Ngành bán lẻ là ngành rất rộng, chia ra nhiều mảng, nên có sự phức tạp và khó nắm bắt hết toàn bộ một cách sâu rộng. Song cũng nhờ đó mà có nhiều cơ hội cho người nào nhìn ra bức tranh ẩn sau nó.
Mỗi mảng trong ngành này sẽ có những đặc thù và mô hình khác nhau, không thể áp dụng cách thức bán hàng của chuỗi Vinmart vào bán các sản phẩm trong chuỗi siêu thị Lotte được. Hơn nữa, tùy vào mặt hàng bán lẻ mà coi đây là lĩnh vực chu kỳ hay thiết yếu, chẳng hạn như nếu là điện thoại hay vàng trang sức thì sẽ có tính chu kỳ hơn so với bán hàng bách hóa hay phụ kiện, quần áo cận thiết yếu mang tính tăng trưởng đều hơn. Cũng từ sự khác biệt đó mà định giá cổ phiếu của các công ty bán lẻ sẽ khác xa nhau.
Tổng quan ban đầu
Điểm chung và cũng là ưu điểm của các hãng bán lẻ là mô hình kinh doanh ít phụ thuộc B2B – có phải thu và công nợ lớn, mà chủ yếu đầu ra là khách hàng cá nhân – có đặc tính bán và thu tiền ngay cho nên giảm thiểu tối đa rủi ro phải thu, nợ xấu.
Như vậy, khi phân tích cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, chúng ta cần phân loại ngay từ đầu một cách chính xác để nắm rõ ưu nhược điểm cũng như đặc tính riêng của từng mảng, qua đó có cách định giá hợp lý hơn.
Hiện nay người ta sẽ phân loại mảng tương ứng với tính chất của các mặt hàng như hàng lâu bền, bách hóa… Theo đó, cách quản lý vận hành chuỗi hàng bán lẻ và sức cạnh tranh cũng khác nhau. Do đặc thù phân mảnh ở các lĩnh vực bán lẻ như vậy nên gây nhiều khó khăn cho các nhà kinh doanh và NĐT.
Đánh giá, mặc dù cơ hội trong tương lai có nhiều nhưng chưa xảy ra rõ rệt ở Việt Nam do nền kinh tế đang phát triển và quy mô tầm nhỏ, phụ thuộc vào nước ngoài bởi họ có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta trong các mảng này.
Về triển vọng
Các công ty bán lẻ ở Việt Nam cũng nhiều nhưng chỉ có số ít đang niêm yết trên sàn chứng khoán và đa số thuộc hàng lâu bền như điện thoại, trang sức, xe máy như MWG, PNJ hay VEA… cho nên vẫn chưa phản ánh đúng toàn bộ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam (thống kê năm 2019, tổng mức bán lẻ  đạt hơn 4.940 nghìn tỷ đồng, tức hơn 200 tỷ USD).
Xu hướng đô thị hóa và đông đảo dân số trẻ (50 triệu người), xu hướng FDI giúp gia tăng tỷ lệ việc làm. Từ đó tạo ra nhiều lĩnh vực dịch vụ bán lẻ mới mẻ, rộng mở.
Định giá cổ phiếu ngành bán lẻ
Mặc dù các hàng hóa đem bán là các tài sản hữu hình, song để chứng minh thương hiệu, sức cạnh tranh cần phải hơn thua nhau ở nhiều mặt ví dụ như quản trị, chất lượng dịch vụ/CSKH, chất lượng sản phẩm, sự uy tín, độ phủ, công nghệ – mà rộ lên gần đây là vấn đề kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trên MXH… Tóm lại, các lợi thế vô hình này tạo nên nét đặc trưng riêng cho một nhà bán lẻ và từ đó quyết định nên giá trị của nó.
Điểm khó khăn để xác định được những giá trị vô hình kể trên trong một công ty bán lẻ nằm ở quy mô vốn hóa của nó. Với những hãng lớn như Thế giới di động hay Vàng bạc đá quý Phú Nhuận thì đã khẳng định rõ sức mạnh của họ nhưng nếu nhìn vào một công ty nhỏ thì người ta vẫn sẽ nghi ngờ về sự bền vững của những lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do mà nhiều NĐT đã bỏ lỡ có hội đầu tư với MWG.
Ngoài ra, về yếu tố đầu vào, những nhà cung cấp có thể coi là một áp lực đe dọa đối với doanh nghiệp khi họ có khả năng tăng giá bán đầu vào hoặc giảm chất lượng các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, hay như không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng, thời gian cung ứng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu công ty bán lẻ có quy mô độ phủ rộng, tức là có nhiều cửa hàng hay nói cách khác là có khả năng tăng sự hiện diện mặt hàng trong mắt người dùng các nhiều càng tốt, thì khi đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả khi nhập về từ nhà sản xuất (sẽ mua được hàng giá rẻ hơn so với các công ty có quy mô nhỏ) – mặc dù điều này cũng có nghĩa là phải đảm bảo chất lượng ở khâu quản lý thể hiện ở doanh số/cửa hàng cao, tỷ suất sinh lợi trên vốn (ROIC), biên lợi nhuận ròng (thể hiện chất lượng vận hành) & nhu cầu đầu ra được duy trì.
Các chuỗi siêu thị lớn như Lotter, Bigc hay Mega Market (Metro) sẽ có được mức chiết khấu cao hơn bình thường nếu bày trí sản phẩm của các nhà cung cấp ở vài vị trí “đẹp” mà họ mong muốn.
Khi thị phần gia tăng cùng với chất lượng quản trị hiệu quả trong quá khứ được duy trì, nó cũng đồng nghĩa với việc cty có thể tăng sức cạnh tranh khi thâm nhập thị phần triển vọng trong ngành bán lẻ trong tương lai.
Bàn thêm về độ phủ, trên thực tế thì vấn đề này có thể là con dao 2 lưỡi bởi thông thường khi xem xét báo cáo tài chính cổ phiếu bán lẻ, nếu ta thấy doanh thu tăng, nhưng trên thực tế sự gia tăng đó chỉ dựa vào việc mở mới thêm số lượng cửa hàng – thay vì tăng doanh thu/cửa hàng hiện hữu. Điều đó về lâu dài sẽ khiến gia tăng áp lực chi phí cũng như gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng doanh thu trên diện rộng khi doanh thu của mỗi cửa hàng bắt đầu chững lại hoặc giảm.
Một khi những giá trị vô hình kể trên đã tạo được dấu ấn trong lòng người dùng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh vô cùng to lớn mà những nhà bán lẻ khác khó mà bắt trước được. Chính vì vậy những thương hiệu nổi tiếng đang ngày càng chiếm giữ thị phần nhiều hơn trước và đang mở rộng/tăng trưởng nhanh chóng. Biểu hiện của thành công này là mức ROE và biên lợi nhuận gộp cao hơn so với các đối thủ cùng ngành.
Cũng vì lý do đó mà ít khi NĐT giá trị nào mua được mức giá hời với các cổ phiếu thuộc ngành này. Có thể là do họ nhìn nhận sai lợi thế cạnh tranh của nó (vì rất khó), hoặc vì sự tăng trưởng của nó một khi đã có sự rõ ràng thì sẽ có mức P/E khá cao.
Một yếu tố cũng cần lưu ý khi phân tích cổ phiếu bán lẻ là Vòng quay hàng tồn kho, dẫu là bởi việc quản trị hàng tồn kho là vấn đề khá “đau đầu” đối với tất cả các hãng bán lẻ (cách thức nhập hàng, chính sách đổi trả,…) – công việc cần rất nhiều kinh nghiệm và sự linh hoạt trong suốt quá trình kinh doanh của người quản lý.
Vì đặc thù khác biệt giữa các mặt hàng bán lẻ cho nên NĐT sẽ không so sánh vòng quay hàng tồn kho giữa các cty mà thường là so sánh với các số liệu trong lịch sử của chính cty đó. Đối với các cty bán lẻ mặt hàng chu kỳ thì dấu hiệu rõ nhất để thấy cty đang trong giai đoạn đảo chiều nằm ở hàng tồn kho chậm lại đáng kể so với các năm trước và ngược lại. Nếu vấn đề quản trị hàng tồn kho được hoàn hảo, nó sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cũng như được coi là tiêu chí an toàn về mặt tài chính – đặc biệt sẽ thấy rõ đối với hãng bán lẻ thuộc mảng có tính chất chu kỳ (như ô tô, điện gia dụng…) và ngược lại, nếu nhu cầu sụt giảm và dòng tiền có vấn đề thì vòng quay hàng tồn kho cũng sẽ biểu hiện sự giảm dần đi kèm đó là tình trạng nợ vay ngắn hạn tăng bất thường. Vì vậy sau tiêu chí vòng quay hàng tồn kho phải kể đến tiếp theo là các chỉ tiêu như nợ ngắn hạn/VCSH, dòng tiền tự do hay vòng quay tổng tài sản cũng là các chỉ tiêu tài chính mà một NĐT cần xem xét kỹ lưỡng.
Đối với các hãng bán lẻ nói chung thì việc tăng doanh số bán hàng trên mỗi cửa hàng là điều quan trọng. Có ba cách để tăng doanh số bán lẻ, một là tăng giá bán sản phẩm, hai là tăng số lượng khách đến (hoặc tăng số người mở mới tài khoản đối với các trang TMĐT), ba là tăng số lượng cửa hàng. Trong ba cách trên thì cách thứ hai luôn phù hợp với định hướng và bền vững hơn cả.
Về rủi ro
Cty bán lẻ có hai rủi ro chính. Đầu tiên là sự phụ thuộc vào vĩ mô: nếu dư địa của lĩnh vực bán lẻ của cty không còn nhiều để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, chẳng hạn như mặt hàng đã chiếm gần hết sức tiêu dùng trong đại bộ phận dân số/ hoặc thế hệ tiêu dùng mới (thế hệ Z) thay đổi nhu cầu cũng là yếu tố cần chú ý – thì rất khó để cty có thể tăng trưởng mạnh cho dù kết quả doanh thu lợi nhuận trong quá khứ tốt đến đâu. Thứ hai là rủi ro hành vi người tiêu dùng thay đổi đột ngột, mà biểu hiện rõ nét như đợt dịch Covid19 vừa rồi khiến người tiêu dùng đặt hàng trực tuyến tăng mạnh, làm cho nhiều hãng bán lẻ phải nộp đơn xin phá sản, nhiều cửa hàng phải đóng cửa… Như vậy, nếu bạn muốn tìm một cổ phiếu bán lẻ có thể tăng x2, x3 lần thì khó mà thấy được ở các cty có mức P/E đã cao và quy mô thị phần chiếm hơn 50%.
Nói như vậy, NĐT cũng cần tránh nhầm lẫn giữa Thị phần & Độ phủ. Thị phần là phần trăm chiếm lĩnh được trong thị trường so với các đối thủ cạnh tranh, thị phần càng cao nghĩa là thương hiệu càng lớn. Còn Độ phủ là bao gồm khả năng phân phối và mức độ bán hàng của sản phẩm. Thông thường 2 yếu tố này sẽ đi kèm với nhau nhưng việc của chúng ta là đánh giá những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn hóa/doanh thu (P/S) vừa phải và còn nhiều dư địa để tăng trưởng quy mô (hoặc gom nhặt những Bluechip đầu ngành trong giai đoạn chu kỳ kinh tế phục hồi). (đọc thêm: tỷ lệ PEG ratio)
Kết
Mặc dù ngành bán lẻ đã có lâu đời trên thế giới và nhiều người coi rằng nó có quy mô bé hơn, cũ kỹ, không thức thời hơn so với ngành bất động sản kcn hay ngân hàng,… Song nếu một NĐT chịu kiên nhẫn phân tích sẽ có khả năng tìm ra những cơ hội lớn khi mà sẽ còn nhiều cty bán lẻ tiềm năng được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, bản chất đây là ngành cần có sự linh hoạt của các nhà quản trị bởi sự thay thế của công nghệ (TMĐT thay thế cửa hàng truyền thống), bệnh dịch Covid19 (khiến các hãng lớn phải nộp đơn xin phá sản gần đây) hay đơn giản là thị hiếu người dùng liên tục thay đổi, sự ăn theo của các đối thủ cạnh tranh, khủng hoảng truyền thông,… đang và sẽ luôn khiến cho tính chất ngành này thay đổi theo thời gian.