Ta biết rằng, để chứng minh năng lực và được tôn trọng, ta cần phải theo dõi tin tức. Đó là lí do chúng ta phóng vệ tinh khắp quanh trái đất, chằng chịt đấu nối trái đất bằng cáp quang, và tạo các hệ thống cơ quan hối hả thông báo cho chúng ta về hầu như mọi sự kiện xảy ra bất cứ nơi đâu trên hành tinh chỉ mới vài giây đây thôi. Hơn nữa, ta giữ sát bên mình các thiết bị tí hon, để cứ mỗi năm phút (hiếm khi lâu hơn), ta lại bật chúng lên, theo dõi tất cả tin tức đang diễn ra theo sát thời gian thực. Ta đã được trao chỗ ngồi ngay sát để quan sát từng giọt dòng chảy  lịch sử.
Kết quả là, ta nhìn thấy nhiều hơn. Và cùng lúc đó, kì lạ thay, ta cũng nhìn thấy ít hơn. Sự hiện diện bất biến của tin tức bên ngoài cản trở khả năng nắm bắt một nguồn tin tức không kém quan trọng, dù khiêm tốn hơn nhiều, từ bên trong. Theo bản năng, chúng ta không được trang bị chu đáo để nhìn vào tâm can. Ý thức của ta chòng chành như con thuyền con ngoài biển khơi của các cảm xúc bị chối bỏ. Nhiều cảm xúc và ý nghĩ cần một mức độ quả cảm để có thể đối mặt. Chúng doạ sẽ làm ta lo lắng, háo hức hoặc buồn bã đến khó chịu nếu ta phải hiểu thêm về chúng. 

The Student Of Prague, Julian Schnabel (1983)
Nên ta dùng tin tức bên ngoài để át đi tin tức từ bên trong. Chúng ta có cái cớ xác đáng nhất từ trước đến giờ để không bao giờ còn phải dành thời gian lang thang tự do trong tâm trí mình.  Không có nghĩa là tin tức bên ngoài không quan trọng với bất cứ ai (thực ra, tin tức bên ngoài chính là thứ quan trọng nhất trong đời những ai sống ở một lục địa khác, ở một công ty đặt tại thủ đô hoặc đâu đó trong những vị trí cao hơn của chính phủ), chỉ là những tin tức này gần như hoàn toàn cách biệt với những ưu tiên thực sự của ta trong những năm sắp tới; đó là tận dụng hữu hiệu nhất cuộc sống và tài năng của chính ta trong phần thời gian còn lại trong cuộc đời. Thật cảm động khi ta trao thật nhiều năng lượng chú ý cho người lạ, nhưng thật đáng tiếc khi ta dần phải trả cái giá to tát đến thế cho sự phân tán năng lượng thường trực này. Ta phủi đi suy nghĩ mong manh, mơ hồ về việc ta nên làm gì kế tiếp, nên gọi ai, ta thực sự cần phải làm gì, những suy nghĩ quyết định nên phần đáng kể tương lai ta – để nhường chỗ cho chuyện thời sự kịch tính đang xảy ra. Nhưng thời sự sẽ không cứu ta, hay đoái hoài gì đến sự phát triển hay những trách nhiệm đích thực của chúng ta. 
Có vẻ gì đó sai sai khi nghĩ rằng có những thứ quan trọng hơn tin tức thời sự. Nhưng thực ra là có đấy: cuộc sống chính ta – thứ mà ta đã được trao những cái cớ thật xác đáng chỉ để tránh đối mặt với nó.
Người dịch: Cát Đằng https://www.facebook.com/tonnguyencatdang