Một ngày deadline vẫn dí và dịch bệnh vẫn đang hoành hành ngoài kia. Bỗng thấy Sài Gòn giống như một nàng công chúa năng động đang ngủ đông vậy.
Đừng hiểu lầm, đây không phải là một bài viết miêu tả Sài Gòn trong cách ly nữa đâu, bởi vì cái gì nhiều quá nó cũng không hay mà. Hôm nay Netflix đã cập nhật một số bộ phim mới, mà trong đó có một bộ phim mà tôi đã từng xem. "Thị trấn nơi chỉ mình tôi lưu lạc".
Không hiểu sao khi thấy cái tên này, nó lại gợi cho tôi một nỗi buồn khôn xiết.
Điều gì khiến chúng ta tồn tại? Một thân xác cộng hưởng với một linh hồn hay chỉ đơn giản là ta còn sống là còn tồn tại?
Với tôi, tồn tại là khi vẫn có người nhận ra sự tồn tại của mình hay chỉ cần nhớ đến mình. Tư tưởng này của tôi được ảnh hưởng khá nhiều từ CoCo - rằng người chết vẫn sẽ tồn tại cho đến khi không còn bất kỳ ai nhớ về họ nữa. Vậy nếu, chúng ta khi vẫn sống nhưng chả có ai nhớ đến mình thì như vậy có gọi là tồn tại không?
"Thị trấn nơi chỉ mình tôi lưu lạc" là một lời cầu cứu của Hinazuki, cô độc và luôn chịu bạo hành từ chính Mẹ của mình. Lần đầu tiên tôi xem tác phẩm, tôi vẫn luôn đặt câu hỏi là vì sao một cô bé mười tuổi có thể chịu đựng được một cuộc sống như vậy. Cô bé có ước mơ lớn nhất là được đến một hòn đảo hoang - nơi không có đau khổ và nổi buồn. Một hòn đảo không có người lớn và trẻ con, bạn bè, thầy cô, và cả mẹ nữa. Ở đó, cô bé có thể leo cây khi nào muốn, bơi giữa đại dương khi nào muốn, và ngủ bất kỳ khi nào muốn. Đến đây, bất giác tôi cảm nhận được sự tù túng và cô độc của Hinazuki, một sự cô độc chưa hề được thông cảm. Phải chăng bạn bè, thầy cô và cả Mẹ cô bé, đều đang bị cô bé bỏ rơi, hay... chính họ đang là người bỏ rơi cô bé.
Tôi cũng từng lưu lạc như vậy.
Khi mà tính cách của tôi chưa được hoàn thiện, và khả năng tư duy vẫn còn rất thụ động. Tôi đã từng rất lạc lõng trong một tập thể đã chừa tôi ra, tôi không nhận được sự cảm thông đến từ bất kỳ người bạn nào. Đó là khoảng thời gian khá khó khăn, nếu không phải nói là đáng sợ.
Nhưng rồi khi con người ta lớn lên, suy nghĩ chúng ta bắt đầu thay đổi, những con người xung quanh chúng ta cũng thay đổi nốt. Lứa đến lứa đi, rồi tất cả chỉ còn trong kỷ niệm được cất trong một cái hộp ký ức. Khi mà ta đã chấp nhận chúng ta, và cả những người xung quanh không hề hoàn hảo, thì đó chính là giây phút chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc không vì bất kỳ ai cả, mà là hạnh phúc vì chính bản thân mình.
Tôi biết có vẻ là bài viết hơi lan man, nhưng đây chỉ là những suy nghĩ chợt chạy ra trong đầu tôi khi bất chợt xem lại bộ phim ngày nào.
"Thị trấn nơi chỉ mình tôi lưu lạc", có lẽ tôi sẽ kể rõ hơn về tác phẩm này trong bài viết khác. Nó gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng.