Những ngày Hà Nội đương hè, tôi đã thầm nghĩ về thu. Cũng khó tránh, những áng văn thu Hà Nội luôn đầy rẫy trên mạng, bất kể mùa. Thu Hà Nội gần như trở thành một hình ảnh bất động, bất biến và tương đối giống nhau. Những con đường Phan Đình Phùng phải mát mẻ rợp bóng cây, những hồ Tây phải xanh biếc, hồ Gươm phải có cành liễu rủ. Những đôi yêu nhau, tay đan đan và miệng cười cười, đêm đêm rảo bước nhanh qua những ngõ phố và ra cầu Long Biên hóng gió... Hầu hết những áng văn đều đi tìm an yên, nếu không thì cũng tìm một mảnh ký ức trầm ngâm hoang hoải nào đó. Những đoạn tạp văn về Hà Nội mùa thu gần như đã trở thành một thể loại của chính nó, một thể loại khó hiểu, khó giải thích nhưng lại vô cùng dễ bắt chước. Dưới những con chữ an yên, an nhiên, bình yên, bình an đó, tôi thầm nghĩ, đều có một sự vội vàng. Một sự vội vã để tạo ra một đoạn văn. Một sự vội vã trong cảm nhận thu Hà Nội. Một sự… hớt ngọn.
“Này nhé”, tôi nghĩ, “thu Hà Nội đương nhiên là phải đẹp. Nó dĩ nhiên đẹp và dĩ nhiên trong. Chúng tôi, những người đã ở đây lâu thật lâu, còn gì để nói khi nhìn những áng văn miêu tả một thứ quá rõ ràng và chẳng có thêm chút bổ sung nào như vậy ngoài một cái nhún vai? Có gì về thu Hà Nội mà Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Thạch Lam và, ở một mức độ thấp hơn, Băng Sơn, chưa nói? Còn gì để nói về thu Hà Nội nữa? Tất cả những áng văn thu bây giờ đều giông giống nhau, và đều toát lên một ham muốn tận hưởng thu rất… quê mùa. Một sự đặc tả với cảm xúc của các bạn, vâng. Các bạn tả thu Hà Nội như chính nó, tức là rất đẹp, rất hay và rất thi vị, đúng vậy, hoàn toàn không sai. Nhưng với tôi, nó chẳng có chút gì mới mẻ hay có tý cảm xúc nào đặc biệt của từng cá nhân cả. Tất cả những tạp văn về thu Hà Nội đâu đó đều giống những bức tranh siêu thực. Nghĩa là nó giống hệt một bức ảnh, giống hệt cái nó muốn tả, nó chẳng có gì khác. Nó chẳng cho người ta chỗ để mà tưởng tượng, vì nó chẳng mang lại những gì mới ngoài những thứ miêu tả về thu như nó vốn là và vẫn luôn thế. Mà các bạn biết đấy, giờ tranh siêu thực chỉ thường để vẽ người chết! Hà Nội đã chết đâu? Hà Nội vẫn sống mà? Tại sao phải khắc hoạ bức truyền thần về thu Hà Nội, ngày này qua tháng khác, trong khi Hà Nội vẫn sống nhăn thế kia? Chỉ có những người mới vài lần thấy thu Hà Nội, những người chẳng quen với tiết trời đó mới thèm thuồng nó như vậy. Chẳng trách được, nhưng cũng chẳng quý nổi. Thật hớt ngọn. Thật quê mùa”.
Tôi đã thầm nghĩ, một ý nghĩ rất đắc thắng, rất “thầm thì” như vậy. Rồi suy nghĩ đó, với cái tiết trời mùa hè nhiều mưa và oi ẩm, cứ nhanh nhẹn bén rễ và mọc lên như cây lau của anh thợ cắt tóc cho nhà vua Midas. Tôi khiếp sợ thu Hà Nội. Tôi khiếp sợ những áng văn về mùa thu, trời trong vắt và Hồ Tây và mặc áo hoodie và mọi thứ. Những suy nghĩ tiêu cực đó cứ đâm lên, đâm lên. Ngọn lau mềm cùng những lời thầm thì tiêu cực cứ xoa xoa vào tâm trí tôi, một thứ cù kì ve vãn đầy hiềm khích.
Rồi… Thu đến.
Các bạn biết không, từ bé tôi đã tự hỏi liệu trời chuyển mùa thế nào? Từ hạ sang thu, liệu nó sẽ từ từ chuyển mình như một lò than nguội dần rồi âm ỉ, hay nó sẽ đột ngột rùng mình một cái như tiếng sắt nung chạm nước? Vậy là từ bé tôi đã ngồi đếm mùa. Tôi xem xem, liệu có thật là chúng ta biết khi nào trời đã vào hè, vào thu rồi không? Và thu Hà Nội luôn luôn đến đột ngột. Tức là, bạn có thể cảm nhận được nó. Chẳng có gì nghi ngờ nữa, rõ ràng như chính bầu trời trên kia: Thu đã đến.
Năm nay thu đến vào ngày 07/10.
Thu đến. Tôi kinh ngạc. Tôi không ngờ thu… đẹp như vậy. Tôi có thể chê cười những người mới thấy sự đẹp đẽ của thu Hà Nội đôi ba lần là sống vội vã, nhưng khi nó thực sự đến… Ôi, trời này sao mà không ra ngoài cho được? Trời sáng, rõ ràng và minh bạch, ánh nắng lan phủ nơi nơi. Nhưng lại chẳng hề nóng: chỉ cần ghé vào dưới một tán cây bất kỳ, cả người như đã có một làn gió thổi quanh, nhẹ nhàng và trong sạch. Trong sạch, biết bao lâu rồi mới có thể dõng dạc nói cái từ đó ở đất Hà Nội mù sương bụi cả sáng đến tối? Thế mà thu đến, đi quanh những con phố cổ, thậm chí là ra cả Trường Chinh, Giải Phóng đi, trời cũng cao hơn và bụi cũng lắng dần lại. Và khi bạn đi quanh những triền đê dài bên bờ sông Hồng, sông Đuống… thì làn gió se se mát kia lại quấn quanh người, quanh cổ, vuốt lên mặt bạn như một làn nước lạnh trong lành mà bạn chỉ muốn mau mau trầm mình vào trong những ngày hè.
Bà nội, đã già và yếu hơn xưa nhiều, nhìn trời cũng cảm thán: “đẹp quá, hay cho bà bám con vào phố nhé?
Bà và em trai ở đền Kim Ngưu
Bà và em trai ở đền Kim Ngưu
Và cứ thế, chỉ việc gọi với hơi to để cậu em trai đang mải chơi Switch thay đồ thôi, là ba bà cháu đã lên đường. Vẫn là con xe 82 cũ ông nội để lại, giá bao nhiêu cũng không bán. Cọc cạch nhưng dùng được. Đầu tiên là về căn nhà cũ trên Hàng Buồm. Bà muốn thăm những người hàng xóm cũ còn hai anh em muốn đi chơi phố phường. Con ngõ nhỏ trong phố, vào thu trở nên thân thiện hơn. Vẫn sâu và lạnh, nhưng giữa hai vàng vọt bức tường ri ri những mạch điện và máy đo nước, tôi thấy được ôm ấp. Một cảm giác chào đón, một cuộc phiêu lưu mới khi, ô kìa, đi hết những dãy tường kia, là một giếng trời to to giữa những căn nhà nhỏ nhỏ. Vài chú chim trong lồng hót trong những chuồng cọp đan xen, nhô ra, chìa ra, bám cuộn vào nhau. Những người dân nhìn xuống và chúng tôi nhìn lên. Những người bạn già, kẻ còn người mất, và con cái họ, kẻ ở người đi. Những người lạ cu cũ và những người thân mơi mới. Tất cả, trong tiết thu Hà Nội, có gì đó thân mật hơn, một thứ thân thiết xởi lởi xã giao khó hiểu. Có lẽ vì trời mát nên họ bớt phải dè chừng? Hay vì trời mát nên chính lòng tôi mới dễ bỏ những lớp phòng thủ?
Rồi chúng tôi ra đền Kim Ngưu. Đi khắp dọc đường, bà kể về những Đồng Xuân, những Hàng Đậu và những huyền thoại của ông và bà. Bà kể, này nhé, ở cạnh phủ Tây Hồ bây giờ ấy, trước có hàng bún ốc ngon lắm! Giờ nhìn ra đã đến dăm bảy hàng. Dở khóc dở cười, cũng kệ chứ biết làm sao. Bà và em trai tôi chơi trong đền giữa một tiết trời chẳng mệt. Tôi rảo bước ra ngoài chọn bừa một hàng bánh tôm. Ngày bé, tôi nhớ, ông dẫn tôi ra đây trong một ngày xuân hồng, ông vui còn tôi đói lả. Ông hình như cũng đỗ lại đây, hai ông cháu nhìn ra hồ Tây mịt mờ sương và ăn bánh tôm. Vẫn là cái bánh tôm ngon nhất tôi từng ăn. Giờ đây, cũng chỗ này, ăn lại một cái bánh tôm, thấy đầy dầu và hình như còn ôi ôi. Hỏi giá mới biết 14 cành. Hơi buồn, nhưng thôi, chẳng nên bấu víu vào những chuyện xưa.
Đêm đến, chúng tôi về. Xa xa kia, trên cầu Long Biên, là trăng. Trăng tháng tám âm to và vàng rực, bỏng gắt giữa nền trời đêm. Trăng khuyết dần sau rằm, vài đám mây nhỏ quấn quanh khiến trăng có một cái “đáy”, bẹt ra bên dưới và lủng mất một mảnh bên trên. Tôi đứng lại, giữa một quãng nghỉ trên cầu Long Biên, nhìn xuống dưới và nhìn lên trên. Trăng như chảy ra, chảy xuống sông Hồng êm ả đều đặn vỗ, như một tấm bạt sẵn sàng đón trọn những cái tinh tuý nhất của mặt trời trong đêm. Tôi chợt nghĩ, khi trăng lặn, liệu trăng có biến mất giữa hai lớp đáy sông Hồng mà xuất hiện đêm tiếp theo ở nơi nào rất khác, và lại lủng một lỗ to hơn không?
Vậy đấy. Trời thu Hà Nội… Nó dễ đoán thật. Nó chẳng có gì ngoài những cái đèm đẹp mà bao nhiêu người đã nói, và tôi chắc gì đã nói hay hơn họ hoặc mới hơn họ? Nhưng Thu Hà Nội, giống như một người bà, lại nuông chiều những sự sến sẩm trẻ con và cả những tình cảm bí mật kia vào mà vỗ về. Những người bà, tôi nghĩ, lúc nào cũng dễ đoán. Bà lúc nào cũng nói mấy chuyện ai cũng biết rồi và khuyên nhủ những câu ai cũng nghe rồi. Thế mà, khi đối diện với bà, lòng con cháu cứ mủn ra. Ai lại dám trách bà vì bà dễ đoán cơ chứ? Ai, nhìn thấy bà giang tay ra chào đón, lại có những suy nghĩ kinh sợ như cây sậy trong gió? Lúc đó chỉ còn biết yêu thôi. Yêu cả những thứ giống hệt, những thứ bất biến, những thứ mình đã trải qua bao năm rồi. Cũng giống như mấy món của bà, chẳng có gì đặc sắc, thế mà vẫn không tài nào nhái được, mà ăn vào vẫn thấy lòng ấm sực lên. Thu Hà Nội cũng vậy, cũng toàn những thứ kinh điển, những thứ mình tưởng chừng đã quá quen, thế mà khi thu về thật sao vẫn náo nức hết cả lòng. Lúc đó, nào có người quê, người tỉnh, cháu nội hay cháu ngoại gì chứ? Chỉ có bà, nhìn thấy bà là đã mềm cả lòng ra. Nhìn thấy thu là đã mềm cả người đi. Thu ơi, thu mềm quá!