Tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh, tại sao không?
Bài viết được viết bởi một người mê xem phim và thích đọc sử, không phải là chuyên gia....
Bài viết được viết bởi một người mê xem phim và thích đọc sử, không phải là chuyên gia.
Nghe thì rất cơ bản, nhưng lịch sử là gì?
Theo Wikipedia,” Lịch sử, sử học hay gọi tắt là sử là một môn khoa học xã hội nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này.” Lịch sử là những sự kiện xảy ra trong quá khứ, bạn có lịch sử của riêng bạn, tôi có lịch sử của riêng tôi, cái bàn phím mà tôi đang gõ đây cũng có lịch sử của riêng nó, và phần đông chúng ta học và tìm hiểu lịch sử chung của vũ trụ, nhân loại, đất nước hay một cá nhân có sức ảnh hưởng lớn. Cần phân biệt giữa “môn lịch sử” mà chúng ta học phổ thông với “lịch sử”, “môn lịch sử” chỉ là tập hợp con rất rất nhỏ của “lịch sử”, well, tất nhiên không thể nào học hết lịch sử chỉ trong vòng 12 năm đi học, mà có dùng cả đời đi nữa, thì cá nhân mỗi người cũng không thể nào biết hết lịch sử. Điều khiến một bộ phận học sinh chán học môn lịch sử là vì nó “khô”, chỉ là những con chữ cùng với vài hình ảnh trên trang giấy. Đối với lịch sử, vì nó là sự kiện đã qua, nên bạn không thể thêm thắt hay thay đổi được, cũng không thể tính toán như học các môn tự nhiên. Thậm chí môn văn bạn còn được sáng tạo theo con chữ để ra những bài nghị luận hay bài thơ tùy thích. Tất nhiên đối với những người đam mê lịch sử thì việc đọc sử và bàn luận có cái thú vị của nó, nhưng đối với phần còn lại, lịch sử rất “khô”.
Trái với lịch sử, phim ảnh là lĩnh vực của sự sáng tạo, bộ môn nghệ thuật này yêu cầu sự sáng tạo rất lớn, mỗi đạo diễn có mỗi cách làm phim khác nhau, không diễn viên nào giống diễn viên nào, mỗi bộ phim là một tác phẩm. Sự sáng tạo mang lại cảm xúc, mà cảm xúc lại tác động lên người xem, đó là một trong những lý do mà chúng ta thích xem phim.
Chính sự nghệ thuật, tính sáng tạo, cảm xúc của phim ảnh khi kết hợp với lịch sử lại rất hợp. Thứ nhất, sẽ không còn khô khan nữa. Tất nhiên, khi sử lên phim thì tính chính xác của nó sẽ không bao giờ là 100% nữa, diễn viên có đỉnh đến mấy cũng không thể khắc họa lại được chính xác tuyệt đối nhân vật mà mình đang hóa thân. Yếu tố câu chuyện cũng sẽ được thay đổi một chút sao cho phù hợp với thời lượng, tính nghệ thuật. Ngay cả bối cảnh, trang phục, lời thoại cũng không bao giờ chính xác y nguyên quá khứ được. Nói chung, chuyện thay đổi cho phù hợp là dễ hiểu, chỉ cần đừng đi quá xa cái gốc thì vẫn chấp nhận được. Thay vì đọc những con chữ rồi tưởng tượng ra con người, cảnh vật thì khi coi một bộ phim lịch sử, đạo diễn sẽ làm điều đó giúp bạn, hình ảnh, âm thanh trực quan luôn kích thích chúng ta hơn là chỉ đọc. Thậm chí, nếu làm tốt thì những bộ phim còn nâng tầm tính epic của nhân vật hay sự kiện lịch sử.
Thứ hai, tính truyền thông của phim ảnh rất tốt. Tam quốc diễn nghĩa, Truyền thuyết Jumong, Troy, . . những cái tên mà chắc hẳn ai thuộc thế hệ đầu 0x đổ về trước đều đã từng xem hoặc nghe qua. Ở châu Á thì Trung với Hàn là 2 quốc gia làm rất tốt về mảng lịch sử, cổ trang. Sự đầu tư của họ rất chỉnh chu về cả mặt nội dung và hình ảnh. Phim ảnh cũng là một cách để truyền bá văn hóa quốc gia đến với thế giới. Việt Nam cũng có vài bộ phim nổi bật về lịch sử như Huyền sử thiên đô, Tây Sơn hào kiệt, Mùi cỏ cháy, . . . Nhưng vẫn thiếu một thứ gì đó để các phim này thực sự nổi bật lên. Những phim về lịch sử cận đại, về khoảng thời gian 2 cuộc kháng chiến thì mình làm rất tốt, còn về thời phong kiến thì không quá ấn tượng. Có một cái “văn” thường nghe thấy là “ không biết sử Việt có rành không mà sử Tàu rành thế”. Thực sự thì Trung Quốc nó làm phim về sử quá tốt, họ coi sử như một “mỏ” nội dung để khai thác và khai thác nó quá tốt nên việc chúng ta – những người Việt xem nhiều và biết nhiều là chuyện bình thường. Đối với đa số mọi người, việc vào lúc 8h tối cùng xem một bộ phim sẽ phổ biến hơn là cùng đọc 1 cuốn sách sử. Và nhờ vào cảm xúc từ nghệ thuật làm phim mang lại thì những kiến thức lịch sử dễ in vào trí nhớ chúng ta hơn. Những thứ làm ta ấn tượng thì ta sẽ nhớ lâu, vì thế học sử qua phim là một cách rất hay, đôi lúc tôi xem một bộ phim vì tò mò, vì rảnh chứ không hẳn là vì muốn tìm hiểu này kia nhưng khi xem xong lại biết thêm nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử. Nếu Việt Nam mình có thêm nhiều bộ phim về lịch sử có chất lượng cao thì tốt biết mấy, vì thực sự lịch sử nước nhà rất thú vị.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất