Lưu ý
Bài viết là góp nhặt từ kinh nghiệm chủ quan lập kế hoạch hàng năm của FME Blog. Mong nhận được góp ý, bổ sung từ mọi người. Mọi thông tin xin gửi đến [email protected]. Xin cảm ơn!

Lập kế hoạch hàng năm - xin đừng chỉ quan tâm đến doanh thu, chi phí, ngân sách

Nếu từng được tham gia vào việc lập kế hoạch hàng năm, chắc bạn sẽ không ngạc nhiên rằng phần lớn việc này sẽ được dẫn dắt bởi bộ phận tài chính, và đối thoại chủ yếu sẽ là tăng số nào, giảm số nào, % ra sao. Và kết quả lúc nào cũng sẽ được trình bày trong một hay nhiều file Excel ngân sách (budget/forecast) khô khan.
Đành rằng file Excel ngân sách (budget/forecast) là một trong những kết quả quan trọng trong quá trình lập kế hoạch hàng năm, nhưng lập kế hoạch hàng năm có nhiều thứ hay ho hơn thế.
Lập kế hoạch cho năm mới còn là cơ hội để suy xét các mục tiêu chiến lược, đánh giá sự phát triển của công ty và định hướng chiến lược cho (những) năm tiếp theo. Kế hoạch tài chính chỉ đơn thuần là kết quả của quá trình lập chiến lược cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, và nếu có hơn nữa thì chỉ là thước đo định lượng đánh giá hiệu quả khi thực hiện chiến lược này. Sơ đồ bên dưới phần nào thể hiện bức tranh đầy đủ của việc lập kế hoạch chiến lược.
<i>Ngân sách là kết quả của việc hoạch định chiến lược, không phải là mục đích</i>
Ngân sách là kết quả của việc hoạch định chiến lược, không phải là mục đích

Lập kế hoạch hàng năm – mỗi công ty mỗi cách

Khó mà nói được lập kế hoạch như thế nào là tốt nhất. Việc này còn phụ thuộc nhiều vào đặc trưng cụ thể từng doanh nghiệp. Ở đây, FME Blog xin phép được chia sẻ quan sát (không có hàm ý so sánh hay khen chê) về việc lập kế hoạch của một doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp tư nhân trong nước.
<i>Văn hóa vận hành, quản lý quyết định phương thức lập kế hoạch hàng năm</i>
Văn hóa vận hành, quản lý quyết định phương thức lập kế hoạch hàng năm

Mô hình lập kế hoạch kinh doanh hàng năm FME Blog đề xuất

Cân nhắc đến thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, FME Blog đề xuất mô hình lập kế hoạch hàng năm như hình bên dưới, xem như là gợi ý để mọi người bắt đầu nghĩ về việc lập kế hoạch kinh doanh hàng năm như một công tác quan trọng và rộng lớn hơn phạm vi những file Excel ngân sách.
<i>Lập kế hoạch kinh doanh bắt đầu với việc xem lại tầm nhìn, sứ mệnh và kết thúc bằng việc đã đặt ra KPI cho từng thành viên trong doanh nghiệp.</i>
Lập kế hoạch kinh doanh bắt đầu với việc xem lại tầm nhìn, sứ mệnh và kết thúc bằng việc đã đặt ra KPI cho từng thành viên trong doanh nghiệp.

Vài thảo luận khác về việc lập kế hoạch kinh doanh

1. Chọn Top-down vs. bottom-up?

Lập kế hoạch kinh doanh từ trên xuống (top-down) sẽ nhanh, thống nhất nhưng có thể thiếu tính cam kết. Kế hoạch kinh doanh được lập từ dưới lên (bottom-up) đòi hỏi nhân sự cấp trung có kỹ năng, kinh nghiệp lập ngân sách và cần nhiều thời gian hơn, nhưng bù lạ sẽ đảm bảo có được góc nhìn, thông tin từ nhân sự trực tiếp vận hành và có tính cam kế cao hơn. Việc lựa chọn nên tùy văn hóa thực tiễn tại doanh nghiệp.

2. Dựa trên số liệu lịch sử vs. xây mới hoàn toàn?

Ngoại trừ doanh nghiệp đang có nhiều thay đổi lớn đột phá trong mô hình kinh doanh, việc lập kế hoạch kinh doanh thông thường nên dựa vào số liệu lịch sử để tham chiếu và xây dựng.

3. Thời gian nào là thích hợp để bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh?

Tập đoàn nước ngoài cần nhiều thời gian để thảo luận, chốt, hợp nhất nên thông thuờng sẽ bắt đầu sớm, có thể vào tháng 8-9 hàng năm. Với doanh nghiệp tư nhân, khoảng thời gian tốt nhất để bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh là khi gần như xác định được kết quả kinh doanh của năm hiện tại, thông thường là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12.

4. Khi nào thì cần đánh giá, xem xét việc thực hiện kế hoạch?

Kế hoạch kinh doanh chỉ có ý nghĩ khi được theo dõi định kỳ hàng tháng nhằm so sánh thực tế và kế hoạch. Định kỳ (có thể hàng quý, hoặc nửa năm), nên xem xét và hiệu chỉnh chiến lược. Nếu có biến động lớn trong kinh doanh, việc hiệu chỉnh có thể thực hiện ngay khi đó.

5. Tạo lập “văn hóa ngân sách”, nên hay không?

“Văn hóa ngân sách” hiểu theo đơn giản là doanh thu và chi phí của từng phòng ban phải tuân thủ chặt chẽ ngân sách được đặt ra đầu năm, không cho phép chênh lệch bất lợi (ví dụ doanh thu thấp hơn ngân sách, chi phí nhiều hơn ngân sách). Ngân sách là bức tranh thể hiện chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Chiến lược và kế hoạch kinh doanh thay đổi thì ngân sách sẽ thay đổi theo cho phù hợp. Ngân sách không nên cố định và có thể tùy biến theo thay đổi của kinh doanh.
Cảm ơn đã đọc hết bài viết. Nếu có góp ý hoặc có câu hỏi cho FME Blog, xin liên hệ [email protected]
Link bài viết gốc