VARANGIAN GUARD – BIỂU TƯỢNG SỨC MẠNH CỦA ĐÔNG LA MÃ - BYZANTINE
Varangian Guard – đội ngự lâm quân bảo vệ hoàng đế Đông La Mã - Byzantine từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14 – một trong những đội quân tinh...
Varangian Guard – đội ngự lâm quân bảo vệ hoàng đế Đông La Mã - Byzantine từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14 – một trong những đội quân tinh nhuệ bậc nhất châu Âu và tiểu Á trong thời kỳ Trung Cổ. Dũng mãnh, thiện chiến, được trang bị giáp dày, khiên nặng và vô cùng dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Varangian Guard từng là biểu tượng cho sức mạnh nhuốm màu thần thánh của đế quốc Đông La Mã. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, họ dần chìm vào quên lãng, không nhiều người còn biết đến lịch sử oai hùng của cái tên Varangian.
- Nguồn gốc tên gọi Varangian.
Năm 476 SCN, thành phố vĩnh hằng Rome – kinh đô của đế quốc Tây La Mã thất thủ, đánh dấu ngày tàn của những người La Mã ở phía Tây thì ở phía Đông, Đông La Mã tiếp tục tồn tại và trở thành một trong những đế quốc hùng mạnh bậc nhất châu Âu trung cổ - Byzantine. Kinh đô Constantinople ngày càng giàu có với vô số những cung điện, nhà thờ nguy nga, tráng lệ và cũng trở thành mục tiêu số một đối với những đội quân sống bằng cướp bóc đến từ phương Bắc – người Viking. Sau khi chinh phục lưu vực sông Dniepr và thành lập vương quốc Kievan Rus, người Viking bắt đầu biết đến Constantinople mà người Slavơ gọi là Miklagard – the Great City, từ đó họ liên tục tổ chức những cuộc tấn công cướp bóc xuống phía Nam nhắm vào kinh đô của đế quốc Đông La Mã, quân đội Viking được đề cập trong lịch sử người La Mã dưới cái tên Varangian.
Một số nguồn không chính thống cho rằng, Varangian xuất phát từ tên gọi mà người Hy Lạp và Slavơ dành cho người Viking từ vùng Scandinavia, ít ai chú ý đến ý nghĩa thực sự của nó. Varangian trong tiếng Viking cổ Væringjar gồm 2 thành phần vár “lời thề” và gengi “hiệp hội”, từ đó có thể hiểu, Varangian nghĩa là “Hội đồng thề” – một tuyên thệ của những chiến binh Viking, biểu hiện cho lòng dũng cảm, sức mạnh và ý chí chiến đấu.
- Sự thành lập của Varangian Guard.
Năm 874 SCN, sau một thời gian dài xung đột, cuối cùng Đông La Mã và Kievan Rus cũng đi đến một hòa ước, cho phép Varangian gia nhập quân đội La Mã với tư cách những lính đánh thuê và ngược lại, Chính thống giáo phương Đông được truyền bá vào khu vực Đông Âu. Nhiều nguồn sử liệu đã đề cập đến sự xuất hiện của Varangian chiến đấu cho quân đội La Mã trong những chiến dịch ở Crete năm 902, Italia năm 936 và Syria năm 955. Tuy nhiên, phải đến năm 987, đội ngự lâm quân Varangian Guard mới chính thức được thành lập sau khi cuộc nội chiến Hy Lạp kết thúc.
Năm 987, cuộc nội chiến Hy Lạp nổ ra, Vardhas Phokas nổi dậy chống lại hoàng đế Basil II và dẫn quân tiến về Constantinople. Được sự hỗ trợ của 6000 quân Varangian, Basil II đã đánh tan quân nổi dậy. Ấn tượng với sức mạnh và lòng quả cảm của những chiến binh Varangian, hoàng đế La Mã đã hết mực trọng thưởng và biến họ trở thành đội ngự lâm quân Varangian Guard, biểu tượng cho sức mạnh của hoàng đế Đông La Mã. Varangian Guard tiếp tục tham gia hàng loạt những chiến dịch quan trọng từ Levant tới Georgia và dành nhiều thắng lợi to lớn, họ dần trở thành lực lượng nòng cốt trong quân đội Byzantine sau này.
- Lính đánh thuê hay ngự lâm quân?
Dù là một đội quân đánh thuê, chỉ chiến đấu cho những ai trả tiền cho mình, nhưng Varangian Guard lại cho thấy họ có một lòng trung thành tuyệt đối với Hoàng đế La Mã. Năm 1081, Alexios Kommenus, người về sau trở thành hoàng đế Aleixos I, tiến hành đảo chính lật đổ hoàng đế tại vị khi đó là Nikephoros III và dẫn quân đến trước cổng Constantinople. Mặc cho bị áp đảo về mặt quân số, đội ngự lâm quân Varangian Guard đã lựa chọn trung thành đến phút cuối cùng với hoàng đế của mình. Tuy nhiên, Nikephoros III quyết định thoái vị và Alexios vẫn giữ lại Varangian Guard như một sự ban thưởng cho lòng trung thành của họ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ vẫn chỉ là được nhắc đến như một đội quân đánh thuê đơn thuần? Điều đó dựa trên thực tế chính trị và lịch sử của Byzantine, khác với những đội ngự lâm quân thông thường, Varangian Guard không chịu ảnh hưởng từ giới cầm quyền, không phục vụ cho bất cứ một mưu đồ chính trị nào, họ chỉ nhận lệnh trực tiếp từ hoàng đế và luôn có mặt trong những cuộc xung đột với các nước láng giếng.
- Varangian Guard đến từ Anh quốc.
Năm 1066, William de Conqueror chinh phục nước Anh, mở ra thời đại thống trị của người Norman ở đảo quốc xương mù. Giới quân sự Anglo – Saxon không muốn sống dưới sự cai trị của người Norman đã ra đi và bến đỗ mới của họ là Byzantine. Tại đây họ được chào đón nhiệt liệt, hoàng đế Byzantine còn xem đó như một biểu hiện cho lòng trung thành của những người lính Anglo – Saxon năm xưa từng phục vụ trong quân đội của đế chế La Mã.
10 năm sau trận Hastings, một nhóm Varangian Guard người Anh đã có cơ hội trả lễ người Norman khi quân đội Byzantine chạm trán vương quốc Sicily – vương quốc Norman phía Nam. Tuy nhiên vì quá háo hức “báo thù”, họ rơi vào bẫy thủy triều của đối phương và bị tiêu diệt hoàn toàn.
- Có nhiều hơn hai nguồn gốc.
Chúng ta đã nói về những Varangian đến từ Đông Âu, từ Anh quốc nhưng thực tế có cả những Varangian đến từ Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển hay thậm chí là xứ Welsh. Nhưng chắc chắn rằng, những Varangian đầu tiên là những người đến từ Đông Âu, phần còn lại chỉ xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XI khi người Anglo – Saxon đến Byzantine.
Số lượng Varangian Guard đến nay vẫn luôn là một đề tài gây tranh cãi. Các sử gia lập luận rằng, hoàng đế không thể đem toàn bộ Varangian Guard ra trận, do đó số lượng đội ngự lâm quân này phải lớn hơn con số 6000 dưới thời Basil II. Tuy nhiên, con số chính thức cuối cùng vào thế kỷ XIII là 3000 người cùng với 3000 quân Vardariotai từ Hungary hình thành nên lực lượng nòng cốt của Nicaea trong cuộc chiến khôi phục Byzantine.
- Chiến thuật và trang bị.
Varangian Guard giữ vai trò gì khi lâm trận? Phải nói rằng đây là đội quân có khả năng thích nghi rất tốt với các loại đội hình và bố trí lực lượng. Vừa là lực lượng bảo vệ hoàng đế, vừa có thể đảm nhiệm vai trò tiên phong khi có các xạ kỵ Vardariotai bọc sườn lại vừa là lực lượng hỗ trợ cho bộ binh hoặc đôi khi chỉ đơn giản là chặn hậu. Điều đó phản ánh sự ưu tú và trở thành truyền thống của một chiến binh Varangian, bởi chỉ khi rèn luyện được khả năng tác chiến đa dạng như vậy, anh ta mới có thể được xem như một Varangian đích thực.
Hình ảnh thường thấy của một Varangian Guard là một người đàn ông cao lớn, được trang bị giáp nặng và trên vai là một cây rìu khổng lồ. Cây rìu này có sức mạnh đến mức người Hy Lạp phải đặt tên riêng cho nó là Pelykys, trong tiếng Hy Lạp thì Varangian Guard gọi theo tên của cây rìu là Pelykyphoroi. Pelykys dài khoảng 140 cm với phần lưỡi rìu dài 18 cm và rộng 17cm. Lưỡi rìu sẽ được thiết kế tùy theo phong cách của từng chiến binh.
Varangian Guard sử dụng giáp chain mail gồm các vòng xích đan lại với nhau bên trong và gia cố bên ngoài bằng giáp lamellar được thiết kế bằng các vảy sắt, da, … Bộ giáp này tương đối cồng kềnh, do đó, họ cố định chúng bằng một sợi dây da quanh ngực và quấn vòng qua hai vai gọi là Varangian Bra. Varangian Bra lấy ý tưởng từ chính kẻ thù của Byzantine, vương triều Sassanid của Ba Tư, giúp cố định lớp áo giáp và tăng khả năng cơ động trên chiến trường.
- Không chỉ làm những công việc của một người lính.
Bắt nguồn từ truyền thống đi biển của người Viking, chắc chắn những người lính Varangian phải có kỹ năng đi biển. Một bộ phận phục vụ trong hải quân và các lực lượng bảo vệ bờ biển chống lại hải tặc.
Bên cạnh đó, họ còn là những người đảm bảo trị an trên đường phố Constantinople, những người thực thi pháp luật hết sức nghiêm khắc. Một số Varangian còn đảm nhiệm công tác cai ngục với những kỹ năng tra tấn hết sức tàn bạo, nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến Erres ek Englinon “Harry from England”.
- Những gã say rượu.
Dù cực kỳ tuân thủ và vô cùng hiệu quả trong thực thi pháp luật nhưng nếu để họ đến gần rượu vang Hy Lạp thì sẽ rất khó đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Trong một trường hợp hy hữu được ghi nhận, một Varangian say rượu đã tấn công cả hoàng đế của mình bằng một chiếc chậu hoa. Ngoài ra thì họ cũng rất hứng thú với nhà thổ và các hoạt động văn hóa giải trí thể thao của người Hy Lạp.
- Muốn gia nhập Varangian Guard, phải trả phí.
Bạn phải trả tiền để gia nhập một đội quân đánh thuê? Trên thực tế, chỉ có những thành viên ưu tú và được sự bảo trợ của hoàng gia mới có thế gia nhập Varangian Guard. Số còn lại, phải trả một khoản phí cho chính quyền Byzantine để được phục vụ cho đội quân này. Tuy nhiên, sau cùng thì họ vẫn sẽ có được nhiều của cải (từ tiền thưởng và chiến lợi phẩm) hơn con số mà họ đã bỏ ra. Do vậy, dù cho có sự tồn tại của công ty lính đánh thuê Byzantine thì vẫn có không ít những chiến binh sẵn sàng bỏ tiền để trở thành một Varangian Guard.
- Harald Hardrada.
Cái tên hiển hách nhất của Varangian Guard là Harald Hardrada. Ông là một người Na Uy đã trốn chạy khỏi quê nhà sau khi thất bại trong một cuộc chiến. 500 người đi theo ông cuối cùng đã đến Byzantine và trở thành Varagian Guard, những chiến binh này sau đó đã góp công rất lớn trong chiến thằng của Byzantine trước vương triều Fatimids của Ai Cập năm 1036 khi phá hủy 80 thành lũy của quân đội Ả Rập. Bên cạnh đó, với chiến công đè bẹp quân nổi dậy ở Bulgaria năm 1041, Harald Hardrada còn được biết đến với biệt danh “Kẻ hủy diệt Bulgaria”.
Dù trở nên rất giàu có và nổi tiếng, Harald Hardrada vẫn quyết định rời khỏi Constantinople đến Kievan Rus và trở thành một hoàng tử của xứ này thông qua cuộc hôn nhân với một công chúa. Sau đó, Harald trở về Na Uy và giành lấy ngai vàng năm 1046. Năm 1066, vua Na Uy – Harald Hardrada tổ chức cuộc xâm lược cuối cùng của người Viking vào đảo Anh, làm suy yếu sức mạnh của người Anglo – Saxon, khiến họ thất bại trong cuộc chiến với người Norman, dẫn tới sự thành lập của vương quốc Anh.
/science2vn
- Hot nhất
- Mới nhất