Không chỉ ở Việt Nam, thỉnh thoảng có thảo luận liên quan đến Thế chiến I là lại thấy rất nhiều người nhầm và gọi lính Đức của giai đoạn này là Nazi/Phát xít, mặc dù chế độ phát xít chưa hề manh nha ở Đức. Thực ra trong khi Adolf Hitler, sau này là Quốc trưởng Quốc xã Đức, vẫn đang sống nhờ trợ cấp mồ côi thì Benito Mussolini, thủ lĩnh Phát xít Ý, đã hoạt động chính trị rất hăng (mặc dù thời gian đầu lão theo chủ nghĩ phi chính phủ, giống con người lý tưởng của V và Karl Marx hơn là phát xít); trong khi Hitler trốn nghĩa vụ quân sự và bị cảnh sát lôi đi chạy liên lạc loăng quăng cho tiền tuyến thì Mussolini được đồng bọn ở quê nhà tạo điều kiện để giải ngũ, về mở báo phát xít (được MI5 của Anh rót tiền, ơ?); trong khi đến năm 1922 đảng Nationalsozialistische DA (gọi tắt là Nazi) ở Đức mới thành lập thì ngay năm 1919 Mussolini đã hoàn thiện các tư tưởng chủ đạo của phát xít (phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan).
Thế chiến I thú vị hơn Thế chiến II. Chẳng qua Thế chiến II được phim ảnh và truyền thông đụng đến nhiều hơn, với vấn đề xung đột lý tưởng rõ nét hơn (một xíu thôi chứ phe Đồng minh trong Thế chiến II không chính nghĩa đến thế), và đặc biệt là có nhiều cái tên nổi bật như Hitler, Erwin Rommel, Winston Churchill,... nên dễ bám vào thành tựu và sự kiện để cãi nhau. Buồn cười cái là ngay từ Thế chiến I, Rommel đã tạo dựng tên tuổi bằng việc nhảy khắp các mặt trận từ Pháp qua Ý và cải thiện chiến lược cho quân đặc chủng Stormtroopers của Đức, còn Churchill cũng từng bị cách chức sau thất bại của chiến dịch Dardenelles khiến 200000 lính Anh chết.
Một chút về bối cảnh của cuộc đại chiến này: cuối thể kỷ 19, Anh, Pháp và Nga là ba đế quốc cầm trịch nhiều nhất, Mỹ vẫn ôn hòa và yếu về quân sự, còn Đức mới tách ra từ đế quốc Phổ và đang nhăm nhe ngoi lên. Tất cả họ đều mạnh, đều phát triển, đều dồi dào tiềm lực, biển cả thì chủ yếu là yên bình, nhưng cái chính là đều thiếu thuộc địa-thiếu đất, nhân công, nguyên liệu thô và thị trường để thực thi chủ nghĩa thực dân trên những miền “man rợ” cần khai phóng. Đức và Áo-Hung đang nằm giữa Anh-Pháp và Nga, và Đức rất tự tin, âm thầm (chính cái bí mật này mới là quan trọng) đảm bảo chống lưng cho Áo-Hung nếu có bất cứ biến gì, mặc dù trong nội bộ Đức thì chính quyền truyền thống bảo thủ đang cực kỳ túng quẫn vì bị lép vế các phe cấp tiến mới (Marxism và Liberalism). Tình hình ở Nam Âu thì cực kỳ ban-căng - vì vùng Balkans, đặc biệt là Serbia, đang hừng hực tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc. Thế là Đức dồn toàn lực để gây dựng quân đội trong một niềm tự hào pha lẫn tuyệt vọng về việc liên quân Anh-Pháp-Nga có thể sẽ úp sọt mình. Tất cả nhao nhao cùng chạy đua vũ trang.
Còn biến cố chủ chốt, việc Hoàng tử Áo Franz Ferdinand bị ám sát mà ai cũng biết, thì lại là do khủng bố Serbia muốn tranh thủ châm ngòi chiến tranh (chiến tranh nhỏ để giành nhau ít đất), nhưng ai ngờ là Áo-Hung hăm dọa Serbia, để Nga cáu quá ra tối hậu thư (một lượng dân Nga có liên hệ huyết thống với dân Serb ở Serbia, cộng thêm việc ở Nga cũng đang lắm nội loạn) dằn mặt Áo-Hung. Dĩ nhiên, việc Đức đứng đằng sau Áo-Hung thì không ai khác ở châu Âu hay. Đức quá tuyệt vọng nên ra tay ngay, nhưng mà là tấn công Pháp đầu tiên vì giữa hai phe có quá nhiều thù hằn quá khứ. Hàng chục yếu tố nhỏ nhặt góp vào, mà to nhất là việc Anh đang xử lý Ireland nên không đứng ra làm người lớn được (thực ra ở châu Âu chiến tranh lúc nào cũng nhăm nhe bộc phát nhưng vì có những đế quốc như Anh kiểu cầm trịch ngầm nên ít khi quá trớn). Thế là đánh nhau, một phe là Anh-Pháp-Nga, phe còn lại là Đức-Áo-Hung bị kẹp ở giữa. Cuộc chiến này còn có tên gọi khác như Cuộc Đại chiến (The Great War) hay Cuộc chiến chung cực (The War to End All Wars) vì mọi phe đều tham chiến với suy nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kết thúc rất nhanh, thậm chí là trước cả Giáng sinh năm 1914. Dự đoán chuẩn quá nhỉ?
Cái thú vị đáng nghiên cứu của Thế chiến I nằm ở nhiều chỗ. Chiến tranh là một hợp thể khổng lồ của những nghịch lý: khiến con người bộc lộ cái đẹp và cái xấu, tính xây dựng và phá hủy (cả về vật chất và tinh thần), tạo điều kiện cho cả xung đột và hợp tác, ảnh hưởng đến cả nhân loại nhưng lại chỉ có mộtthiểu số thực sự trải nghiệm nó... Chiến tranh vừa lạ mà lại vừa quen, vì ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai biết. Thế Chiến I tuy là lần đầu tiên thế giới phải trải qua chiến tranh diện rộng kéo dài, khiến các nước tham gia tiêu tốn quá nhiều nguồn lực kinh tế và xã hội và ngốn hàng chục triệu nhân mạng, nhưng lại là cơ hội để phát triển hình thái “quốc gia tổng lực” (dù chủ yếu dùng công nghiệp để phục vụ chiến tranh), để tạo điều kiện cho các phong trào nhân quyền của phụ nữ và các nhóm sắc tộc thiểu số đấu tranh (đàn ông đi lính thì phụ nữ ở nhà có cơ hội vào nhà xưởng làm công nhân và lấy đó làm bàn đạp cho các phong trào bình quyền, còn các nhóm lính da màu thì yêu cầu điều kiện làm việc ngang với người da trắng). Đấy, chiến tranh phức tạp hơn là chỉ toàn chết chóc: nó gây dựng cộng đồng và lòng tự hào về danh tính chung,, thúc đẩy khoa học-xã hội hay các thể chế mới,...
Tựu chung, Thế chiến I là một cuộc chiến phi nghĩa, khi mà tất cả các phe đều góp phần vào việc nổ ra chiến tranh chứ không chỉ mỗi Đức (dù Áo-Hung và Tướng quân Franz Conrad von Hötzendorf mắc lỗi nhỉnh hơn chút)--một cuộc chiến mà lý do chính nằm ở một số ít nguyên thủ quốc gia và chủ nghĩa thực dân thèm đất, thèm thuộc địa, thèm tài nguyên. Ít ra ở sự mở màn là như thế, còn sự hung tàn của Đức và Áo-Hung với dân lành (The rape of Belgium) mới khiến về sau phe Đức-Áo-Hung trở thành phản diện. Xung đột thì không hiếm, nhưng Thế chiến I là cuộc chiến mà lần đầu tiên con người chứng kiến hủy diệt và chết chóc kinh hoàng ở quy mô lớn (toàn bộ châu Âu và nhiều thuộc địa) trong thời gian kéo dài (1914-1918) với hình ảnh biểu tượng là lính tráng đói khát, suy nhược trong các chiến hào ẩm thấp, bẩn thỉu, thối tha.
Thời điểm nổ ra chiến tranh trùng đúng vào lúc khí tài, vũ trang quân sự cũng như công nghệ liên lạc và điện ảnh mới manh nha, khiến cho thế giới chứng khiến chiến tranh rõ ràng hơn. Nó là cuộc chiến châm ngòi cho những cá nhân chủ đạo, những mâu thuẫn lâu bền, và những điều kiện mấu chốt khác dẫn trực tiếp đến Thế chiến II. Đấy là lý do vì sao bộ phim chiến tranh mình thích nhất lại đặt bối cảnh trong Thế chiến I: Paths of Glory.
Muốn nói về những chi tiết "thú vị" hơn thì Thế chiến I có rất rất nhiều.
Một trong những điểm quan trọng để hiểu về Thế chiến I nằm ở chỗ nó là cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng hầu hết các quốc gia đều mang đầu óc hủ lậu đầy kiêu hãnh về chiến lược. Ví dụ cười ra nước mắt xuất hiện ngay trong tháng đầu tiên, tháng 7 năm 1914 khi mà các tướng Pháp, với kinh nghiệm ra trận là con số 0 tròn trĩnh, tưởng mình vẫn đang sống ở những năm 1870 và ra lệnh cho quân đội mặc quần áo xanh đỏ chóe lóe, tuốt lưỡi lê bóng loáng, đi diễu hành tiến về đất Đức. Kết quả? 27000 lính Pháp bị quân Đức, ngồi trên đồi xả súng máy xuống, giết trong vòng MỘT NGÀY. Một sự việc cười nhiều khóc ít hơn hơn là Áo-Hung, được Đức bảo trợ, quá căm ghét Serbia nên nói dối Đức, dồn phần lớn quân đội xuống đất Serbia trước và điều rất ít lính đi đánh Nga. Lúc Đức phát hiện ra thì Áo-Hung mới tá hỏa sửa sai, nhưng vì tàu hỏa điều quân đã đi rồi (đi rất chậm, chậm ngang đi xe đạp) nên mãi mới điều ngược lên Mặt trận phía Đông để đối phó với Nga.
Người viết xin kết bài với một sự kiện khóc không ra nổi nước mắt xảy ở Thế chiến I để nói về những giá trị nhân văn bị đánh mất ngay tại hậu phương: Hội đồng Lông vũ trắng. Nói ngắn gọn, đây là tổ chức chủ yếu gồm các nhà hoạt động vì bình đẳng giới và phụ nữ vận động đòi quyền bầu cử. Mang tâm lý ủng hộ chiến tranh, những người này thường đi trên đường phố Anh, cứ thấy đàn ông không mặc quân phục là họ sẽ đến chìa ra một chiếc lông vũ trắng với hàm ý "Đồ hèn không nhập ngũ!" Rất nhiều trường hợp người nhận lông vũ lại chính là cựu binh vừa mới trở về, trong đó có cả trai trẻ 15, 16 tuổi (thời này rất nhiều trường hợp nói dối để được đi lính) hoặc cựu binh mang thương tật vĩnh viễn như cụt chân tay. Cũng rất nhiều trường hợp người đưa lông vũ chỉ là các nữ sinh làm cho vui, xong rồi chúng chọc nhau cười khúc khích. Hành động này về sau đã bị coi khinh và chỉ trích rất nhiều vì Hội đồng này gián tiếp gửi hàng chục nghìn nam thanh niên Anh ra tiền tuyến chỉ để những người lính ấy bị súng máy cày nát xác hoặc chết ngập mặt trong bùn lầy dưới chiến hào. Tuy thế, tình huống phức tạp hơn sự kết án mà hậu thế (được phép) dùng khoảng cách thời gian và trí tuệ thời đại để mà đánh giá. Mặc dù họ có lỗi rất lớn, nhưng những phụ nữ của Lông vũ trắng chính là công cụ bị tận dụng triệt để của phe cực hữu hung hãn hiếu chiến thời đó, khi mà những sự kiện như The Rape of Belgium bị một số phe cánh thêm mắm thêm muốn, thổi phồng lên để trở thành công cụ tuyên truyền của việc ủng hộ chiến tranh. Vấn đề là sau năm 1916, khi mà Anh không áp dụng luật nghĩa vụ tòng quân nữa, những sự việc "lông vũ trắng" vẫn xảy ra thường xuyên. Khi đó, việc này đã trở thành trò vui rồi. Mặc dù phức tạp, nó vẫn là một vết nhơ trong lịch sử đấu tranh bình quyền mà các nhà hoạt động thường ngó lơ, bỏ quên hoặc chưa hiểu sâu. Chủ nghĩa nam tính độc hại nguy hiểm nhất nhất là khi nó chảy qua phụ nữ rồi nhỏ giọt xuống các thế hệ nam về sau.

Nguồn tham khảo: