Khủng bố (lại) tấn công châu Âu. Nghi phạm (lại) là một tổ chức khủng bố Hồi giáo. Đó chỉ là cái cớ để tôi kể một câu chuyện khác về họ.

Những người Hazara, một tộc người ở miền trung Afghanistan, có câu thành ngữ: tang amad, dar jang amad, dịch ra tiếng Anh có nghĩa là he who is cornered must fight, một cách nôm na theo tiếng Việt bạn có thể hiểu: con giun xéo lắm cũng quằn.

Tháng 8 năm 1998, phiến quân Taliban chiếm được Mazar-e-Sharif, điều đó đồng nghĩa với việc người Hazara đã chính thức đầu hàng. Chỉ 3 năm sau, quân Taliban dùng mìn phá hủy tượng Phật ở Bamiyan đã hơn 1700 năm tuổi. Tượng Phật nằm trên Con đường Tơ lụa, con đường gắn liền với ngàn vạn truyền thuyết giao thương giữa Trung Hoa và Tây Á.

Hàng thế kỷ văn hóa sụp đổ chỉ trong một giây. Người ta vẫn gọi đó là một tội ác.

Đây chính là Taliban trong mắt chúng ta:

Họ cai trị bằng thứ luật hồi giáo Sharia hà khắc tới ngu xuẩn. Phụ nữ không được đi học. Khi họ bị bệnh, họ cũng không được vào những bệnh viện thông thường. Họ sẽ được đưa vào một bệnh viện không có đến cả thuốc gây tê. Một thành phố không có âm nhạc. Không có phim ảnh. Thả diều: Cấm. Bóng đá: Cấm. Tivi: Cấm. Những kẻ may mắn kiếm được một chiếc tivi thì buộc lòng phải chôn chúng xuống đất mỗi khi lính Taliban đi lục soát. Thành phố gì mà lại như vậy? Chỉ có thể nói đó là một thành phố chết.

Và để thấy tất cả những hình ảnh tàn khốc ấy, bạn chỉ cần mở một trang bất kỳ trong 1/3 phần cuối cùng của Ngàn mặt trời rực rỡ.

Tôi không biết Mullad Mohammed Omad giải thích tất cả mọi chuyện ra sao, nhưng nói về tượng Phật ở Bamiyan, y cho biết:

"Tôi không có ý định hủy diệt tượng Phật Bamiyan. Thực tế thì, có một vài người ngoại quốc đến nói với tôi rằng họ muốn tu sửa lại bức tượng đã bị bào mòn chút ít bởi những cơn mưa. Điều đó làm tôi bị sốc. Tôi nghĩ, những kẻ vô cảm đó không quan tâm tới hàng ngàn người đang sống ngoài kia - những người Afghan đang chết dần vì cơn đói, cái mà họ quan tâm tới lại là một ông Phật vô tri vô giác. Thật khủng khiếp. Đó là lý do tôi đã ra lệnh phá hủy nó."

Tôi không muốn nói gì thêm về chuyện này. Mỗi người nên giữ sự phán xét cho riêng mình.

Một điều mà ít người biết tới, đó là có cả một dòng thơ mang tên Taliban. Thơ ca là một phần trong đời sống người Afghanistan, hiếm có người Afghan nào lại không thể đọc được những bài thơ của Hafez hay Bedil. Cũng giống như vô vàn những người Afghan khác, lính Taliban cũng yêu thích thơ ca. Trong một bài báo mang tên "Những cây sáo trúc và thuốc súng", nhà báo Thomas Ruttig trích dẫn lại một vài đoạn thơ mà lính Taliban đã viết:

"Cổ họng tôi sặc mùi khói đạn

Để thế giới ngọt như đường phèn

Từ bóng đêm và nỗi buồn vô hạn

Để thế giới sáng lên với lòng hào phóng"

Trong một bài thơ khác, người lính Taliban kể lại cảnh tượng một đám cưới bị đánh bom, chỉ vì những binh đoàn lính phương Tây tưởng nhầm đó là quân nổi dậy.

"Cô dâu trẻ ngã xuống nơi đây

Chú rể và những lời chúc phúc hóa thành vật tế

Họ tước đoạt đi những trái tim đầy ước vọng"

Người Talib cũng nói về tình yêu và nói về cuộc sống. Họ viết: "Tôi viết thơ, nhưng tôi không viết thơ về người yêu dấu của tôi. Tôi sẽ không nói về đôi môi bé nhỏ và gò má ửng hồng của nàng.". Nhưng chẳng phải khi họ đã viết ra như vậy thì chính là họ đã nói đến tình yêu đó hay sao?

"Trong khoảnh khắc ấy, khi bài ca tắt ngấm, khi người nhạc sĩ ngủ say

Trong khoảnh khắc ấy, khi Imam giữ lấy niềm tin bất tận

Trong khoảnh khắc ấy, khi người nghệ sĩ rọi sáng đêm đen cùng cây đàn rubab

Trong khoảnh khắc ấy, khi cơn gió hòa mình vào những lời thỉnh nguyện

Trong khoảnh khắc ấy, khi con chim sẻ đậu im lìm trên giáo đường

Trong khoảnh khắc ấy, khi cậu bé con bước vào hai tay giữ kinh Qu'ran thật chặt

Một số người sẽ giữ niềm tin

Một số người sẽ rồi đánh mất."

Nếu như bạn hoàn toàn không biết đó là một bài thơ Taliban, tôi nghĩ bạn sẽ thấy nó thật đẹp và thật hay.

Tôi không biết điều gì đã sai ở đây. Taliban đã sai, hay chúng ta đã sai. Tôi chỉ nhớ cái ngày mà Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, hàng triệu triệu người cũng gọi đó là ngày American Idiot thêm một lần nữa thành hiện thực, và sau đó, hàng triệu triệu người tìm đến thơ ca. Tờ Huffington Post còn đăng một bài báo: 18 bài thơ giúp bạn vượt qua những thời đại bất an. Người ta nhắc lại Emily Dickinson, và cả Maya Angelou nữa. Một bài thơ của Wendy Cope được tất cả cùng chia sẻ.

Có lẽ mọi chuyện thật khó hiểu. Cũng có thể nó dễ hiểu thôi. Có thể tất cả chẳng bên nào đúng, như nhân vật chính trong The Lobster bước vào một khách sạn kỳ lạ với quy định bắt buộc phải tìm được một bạn tình, nếu không sẽ bị hóa thành một con vật, để rồi khi ông thoát được ra, chạy vào một khu rừng, ông lại nhập vào những kẻ lang thang với một điều luật khác: mãi mãi không bao giờ được yêu bất cứ ai.

Và không hiểu sao, khi nghĩ tới những người Talib, tôi bỗng nghĩ tới Frida Kahlo và những bức tranh tự họa đầy nỗi đau về tinh thần và thể xác. Vậy, mà trong bức tranh cuối cùng của cuộc đời, bà đã vẽ những trái dưa hấu và thêm vào dòng chữ, Viva la vida, Muôn năm cuộc đời. Hoặc giả như Leonard Cohen luôn đắm chìm trong tuyệt vọng, vậy mà trong những năm cuối cùng ông đã viết: There's a crack in everything, that's how the light gets in.

Người Hazara có câu: tang amad, dar jang amad. Cuối cùng, đó là điều duy nhất không bao giờ sai. Luôn có một ai đó chiến đấu chống lại một điều gì đó. Người Taliban chống lại người Xô Viết và người Mỹ đánh người Taliban. Thần Chết luôn lên tiếng. Chúa thì im lặng. Người hiệp sĩ Thập tự chinh trong The Seventh Seal chỉ có thể đánh cờ với Tử thần. Còn Chúa ở đâu? Ngay trong nhà thờ cũng không hề thấy người xuất hiện. Chỉ có những bức tượng với đôi mắt người rỉ máu. Những bức tượng không chết đi, trong khi con người đều phải chết.

Chúng ta đều biết đó là một nỗi đau.

Hiền Trang