TikTok, Facebook nói riêng và mạng xã hội gây ảnh hưởng đến chúng ta ra sao? Liệu chúng có thực sự ảnh hưởng tới con người?
Đây là một bài viết theo hướng tùy bút, chủ yếu để cảm nhận và tranh luận cùng nhau
Mạng xã hội tốt hay không tốt phụ thuộc mục đích người sử dụng chúng
Lời nói đầu: Khi phán xét rằng mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoặc tích cực tới con người, hãy nhớ rằng chúng ta nắm quyền quyết định mọi thứ trong cuộc đời của mình, bao gồm cả việc tiếp nhận thông tin ''xấu'' trên các trang mạng xã hội. Tôi mong rằng các bạn, những người đọc hãy giữ một tinh thần thoải mái, góp ý, tránh sa đà vào việc cãi vã, cần tranh luận một cách tích cực và mang tính xây dựng. Lưu ý, đây là một bài viết khá dài và văn phong của mình là tùy bút, tạp văn nên bài viết sẽ giống như một ly rượu, để ngẫm nghĩ và thưởng thức cùng nhau. Hảo tửu!
Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi sẽ đặt ra một câu hỏi dựa vào một câu nói tôi đã nhắc đến ở trên "hãy nhớ rằng chúng ta nắm quyền quyết định mọi thứ trong cuộc đời của mình". Vậy liệu chúng ta có thực sự nắm quyền kiểm soát không?
Để trả lời câu hỏi đó, tôi sẽ đưa ra một ví dụ dưới góc nhìn văn học vào thời kỳ trước để cho các bạn thử suy ngẫm. Trong tác phẩm " Vợ chồng A Phủ" của tác giả Tô Hoài, chúng ta có thể thấy sự hiện diện vô cùng rõ ràng của thần quyền và cường quyền (thứ được lột trần qua nhân vật A Sử và Thống lí Pá Tra) , hai thứ "quyền" trên đã chi phối, điều khiển cuộc đời của những con người nhỏ bé như Mị và A Phủ, buộc họ mất đi nhân quyền và tự do, mặc dù kết truyện hai nhân vật trên đã chiến thắng cái xấu, một cái kết tượng trưng cho sự giải phóng nhưng có thực sự họ đã nắm trong tay vận mệnh của mình? Họ đã thực sự chạy thoát khỏi "quyền"? Tiếp tục với vấn đề trên, tôi sẽ đưa ra một ví dụ khác là một câu truyện được viết nên qua bộ môn nghệ thuật thứ 7, bộ phim truyền hình dài tập của Mỹ với tựa đề American Gods. Xuyên suốt bộ phim là sự đấu tranh giữa hai thế lực Old Gods - Cựu Thần (gồm các vị thần trong thần thoại như Odin, Loki,...) và New Gods - Tân Thần (Technical Boy,...) trong việc giành lấy đức tin của loài người, ở đây con người là thứ bị chi phối dù có bởi các Cựu Thần hay Tân thần đi nữa, con người đều không có sự làm chủ. Bộ phim chủ yếu phản ảnh sự thay đổi của con người trong xã hội ngày nay, khi họ ''thờ phụng'' internet, ''thờ phụng'' mạng xã hội (Technical Boy) thay vì cầu nguyện và cung phụng những vị Thần trong những trang sử sách, trong thần thoại. Nhưng dù có thế nào đi nữa, con người mặc dù được khắc họa luôn luôn đấu tranh vì tự do, tuy nhiên dưới sự áp đặt của quyền thì cái tôi của họ vẫn chưa được giải phóng. Hay một ví dụ đơn giản trong xã hội ngày nay mà ta có thể nghe thấy trong mọi ngõ ngách của đời sống, đó là cụm từ "nô lệ đồng tiền", khiến tôi băn khoăn rằng, chúng ta, những người sinh sống và làm việc trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, có vô tình bị cuốn vào một không gian ảo, bị động tiếp thu những thứ không tốt trên mạng xã hội từ đó ảnh hưởng đến tính cách và lối sống của ta hay không? Nhất là thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước, vô tình tiếp xúc với những sự việc độc hại trên mạng xã hội quá sớm, liệu hệ lụy của nó lớn đến nhường nào? Đó đều là những câu hỏi cần một thời gian rất lâu nữa để có thể trả lời.
Rút ra từ những ví dụ trên, ta có thể thấy con người luôn tìm cho mình một điểm tựa tinh thần, một đức tin, một thứ gì đó để họ tin vào. Để cầu mưa thuận gió hòa, ta tin vào những vị thần (thần mặt trời, thủy thần,...), để thể hiện cái tâm và sự đóng góp của mình, ta tin vào các tổ chức phi chính phủ, những nghệ sĩ để gửi tiền từ thiện ( nghệ sĩ chân chính thôi nhé). Khi đi sâu vào vấn đề này ta lại rút ra được một nghịch lý như sau: Con người luôn muốn làm chủ và thể hiện cái tôi riêng, thể hiện bản thân ( Theo tháp nhu cầu của Maslow) và ngược lại, chính con người lại muốn dựa dẫm vào một thứ gì đó và ngày nay chính là mạng xã hội. Tôi muốn tặng các bạn một câu nói mà tôi thực sự tâm đắc (trích Mục Thần Ký).
Thần tồn tại trong lòng ta, đều là dị Thần, ngụy Thần, đánh vỡ nó mới có thể dựng lên tượng Thần của bản thân! Đừng nói một cái tượng đá, coi như là một vị Thần thực sự đứng ở trước mặt ta, cũng quyết không thể quỳ!
Câu trả lời là con người chúng ta thực sự nắm quyền lựa chọn cuộc đời của mình ra sao, chúng ta chọn tin tưởng vì chúng ta mong nhận lại những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hãy nhớ, vì chúng ta có những quyết định mang tính chủ quan( mặc dù nó có kết quả tốt hay xấu) nên chúng ta mới là con người. ĐÚNG NHƯ VẬY, con người chúng ta luôn luôn nắm quyền chủ động, dù có bị động tiếp thụ, ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, nhưng mỗi lựa chọn chúng ta đưa ra đều là lựa chọn của chính bản thân chúng ta.
Lưu ý: Ở đây không có ý ám chỉ hay nhắc đến các vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng, tôi chỉ đang đi sâu vào phân tích tâm lý con người. Về tôn giáo và tín ngưỡng, đó là một chủ đề cực kì phong phú, là thứ được tích lũy từ đời các bậc tiền nhân nên một người với hiểu biết ít về vấn đề trên sẽ không phân tích gì liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng. Ngoài lề một chút, các bạn trẻ Việt Nam (thực ra tôi cũng chỉ mới tuổi 20) nếu đang đọc bài viết này hãy thêm trân trọng những tín ngưỡng của Việt Nam như thờ cúng ông bà tổ tiên, tiếp tục gìn giữ và phát huy các tín ngưỡng, truyền thống, phong tục của người Việt vì nó là nét đẹp riêng của dân tộc chúng ta, giao lưu tiếp biến văn hóa những phải biết bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp mọi người nhé!
Vậy TikTok, Facebook, Instagram và mạng xã hội ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Trong thời gian ngắn, mạng xã hội có thể làm cho suy nghĩ một ngày của chúng ta thay đổi, từ vui vẻ thành giận giữ tiêu tực và ngược lại. Lâu dài, con người có thể bị ảnh hưởng sâu đến tư duy, bản chất còn thay đổi tốt hay xấu thì do cách con người sử dụng mạng xã hội. Dựa vào những gì tôi đã nói ở trên chắc mọi người đã hiểu rằng. Chúng ta chỉ bị ảnh hưởng khi chúng ta chấp nhận để bị ảnh hưởng. Nghe có vẻ hơi khó hiểu đúng không, ví dụ bạn đang lướt TikTok và bạn thấy những video với nội dung tiêu cực, nhạy cảm, bạn có quyền lướt qua nó và xem những nội dung phù hợp hơn nhưng phần lớn chúng ta không lựa chọn làm vậy vì đơn giản họ muốn tìm kiếm niềm vui từ những content đó và bỏ qua những giá trị thực sự. Mạng xã hội không xấu , chỉ có người sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Xin nhắc lại, ở đây tôi không bàn về tác hại cũng như mặt tốt của mạng xã hội, tôi chỉ muốn cho các bạn thấy quan điểm của mình về vấn đề này, lí do tại sao tôi lại nói dài dòng về sự làm chủ của con người ở phần trên cũng là vì muốn mọi người hiểu rằng khi tiếp xúc với mạng xã hội, ta có quyền xem những gì ta muốn xem, tiếp thu những gì ta muốn tiếp thu, làm những việc ta muốn làm.
Một người dành cả ngày chỉ để hóng drama, xem những livestream của giang hồ mạng thì trong đầu họ sẽ rối bời hơn những người biết chắt lọc thông tin và những gì họ tiếp thu vào trong não bộ. Tôi không có nói những người xem các thông tin trái chiều trên mạng làm như vậy là sai vì đó là nhu cầu của mỗi người và họ coi nó như một cách để giải trí là điều hoàn toàn không sai, tôi không phải người theo Nho giáo, một tiên sinh Nho Gia để có thể dạy bạn về đạo đức cũng như lễ nghi phép tắc. Điều tôi muốn nói đến trong bài viết này chỉ để phục vụ một mục đích đó là: Trả lời câu hỏi mạng xã hội ảnh hưởng đến con người ra sao? Liệu con người có thực sự bị ảnh hưởng không?
Câu hỏi thứ hai "Liệu con người có thực sự bị mxh ảnh hưởng không?" thì đã có câu trả lời đó là không, và chỉ có khi bạn muốn bị ảnh hưởng!
Cuối cùng, Vậy tại sao tôi không trả lời câu hỏi thứ nhất ngay, bởi vì khi bạn đã biết được đáp án của câu hỏi thứ hai, bạn sẽ có đáp của riêng mình cho câu hỏi thứ nhất. Mỗi người sẽ có một đáp án, một câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi đó. Các bạn, những người đọc đáng yêu hãy để lại comment phía dưới cho tôi biết câu trả lời của mọi người để chúng ta có thể tiếp thu ý kiến của nhiều người với những góc nhìn khác nhau trong cuộc sống, để suy ngẫm cũng như hoàn thiện câu trả lời của bản thân hơn. PEACE!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất