MỞ ĐẦU.
Tỉnh dậy sau một đêm dài mệt mỏi. Mình nằm yên mãi trên giường nghĩ vẫn vơ đủ thứ đã diễn ra trong cuộc đời như một thước phim sống động trôi xẹt qua tâm trí. Toàn là những thứ vặt vãnh mà ai cũng có thể nghĩ tới: nói chuyện với bạn bè, những thứ đã trôi quá vẫn khiến mình cứ day dứt mãi, ghen tị với cuộc sống hạnh phúc của người khác,...
Nằm đó hơn 30 phút, mình tự khiển trách bản thân hãy thôi đi nhưng không thể. Thế là mình đi phiêu du trong chuyến du hành của trí tưởng tượng. Ở đó mình có thể nằm yên trên một đồng cỏ xanh mướt bát ngát trải dốc, ngắm nhìn những triền núi ở phía đằng xa trong ánh chiều ta lồng lộng gió. Những tia nắng yếu ớt chiếu xuống dòng sông trước mặt cùng những đám mây u ám ửng hồng ở phía tây và cả bầu trời xanh biếc với những đám mây thay đổi hình dạng và màu sắc, từ màu xanh thép đến màu đỏ thẫm như máu.
Thế giới này sao lại có thể đẹp đến như thế! Nhưng đã đến lúc phải dậy rồi. Có nằm như thế này mãi cũng chẳng thể ngủ tiếp được.
Mình uể oải lê thân mình trượt qua một bên; ngồi lên lấy tay với lấy bao thuốc lá và đi ra ngoài ban công hút lấy hút để.
Cảm giác trống rỗng thật... Tại sao nó lại tệ đến thế?
Hôm nay là ngày thứ mấy mình nhốt mình ở trong nhà vậy? Để coi hôm nay là thứ 6. Đúng tròn một tuần. Ngày mai mình sẽ nốc hàng tá vỉ thuốc ngủ cùng với mấy lít rượu và bia một thể.
Điều gì đã dẫn mình đi đến quyết định này?
Sau hơn ba năm mất ngủ cùng với cái thứ cảm giác vô nghĩa đến chết tiệt này, mình chẳng còn trông mong gì vào cuộc sống này nữa. Làm sao còn có thể khuyên nhủ gì được với những người thốt ra những từ như thế?
Không thể thế này được! Ít nhất trước khi chết mình muốn biết điều gì đã xảy ra với bản thân. Tại sao mình lại buồn đến như thế? Mình thật chẳng thể nào hiểu nổi.
Bị thôi thúc bởi ý định đó, mình lao ngày vào bàn làm việc; lấy bút, lấy sổ ra và viết những dòng chữ thật to và tròn:
CẢM GIÁC NÀY LÀ GÌ?
Để mà trả lời thì đó là cảm giác trống rỗng (emptiness). Dường như mình đang trôi tuột xuống lòng đại dương thăm thẳm không đáy. Cảm giác lơ lửng giữa ba thái cực: hiện tại, quá khứ và tương lai. Một mặt quá khứ của mình chẳng có gì đáng để kể đến cũng như nó chẳng thể nào lan tỏa được niềm vui tới thực tại để mình có thể dựa vào mỗi khi ngã lòng. Ở hiện tại mình thấy mọi thứ dường như vô nghĩa. Còn tương lai thì vô vọng khỏi bàn.
Quá khứ của mình là một khoảng trống. Không thể nào nói là mình không hề có một chút kí ức vui vẻ nào cả. Thực ra là có. Đó không phải là những lúc học hành, cũng không phải là những ngày tháng cấp 3 thơ mộng, vui tươi, đẹp đẽ gì hết. Mình ghét trường học! Những ngày đi học chẳng khác gì một cơn ác mộng cả. Chỉ có những lúc ở bên cạnh bạn bè, mình mới cảm thấy bình thản vui vẻ hơn một chút. Nhưng nó chẳng kéo dài được bao lâu... Đến lúc về tới nhà, mình lại chìm trong cảm giác thất vọng, mệt mỏi. Đối diện với bốn bức tường trống rỗng, mình chỉ biết ngồi bó gối sát vách tường, hai tay ôm đầu gối, úp mặt xuống. Mình ngồi yên đó mãi cùng với cảm giác tuyệt vọng đến cùng cực. Quá khứ của mình là thế đó! Chẳng có gì cả và mình cũng chẳng muốn nhớ lại, đúng theo nghĩa đen. Mình không làm được gì có ý nghĩa cho bản thân và cũng chẳng giúp ích gì được cho người khác.
Hiện tại, mình cảm thấy chán nản. Không còn muốn làm bất cứ chuyện nữa cả. Mình bỏ cuộc! Đã biết bao lần mình nghĩ rằng sẽ có ánh sáng ở cuối con đường, rằng vào một lúc nào đó điều tốt đẹp sẽ đến nhưng dù có chờ mãi, chờ mãi, chờ mãi... Rồi cũng có điều gì đến đâu? Điều tồi tệ vẫn cứ xuất hiện liên tục. Cũng không hẳn là tồi tệ. Có khi mọi chuyện tồi tệ là do mình nghĩ mọi thứ tồi tệ thôi. Giống như một tên tù nhân nghĩ rằng mình sẽ được miễn án tử hình vào phút chót. Giống như một kẻ nghiện cờ bạc bị thua triền miên hết ván cược này đến ván cược khác nghĩ rằng vào lần tiếp theo hắn sẽ thắng. Giống như một kẻ sắp chết vào phút cuối đời nghĩ rằng mình sẽ có thể làm được tất cả mọi thứ. Tất cả chỉ là những ảo tưởng của riêng họ, chỉ là nếu một lần nữa cố gắng, ta chỉ lại quay lại vạch xuất phát. Cứ nghĩ rằng đó là một cú lội ngược dòng chỉ càng làm mọi thứ tồi tệ hơn thôi. Riêng mình, mình còn chẳng muốn đi vào vạch xuất phát nữa. Mình từ bỏ tất cả.
Tương lai mờ mịt. Mình không còn muốn trở thành một vĩ nhân hay đạt được một thành tựu nào đó đặc biệt nữa. Niềm tin và hi vọng là thứ mình đã đánh mất. Chẳng còn lại gì. Một vực sâu sâu hoắm rỗng tuếch và vô nghĩa. Mình nên kết thúc tại đây.
Ọc ọc ọc... A, bụng mình cồn cào kêu lên rồi. Báo động rồi đây... Mình dừng viết lại, đứng lên pha mì ly cùng với bình trà.
Thật tốt khi mỗi lần đi siêu thị mình thường sắm cả mớ mì tôm cùng với mì ly. Cầm trên tay hũ mì ly nóng, mình xì xụp hút từng miếng mì. Chẳng ngon gì cả. Từ lúc nào mà việc ăn uống lại trở nên cực hình như vậy nhỉ? Kể cả ăn bất cứ thứ gì, mình đều cảm thấy nhạt nhẽo. Bây giờ, mình chỉ ăn để sống, để cơ thể khỏi biểu tình thôi. Vào những ngày cuối thì ăn mì tôm cầm cự qua ngày cũng được.
Bây giờ là mấy giờ nhỉ? Liếc nhìn qua chiếc đồng hồ đeo tay... Là 10 giờ 30 phút. Như vầy chắc khỏi ăn trưa cũng được.
Khi đã ăn xong, mình rót trà ra tách, cầm lên ngửi. Hương thơm ngọt ngào của ly trà nóng bốc lên hòa tan vào không khí, phả vào mặt. Không thể chờ đợi lâu, mình uống một ngụm: "A, nóng quá!" Vị ngọt thanh của trà ngấm vào trong cổ họng khô khốc, làm khơi dậy toàn bộ vị giác. Chỉ có mỗi lúc uống trà mình mới thấy bản thân vui hơn chút. Như thế này mới là sống chứ!
Loay hoay mãi với những cảm xúc bất thường của bản thân. Mình tự hỏi nguyên do là đâu. Bất giác liền nhìn qua cuốn sổ: "Sao mình không thử viết chúng xuống nhỉ?"
NGUYÊN NHÂN CỦA CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG NÀY?
1. Đó là do mình đang đắm chìm trong các khoái cảm tức thời của social media.
Có vẻ như đây mà một trò lừa lớn nhất đối với mình từ trước tới giờ. Mình cứ nghĩ là mình thích youtube, facebook, video game,... Cứ ngỡ rằng mình không thể nào sống thiếu chúng. Nhưng rồi dạo gần đây, mình ngó lơ tất cả.
Không có thứ gì vô nghĩa hơn việc đắm chìm trong chúng.
Chỉ là mình muốn giết chết toàn bộ quỹ thời gian của mình.
Mình chỉ đang cố gắng khỏa lấp khoảng trống bên trong.
Thật khó để chấp nhận những điều chết tiệt này!
Rất nhiều ngày mình lướt mãi, lướt mãi, lướt mãi, ... Lướt đến chết với mong muốn tìm được một thông tin thú vị để giúp bản thân quên đi nỗi niềm ở hiện tại. Nhiều khi, mình còn không biết mình đang cố gắng tìm kiếm điều gì; nhưng mình vẫn cứ cố gắng dán mắt vào màn hình điện thoại và máy tính. Gì cũng được... Miễn là quên đi tất cả.
Điều đáng buồn là những ứng dụng mạng xã hội được thiết kế để níu kéo chúng ta ở lại càng lâu càng tốt. Mọi thông tin được cung cấp luôn mới, luôn đa dạng và đúng với từng người. Bộ não liên tục bị kích thích bởi các chất dẫn truyền thân kinh. Trong một cơn mụ mị, mê sảng với một thế giới muôn màu muôn sắc. Mình nhớ là mình đọc được trong cuốn "Tâm lý học về rối loạn nhân cách tránh né" rằng khi kiểm tra bộ não của những ngươi nghiện mạng xã hội với những người nghiện ma túy, họ phát hiện được vô số điểm tương đồng thì phải?
2. Thế giới đang thay đổi quá nhanh và mình không thể theo kịp.
Trong khoảng 500 năm trở lại đây, thế giới thay đổi liên tục từ việc xuất hiện internet, điện thoại di động, vũ khí hạt nhân,... Còn con người với những thay đổi không đáng kể về bộ gen và cả bộ não lê lết theo sau những tiến bộ về khoa học kĩ thuật đó.
Điều đáng báo động là chúng ta không thể thích ứng được.
Những tổ tiên của ta ngày xưa là những người săn bắt hái lượm. Hằng ngày, đi bộ qua các cánh rừng săn bắt động vật, thu thập cây cỏ nhằm tìm kiếm thức ăn. Họ được tiếp xúc với bạn bè thường xuyên, cùng nhau săn bắn, cùng nhau trò chuyện, tán gẫu đủ điều. Ở đó, mọi người trở nên thân thiết và gắn kết với nhau hơn là một xã hội đầy biến động, thay đổi một cách chóng mặt với tốc độ ánh sáng như hiện nay.
Mọi người thời đó chỉ cần no đủ cái ăn cái mặc đã là hạnh phúc lắm rồi. Chứ không cần phải có nhà, có xe hơi, đi du lịch vòng quanh thế giới,... Trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền thì mới hạnh phúc.
Có khi mọi người ngày nay còn phải làm việc cật lực hơn ngày xưa. Những giờ phút chán nản lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, phải nghe quát tháo của cấp trên, cố gắng cưới vợ sinh con, chạy theo sự kì vọng của xã hội,... Thậm chí còn có những người bán vé số ngày ngày làm việc chăm chỉ còn không đủ cái ăn qua ngày nữa kìa.
Tại vì sao? Vì con người sinh sôi nảy nở quá đông dẫn đến việc thiếu thốn chỗ ở và thực phẩm. Vô tình dẫn đến sự cạnh tranh cao.
Có lẽ vậy.
3. Tôn giáo, chính quyền đã mất đi vị thế của nó bởi vì con người đã hiểu ra những câu chuyện.
"Chủ nghĩa hoài nghi Descartes đã gợi lên niềm tin sâu sắc rằng: Những cá nhân tìm kiếm sự tất định đã dựng lên câu chuyện về một vị Chúa trời hay một nhà vua tôn sùng sự thật. Tất nhiên, Thời đại Khai sáng đã mang đến khái niệm về nhân quyền và giải phóng con người khỏi sự áp bức. Tuy nhiên, như Dreyfus và Kelly đã nhấn mạnh, do lợi ích chính trị lối tự duy này đã tước đi những điều cần thiết để tạo ra ý nghĩa ở thế giới của tôn ti trật tự và sự thiêng liêng trong lĩnh vực siêu hình. Trong thế giới hậu thời đại Khai sáng, chúng ta phải tự xác định đâu là những điều có ý nghĩa, một nhiệm vụ có vẻ tùy hứng và dần tạo ra thuyết hư vô. Dreyfus và Kelly lo lắng rằng: 'Thuyết siêu hình của Thời đại Khai sáng với những cá nhân tự trị không chỉ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, mà chắc chắn còn dẫn đến một cuộc sống khó chịu.'" - Trích trong cuốn Deep Work của Cal Newport.
Suy nghĩ này hiện ra trong đầu mình và mình lười quá nên chép nguyên văn đoạn đó luôn. Ha ha.
Có nghĩa là tất cả tôn giáo được sinh ra chỉ để con người hợp tác với nhau hiệu quả hơn. Vào thời xa xưa, khi con người bắt đầu hình thành nên xã hội, hợp tác với nhau trên một quy mô lớn hơn (chắc cỡ từ 150 người trở đi). Như một lẽ tất yếu, vì không thể biết mặt và chơi thân với quá 150 người. Ta có thể giúp không công anh chị em trong nhà mà không cầu mong vị lợi. Nhưng sẽ có gì đảm bảo những con người ngoài kia, khi ta còn chưa biết mặt có thể trả ơn ta vào một dịp đẹp trời nào đó nếu ta giúp họ. Liệu có gì đảm bảo họ sẽ không cướp bóc, thậm chí giết hại vợ ta khi ta vắng nhà?
Vì thế họ sinh ra tôn giáo, sinh ra pháp luật. Cái ác suy cho cùng cũng chỉ là trí tưởng tượng của con người. Không hề có cái gọi là "ác giả ác báo" ở đây cả. Người tốt luôn luôn chịu thiệt. Vì quá bất mãn với điều đó nên mọi người mới khuyên dạy chúng ta hãy biết ứng xử, cư xử sao cho thật tốt mà thôi. Bởi vì con nít thường rất dễ uốn nắn.
Nhưng mình cũng chẳng tin vào tôn giáo.
Hãy nhìn vào lịch sử mà xem.
Hầu như không có tín độ phật giáo nào hành xử như Tất Đạt Đa.
Hầu như không có tín đồ Kito giáo nào hành xử như chúa Jeus.
4. Chủ nghĩa hư vô (Nihilism).
Không hề có ý nghĩa tồn tại trong cuộc sống này. Chẳng có gì hợp lý cả, mọi thứ đều là ngẫu nhiên. Chẳng có mục đích lớn lao nào trong vũ trụ hết. Nó chỉ như vậy thôi. Không có ý nghĩa gì đặc biệt trong cái quyết định hôm nay bất kể mình có hành động như thế nào. Đạo đức vốn không hề tồn tại, và rằng bất kì giá trị đạo đức nào cũng được thiết lập một cách trừu tượng và giả tạo...
Ngày nay không còn gì cho biết chúng ta phải làm gì nữa. Mọi thứ sẽ khác nếu như chúng ta sinh ra vào thời tôn giáo còn ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng, lối suy nghĩ của từng cá nhân trên một khu vực. Như cái cách mà ta tin tưởng vào lập trường chính trị của đất nước mình mặc dù nó có sai đến đâu đi nữa.
Có vẻ như mình đã ghi ra đầy đủ mọi điều. Đầu gật gù như thể đã hiểu ra ý gì đó.
Thì ra văn phong của mình lại "tệ nạn" đến như vậy. Dở quá đi thôi!
Đồng hồ chỉ điểm 12 giờ.
Mặc dù đã hiểu rõ mình hơn một tí. Nhưng mình cũng chẳng thể nào thay đổi được hiện trạng.
Hừm, cả ngày hôm nay mình nên làm gì đây?
Chắc là nằm dài cả ngày vậy. Mình đã luôn muốn được như thế. Không còn cần phải làm gì nữa cả...
Bước tới giường, đầu óc quay cuồng, mình nằm xuống, ngắm trân trân trần nhà.
Trí tưởng tượng đi dần từ khung cảnh này sang khung cảnh khác.
Cơ thể và tâm trí lay động đầy mệt mỏi. Quãng thời gian này sẽ dài lắm đây...