Thung lũng Silicon không phải bạn bè của chúng ta
Tác giả Noam Cohen Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng các công ty công nghệ chẳng thèm để ý đến những gì chúng ta quan tâm. Đã bao...
Tác giả Noam Cohen
Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng các công ty công nghệ chẳng thèm để ý đến những gì chúng ta quan tâm. Đã bao giờ họ quan tâm đâu?
Mark Zuckerberg đã từng viết một bài ngắn trên Facebook vào cuối đợt lễ Yom Kippur, xin bạn bè tha thứ cho những thất bại của anh với danh nghĩa cá nhân cũng như khía cạnh công việc, đặc biệt là “cách mà sản phẩm của tôi được dùng để chia rẽ mọi người hơn là mang mọi người lại gần nhau hơn.” Có vẻ như anh đang hướng sự chú ý đến Ngày Chuộc tội của người Do Thái để đẩy giá cổ phiếu công ty lên, và hứa hẹn sẽ “làm tốt hơn nữa công việc của mình”.
Đáng buồn thay, những lời tự kiểm điểm đó có vẻ không giống một Zuckerberg, người đã từng hô hào nhân viên của mình “tiến thật nhanh và phá vỡ mọi giới hạn”. Trong quá khứ, tại sao Zuckerberg, hay bất cứ đồng nghiệp nào của anh ta, lại cảm thấy phải đền bù cho thứ gì đó họ đã tạo ra tại văn phòng mình? Thấy tiếc nuối vì đã tạo ra một trang web vô cùng thú vị kết nối hàng tỉ người với nhau, cũng như một kho lưu trữ kiến thức của cả thế giới?
Tuy nhiên gần đây, những tội lỗi bắt nguồn từ Thung lũng Silicon đã trở nên không thể bỏ qua.
Facebook đã ghi nhận sự thao túng của phía Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bằng cách khuấy lên sự phân biệt chủng tộc. Google cũng có một vai trò tương tự trong việc truyền tải thông điệp đúng mục tiêu, gây bức xúc trong suốt cuộc bầu cử. Và mùa hè năm nay, Google khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tổ chức tư vấn New America (Google rót vốn) đã sa thải một học giả nổi tiếng do chỉ trích sự độc quyền của các công ty kĩ thuật số. Nhiều câu hỏi đặt ra là có phải người này bị sa thải để xoa dịu Google cũng như chủ tịch điều hành Eric Schmidt hay không, nhưng cả New America và Google đều bác bỏ lí do đó.
Trong khi đó, Amazon đã mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods và xây dựng một loạt cửa hàng tiện dụng, theo đuổi chiến lược thu lợi tuyệt đối trong vai trò độc quyền, cả trực tuyến lẫn trực tiếp.
Giờ thì Google, Facebook, Amazon đã trở thành những kẻ thống trị thế giới, câu hỏi đặt ra là, liệu công chúng có bị thuyết phục để xem Thung lũng Silicon như một kẻ tội đồ như nó vốn đã thế hay không?
Những sự kiện này đã gây hoang mang cho công chúng, đi ngược lại với những gì mà Thung lũng Silicon đứng ra đại diện. Ví dụ, Google nói rằng mục đích của họ là “sắp xếp lại thông tin của cả thế giới, khiến nó trở nên phổ biến và hữu dụng”, một sứ mệnh biến thư viện địa phương của bạn thành một công ty Fortune 500. Tương tự với Facebook, “trao quyền cho mọi người xây dựng một cộng đồng và mang cả thế giới đến gần nhau hơn”. Thậm chí cả Amazon cũng xem bản thân như này, theo lời người sáng lập Jeff Bezos, “một công ty bị ám ảnh bởi khách hàng và sẵn sàng xâm chiếm Trái đất”.
Ngay từ khi bắt đầu, World Wide Web đã khiến công chúng lo lắng hơn bao giờ hết — máy tính của bạn được kết nối với một mạng lưới ngoài tầm kiểm soát và hoàn toàn có thể nhiễm các loại sâu, virus và theo dõi toàn bộ hành động của bạn — nhưng bạn vẫn tiếp tục có xu hướng làm thỏa mãn cơn đói của họ bằng chính sự hoài nghi của mình. Ngoài miệng họ luôn đứng về phía chúng ta, để khiến nền tảng web trở nên an toàn và hữu dụng hơn, và vì vậy dễ dàng được xí xóa các nước đi sai lầm của họ, đổ lỗi cho các vấn đề kĩ thuật chứ không phải do ý đồ muốn thống trị cả thế giới của chính họ.
Giờ thì Google, Facebook, Amazon đã trở thành những kẻ thống trị thế giới, câu hỏi đặt ra là, liệu công chúng có bị thuyết phục để nhìn Thung lũng Silicon như một kẻ tội đồ như nó vốn thế hay không? Và liệu chúng ta vẫn còn những công cụ luật pháp để kìm hãm tình trạng độc quyền của các tập đoàn trên trước khi chúng hủy hoại nền tảng xã hội của chúng ta hay không?
Nhiều nguồn tin cho hay, những lập trình viên trở thành doanh nhân này đã tin vào những lí tưởng cao cả của họ, và từ đầu họ không hề quan tâm đến việc làm giàu từ những ý tưởng của mình. Một bài luận năm 1998 của Sergey Brin và Larry Page, sau đó đã tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford, đã nhấn mạnh đến những lợi ích cho xã hội mà bộ máy tìm kiếm Google của họ mang lại. Sản phẩm này sẽ đem đến nhiều lợi thế cho các nhà nghiên cứu và sẽ không bị điều khiển bởi quảng cáo. Mọi người cần được đảm bảo rằng những kết quả tìm kiếm của họ không bị vụn vặt, và không ai có thể chỉnh sửa chúng vì mục đích kinh doanh.
Để minh họa cho quan điểm của mình, ngài Brin và ngài Page đã khoe về độ “tinh khiết” của những kết quả tìm kiếm cho truy vấn “điện thoại di động”; gần phía trên là một nghiên cứu giải thích sự nguy hiểm của việc lái xe khi đang nghe điện thoại. Nguyên mẫu của Google không hề có quảng cáo, nhưng những sản phẩm khác thì sao, những sản phẩm đã chèn quảng cáo vào kết quả tìm kiếm ấy? Ngài Brin và ngài Page đã từng có những suy nghĩ như: “Chúng tôi cho rằng các bộ máy tìm kiếm được các nhà quảng cáo bảo trợ sẽ có xu hướng thiên về có lợi cho các nhà quảng cáo và xa rời nhu cầu thực sự của người dùng.”
Nhu cầu dành cho “một công cụ tìm kiếm có tính chất cạnh tranh minh bạch và hướng về lĩnh vực học thuật” đang cần thiết hơn bao giờ hết, và Google định hướng trở thành một trong số đó. Cho đến một ngày, ngài Brin và ngài Page bị cuốn hút bởi thứ chủ nghĩa kinh doanh đang lan rộng trong Stanford — một cuộc gặp gỡ với một giáo sư đã dẫn đến một cuộc gặp với nhà đầu tư, người đã viết tờ séc $100,000 trước khi Google trở thành công ty. Năm 1999, Google công bố được rót vốn $25M trong khi khẳng định công ty sẽ không có gì thay đổi. Khi ngài Brin được phỏng vấn về cách kiếm tiền của Google, ông đã trả lời “Mục tiêu của chúng tôi là tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm, chứ không phải tối đa hóa doanh thu từ việc tìm kiếm.”
Mark Zuckerberg cũng tương tự như vậy hồi mới thành lập Facebook. Một mạng xã hội là thứ cực kì quan trọng đối với việc buôn bán thương mai, anh đã nói với The Harvard Crimson vậy hồi 2004. “Ý tôi là, vâng, chúng ta có thể kiếm được một khoản tiền — nhưng đó không phải là mục tiêu chính,” anh đã nói về mạng xã hội của mình vậy từ hồi còn là thefacebook.com. “Bất cứ ai từ Harvard đều có thể kiếm được một công việc và kiếm được một khoản tiền. Nhưng không phải ai ở Harvard cũng có một mạng lưới các mối quan hệ xã hội. Tôi coi đó là nguồn tài nguyên lớn hơn bất cứ khoản tiền nào.” Ngài Zuckerberg nhấn mạnh rằng sản phẩm này không dành cho những người tìm kiếm lợi nhuận; Facebook sẽ luôn hướng tới nhiệm vụ kết nối thế giới.
Bảy năm sau, ngài Zuckerberg cũng đã phải vất vả khăn gói đến Thung lũng Silicon đầy mạo hiểm, nhưng anh có vẻ hối hận về việc này. “Nếu tôi bắt đầu ngay bây giờ,” anh trả lời phỏng vấn hồi 2011, “tôi sẽ chỉ ở lại Boston, tôi nghĩ thế”, và nói tiếp: “Có những khía cạnh của văn hóa ở đây khiến tôi nghĩ rằng mọi thứ đều chỉ mang tính chất ngắn hạn, theo những cách khiến tôi phải trăn trở. Bạn biết đấy, kiểu như là những người thích lập công ty là lập công ty, chẳng cần biết họ thích gì, tôi cũng không biết, kiểu như tung đồng xu ấy.”
Tuy nhiên đến cuối cùng, các nhà sáng lập của Google hay Facebook đều phải đối mặt với ngày phán xử. Các nhà đầu tư chẳng bao giờ cho từ thiện cái gì, và họ bắt đầu đòi hỏi trách nhiệm giải trình. Cuối cùng thì ngài Brin và ngài Page, dưới áp lực của nhà đầu tư, đã phải đồng ý hiển thị quảng cáo cùng với kết quả tìm kiếm và cho phép người ngoài ngồi ghế điều hành, chính là ngài Schmidt (ở đoạn đầu bài í). Ngài Zuckerberg cũng phải đồng ý chèn quảng cáo trên Dòng thời gian và chuyển công tác một lập trình viên ưa thích của mình sang mảng kinh doanh quảng cáo trên di động, và anh (Zuck) còn được bảo là “Việc xây dựng một doanh nghiệp tỉ đô trong sáu tháng chẳng vui hay sao?”
Hóa ra khối tài sản tỉ đô-la đó được thực hiện bằng cách khai thác mối quan hệ nhập nhằng giữa công chúng và các công ty công nghệ. Tất cả chúng ta đều biết rằng chẳng có bữa trưa nào miễn phí. Theo một góc nhìn sâu sắc hồi 2010 bởi một nhà bình luận trên website MetaFilter: “Nếu bạn không phải trả tiền cho nó, bạn không phải là khách hàng; bạn mới chính là món hàng được đem bán.” Thật vậy á, làm sao mà biết được? Có rất nhiều thứ đang xảy ra giữa Thung lũng Silicon và chúng ta mà ta không hề nhìn thấy — các thuật toán được viết ra và kiểm soát bởi những bậc thầy phù thủy, những người có thể trích xuất giá trị từ danh tính cá nhân của bạn theo những cách mà bạn chưa từng làm cho chính mình.
Một lần, ngài Brin, ngài Page và ngài Zuckerberg thử “đảo lộn giá trị” và theo đuổi lợi nhuận, và họ nhận ra một điều lạ lùng — công chúng chẳng thèm quan tâm. “Bạn có biết những phản hồi thường gặp nhất là gì không, thật sự đấy?” — ngài Brin đã phát biểu hồi 2012 khi được hỏi về phản ứng của Google đối với việc chèn quảng cáo — “Đó là ‘Quảng cáo gì cơ?’. Mọi người hoặc là không thực hiện hết hành động tìm kiếm, hoặc là không thèm để ý đến chúng. Hoặc khả năng thứ ba là họ đã thấy quảng cáo, họ nhận ra nó và quên luôn nó, mà tôi nghĩ đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.”
Sự tăng trưởng trở thành động lực quan trọng — cái gì đó quý giá vì chính nó, chứ không phải điều mà nó mang lại cho thế giới.
Sự tương tác giữa con người và chiếc máy tính của họ luôn là đề tài khó hiểu, và sự nhầm lẫn đó dễ dàng được các lập trình viên khai thác. John McCarthy, nhà tiên phong về khoa học máy tính đã nuôi dưỡng lứa hacker đầu tiên tại Viện Khoa học và Công nghệ Massachusetts, và sau đó mở một phòng thí nghiệm về trí tuệ nhân tạo tại Stanford, đã từng lo lắng rằng các lập trình viên không hiểu được trách nhiệm của họ. “Máy tính được thiết kế với tâm lí thuận tiện nhất cho người sử dụng nó (và nó sẽ trở thành công cụ nguy hiểm nếu người dùng không ‘đọc kĩ hướng dẫn trước khi dùng’)”, ông đã viết năm 1983. “Các lập trình viên có khuynh hướng nghĩ về người dùng như những kẻ ngớ ngẩn cần được kiểm soát. Nhưng họ nên nghĩ về phần mềm như một người phục vụ, thứ mà người dùng có thể điều khiển và kiểm soát dễ dàng.”
Hãy gọi nó là vấn đề Eliza. Năm 1966, Joseph Weizenbaum, giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Massachusetts, đã công bố một chương trình máy tính gọi là Eliza, bắt chước một chuyên gia tâm lí trị liệu. Bằng cách học thuộc lòng, nó có thể hỏi về cảm xúc của bạn với cha mẹ hoặc cố gắng bắt chuyện với bạn bằng cách phản hồi lại những câu bạn đã nói dưới dạng câu hỏi. Chương trình này đã ngay lập tức gây sốt, trở thành một hiện tượng quốc gia, với sự ngạc nhiên của ngài Weizenbaum. Ví dụ, tờ The New York Times đã giật tít: “Máy tính đang được dạy để hiểu Tiếng Anh.”
Thật ra Eliza không hiểu gì cả, và cũng không bao giờ đồng cảm được với “bệnh nhân”. Eliza đáp lại một cách máy móc với bất cứ điều gì xuất hiện trên màn hình. Một buổi trị liệu thông thường đã nhanh chóng biến thành một bức phác họa của Monty Python, kiểu như:
- Bệnh nhân: Bạn không tỏ ra cứng nhắc, nhưng tôi nghĩ bạn đã cố gắng không để tôi nhận ra điều đó.
- Eliza: Điều gì khiến bạn nghĩ tôi không cứng nhắc?
- Bệnh nhân: Bạn không tranh luận với tôi.
- Eliza: Tại sao bạn nghĩ tôi không tranh luận với bạn?
- Bệnh nhân: Bạn đang sợ tôi.
- Eliza: Bạn có vui hơn không khi tin rằng tôi đang sợ bạn?
Hãy tưởng tượng sự bất ngờ của ngài Weizenbaum khi thư kí của ông ngước lên nhìn lúc ông cắt ngang cuộc trò chuyện của cô với Eliza, cô nói “Phiền ngài rời khỏi phòng được không ạ?” Cô muốn một cuộc trò chuyện riêng tư với một cái máy! Ngài Weizenbaum giật mình kinh ngạc nhận ra rằng một lập trình viên nghịch ngợm có thể thao túng chiếc máy tính này, và khả năng cao là tất cả những người đang sử dụng máy tính. Sau đó, ông đã xoay ngược lại và dành cả phần đời còn lại của mình để phản đối cái mà ông coi là phi đạo đức của những người bạn lập trình viên của mình, và nói về nó cùng với những trải nghiệm của ông khi còn ở trong trại tị nạn của Đức Quốc xã.
Trong nghiên cứu đồ sộ của ông về chống trí tuệ nhân tạo từ giữa những năm 70, “Sức mạnh của Máy tính và Lí trí của Con người”, ngài Weizenbaum đã mô tả khung cảnh ở phòng thí nghiệm máy tính. “Những chàng trai trẻ sáng sủa với đôi mắt lấp lánh có thể được nhìn thấy bên cạnh các bàn điều khiển máy tính, cánh tay họ căng lên, sẵn sàng gõ phím, chuẩn bị tinh thần tấn công bằng các nút bấm và bàn phím, nơi mà sự tập trung của họ còn hơn cả con bạc với xúc xắc,” ông đã viết vậy. “Họ chỉ tồn tại, ít nhất là khi tập trung vào làm việc, qua máy tính và cho máy tính. Đây là những kẻ quỵ lụy máy tính, những con nghiện lập trình.”
Ông tỏ ý lo ngại về họ như những sinh viên trẻ thiếu quan điểm về cuộc sống và sợ rằng những linh hồn gặp khó khăn này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta. Nhưng cả ngài Weizenbaum và ngài McCarthy đều không đề cập đến việc thế hệ hậu duệ này hầu như đều là những người da trắng, với sự thiên vị hơn cho những người giống như họ. Nói gọn lại là họ không thể từ bỏ ý muốn kiểm soát những gì xuất hiện trên màn hình của họ. Ngài Weizenbaum viết: “Không nhà viết kịch nào, không đạo diễn nào, không hoàng đế quyền lực nào từng có khả năng và điều kiện tuyệt đối để sắp xếp toàn bộ sân khấu, dàn trận toàn bộ trên chiến trường và điều khiển tất cả đội quân của mình.” (Ý là các lập trình viên ngày nay có quyền lực cực mạnh)
Chào mừng đến Thung lũng Silicon, 2017.
Đúng như ngài Weizenbaum lo ngại, các nhà lãnh đạo công nghệ ngày nay đã phát hiện ra rằng mọi người tin tưởng vào máy tính và thèm khát những khả năng của nó. Các ví dụ của việc thao túng từ Thung lũng Silicon thì nhiều vô kể: thông báo hiển thị, thổi giá, gợi ý kết bạn, gợi ý phim cùng thể loại, những người mua thứ này thường sẽ mua cả thứ kia. Ngay từ đầu, Facebook đã nhận ra rằng có một trở ngại khiến mọi người không truy cập website liên tục. “Chúng tôi tìm ra một con số ma thuật, đó là bạn cần tìm 10 người bạn”, ngài Zuckerberg nhớ lại hồi 2011. “Và một khi bạn đã có 10 người bạn, bạn sẽ có nội dung đủ tốt trên Dòng thời gian trong một khoảng thời gian vừa đủ để bạn muốn quay lại trang web.” Facebook sẽ thiết kế trang của họ sao cho những người mới truy cập có thể hiểu rằng trang này chỉ có mục đích tìm “bạn”.
Quy luật 10 người bạn là một ví dụ về phong cách thao túng ưa thích của các công ty công nghệ, hay còn gọi là hiệu ứng mạng lưới. Mọi người sẽ sử dụng dịch vụ của bạn — dù nó có tệ thế nào đi nữa — nếu những người khác cũng sử dụng dịch vụ của bạn. Nghe có vẻ hơi trùng nhưng lại được kiểm chứng một cách chính xác: Nếu mỗi người đều dùng Facebook, thì mọi người sẽ dùng Facebook. Bạn sẽ phải làm mọi cách để giữ mọi người ở lại trang, và nếu bạn có đối thủ, thì hoặc là đối thủ phải bị đè bẹp, hoặc là sẽ cúi đầu chịu bán mình cho bạn.
Chúng ta cần phá vỡ sự độc quyền trực tuyến này vì nếu quyết định mua hàng, giao tiếp, học hỏi và tiếp cận thông tin chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ, thì liệu chúng ta có kiểm soát được xã hội này hay không?
Sự tăng trưởng trở thành động lực quan trọng — cái gì đó quý giá vì chính nó, chứ không phải thứ mà nó mang lại cho thế giới. Facebook và Google có thể mang lại những lợi ích lớn lao từ mỗi người sử dụng, một khối lượng thông tin cực lớn, nhưng sự thống trị thị trường như vậy cũng có những hạn chế rõ ràng, chứ không hẳn chỉ là sự thiếu cạnh tranh trong thị trường. Như ta đã thấy, sự tập trung thái quá của tài sản và quyền lực là mối nguy cho nền dân chủ của chúng ta, bằng cách để ngoài tầm mắt một số người và một số công ty (có khả năng thao túng).
Bên cạnh sức mạnh của họ, các công ty công nghệ có một công cụ mà các ngành công nghiệp khác không hề có: sự tử tế rộng rãi của công chúng. Chống lại Thung lũng Silicon nghe như chống lại sự phát triển, kể cả khi sự phát triển đó nghĩa là độc quyền trực tuyến; tuyên truyền bóp méo cuộc bầu cử; xe hơi và xe tải không người lái đe dọa xóa bỏ hàng triệu việc làm; sự Uber-hóa đời sống công sở, nơi mà mỗi chúng ta phải tự bảo vệ mình trong một thị trường không hề có lòng thương xót.
Khi mọi thứ trở nên rõ ràng, những công ty này không xứng đáng được hưởng lợi ích của sự nghi ngờ. Chúng ta cần những luật lệ chặt chẽ hơn, kể cả khi nó cản trở chúng ta sinh ra những dịch vụ mới. Nếu chúng ta không thể ngăn chặn những đề xuất mới — ví dụ như những chiếc xe tự lái không phải là một mục tiêu xứng đáng chẳng hạn — thì liệu có thể nói rằng chúng ta có đang kiểm soát xã hội hay không? Chúng ta cần phá vỡ sự độc quyền trực tuyến này vì nếu quyết định mua hàng, giao tiếp, học hỏi và tiếp cận thông tin chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ, thì liệu chúng ta có kiểm soát được xã hội này hay không?
Vì quá tò mò, hôm nọ tôi có tìm kiếm “điện thoại di động” trên Google. Trước khi tìm thấy một bài báo nào đó về điện thoại di động, tôi đã phải kéo xuống hàng trang quảng cáo về nó và danh sách các mẫu mã đang giảm giá, hướng dẫn đặt mua và bản đồ các cửa hàng bán điện thoại, đâu đó tất cả khoảng 20 kết quả quảng cáo. Có lẽ ở một nơi nào đó, cặp sinh viên đôi bạn cùng tiến khác sẽ hét lên: “Thấy chưa! Tôi đã bảo mà!”.
Nếu bạn thích bài viết này (kể cả khi đang không mặc quần và ngồi tâm sự với em bồn cầu), hãy "chào cờ"🔼 để cho mình thêm động lực, và để thật nhiều người cùng đọc bài viết này nhé!
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất