CÓ MỘT AI CẬP KHÔNG NHƯ LỜI KHOA PUG NÓI ( P2)
Tiếp nối phần 1, hôm nay mình lại lên chuỗi trải nghiệm về những ngày hối hả ở Ai Cập - chuyến hành trình không dành cho những người thích hưởng thụ vật chất và mong mỏi có được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc tận răng.
Tiếp nối phần 1, hôm nay mình lại lên chuỗi trải nghiệm về những ngày hối hả ở Ai Cập - chuyến hành trình không dành cho những người thích hưởng thụ vật chất và mong mỏi có được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc tận răng.
Với bài viết này, mình sẽ không đi quá sâu vào các chi tiết kiến thức ở các điểm đến, chỉ chọn lọc những thứ làm mình ấn tượng nhất và những quan điểm cá nhân để chia sẻ mà thôi.
Chuỗi 12 ngày đêm này kéo dài mòn mỏi với gần 18 tiếng bay, hơn 70 giờ đồng hồ trên xe, và xấp xỉ 70 tiếng trên du thuyền dọc sông Nile màu mỡ,.. cùng 90% màu sắc là tông vàng đậm màu cát và xanh màu trời xa ngái ,...
Nếu bạn từng nghe nói đến màn tra tấn trắng khủng khiếp thời hiện đại, thì những ngày ở Ai Cập cũng nên tập làm quen với việc bị "đói" màu xanh của thảm thực vật nhiệt đới mát rượi quê mình đi nhé. Thật sự những ngày đó mình nhớ khủng khiếp những tán cây xà cừ cổ trước sân nhà mình luôn, vì cứ hễ nhìn ra ngoài từ trong xe, là chỉ toàn những dải cát nối tiếp nhau đến chân trời "Amun Ra"...
Lỡ mất trải nghiệm tại luân xa số 5 của Trái Đất
Ngày đầu đến Ai Cập, vì lí do delay, đoàn mình bị trễ giờ đến nên chỉ có nửa ngày để tham quan nào là Cụm Kim Tử Tháp, Tượng Nhân Sư, Viện Bảo Tàng Cairo, khu trưng bày tranh giấy Papirus trứ danh,... Nên rất tiếc là tụi mình đã không kịp chui vào bên trong KTT để ngồi thiền lấy năng lượng, bởi trước khi đi, tụi mình đã vô cùng háo hức về một giả thuyết cho rằng ngay Đại Kim Tự Tháp chính là trung tâm năng lượng luân xa số 5 của Trái Đất, đóng vai trò kết nối với vũ trụ, nó cũng được các nhà âm mưu học cho rằng đây là các trạm phát sóng năng lượng của thời thượng cổ văn minh Atlantis (Xem thêm tại:
Tiếp đó là tượng Nhân Sư Sphynx với lượng du khách từ trời Âu chen chúc nhau trước khu bệ đá vân vê mấy đường mòn có tuổi đời bằng mấy ngàn kiếp tuổi đời nhân sinh. Cũng chẳng có gì đặc biệt với mình ngoài mấy kiến thức huyền bí nhan nhản trên Youtube nào là tồn tại một thành phố ngầm dưới chân anh bạn Nhân Sư già?, ai đã đặt tên cho hòn đá?, con gì bò bằng bốn chân buổi sáng, 2 chân buổi trưa, 3 chân buổi chiều?...blah blah... Chỉ mỗi vấn đề là trong khi nhóm chị em Châu Á lo uốn éo vặn mình làm duyên với mấy chiếc đầm sặc sỡ tung xõa nuốt cả bầu trời Cao nguyên Giza, thì tụi Tây "ngố" dường như không cùng quan điểm lắm về tư duy thẩm mỹ trong selfie với iphone, chực ngước mấy cái cổ Ăng - lê - xắc - xông hướng về phía đầu anh bạn "mất mũi" khốn khổ, cố xem cho được kích cỡ cái lỗ đục có phải là đạo hàm của bộ huyền số 3-6-9 gì đó không thôi.
Tụi mình chỉ ngắm nghía được chút ít vì trời lúc ấy cũng sắp tối, lo lật đật quay về Cairo để tham quan bảo tàng nữa. Theo mình thấy thì đây mới chính là nơi đáng giá để tìm hiểu, nghiên cứu về nền văn minh Ai Cập. Mọi thứ trong bảo tàng đều gây tò mò với mình (và chắc chắn là với các bạn nữa). Hẳn, các bạn đều biết đến xác ướp khét tiếng Tutankhamun đúng không? Có khoảng thời gian nó trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều câu chuyện phiếm và phim truyện về Ai Cập. Nhưng thật ra, đó lại không phải là thứ mình quan tâm nhất mà chính là thứ này đây:
Đúng rồi, chính là khối đá sắt đen Binbin (hoặc Benben) hình kim tự tháp này, một thời gian thật dài (à, đến bây giờ cũng có ai giải thích được đâu mà dài với ngắn), nó đánh đố hết thảy các nhà khoa học hiện đại và sẵn sàng làm mồ tất tần tật những kiến thức lịch sử nhân loại đó giờ. Các thành phần chất cấu tạo nên khối đá này không hề tồn tại ở Trái đất, nó là con của đá thiên thạch được...đục đẽo nên. Cứ cho là mấy ngàn năm về trước có một tảng thiên thạch đâm sầm vào bờ sông Nile đi, thì quan trọng ở chỗ, làm sao đục đẽo được nó một cách cân đối chính xác tới các chỉ số vi lượng như vậy? Chưa hết, bề mặt được mài nhẵn mịn tới mức mình thề là có thể phản xạ cả ánh đèn pha của bảo tàng. Hơn nữa, loại đá sắt này thực sự rất khó đục đẽo bằng dụng cụ mà nhân loại được biết ngoại trừ thiết bị laze hiện nay. Nó cũng được cho là có thể phát ra năng lượng giúp những người xung quanh nó có thể trở nên an bình và nhẹ nhàng hơn. Khối đá hình KTT này được phát hiện tại đền thờ thần Amun Ra ở Heliopolis, một vị thần tối thượng của người Ai Cập cổ đại tượng trưng cho mặt trời, hay còn gọi là thần Thái Dương.
Cuối cùng là tụi mình đến khu trưng bày các sản phẩm bằng giấy Papirus, thật ra nó là chỗ mua sắm nên cũng hơi có mùi "kim ngân" nhè nhẹ, nhưng bạn mua thì mua không mua thì thôi, không ai bắt ép bạn cả. Đối với mình thì vấn đề shopping khi du lịch và việc HDV địa phương có thêm hoa hồng là chuyện hoàn toàn bình thường. Ngành Du lịch cần những tác nhân này để phát triển, miễn là nó đừng bị lạm dụng và đi quá giới hạn là được.
Mấy bức tranh Papyrus trong đây chủ yếu vẽ một số các nhân vật có thật trong lịch sử như Nữ hoàng Cleopatra, Công chúa Nefertari, Nefertiti,... hay các nhân vật thần thoại siêu nổi tiếng trong phim hoạt hình đình đám thời tuổi thơ: Papyrus.
Những ngày ở Alexandria và cuộc đời đầy thi vị của nữ hoàng Cleopatra
Sáng hôm sau đoàn mình khởi hành đến Alexandria, một vùng đất nổi tiếng miền duyên hải Ai Cập được đặt theo tên của ông vua huyền thoại Alexander Đại Đế. Vùng đất này có vẻ yên tĩnh hơn Cairo chút, nó làm cho mình có cảm giác con người ở đây thoải mái và dễ thương hơn so với "Cairo -er". Alexandria có 2 khu, một mới một cũ, tất cả đều nằm trên một phế tích đồ sộ của 2 nền văn hóa La Mã và Ai Cập bản địa. Vì thế mà có lẽ người Ai Cập ở đây trông có nét lai với người Ý hay người Hy Lạp với đôi mắt rất cuốn hút. Người phụ nữ ở đây cũng thoáng hơn, nhiều người trẻ để lộ khuôn mặt xinh tươi của mình kèm nụ cười rạng rỡ như nắng Địa Trung Hải những ngày đầu xuân khiến mình thoáng thấy đâu đó hình ảnh của nữ hoàng Cleopatra, vừa sexy, vừa ngây thơ xinh đẹp.
Đó là những gì mình từng nghĩ trước khi tìm hiểu về Cleoptra thôi. Chừng nào mà bạn còn bị lậm vào phim và truyện nhiều quá thì bạn còn chưa tin nổi rằng khuôn mặt Cleopatra hoàn toàn không được gọi là đẹp theo tiêu chuẩn hiện đại. Lý do mà bà có thể quyến rũ được Jullius Caesar và Mark Anthony là vì bà có thứ mà người phụ nữ khác thời bấy giờ không có: Tuyệt chiêu phòng the.
Hẳn bạn còn nhớ đoạn phim nữ hoàng lăn ra từ trong tấm thảm, cùng với mùi hương ngất ngây theo công thức bí truyền của phụ nữ Babylon cổ, một ánh nhìn đắm đuối đầy bí ẩn kẻ bằng bút sét chì, một thân hình đồng hồ cát mềm mại như lụa Trung đông và đặc biệt nhất là những lời thì thầm ngọt ngào tưới tẩm cho tâm hồn gồ ghề của 2 đấng hậu duệ con ông Zeus:
Thật ra, những thứ trên chỉ là phụ gia cho sự quyến rũ mang tên Cleopatra này thôi. Điều quan trọng là vì nàng biết được thứ đàn ông cần và muốn, nàng dư thông minh để hiểu thứ đàn ông đang làm, và nàng thao túng đám đàn ông đang hăng máu bằng "một trái tim biết bỏ đói một trái tim khác" đúng lúc. Dĩ nhiên con gái rượu của Ptolemy XII cai quản cả vùng Ai Cập không thể là một người phụ nữ tầm thường như những người phụ nữ khác lúc bấy giờ, vốn có sắc đẹp nhưng chỉ biết tuân phục chồng mình. Nàng là con báo đốm cái của Ai Cập, đầy quyền năng và trí tuệ.
À, đi lòng lòng nãy giờ, mình quên giải thích với các bạn rằng tại sao Cleopatra không đẹp như nhiều người vẫn nghĩ thì dưới đây là hình ảnh được miêu tả về khuôn mặt thật của Nữ hoàng trên đồng xu cổ:
Nghĩa là, dựa trên mặt đồng xu, có thể cho thấy rằng bà không đẹp như trong miêu tả của các nhà văn thuộc trường phái lãng mạn. Nhan sắc này ở mức...vừa phải thôi nếu mình đánh giá bằng cặp mắt của người hiện đại. Thêm nữa, các cứ liệu lịch sử cho thấy bà còn sở hữu cái trán dô di truyền từ người cha Ptolemy XII của mình, một chi tiết rất khác biệt với hình ảnh Cleopatra lộng lẫy trên phim. Tuy nhiên, không thể chối từ được sự sexy gợi cảm của bà ở cả phương diện ngoại hình lẫn tâm hồn.
Vừa quyến rũ vừa thông minh như thế nhưng bà lại kết thúc cuộc đời của mình khá sớm ở tuổi đời 30 trong sự bức bách. Đây là một câu chuyện dài vô cùng rối rắm cũng như tình hình Địa Trung Hải lúc đấy cứ như cái nồi cám heo vì ai cũng nhao nhao để tranh quyền cho được, bất chất anh chị em ruột, nên mình sẽ chỉ tóm tắt lại sơ qua cho các đọc giả. Bà là con gái của vua Ptolemy XII, ông này trị vì Ai Cập được một thời gian thì qua đời vào năm 51 BC, để lại Cleopatra lên nhiếp chính cùng với em trai là vua Ptolemy XIII. Để danh chính ngôn thuận trở thành nữ hoàng Ai Cập, bà đã...cưới em trai của mình(theo tập tục hoàng gia) rồi cố tình soán ngôi Ptolemy XIII và sau đó bị em trai đuổi ra khỏi Ai Cập. Bà tìm cách làm thân với Jullius Caesar - một nhà quân sự tài ba của Đế Quốc La Mã lúc bấy giờ. Vì biết, kết thân với một người như Caesar, sẽ giúp bà đánh tan được đội quân của người em trai đồng thời củng cố thêm thế lực của bà tại Ai Cập. Ngay lần đầu tiên gặp Cleopatra, Caesar đã đổ gục ngay lập tức và hứa sẽ đem quân dẹp tan quân đội của Ptolemy, sẵn bắt tướng Pompey (con rể của Caesar) ở La Mã chạy trốn đến Ai Cập. Bà tái hôn với em trai khác là Ptolemy XIV - được cho là kế vị Ptolemy XIII và lên kế hoạch để giết luôn người em trai này để một bước chính thức lên ngôi hoàng hậu.
Được không bao lâu thì Caesar cũng bị ám sát, Cleopatra phải dẫn con trai chung của hai người là Caesarion chạy về Ai Cập. Lúc này bà mới có cơ hội giết chết Ptolemy XIV để đưa con trai mình lên đồng trị. Sau đó được tin Athony là tướng dưới trướng của Caeasar đang tạm thời nhiếp chính La Mã. Bà lại tiếp tục dùng chiêu để lân la và sau này có một tình yêu sâu đậm với Anthony bất chấp sự phản đối của người dân La Mã. Sau rất nhiều những mâu thuẫn nội bộ và các cuộc tranh quyền đoạt vị liên miên giữa ông và Octavian- người cháu được quyền thừa kế ngôi vị của Caesar thay vì người con của Cleopatra, vào tháng 08 năm 30 BC, Anthony đầu hàng Octavian, ông tự sát bằng dao còn Cleopatra chọn cách dùng nọc rắn để tự tử, hai người được an táng chung với nhau. Ai Cập chính thức rơi vào vòng đô hộ của La Mã rồi sau này là sự xấm lấn của những chiến binh Hồi giáo. Kết thúc nền văn minh sông Nile hơn 7000 năm rực rỡ huy hoàng. Kể từ đây, người Ai Cập dần mất đi chữ viết tượng hình và các phong tục tập quán cổ tới tận bây giờ.
( Còn tiếp phần Cuối)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất