỏi tâm trí, thì hãy thử ngồi một lần 30 phút, chú tâm vào hơi thở (phải lâu vậy mới nhận ra) xem sao. Có thể là nhờ đó, bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của thiền.
LỜI KẾT
Đối với người bạn mới bị bồ đá và rất đau khổ ở phần mở bài, thì sau cuộc trò chuyện, mình đã khuyên bạn nên tập thiền, ngồi hẳn 30 phút, và chú tâm vô hơi thở.
Và chỉ sau một lần tập thiền, bạn đã nhận ra, thậm chí bảo rằng bạn có cảm giác như thoát khỏi thân xác vậy, tâm trí trở nên trong veo, mát rượi, rất sung sướng. Và bạn cảm ơn mình, như những người bạn khác mà mình đã từng khuyên hãy tập thiền.
Tới đây, mình xin chia sẻ một câu chuyện hay để kết thúc bài:
Một vị giáo sư tâm lý bước vào lớp với nửa ly nước trên tay. Các học viên chắc mẩm thầy sẽ hỏi câu cũ mèm rằng "Ly nước này còn đến một nửa hay chỉ còn một nửa?". Nhưng ngạc nhiên thay, thầy hỏi họ "Ly nước này nặng bao nhiêu?". Các bạn dự đoán cân nặng ly nước dao động trong khoảng từ 0.2kg đến 0.7kg. Nhưng thầy trả lời rằng trọng lượng thực tế của ly thủy tinh với nước không phải là điều quan trọng, mà bạn cầm chiếc ly trong bao lâu mới là điều quan trọng. Nếu bạn cầm chiếc ly trong một phút, bạn sẽ không cảm thấy nó nặng. Nhưng nếu bạn giữ nó trong 10 phút, bạn sẽ cảm thấy nặng hơn một chút và sẽ càng nặng nếu bạn giữ trong nhiều giờ. Nếu bạn giữ nó cả ngày, tay của bạn sẽ tê liệt và đau đớn. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn đeo mang gánh nặng trong tâm trí bạn. Nếu bạn nghĩ điều tiêu cực một lúc và thôi không nghĩ nữa, thì không có vấn đề gì nhưng nếu bạn nghĩ về nó hàng giờ, nó sẽ bắt đầu trở thành vấn đề và nó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu bạn đi ngủ cùng với nó.
...
Chúc mọi người có thêm sự tĩnh lặng, và bình an trong cuộc sống.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
p/s: Một số bài viết khác của mình về chủ đề Tâm lý, Triết lý
1.
2.
3.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất