Nguồn ảnh: The New York Times
Hồi đầu năm nay, mình có dịp được đứng chém gió về hướng nghiệp trước các em học sinh ở một trường cấp 3 ở Hà Nội. Okay okay, mình biết đó là một sai lầm to lớn của nhà trường, tuy nhiên nếu ngay cả người sửa điểm thi ở Hà Giang còn sửa nhầm điểm cho con của lãnh đạo tỉnh được thì ai mà tránh được việc mắc sai lầm?
Tạm gác chuyện đó qua một bên vì mình không muốn xoáy sâu vào nỗi buồn của một gia đình vốn đã chịu không ít bất hạnh...
Image result for bí thư hà giang rất buồn vì con gái bị sửa điểm thi

Câu chuyện mình muốn nói tới ở bài viết này xoay quanh câu hỏi của một em học sinh ngày hôm đó:
Anh ơi, em rất thích vẽ và muốn theo học Kiến trúc còn bố mẹ em lại cứ nhất quyết muốn em học Kinh tế để sau này ra trường dễ kiếm việc làm. Em phải làm thế nào bây giờ ạ?
Mở rộng hơn, câu hỏi này là điển hình của một vấn đề rất nhiều bạn trẻ (trong đó từng có cả mình) đã, đang và sẽ tiếp tục gặp phải:
Phải làm thế nào để thuyết phục bố mẹ lắng nghe và tôn trọng lựa chọn của bạn?
Phải làm thế nào khi mà:
'Mọi thế hệ luôn hình dung rằng mình khôn ngoan hơn thế hệ trước, và sáng suốt hơn thế hệ sau'' - Geogre Orwell (Elbe040 dịch)
*Câu trích dẫn trên được lấy từ bài viết cùng chủ đề mà mình rất thích của Elbe040:
Qua bài viết này, mình sẽ thử đưa ra quan điểm của bản thân, vốn là một người cũng có may mắn được bố mẹ khá ủng hộ trong (hầu hết) mọi quyết định tính tới thời điểm hiện tại. Mục đích phụ là vậy, còn mục đích chính chủ yếu là để khoe khoang (hay là "gáy") về việc có bố mẹ dễ tính.

Tại sao bố mẹ có lý do để không lắng nghe bạn?

Hãy thử coi việc thuyết phục bố mẹ tin bạn cũng giống như đang đi đàm phán. So sánh thì cũng có khá nhiều điểm tương đồng, ví dụ như:
- Bạn đang tìm kiếm một thỏa thuận, và về cơ bản thì thỏa thuận đó phải mang lại lợi ích.
- Bạn sẽ phải thuyết phục và tìm ra điểm chung với những người có thể có cách suy nghĩ và lợi ích không giống bạn.
- Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu đầy tự tin nhưng kết thúc bằng căng thẳng, cãi vã. Sau đó, à không có sau đó.
Theo lý thuyết, để việc đàm phán diễn ra thuận lợi, việc đầu tiên cần làm là liệt kê và nghiên cứu các khả năng phản hồi của đối phương kỹ lưỡng. Trong câu chuyện thuyết phục gia đình, điều này tương tự với việc càng đoán biết trước được lý do có thể khiến bố mẹ từ chối, bạn sẽ càng có cơ hội để chuẩn bị trước, từ đó nâng cao khả năng thành công. 
Với mình, mình sẽ nghĩ về những lời từ chối thông qua việc trả lời câu hỏi:
Tại sao bố mẹ sẽ không lắng nghe? 
- Vì bố mẹ độc đoán, chẳng chịu hiểu, từ đó áp đặt quan điểm và luôn cho rằng mình đúng?
- Vì tư duy của bố mẹ cổ lỗ sĩ, chẳng còn áp dụng được cho nhiều trường hợp ở thời điểm hiện tại nữa?
- Vì bố mẹ suốt ngày chỉ biết nhìn con nhà người ta, so sánh con mình với con nhà người ta... Bố mẹ chỉ muốn mình đạt được những gì bố mẹ không thể đạt được trong quá khứ?
Tạm dừng một chút.
Chưa bàn đến chuyện đúng sai, bạn có nhận ra điểm chung giữa các lý do trên không? Chúng đều là lý do khách quan, vì vậy chẳng dễ gì thay đổi được, đặc biệt khi vị thế của bạn đang thấp hơn bố mẹTrong đàm phán, việc bị "bắt nạt" khi ở thế yếu là chuyện chẳng có gì lạ lẫm, mà cũng chẳng có gì không công bằng. Nếu muốn biết thêm chi tiết, chúng ta có thể hỏi Nhật Bản hay Đức cảm thấy thế nào trên bàn đàm phán sau khi thua cuộc trong Chiến tranh Thế giới; hay hỏi Cuba (hoặc gần hơn là chính Việt Nam) khi bị Mỹ cấm vận.
Là người chỉ quan tâm tới tính hiệu quả, mình thường chọn tránh xa các lý do khách quan khó tác động để hướng tới những lý do chủ quan hơn - là những điều bản thân có thể kiểm soát và thay đổi. Đây là lúc mọi thứ trở nên khó chịu hơn khi bạn bắt đầu phải tự vấn bản thân từ những câu hỏi kiểu này:
Có khả năng nào bố mẹ chẳng tin vì thật ra mình chả có gì đáng tin? 
Uh, cũng có thể lắm chứ.

Đọc thêm:

Image result for I don't trust you

Tại sao chúng ta không đáng tin như chúng ta nghĩ?

Mình đã từng bắt gặp không ít trường hợp như sau:
- Em rất đam mê XYZ, em muốn học ngành ABC để sau này có thể kiếm tiền từ thứ mình đam mê.
- Uh, vậy tốt. Trong trường hợp tốt nhất thì vậy là ngon rồi, thế còn trong trường hợp tệ nhất thì sao? Em đã có kế hoạch gì chưa? 
- . . . 
- Thế trong trường hợp bố mẹ không đồng ý, em có phương án để thể hiện đam mê với bố mẹ và thuyết phục họ không?
- . . .
Đó chỉ là một ví dụ (có thể không tiêu biểu lắm nhưng chắc chắn không quá hiếm) trong số vô vàn tình huống thể hiện sự không đáng tin của mỗi chúng ta:
VD1:  Nổi hứng với cái gì thì thể hiện ra một bầu trời đam mê. Mà hễ cứ làm một thời gian thấy khó là lại nản và chuyển vì "cảm thấy không phù hợp". Ở đây mình không có ý chê trách chuyện thử - chọn để tìm ra con đường thích hợp nhất với bản thân, mình chỉ muốn nói rằng mọi thứ đều có giá của nó cả: Khi bạn cần sự tin tưởng của người khác mà lại để họ thấy bạn chọn sai quá nhiều lần và từ bỏ quá dễ dàng (từ góc nhìn của họ) thì có lẽ đành chúc bạn may mắn lần sau thôi. 
VD2:  Tự tin hỏi vay một khoản tiền không nhỏ để kinh doanh trong khi trước giờ ngay từ chuyện quản lý chi tiêu hợp lý vẫn còn là dấu hỏi đối với người bị hỏi vay: Mình có một ông anh được họ hàng hỗ trợ tạo điều kiện cho làm ăn hết lần này tới lần khác (có thể ổng sẽ giận mình khi đọc được những dòng này). Thế nhưng cứ làm ra một chút lãi thì thay vì nghĩ tới chuyện trả nợ lại ngay lập tức đổ vào mua những thứ tiêu sản không quá cần thiết (VD: lên đời điện thoại, tậu thêm Ipad, sắm quần áo thời trang...). Đây là một kiểu người mà có chết mình cũng không dám cho vay vì sợ vừa mất tiền lại vừa mất tình.
- Vân vân và mây mây...
Giờ hãy nghĩ lại thử xem giữa con cái với bố mẹ thì sao?
Tin buồn là bố mẹ có khi còn ít tin bạn hơn cả người thường vì các cụ có điều kiện nhìn thấy và bắt lỗi bạn gần như hàng ngày. Cho nên sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu họ nghi ngờ độ tin cậy của bạn y như cái cách bạn nghi ngờ độ tin cậy của họ trong câu hội thoại kinh điển mỗi độ Tết đến xuân về: "Đưa lì xì đây bố/mẹ giữ cho, rồi tới khi lớn bố/mẹ đưa".

Vậy giải pháp là gì?

Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, có hai yếu tố nếu tận dụng tốt sẽ khiến bạn giành được nhiều lợi thế hơn hẳn:

(1) Chiếm được sự tin tưởng của đối phương ngay từ trước khi ra trận

Ơ ông nói thì hay đấy, nhưng bố mẹ tôi lúc nào cũng coi tôi như trẻ con không biết suy nghĩ gì thấu đáo thì thử hỏi phải chiếm thế nào?
Thú thực là mình cũng không biết vì mỗi bố mẹ có độ "rắn" và bảo thủ khác nhau, nhưng có điều này thì chắc là luôn đúng:
Trust is earned, not given.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình trưởng thành và yên tâm hơn khi "cháu nó" có khả năng đưa ra những quyết định giống một người trưởng thành. Vậy nên nếu bị coi là trẻ con thì bạn chả có cách nào khác ngoài chứng minh điều ngược lại từ những hành động nhỏ nhất:

Đọc thêm:

Không phải cứ mặc đồ người lớn, nói năng như người lớn hoặc biết chơi trò người... à mà thôi thì bạn sẽ giống một người trưởng thành.
Tips của mình là: Hãy chứng minh bạn có trách nhiệm với lời nói của bản thân, ít nhất là trong những vấn đề quan trọng. 
- Ngày trước mẹ mình thường kêu ca và bảo học hành nên chia ra đều đặn như con nhà người ta cho đỡ cuống lên lúc gần thi. Mình chỉ bảo: "Cách học con thấy hợp với bản thân làm sao mẹ biết được. Cứ mặc kệ con, kết quả tốt là được". Vì kết quả cũng ok nên từ đó mẹ mình chả ý kiến gì nữa. Chứ giả sử nếu không ok thì thôi xong, lấy éo đâu ra sau đó để mà nói...
- Hai năm trước, bố mẹ cũng muốn mình đi làm một công việc lương tốt tốt chút để ổn định cuộc sống và tích lũy cho tương lai. Một năm sau, thằng con biến cmn thành zombies mặt lúc nào cũng nhăn nhó vì tương lai đen tối như cái triển vọng của Spiderum lúc bấy giờ. Thế nhưng vì thấy cũng có cố gắng, cũng kiên trì và thực sự làm đúng những gì từng xạo nên bố mẹ vẫn ủng hộ và quan trọng là cho ăn để ngăn chết đói.
Lưu ý: Bạn không cần phải LUÔN LUÔN làm đúng theo những gì đã nói để chiếm được lòng tin của bố mẹ ở bước này (mặc dù nếu được thì quá tốt). Ví dụ sau một vài bữa tối, nếu mình nói "Bát đũa cứ để đấy con lên phòng một lúc rồi TÍ NỮA con rửa" thì thông thường sáng hôm sau mình sẽ ăn chửi vì cứ LỠ quên mất. Những sự kiện kiểu đó đương nhiên vẫn xảy ra, nhưng không đủ khiến mẹ mình đánh mất sự tin tưởng và từ chối cho con trai thêm 100 triệu để phát triển Spiderum (nếu mẹ có đọc được thì đây là TÌNH CỜ viết để làm ví dụ thôi chứ không phải con đang xin đâu nhé).

(2) Chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc

Nếu như yếu tố thứ nhất có phần giống với việc xây dựng hình ảnh nói chung thì yếu tố thứ hai lại hữu ích khi đi vào các thỏa thuận cụ thể.
Theo kinh nghiệm của mình thì không có gì thuyết phục bằng việc phản biện lại một số lo ngại cụ thể của bố mẹ bằng những dẫn chứng cũng cụ thể, rõ ràng, lại được sắp xếp tốt. 
Ví dụ tốt: "Học ngành X sau ra trường làm sao tìm được việc hả con?" 
Phản biện: Theo như con tìm hiểu, sau khi học ngành này con có thể có các lựa chọn nghề nghiệp là A, B, C. Theo khảo sát từ nghiên cứu Y, nghề A trong tương lai sẽ bùng nổ với xu hướng phát triển của lĩnh vực D; nghề B hiện đang cần rất nhiều nhân lực chất lượng và các công ty đang sẵn sàng trả mức lương cao tới E, nghề C thì blah blah blah
Nếu đam mê hội họa, hãy thử thay X bằng "Mỹ thuật ứng dụng", B bằng "Thiết kế đồ họa", C bằng "Kiến trúc sư"... và tìm kiếm thông tin xem. Bạn có tự tin phát triển được một câu trả lời thuyết phục hơn không? Nếu không thì rất tiếc, đến mình cũng nghi ngờ đam mê của bạn chứ chưa nói đến bố mẹ bạn...
Ví dụ tồi: "100 triệu thì làm sao đủ phát triển Spiderum hả con?"
Phản biện: Vâng đúng rồi mẹ ạ, mẹ cho con 200 triệu nhé? 

Kết 

Tóm lại, việc thuyết phục bố mẹ tin tưởng bạn là một quá trình không đơn giản và cũng cần không ít kiên nhẫn. Thế nhưng đó cũng là hành trình mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải tìm cách vượt qua, dù sớm hay muộn. Mình hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho một ai đó trong hành trình không-thể-tránh-được này.
Cho những ai đọc được tới tận đây: cả bài viết này chỉ để test độ kiên nhẫn của bạn có đạt tiêu chuẩn để đi thuyết phục bố mẹ hay không thôi... Chúc mừng, chúc mừng...

Bài khác của mình: