Dịch từ bài gốc trên Aeon của Chris Knight
---
Một chiếc van xả tâm lý, một tấm khiên chống lại bạo quyền, tiếng cười mãi là một hành vi riêng có của loài người, vừa có tính tập thể.
Bao tiết mục trình diễn xuyên suốt lịch sử cứ thế bày ra trước điệp khúc giòn vang tiếng cười của khán giả.
trích Rabelais và Thế giới của ông (1965), tác giả Mikhail Bakhtin
Câu hỏi trọng tâm mà các nhà nhân học muốn tìm câu trả lời nói ngắn gọn là: “Làm người là thế nào?” Nhằm tìm câu trả lời, chúng ta học hỏi từ khắp mọi nơi trên thế giới – từ dân thành thị tới những người còn sống bằng săn bắt hái lượm. Một số chọn đi nghiên cứu hóa thạch người vượn hominid như Homo erectus, tức Neanderthal; số khác quan sát những loài có quan hệ xa, như khỉ không đuôi và có đuôi.
Nếu có điều gì tách chúng ta ra khỏi tổ tiên và họ hàng linh trưởng, còn là chủ đề yêu thích của nhân chủng học, đó là chúng ta biết cười. Cười là một nghịch lý. Ai cũng biết cười tốt cho chúng ta; con người cười vì sướng và để giải tỏa cảm xúc. Nhưng để cười được, ta phải cách này hay cách khác rút ra khỏi cảm giác hỉ, nộ, ái, ố. Cú ngã đụi của một gã huênh hoang vừa trượt vỏ chuối là tiết mục tấu hài khuôn sáo; chúng ta cười trước nỗi đau của kẻ khác vì ta chả bận tâm.
Một cách để dễ hình dung về tiếng cười là đặt nó vào bức tranh tiến hóa. Các loài thú khác chơi giỡn, và quá trình giỡn chơi này có thể làm chúng phát ra âm thanh. Nhưng tiếng cười của con người là độc nhất vô nhị. Thứ nhất, nó gây lây lan. Khi một nhóm tụm năm tụm ba khúc kha khúc khích, chẳng mấy chốc chẳng đứa nào nhịn nổi. Nhà tâm lý tiến hóa Steven Pinker chú ý rằng có lẽ thực tế này đã đem tiếng cười làm mục đích của tấu hài. Trong quyển Cách tâm trí vận hành (1997), ông viết:
Không nhà nước hay chính quyền nào có đủ quyền lực để kiểm soát toàn bộ dân chúng… Khi những tiếng cười râm ran rải rác dâng thành một điệp khúc đồng loạt và tếu táo như một phản ứng dây chuyền hạt nhân, người ta đồng loạt công nhận cùng một khiếm khuyết ở mục tiêu họ vừa cười cợt. Một kẻ phỉ báng đơn độc hẳn vẫn có rủi ro bị trả đũa, nhưng một tập thể, đồng loạt nhìn thấy nhược điểm của đối phương, thì lại an toàn.
Ngoài lây lan, tiếng cười còn làm chúng ta bất lực và dễ bị tấn công. Chúng ta có thể bất lực trước tiếng cười, hay cười tới chảy nước mắt. Về sinh lý, tiếng cười có thể gần giống khi ta khóc. Gần như mọi cấu phần của cơ thể - giọng nói, đôi mắt, làn da, trái tim, nhịp thở, tiêu hóa nữa – đều bị ảnh hưởng không hề nhẹ. Cái mà ta thấy tức cười có thể mỗi văn hóa mỗi khác, nhưng âm thanh chúng ta tạo ra dù ở đâu cũng gần giống hệt nhau.
Khi đem áp dụng thuyết Tiến hóa Darwin vào tiếng cười, không khó tìm thấy một tiền thân khả dĩ của tiếng cười ngay trong tổ tiên họ khỉ của chúng ta. Chẳng hạn, nhà linh trưởng học Jane Goodall chỉ ra rằng tinh tinh khi còn nhỏ thường chơi trò cù nhau, lúc đó chúng phát ra những tiếng khục khịch. Có lẽ, vì thế, tiếng cười của con người chúng ta nên xem như một tiến hóa mở rộng của các cách phát ra âm thanh vui thích luôn tìm thấy ở loài khỉ không đuôi.
Quan điểm phản đối lý thuyết này thì cho rằng âm thanh mà khỉ không đuôi phát ra khi chơi giỡn chẳng giống tiếng cười của con người tị nào – mà nghe giống như thở gấp, hít thở nghe rõ đều như nhau. Một chuyện khác đó là tiếng của khỉ cụt đuôi phát ra không có tính lây lan giữa con này tới các con khác, và chúng cũng không gắn bó với nhau theo cách từa tựa như vậy. Không con tinh tinh nào cười chỉ vì nghe các con khác cười – tinh tinh hay khỉ đều cù thì mới cười.
Trái lại, hễ con người gặp dịp đặc biệt, những âm thanh nghe thấy thường xuyên nhất chẳng phải là tiếng gầm gừ hay thét la inh ỏi, mà là những tràng cười to. Những âm thanh này tạo nên một mức độ vui vẻ dễ chịu nhất định khi chúng ta chung vui với nhau. Dù khỉ và khỉ không đuôi vẫn thân thiện, các tương tác qua lại mặt đối mặt giữa chúng vẫn đặc trưng bởi tính cạnh tranh và thô bạo với nhau trên mức chúng ta chấp nhận. Mỗi tiếp xúc thường nhật giữa những con khỉ không đuôi cỡ lớn dao động qua lại giữa thống trị và bị trị, tương ứng với những cử chỉ trên khuôn mặt và âm thanh đặc trưng do chúng phát ra. Không hề có bình đẳng nào giữa chúng.
Phát huy tiếp những hiểu biết kia, hàng loạt các lý thuyết gia đã ra sức lý giải vì sao con người lại tiến hóa để trở nên loài động vật biết cười. Một nếp nghĩ kinh điển chính là Thuyết Ưu trội, theo đó tiếng cười lớn nhất thoạt đầu chính là tiếng thét của người thắng trước kẻ bại. Một lý thuyết khác là Thuyết Giải tỏa, luận rằng tiếng cười tiến hóa từ lâu trước khi từ ngữ và văn phạm ra đời, như một cách ra hiệu bản năng cho nhau biết rằng nguy hiểm đã qua và tất cả có thể nghỉ ngơi. Cuối cùng, Thuyết Lưỡng hợp cho rằng tiếng cười phát ra như một phương tiện để thoát khỏi các cảm xúc hay cảm thức đối nghịch, xung đột lẫn nhau.
Điểm chung giữa ba lý thuyết trên là cách cả ba chú trọng vào tâm lý của cá thể. Trong từng trường hợp, đều có cái suy nghĩ cho rằng căng thẳng được giải quyết khi chúng ta bất chợt nhận chẳng còn gì để sợ sệt nữa. Với những người ủng hộ Thuyết Ưu trội, mối họa ban xuất phát từ những người đột ngột được cho là an toàn, vô hại. Thuyết Giải tỏa đồng tình với Thuyết Ưu trội ở chỗ chúng ta cười khi nhận ra mình an toàn. Thuyết Lưỡng hợp cũng suy nghĩ rằng tiếng cười bật ra sau khi một thử thách hay nghịch lý nào đó về thể chất bất chợt không còn nữa.
ảnh: Bertlin/Magnum
ảnh: Bertlin/Magnum
Điểm chung của ba Lý thuyết này có thể diễn đạt bằng một từ duy nhất: đảo ngược. Tiến hóa tiếng cười của con người minh họa ý niệm này một cách chỉn chu. Khi cười, chúng ta căng mép miệng và nhe răng ra. Nếu các loài động vật khác nhe răng theo cách tương tự, nó sẽ mang tính đe dọa. Trong trường hợp các loài linh trưởng không phải con người, việc nhe răng có thể mang tính song le – như trong trường hợp tinh tinh “cười vì sợ”, đồng thời cho thấy sự kháng cự lẫn phục tùng một con tinh tinh mạnh mẽ hơn. Mặc dù đôi lúc con người cũng có hành xử tương tự như vậy, chúng ta có thể nhìn ra được khác nhau giữa một nụ cười đang kém thoải mái và một nụ cười thật sự nồng ấm. Do đó dường như một nụ cười hạnh phúc là một nụ cười vì sợ nhưng đã thích nghi theo các điều kiện giao tiếp thoải mái, dễ chịu hơn, đảo ngược ý nghĩa của nó khi chẳng còn gì khác để phải bận tâm lo lắng.
Tuy nhiên, đi ngược lại các lý thuyết hiện hữu, cá nhân tác giả nhìn nhận tiếng cười như một hành vi đậm đặc tính giao tiếp, tập thể - dù vẫn gắn với sự đảo ngược. Suy cho cùng, cười mỉm có thể trở thành cười to dễ dàng, nên khám phá, tìm hiểu tiếp xem liệu quá trình đảo ngược có giải thích được tiếp tục hành vi này hay không. Khi động vật vây bắt kẻ thù thành bầy, đôi khi chúng nhe răng và phát ra âm thanh đe dọa. Điển hình là, trong chính những tiếng thét la đe dọa kia vẫn có nhịp, vẫn dễ lây lan, và tạo ra gắn bó về cảm xúc. Nhà linh trưởng học Frans de Waal mô tả về một bầy tinh tinh cái tức giận đôi khi sẽ chĩa một điệp khúc “woaow” về một con đực quấy quá, và giữ nguyên như vậy tới khi con đực hiểu ra thông điệp hướng tới nó. Nếu như tiếng cười của con người tiến hóa thông qua các hiệu chỉnh tín hiệu linh trưởng của tổ tiên, thì – theo đề xuất của nhà phong tục học quá cố Irenäus Eibl-Eibesfeldt – những tiếng thét “bầy đàn” tương tự cũng mang một chức năng dễ bề tương đồng.
Nếu như vậy, bầy đàn có thể là tiền thân về hành vi của tiếng cười. Đi xa thêm một bước nữa, bầy đàn thậm chí còn góp phần giải thích cho cấu trúc tâm trí rộng rãi hơn của con người. Qua tiến hóa, tâm lý của chúng ta đã được định hình bởi các yêu cầu quan hệ mặt đối mặt tôn trọng lẫn nhau; chúng ta đã thích nghi để phản ánh một trật tự chính trị xã hội quân bình hơn bất cứ một trật tự nào hiện có ở loài khỉ và khỉ không đuôi. Sự phân biệt này rạch ròi tới mức chắc hẳn đã có một thay đổi dữ dội nào đó xảy ra – một cuộc cách mạng – mới có thể hoàn thiện bước chuyển từ chính trị kiểu khỉ sang chủ nghĩa quân bình săn bắt hái lượm.
Nhà nhân học tiến hóa Christopher Boehm đề đạt một lý thuyết quan trọng về sự ra đời của xã hội loài người được ông gọi là "Thống trị ngược". Theo Boehm, xã hội khỉ khổng lồ như một kim tự tháp, có một thủ lĩnh quyền lực – con đực đầu đàn – trên đỉnh và rải dần thành tầng xuống dưới.
Trong khi đó, Boehm quan sát thấy rằng các tổ tiên săn bắt hái lượm của chúng ta cực kỳ bình đẳng với nhau. Ông luận rằng điều này được thiết lập không từ các thay đổi dần dà, mà ở các giai đoạn sau cùng, đã trải qua một biến đổi rất lớn tới nỗi mối quan hệ chính trị cũng đảo theo. Ý của ông muốn nói là các liên minh nổi loạn, hình thành nhằm kình cự lại các con đực quyền lực, cuối cùng cũng đủ mạnh và dung hòa để lật đổ chế độ trước đó. Thay chỗ chế độ trước, một hệ thống chính trị hình thành và vẫn tồn tại ở nhiều cộng đồng săn bắt hái lượm tận thời nay: Thống trị ngược hay luật toàn cộng đồng từ dưới đi lên. Khái niệm của Boehm về Thống trị ngược là một kim tự tháp úp ngược, bất cứ tầng thấp nào cũng sẽ áp chế ngược lại con đực đầu đàn.
Dù Boehm không trực tiếp đề cập tiếng cười, nhiều khả năng một cuộc cách mạng có tầm vóc như vậy tạo ra một sự nhẹ nhõm rất mực. Một khi nỗi đe dọa từ con đực đầu đàn uy lực đã không còn, ta dễ dàng hình dung cảm giác mừng rỡ và tiếng cười là hai kẻ đồng hành đương nhiên xảy ra trước sự đảo ngược tình thế. Với giống loài vẫn còn tiến hóa chúng ta, có lẽ tiếng cười là biểu hiện cho sự tách ra hoàn toàn của chúng ta ra khỏi tâm lý của loài khỉ cụt đuôi.
Từ đó trở đi, xã hội chắc chắn quân bình hơn, khi quyền lực đã về tay tập thể. Một hệ quả chính là không ai có thể thoải mái, dễ dàng làm theo mục đích cá nhân, ích kỷ, mà cần phải cân nhắc, nhìn ngang ngó dọc người khác một chút, kẻo bị chê cười tới độ… bỏ xóm mà đi. Lúc này, tiếng cười của tập thể hẳn lại có chức năng như một công cụ giữ quân bình cho tập thể, và mọi người ai ở yên nấy. Kết quả do đó không chỉ là một sự đảo ngược về chính trị, tập thể mà còn là đảo ngược về nhận thức: một sự chuyển dịch mà mọi đứa trẻ sẽ làm theo khi chuyển thành một cá nhân biết tự ý thức, biết cười mỉm và cười to – một con người toàn diện nhất có thể.
Là kết quả tất yếu của tiến hóa, mỗi khi chúng ta giao tiếp với một ai đó trong khung cảnh tự nhiên, suồng sã, việc khiến cho người kia thấy thoải mái, hay chí ít là cảm thấy màu sắc của bình đẳng là đương nhiên. Điều này đã trở thành thói quen đến nỗi các tín hiệu giao tiếp, thừa kế từ tổ tiên linh trưởng trước đó, đều đã chuyển mục đích đáng kể: cái cười vì sợ cứng nhắc trước kia nhường chỗ cho một nụ cười bình tâm hơn, trong khi tiếng hò hét bầy đàn đã chuyển thành tiếng cười khoái trá, rộn ràng. Ý nghĩa của tín hiệu này đối với cảm xúc chúng ta có thể đảo, nhưng những gì còn lại cũng như ý nghĩa ban đầu của vẫn còn giữ nguyên.
Trong gần như toàn bộ thời gian 300.000 năm từ khi chủng loài hình thành, con người săn bắt và hái lượm. Để trả lời cho câu hỏi của nhà nhân học ở đầu bài – thế nào là một con người – ta phải nói về vai trò đặc biệt quan trọng của các xã hội săn bắt hái lượm hiện đại. Mọi khía cạnh của tâm trí và thân thể của chúng ta đều tiến hóa suốt chiều dài thời gian này để thích nghi cho lối sống cực kỳ dài lâu và bền vững này. Rõ ràng, ở tư cách sinh vật, chúng ta tiến hóa để linh hoạt hơn, như một dạng thích nghi cấp độ hai – nhưng mỗi khi quá trình thích nghi trước các bất công về quyền lực gặp khó khăn, căng thẳng, vốn vô cùng phổ biến hiện nay, chúng ta tổn thương về tâm lẫn thân. Nhu cầu muốn bầu bạn, chơi đùa thư giãn, có những dịp hát hò và nô giỡn cùng nhau – tất cả đều có gốc rễ từ chính lối sống săn bắn hái lượm.
Từng có một hình dung rằng con người ở các xã hội này luôn phải trầy trật đấu tranh để sinh tồn, luôn cận mép suy vong vì thiếu thốn thức ăn, do đó sứ mệnh tìm kiếm thức ăn đã tước hết mọi thời gian giải trí, chơi đùa. Không rõ cái ý nghĩ ngộ nghĩnh này từ đâu ra, nhưng nó hoàn toàn sai bét. Định kiến này được nhà nhân học Marshall Shalins bác bỏ trong quyển Kinh tế thời đồ đá (1972), trong đó mô tả về “xã hội thịnh vượng nguyên gốc”. Các dân tộc săn bắt hái lượm ngày nay sở hữu thức ăn đa dạng và lành mạnh hơn rất nhiều những ai sống bằng nghề nông hay sống ở thành thị. Nền kinh tế của họ là sự đề huề, thậm chí vô cùng dư dả. Người săn bắt hái lượm có thừa mứa thời gian rỗi cho các sinh hoạt sáng tạo như nghệ thuật, múa hát.
Một đặc điểm đáng chú ý ở chúng chính là sự bình đẳng rất mực. Bản thân là một nhà nhân học, tôi có thể dẫn ra bất cứ trang trại săn bắt hái lượm nào cũng duy trì sự bình đẳng thông qua tiếng cười không ngừng nghỉ trước bất kỳ thành viên nào tỏ ra trái khuấy. Ở mọi lúc mọi nơi, luôn có một bầu không khí đùa vui, hài hước. Chẳng phải tình cờ các vị thần thánh săn bắt hái lượm chẳng hề là những bậc canh gác đạo đức, mà là những đấng tinh quái, ưa phá phách khiến người kể lẫn người nghe rất mực thích thú.
Các nhà nhân học từng nghiên cứu về những nhóm săn bắt hái lượm đã đưa ra cặp tương phản, giữa những xã hội “lợi ích tức thời” – không dự trữ thức ăn – với những xã hội theo “lợi ích lâu dài”, ưu tiên lưu trữ. Ở các xã hội ưu tiên lợi ích tức thời, tài nguyên chẳng hạn như thú vừa săn được sẽ được chia ra giữa các thành viên ngay khi săn về. Không ai được phép thu gom quyền lực bằng cách tích cóp vật chất dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, khi thức ăn bắt đầu được trữ, một số cá nhân sẽ có nhiều quyền lực hơn, và thế quân bình dần bị xói mòn, coi nhẹ.
ảnh: Annie Spratt/Unsplash
ảnh: Annie Spratt/Unsplash
Ngày nay, chúng ta đều có thể đồng tình rằng châu Phi chính là nơi tổ tiên giống loài chúng ta tiến hóa, nơi những thú săn khổng lồ như voi và hươu cao cổ vẫn còn tồn tại tận ngày nay. Vì lý do này, ngoại trừ đôi ba ngoại lệ, giới săn bắt hái lượm ở Phi lục từ lâu đã luôn có một sự dồi dào về kinh tế và rơi về hạng mục “lợi ích tức thời”. Không như các cư dân thành thị hay nông dân, người Phi có thể cho chúng ta biết cách họ sử dụng tiếng cười như cách để duy trì bình đẳng. Những người bà, các bậc cao niên là phái nữ, minh họa cho chúng ta thấy, khi cười cợt trước những kẻ làm đỏm, ưa thể hiện, mê quyền lực sẽ thuyết phục được sự tôn trọng dành cho các tập tục bình đẳng.
Chẳng có bất cứ điều gì trong những lý thuyết phê bình đậm đặc cá nhân kia, hay trong cảm giác giải tỏa trước sợ hãi hay căng thẳng kia ẩn ý đâu là những điều kiện xã hội cụ thể để tiếng cười thăng hoa. Nhưng các nhà xã hội học xã hội đều đồng ý rằng, ở các cộng đồng săn bắt hái lượm, tiếng cười có chức năng dung hòa, giữ cho chúng ta ở đúng chỗ của mình.
Một nhân vật quan trọng cần nhắc tới ở đây là Jerome Lewis ở University College London, người đã tiến hành nghiên cứu tộc Mbendjele ở nước Cộng hòa Congo nhiều năm qua. Họ thuộc nhóm săn bắt hái lượm lợi ích tức thời, sống ở các khu rừng Trung Phi. Đôi khi người ta gọi họ là người Pygmy, bởi hình dáng thấp bé của họ. Sống giữa tộc Mbendjele, Lewis chỉ ra được chính xác vai trò duy trì bình đẳng của tiếng cười. Ông giải thích rằng rất nguy hiểm nếu xảy ra trường hợp một người trẻ tuổi nào cả gan chọc ghẹo một thành viên lão niên, bất kể hành vi đó là gì. Nhưng phụ nữ cao tuổi lại hưởng một đặc quyền khác, tự cho đó là một vai trò lý thú khi hạ thấp bất cứ thành viên nào trong cộng đồng đang vung tay quá trán.
Chẳng hạn, Lewis kể về một người phụ nữ buồn bực trước những gì chồng của bà làm – có thể đi theo con giáp mười ba, hay không chu cấp cho gia đình, hay thoái thác “công việc” – sẽ tìm tới và ngồi chung với các chị các thím khác. Trong tiếng nói oang oang, làm lố hết cỡ, chị sẽ kể cho mọi người nghe về chuyện của chồng mình, còn “khán giả” say sưa thưởng thức mọi màn bắt chước của chị ta về lời lẽ, hành động của đấng ông chồng. Rõ là một tình huống oái oăm cho người chồng bất hạnh, khi cánh phụ nữ, trẻ em, và cả các đấng ông chồng khác hả hê cười trước chuyện mình.
Một học trò của Jerome, Daša Bombjaková, còn chia sẻ một bức tranh sống động cách tiếng cười của phái nữ có thể răn đe đàn ông như thế nào. Trong một cãi vã với nam giới, các chị em có phe có bè, bất kể đúng sai. Hễ người đàn ông kia có giở trò hăm họa, muốn động tay động chân, hội chị em sẽ ngay lập tức ủng hộ nạn nhân và cho chị ta chỗ ở và sự bảo bọc. Họ sẽ đồng thanh chê bai dè bỉu anh chồng, thậm chí có thể dần cho anh ta một trận bằng dụng cụ bếp núc. Nhưng vũ khí chính yếu là tiếng cười châm chọc.
Hành vi tình dục của nam giới là nguồn không cạn vơi của những câu đùa. Phụ nữ Mbendjele có một nghi thức tên gọi Ngoku để đánh giá lại phẩm giá của phụ nữ. Toàn bộ các chị em trong làng sẽ đến với nhau để múa hát, chiếm dụng không gian sinh hoạt của làng và trêu ghẹo cực kỳ gợi hình kỹ năng giường chiếu của nam giới. Trong quá trình chuẩn bị cho nghi thức Ngoku và ngay sau nghi thức chị em sẽ tham gia vào mòádzò – diễn lại theo lối chế giễu, hoàn toàn do phụ nữ và trước đám đông, chính hành vi gieo nọc của nam giới. Bombjaková còn liệt kê ra bằng hết những thói hư tật xấu thường bị bêu riếu, bao gồm tham lam, ích kỷ, bạo lực, ưa sở hữu phụ nữ. Một đặc điểm nữa của mòádzò là họ rất kiệm lời. Trái lại, các diễn viên chị em sử dụng những âm thanh thô tục, tượng thanh được khán giả hưởng ứng theo, kể cả bằng âm nhạc.
Một nữ bô lão sẽ bắt đầu nghi thức bằng cách bắt chước một điệu bộ đặc trưng của đối tượng, nhưng không nói tiếng nào. Một hai chị em khác ngay lập tức sẽ hiểu, họ cười lớn, và vì tiếng cười lây lan, chẳng mấy chốc ai cũng sẽ cười phá lên và háo hức làm theo cái điệu bộ đang bị chế giễu kia. Sau một hồi, người duy nhất không cười đương nhiên là… đối tượng. Nhưng tiếng cười sẽ diễn ra cho tới khi anh chàng… hiểu ra vấn đề. Điệp khúc sẽ hạ dần khi anh chàng cũng tham gia, tự cười chính mình. Anh giờ đây đã nhìn ra được mặt hài hước, đã nhìn nhận về mình như những gì người khác nhìn nhận. Hành vi của anh chàng thật buồn cười vì nó đi ngược lại với những gì làng chấp nhận. Có lẽ ban đầu anh chàng tưởng có thể tự tung tự tác với những hành vi của mình. Nhưng phụ nữ săn bắt hái lượm sẽ áp dụng một quan điểm của tập thể trước những anh đàn ông đàn ang kém xử sự, và sẽ làm đủ mọi cách có thể để tóm tém đương sự vào đúng chỗ của mình.
Dẫu có vẻ nhẫn tâm, hóa ra tiếng cười của các chị em lại rất bao dung và chẳng đẩy ai ra xa cả. Dù có đau đớn, mục tiêu vẫn được được mời để tham gia để cải thiện “bộ mặt” của mình. Một màn mòádzò thành công sẽ xoa dịu được không khí, cho mọi người được cười và quên đi nỗi tức giận của mình.
Nhìn tiếng cười từ góc độ nhân chủng, hoàn toàn có thể xem mọi sự hài hước đều có tính chính trị. Nó không chỉ bó buộc trong những dạng hài hước như trào phúng, châm biếm; mà là hài hước nói chung, dù nội dung là gì, đều có tính chính trị từ bản chất. Cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, mối quan hệ, và những gặp gỡ của chúng ta đều là những thực hành và trao đổi quyền lực. Trước những va chạm quyền lực này, tiếng cười là một cử chỉ tạo sự cân bằng, thiết lập một trật tự đúng đắn khi ta đứng trước một thứ thứ bậc bất công.
Tương tự như vậy, mỗi khi ta thấy có gì vui vẻ, thường là bởi có sự bất xứng nào đó giữa tâm và thân, lý tưởng và hiện thực. Phân chia này đậm đặc tính chính trị. Sự hài hước ở các lễ hóa trang thời trung cổ, theo Bakhtin, dựa trên cách cơ thể chòng ghẹo những mục đích cao siêu tinh thần cao siêu. Mông, đùi, tiếng ho, tiếng rắm, “những phần thấp của cơ thể” – tất cả đều mai mỉa những sự đạo mạo, đoan nghiêm về tinh thần của những giám mục mặt lạnh như tiền, hay những bậc gác cổng của đức hạnh. Hài kịch phơi bày khoảng cách giữa những ý định ta tự cho là cao cả và thực tế u ám về huống trạng ngoài đời thực của chúng ta. Vì lẽ này, các đặc điểm khôi hài trong cuộc sống chẳng bao giờ xa vời; nếu có gì đáng cười, chỉ là vì nó quá ư quen thuộc mà thôi.
Có lẽ điều này giải thích được vì sao ngoài thiên nhiên chẳng có gì thật sự buồn cười. Một sự sắp xếp các khối đá hay một hình thù ngẫu nhiên nào đó của mây trên trời có thể nom lạ mắt hay thú vị, nhưng có gì vui ở đó chứ: đá và mây nào có chứa chất ý đồ và mục đích giống con người, nên chẳng thể chọc được. Động vật có thể vui đó, nhưng chỉ khi chúng ta nhân ảnh hóa chúng theo mình. Ta không thể lôi chúng khỏi nơi chúng vẫn ở yên nguyên: mặt đất, chả đâu cao xa. Để một tình huống thật sự đem lại tiếng cười, nó cần tạo ra một mô thức nào đó mà chúng ta có thể nhận ra từ chính cuộc sống, qua những giao tiếp, hay trong tâm trí của mình.
Do vậy, việc cười cợt gắn bó mật thiết với khả năng phản tư của chúng ta. Khi ta khúc khích trước những sai quấy của bản thân, ta cho thấy mình chẳng e ngại bị mắc kẹt trong cái tôi tổ bố của mình, mà có thể nhìn bản thân qua đôi mắt của người khác. Tương tự, khi nói, ta tách mình ra khỏi những người khác bằng những đại từ “tôi” “mình”, thu hút sự chú ý của người khác về mình như một cá thể giữa đám đông, như thể từ bên ngoài. Ngôn ngữ không bao giờ ra đời nếu chúng ta không có khả năng chọn lấy góc nhìn này: từ ngoài vào chính chúng ta.
Con người là những cá thể theo và chuộng quân bình từ trong bản năng, có thể làm việc với người khác khi không ai có quyền uy tuyệt đối lên chúng ta, khi việc chọc ghẹo là thiện ý, khi có đủ sự cảm mến và tin tưởng cho những công việc chung sức đạt được. Tiếng cười là một phần quan trọng trong bức tranh này – chứ chẳng đơn thuần là một chiếc van tâm lý, mà còn là một tấm khiên chống lại bạo quyền. Khi bật cười bởi những người xung quanh, chúng ta cho thấy mình đích thực con người.
k.