Tiểu luận Montaigne - Quyển I Chương II - Về sự đau buồn
CHƯƠNG II – VỀ SỰ ĐAU BUỒN Tôi hoàn toàn xa lạ với thứ cảm xúc này, tôi không yêu thích hay coi trọng nó, mặc dù con người đã quen...
CHƯƠNG II – VỀ SỰ ĐAU BUỒN
Tôi hoàn toàn xa lạ với thứ cảm xúc này, tôi không yêu thích hay coi trọng nó, mặc dù con người đã quen với việc dành cho nó một vị trí đặc biệt, như thể một thứ giao dịch đã được định trước vậy. Họ trang hoàng nó bằng những mĩ từ như trí huệ, đạo đức, và lương tâm. Một sự ngụy trang mới ngu ngốc và xấu xa làm sao! Người Ý đã gán cho nó tên gọi “ác tâm”, một cái tên phù hợp hơn nhiều. Cũng bởi nó là một dạng tồn tại luôn gây hại và luôn điên loạn. Những hiền nhân phái khắc kỷ xem nó như một thứ cảm xúc hèn nhát và đê tiện, và vì vậy nghiêm cấm các sinh đồ trải nghiệm nó.
Truyền rằng Psammenitus, vua xứ Ai Cập, sau khi bị đánh bại và biến thành tù nhân bởi Cambyses, vua xứ Ba Tư, nhìn thấy con gái mình giờ cũng là tù nhân và vận quần áo người hầu, đang phải mang thùng kéo nước. Ngài không hề bị rúng động, cũng không thốt ra lời nào mà hai mắt chỉ nhìn chằm chằm xuống đất, trong khi bạn bè ngài xung quanh lấy làm lo lắng thay cho ngài đến mức than vãn khóc lóc rộn lên. Không lâu sau đó, chứng kiến con trai mình bị giải đi hành quyết, ngài vẫn phản ứng cùng một cách. Nhưng đến khi nhìn thấy một người hầu thân cận của mình trong số tù nhân bị bắt giữ thì ngài lại vò đầu đấm ngực, thể hiện sự đau buồn cùng cực.
Câu chuyện trên có thể đi kèm với một câu chuyện khác gần đây về một vị hoàng tử của nước chúng ta. Ở Trent, ngài được báo về cái chết của người anh cả là trụ cột và niềm vinh hạnh của cả gia tộc. Không lâu sau, ngài lại nhận tin người anh thứ hai, niềm hy vọng thứ hai của gia đình, cũng lìa trần. Vài ngày sau đó, khi một người hầu cận của ngài qua đời, ngài cuối cùng hoàn toàn sụp đổ tước đòn cuối cùng này. Ngài quên hết mọi can đảm đã giúp ngài kiên cường chịu đựng cho đến lúc đó, đắm chìm trong đau buồn tang thương. Có người đã kết luận rằng cú sốc cuối cùng chính là thứ đã đánh gục ngài. Nhưng thật ra thì ngài đã bị đau buồn dằn vặt từ trước rồi và chỉ thêm một giọt nhỏ thôi cũng đủ khiến nước vỡ bờ. Tôi tin rằng điều này cũng có thể được dùng để nói về ví dụ thứ nhất, nếu chuyện kể thêm như sau: Cambyses hỏi Psammenitus tại sao người này không chút động tâm trước tai ương giáng xuống đầu con trai và con gái mình nhưng lại không thể chịu đựng khi chứng kiến số phận bất hạnh của một người bạn. Psammenitus đáp: “Chẳng qua là vì trường hợp cuối cùng nỗi đau buồn của ta có thể được biểu hiện thông qua những giọt nước mắt còn hai trường hợp trước thì đã hoàn toàn vượt quá giới hạn có thể biểu hiện mà thôi.”
Nhân đây, tôi phải nhắc đến sáng tạo của một họa gia thời cổ đại, người nhận nhiệm vụ ghi lại sự đau buồn của những người tham dự buổi hiến tế Iphigenia, tùy thuộc vào mức độ quan tâm của mỗi người dành cho sự hy sinh của người thiếu nữ xinh đẹp vô tội này. Khi đến lượt cha cô gái, người họa sỹ đã dốc hết tài cán nhưng cuối cùng đành vẽ người cha với khuôn mặt bị che phủ, như thể không biểu hiện nào có khả năng diễn tả nỗi đau mà người này phải chịu đựng. Đó cũng là lý do mà các thi nhân tưởng tượng rằng Niobe bất hạnh, một người mẹ mất đi bảy con trai rồi sau đó bấy nhiêu con gái, hoàn toàn bị nhấn chìm trong mất mát quá lớn này, cuối cùng đã biến thành một tảng đá – “hóa đá bởi nỗi đau” (Ovid, Métamorphoses, VI, 304) – để diễn tả sự sầu muộn, sững sờ đến tê liệt mọi giác quan khi con người phải gánh chịu những nạn tai vượt quá sức chịu đựng.
Thật sự là, một nỗi đau buồn, để đạt đến đỉnh điểm của nó, phải xâm chiếm toàn bộ tâm hồn và tước đi mọi tự do hành động. Đó là điều xảy đến với chúng ta mỗi khi nhận tin dữ, cái cảm giác bị bóp chặt, tê liệt, như thể thậm chí không còn khả năng nhúc nhích. Tâm hồn chúng ta khi đó, buông xuôi theo những dòng nước mắt và những lời oán than, dường như được giải phóng, mọi khúc mắc được tháo gỡ và áp lực được dở đi, và vì vậy cũng trở nên tự do hơn trong cách biểu hiện.
“Và cuối cùng nỗi đau buồn cũng mở ra một lối đi cho tiếng nói thoát ra.” (Virgil, Énéide, XI, 151)
Trong cuộc chiến mà vua Ferdinand lãnh đạo chống lại góa phụ của vua John của Hungary, chính xác là một trận hỗn chiến lớn ở vùng lân cận Buda, mọi người đều đặc biệt chú ý đến sự xông pha anh dũng đáng ngưỡng mộ của một binh sỹ, người mặc dù được ca ngợi và thương tiếc vì đã bỏ mạng trong trận chiến nhưng danh tính vẫn là một ẩn số. Raisciac, một lãnh chúa Đức, là một trong số những người bị ấn tượng mạnh bởi sự anh dũng này, vì tò mò đã tiến lại gần cái xác vừa được mang vào để xem binh sỹ đó là ai. Khi áo giáp của tử sỹ được cởi ra, ngài nhận ra đó chính là con trai mình. Phát hiện này khiến không khí xung quanh náo loạn, nhưng riêng ngài thì không thốt ra một lời nào, đến cả một chân mày cũng không nhúc nhích, chỉ đứng đó nhìn đăm đăm buồn bã vào cái xác, cho đến khi sự đau buồn nuốt trọn mọi nguồn năng lượng sống, ngài ngã xuống đất chết cứng tại chỗ.
“Những kẻ có thể dùng lời lẽ để diễn đạt tình yêu cháy bỏng mãnh liệt thật ra trong tim chỉ mang một nhóm lửa nhỏ nhoi.” (Pétrarque, Sonnets, CXXXVII)
Đó là câu mà những người đang yêu nói khi muốn bày tỏ một cảm xúc mãnh liệt vượt quá khả năng chịu đựng.
“Tình yêu như vô hiệu hóa mọi giác quan của ta
Hỡi Lesbia
Trong sự hiện dịên của nàng, ta không còn khả năng thốt ra lời đam mê cháy bỏng nào
Lưỡi ta như mụ đi
Một ngọn lửa tinh vi trườn vào huyết quản
Hai tai ta ong ong
Hai mắt ta bị bóng đêm che phủ.”
(Catulle, LI, 5)
Vậy nên khi bị vây hãm bởi lửa tình mãnh liệt, chúng ta thường mất đi khả năng diễn đạt để than vãn hay thuyết phục. Tâm hồn chúng ta bị nhấn chìm trong những suy nghĩ nặng nề, còn cơ thể chúng ta, bị khuất phục, trở nên ngày càng hao mòn bởi tình yêu.
Thật vậy, sự bất lực này có thể ập xuống đầu những đôi tình nhân bất kể giờ giấc, như một lớp băng cứng bám chặt lấy họ ngay cả trong những cuộc vui. Tất cả những đam mê có thể nếm trải và tiêu hóa được bản chất cũng chỉ là những cảm xúc tầm thường mà thôi.
“Nỗi đau buồn hời hợt có thể lên tiếng, nỗi đau buồn sâu sắc chỉ có thể câm lặng.” (Seneca, Hippolytus)
Tương tự vậy, một sự ngạc nhiên gây ra bởi niềm vui bất ngờ thường tạo ra cùng một hiệu ứng.
“Ngay khi nàng thấy ta cùng với đội quân Trojan
Nàng mất đi lý trí, tưởng như đang ảo giác
Ánh nhìn chăm chăm kinh hãi, nàng ngất đi
Hơi ấm rời bỏ cơ thể nàng
Nàng rũ xuống
Và chỉ một lúc lâu sau nàng mới khó khăn cất được nên lời.”
(Virgil, Énéide, III, 306)
Một phụ nữ La Mã chết vì co giật khi nhìn thấy con trai mình trở về bình yên sau thảm bại ở Cannae, Sophocles và Dionysus Bạo Chúa chết vì quá hạnh phúc, Thalna chết ở Corsica sau khi được báo về những vinh dự mà Nghị Viện La Mã vừa ban thưởng cho ngài. Ngay trong thời chúng ta thì có trường hợp Giáo Hoàng Leo X, sau khi nghe tin về thành công trong việc đánh chiếm Milan, điều mà ngài luôn ao ước, đã vui mừng tột độ đến mức lên cơn sốt và qua đời sau đó. Minh chứng hùng hồn nhất cho bản chất yếu đuối của con người được cổ nhân ghi lại chính là việc nhà biện chứng Diodorus đã ngã ra chết ngay tại chỗ chỉ vì quá hổ thẹn khi không thể trả lời một câu hỏi được đặt ra cho ngài ngay tại trường mình, trước mặt toàn bộ đám đông.
Về phần mình, tôi không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc dữ dội như thế. Bản tính của tôi ít nhạy cảm và mỗi ngày trôi qua tôi lại tôi luyện cho nó thêm cứng và dày lên bằng việc thực hành lý luận.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất