Nếu chọn một trong những cuốn sách đã thay đổi cách sống và cách suy nghĩ của tôi thì tôi nghĩ tôi sẽ chọn ngay cuốn Những bài văn hay lớp 8 của tôi. Quyển văn mẫu cuối cùng và cũng là quyển văn mẫu đáng giá nhất đối với tôi.
Tôi có cuốn sách đó vào năm lớp 8. Vào thời điểm đó, việc một đứa học sinh bước vào năm học mới được phụ huynh mua cho một loạt những cuốn sách tham khảo và văn mẫu là điều hết sức bình thường. Tôi cũng được cha mẹ mua cho một cuốn văn mẫu có tựa là Những bài văn hay lớp 8. Nhưng cuốn sách đó lại làm tôi khá khó chịu khi xem nó lần đầu. Vì đơn giản nó chả giống những cuốn sách văn mẫu khác tí nào. Những cuốn văn mẫu khác sẽ có các bài văn mẫu cho các đề văn mà nhà trường ra, từ những bài mẫu đến mức chi tiết đến từng luận điểm, luận cứ. Nhưng cuốn văn mẫu của mình toàn những bài văn mà mình đã từng gọi là “tào lao” lúc đó. Nói sao về những thứ trong đó nhỉ? Khá tạp nham, đủ loại bài viết trong đó. Từ những câu chuyện con con đến những bài nghiêm cứu dài vài trang để đủ thứ trên đời như biểu tượng hoa sen, bàn tay, cá voi. Rồi một loạt những bài truyền thuyết về hoa này, hoa nọ. Những bài cảm nhận, những câu chuyện hồi tưởng về ngày xưa….
Tôi không ưa nó
Công nhận là lúc mua về tôi chả ưa thích gì cái cuốn sách đó. Đối với tôi nó quá vô dụng, chả giúp tôi có được sự hỗ trợ nào khi viết những bài văn cảm nhận ở trường cả. Toàn những bài viết dài quá mức hoặc ngắn quá mức. Những câu chuyện cổ tích chả liên quan gì đến những thứ đang đánh đố tôi ở trường. Nhưng nhà tôi không quá khá giả và tôi cũng không muốn vòi vĩnh cha mẹ mua cho tôi một cuốn sách khác. Nên trong năm học đó tôi cũng không sở hữu thêm quyển văn mẫu nào cả. Nhưng tôi vẫn khá chán ghét nó, bởi lẻ đi học thấy bọn bạn cùng lớp giấu dưới ngăn bàn trong giờ văn những cuốn sách với lời lẻ mà tôi thấy khá “ăn điểm”. Những cái dàn ý, dàn bài mà chỉ cần chép y nguyên vào vở là kiểu gì cũng trên 8 điểm. Trong khi đó tôi lại phải về nhà mò đi, mò lại trong cái cuốn sách chết tiệt kia xem có tí gì có ít không. Chán là chả có gì có ích trong đó cả. Lại chán rồi lại càng thấy nó vô dụng…
Tôi thích truyện tranh
Lúc bé chắc ai cũng từng thích truyện tranh. Tôi có một thằng bạn, nó hay cho tôi mượn truyện tranh lắm. Trong đó, có một cuốn trong rất thích đó là Ginga Sengoku Gunyuuden Rai (Rai võ tướng ngân hà) có nhân vật chính là Tatsuya Rai. Đương nhiên, dưới quê khá thiếu thốn nên tôi chỉ xem được mỗi có hai cuốn (giờ thì tôi đã tải full về máy cả bộ rồi) thôi. Nhưng lúc đó, cha mẹ sợ tôi học tập không chuyên tâm nên không cho tôi xem truyện tranh. Tôi nghĩ ra một cách khá phổ biến để lừa cha mẹ mà bọn nhóc hay nghĩ ra đó là kẹp cuốn truyện trong một cuốn sách to bản. Và tôi chọn cuốn sách vô dụng kia để che cho cuốn truyện của mình. Tệ là một hôm, gia đình tôi có khách đến chơi ngồi miết chổ cái võng tôi đang nằm. Sợ bị phát hiện nên tôi đành đọc thật. Tôi đọc một bài văn nói về một người hồi tưởng về cái thềm ba ở xóm Chẹt. Ở đó, có một lu nước ngọt ơi là ngọt. Của một bà cụ hiền ơi là hiền. Không hiểu sao, chỉ là một tác phẩm bình dị nhưng tôi lại thích nó đến thế. Dù tôi chả biết nó hay chổ nào nhưng tôi chỉ biết là tôi hay lấy sách ra chỉ để đọc nó. Chuyện đó tên là Hiên trước nhà trang số 54. Đến giờ tôi vẫn nhớ số trang. Sau này, tôi mới biết đây là một chuyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trong tập Nước Chảy Mây Trôi.
Rồi những câu chuyện con con khác
Nhớ câu chuyện đó mà tôi thử mày mò trong trong cái mớ “vô dụng” kia có cái nào đọc cũng hay hay như thế không. Rồi tôi gặp được hay câu chuyện mà nó khá hợp với những đề văn lúc đó “tả lại giáo viên mà em kính trọng”. Trong sách, có hai bài một về cô, một về thầy. Nhưng hai câu chuyện đó đều khác xa những thứ trong các cuốn văn mẫu khác.
Câu chuyện về người thầy thì bối cảnh kể về một làng quê nghèo miền trung. Người thầy đáng kính luôn lo lắng cho học trò, không quản gió mưa. Đấu tranh cho học sinh được đến trường, chở đứa học sinh về dù ngược đường. Có một đứa không ngoan nhưng nhà nghèo. Thầy lặng lẽ dúi vào tay nó những nắm ngô rang, nó mỉm cười với thầy. Đến lúc trưởng thành, người kể và đứa bạn đó phải cầm súng ra chiến trường để bảo vệ quê hương. Đứa trò quậy phá xưa đã khóc nhiều và mong thầy thứ lỗi. Buồn thay, nó hy sinh ở Quảng Trị… Cuối bài văn là cảnh người kể cùng người thầy năm xưa đứng trước một người bạn cũ trong nghĩa trang. Người thầy lấy một túi giấy đặt lên nắm mồ đứa học trò xưa. Người kể chuyện khẽ cười buồn khi nghe thấy mùi ngô rang thấp thoáng trong gió chiều.
Câu chuyện về người cô là chuyện của một thằng nhóc rớt kì thì chuyển cấp lên cấp hai và phải học bán công. Trong một môi trường đầy những thành phần học sinh khác nhau đó, bọn nó được cô dìu dắt. Nó quyết tâm học hành rồi được cử đi thi học sinh giỏi. Lên cấp ba nó được vào chính quy. Nó học đến mức đủ khả năng đi du học. Nhưng vì thời cuộc đổi thay, nó không được cấp phép sang trời tây. Nhưng rồi cuối cùng những định kiến qua đi. Nó được tự do bay đến khung trời xa xôi đó. Để khi trở về gặp cô, cô giáo già đáng kính vẫn còn đó. Vẫn luôn dìu dắt những thế hệ học trò kế cận.
Thật lòng, lúc đó tôi chả thể copy gì từ hai bài văn đó vì bối cảnh nó quá đổi xa xưa với cái thời của tôi và tôi cũng không muốn là điều đó. Lúc đó, tôi cảm thấy những bài văn kia không còn là những bài văn viết ra để kiếm con 6 con 7 mà là những ký ức, những hoài niệm của một đời người. Người viết đã gửi gấm vào đó những câu chuyện của họ vào. Và tôi không muốn lấy nó ra chỉ để kiếm cho mình con 6 con 7. Sau đó, tôi đọc ít truyện tranh dần. Tôi thử đọc chuỗi truyện “truyền thuyết về các loài hoa”. Một lô lốc những bài viết về truyền thuyết các loại hoa từ lưu ly, mẫu đơn… Có bài ngắn, có bài dài kinh khủng. Nhưng đọc cũng hay hay không quá tệ.
Để rồi mỗi khi rãnh tôi lại lôi ra, đọc đi đọc lại những câu chuyện mà tôi thích trong suốt năm học đó. Đương nhiên trong năm đó điểm văn tôi thấp lẹt đẹt. Đơn giản tôi chả có gì để chép vào mà tôi cũng ko hề có hứng thú với những cái đề được đưa ra.
Năm cuối cấp
Bước sang năm lớp 9, tôi đã làm cái việc khá kì cục là nói mẹ đừng mua cuốn văn mẫu nào nửa. Tôi chả muốn đọc thứ gọi là văn mẫu nửa. Tôi tiếp tục ôm lấy cuốn sách đó mà đọc trên võng mỗi khi rảnh rỗi. Nhưng khác là giờ tôi không chỉ đọc những bài liên quan đến văn mẫu hay các chuyện cổ tích. Tôi đọc thêm các thứ truyện ngắn khác trong đó có một sống làm tôi thấy khá đáng nhớ như truyện Một người so đũa của Thu Huyền, Hồng Lĩnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Mạ của một tác giả nào đó. Chuyện Một người so đũa cũng là cái chuyện mà tôi đọc đi, đọc lại khá nhiều thời cấp ba. Nhờ nó mà có thể khi nhắc đến Nguyễn Tuân tôi có thể nghĩ đến Vang Bóng Một Thời, Một Chuyến Đi thay vì Người Lái Đò Sông Đà như bao học sinh khác cùng trường tôi. Một Nguyễn Tuân lang bạt, xê dịch nhưng yêu gia đình vô cùng. Sự cồn cào, giằng xe khi cái đêm 30 thiêng liêng ông vẫn dạt dào trên biển trong hành trình từ Hương Cảng về Việt Nam. Một Nguyễn Tuân rất khác mà có thể nếu không đọc cuốn sách này tôi đã không được biết tới. Khá buồn cười là dù điểm văn thấp lẹt đẹt và tôi luôn cúp tiết ôn thi văn. Nhưng trong kì thi chuyển cấp môn văn của tôi lại cao nhất trong ba môn. Tôi được 14 điểm trên 20 điểm. Cao hơn cả toán. May thay là toán tôi đủ điểm để vào lớp tự nhiên ở cấp ba. Chứ nếu không tôi cũng không biết cách nào để vào được lớp đó khi không đủ điểm vì gia đình tôi không đủ kinh tế hay quan hệ để đi cửa sau cho tôi. Và hơn nửa tôi cũng không muốn làm điều nhục nhã đó.
Những năm tháng cấp ba
Bước vào những năm tháng đó, tôi vẫn giữ nguyên quyết định như năm lớp chín. Tôi không mua cuốn văn mẫu nào và cả toán, lý, hoá cũng thế. Tôi chả mua tất. Đơn giản vì nhà chả có mấy tiền để tôi mua những cuốn đó. Trong khoảng những năm này, tôi đọc cuốn văn mẫu kia nhiều hơn. Đọc luôn nhưng bài dài kinh dị của nó. Nhưng chúng chả chán tí nào. Những bài nói về tre và người Viêt, xuất xứ áo dài, biểu tượng cá voi, hoa sen hay đến kì lại. Cho tôi thấy cây tre là điều gì đó thật đẹp trong tâm hồn người Việt Nam. Áo dài là một sự pha trộn, nhào nặng của lịch sử và tâm hồn dân tộc. Nhưng cũng từ đó, điểm văn tôi vẫn như cũ. Thấp lẹt đẹt. Nhưng tôi cũng chả quan trọng gì điều đó nửa. Nhưng duy có một điều là tự dưng tôi thấy cheat kinh khủng. Nhất là việc dùng sách giải và văn mẫu. Có thể là do tôi thấy những đứa khác chỉ copy hoàn toàn từ văn mẫu vào mà được điểm cao chất ngất, giáo viên khen nức nở. Một sự ganh tị đúng không nhỉ? Chắc thế… Hoặc giả do tôi thấy họ làm văn học trở thành thứ gì đó rẻ rúng. Hoặc do tôi cực đoan khi muốn mọi người theo cái chuẩn mực của mình. Nhưng đơn giản là tôi không ưa thằng đó thôi. Đủ mọi lý do trên đời để biện minh cho những thứ cảm xúc tệ hại khi có gì đó không vừa lòng mình. Cứ thế, những năm cấp ba trôi qua, tôi vẫn không mua sách văn mẫu, điểm văn tôi cứ thấp. Mọi thứ cứ thể trôi qua, tôi trượt đại học và học cao đẳng. Làm việc ngày qua ngày với công việc mà mình yêu thích.
Tôi cảm thấy mình biết ơn nó
Cuốn văn mẫu kia tuy chả giúp tôi có được tí điểm văn nào nhưng nó cho tôi khá nhiều thứ trong suy nghĩ. Có lẻ tôi yêu văn học vì nó. Một cuốn sách tuyệt vời. Dạy tôi tình yêu văn học, sự tự lực trong cuộc sống. So với những người cùng thời sự học của tôi ở một trường cao đẳng be bé có thể chả là gì với việc người khác du học nước ngoài. Hay công việc ở một công ty be bé cũng chả là gì so với người khác làm việc ở một công ty lớn. Nhưng tôi luôn có niềm tin rằng nó là của tôi. Tôi thi vào đó bằng những điểm số của mình và việc làm tôi có là những năm tháng đạp xe xuyên qua thành phố chứ không phải do mối quan hệ nào đó…
Bài viết được lấy từ trang cá nhân của mình. Một bài khá cũ mình viết từ tháng 12 năm 2017. Link: https://tasynguyen3894.github.io/quyen-van-mau-lop-tam.html