Sau hơn 1 năm suy nghĩ, và 1 tháng đắn đo câu chữ, cuối cùng tôi cũng đã có thể đặt phím viết nên bài viết này. Bài viết chỉ nhằm nói lên một hiện tượng xã hội, đã gần như trở thành một trào lưu từ rất nhiều năm nay, mà theo như cá nhân tôi nhận định, có thể ảnh hưởng cả một hệ tư tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam: Xuất khẩu vợ Việt. Tôi xin phép không luận bàn đến những cái khác biệt giữa đàn ông nước ngoài và đàn ông Việt Nam trong bài viết này, nếu các bạn muốn so sánh rẻ tiền, xin mời hãy đọc Blogtamsu hoặc Webtretho. 
Đầu tiên, vẫn là cách mở màn quen thuộc bằng những câu nói vừa thuộc vừa quen. 
"Mày nghe tin gì chưa? Con bé Sung nhà bác Sướng gần nhà mình vừa mới đi lấy chồng Tây đấy. Bây giờ cả gia đình ăn sung mặc sướng hết chỗ chê nhé!!"
"Em vừa trẻ lại vừa đẹp thế này, đi lấy chồng Tây, chồng giàu cho sướng em ạ!"
"Đàn ông Việt Nam vứt sọt rác em ạ, cứ nhất quyết phải là sang bên kia lấy chồng Tây cho nó sướng". 
"Con Tiền nhà bác Bạc lấy chồng Tây xong mỗi tháng gửi về cho bố mẹ những 500$ ngon ơ đấy nhé".
Lấy chồng tây, nghe thấy hoài hoài.

Các bạn nghĩ sao về các câu nói trên? Tôi đảm bảo rằng những câu nói này luôn nhan nhản trong cuộc sống của chúng ta, và các cuộc luận bàn về đề tài nóng hôi hổi này vẫn luôn không dứt từ công sở, đến spa, từ lớp học, đến lề đường, từ gầm cầu, đến bãi rác... 

Tại sao lại dùng từ "xuất khẩu"?

Tôi xin mạn phép sử dụng thẳng định nghĩa của từ "xuất khẩu" trong ngành kinh tế để áp dụng cho trường hợp này: 
Xuất khẩu là việc bán hàng hoá (hàng hoá có thể là hữu hình hoặc vô hình) cho một nước khác trên cơ sở dùng tiền tệ làm đồng tiền thanh toán. 
                                            -Định nghĩa xuất khẩu trong kinh tế-
Và khi các bạn đã đọc rõ ràng cái định nghĩa này, thì có lẽ các bạn cũng đã hiểu được những đối tượng mà tôi nhắm đến trong bài viết này không nằm trong nhóm sau: 
_Những bạn gái người Việt có thời gian làm việc, học tập ở nước ngoài và phát triển tình yêu với người bản địa rồi dần tiến tới hôn nhân. 
_Những bạn gái người Việt có tiếp xúc với những người nước ngoài ở Việt Nam và phát triển tình yêu qua một khoảng thời gian trước khi đến với hôn nhân. 
Mà trên thực tế, tôi nhắm đến một số đối tượng xuất khẩu hàng hóa (chính là thân xác mình) cho một cá nhân tại một đất nước khác, hoặc chính tại nước sở tại trên cơ sở dùng tiền tệ, dùng địa vị, dùng cuộc sống ổn định,... làm đồng tiền thanh toán. 
Vậy cuối cùng những đối tượng này cụ thể là những ai? Xin vui lòng xem phần kế tiếp.

Cẩm nang phân loại "mặt hàng"

1. Các chị em "Việt kiều".

Gọi là Việt kiều, nhưng thật ra là người Việt chính gốc nhưng thường không bao giờ nhận mình là người Việt thôi. Đặc điểm nhận dạng của các đối tượng này là luôn đi theo nhóm 2-3 người, có một mạng lưới networking thuộc dạng khủng khắp các quán bar dành cho người nước ngoài, các diễn đàn dành cho người nước ngoài tại Việt Nam. Tại sao lại là nhóm từ 2-3 người? Vì như vậy để trong các cuộc chuyện trò với các anh Tây thì chủ đề có thể được thay đổi linh hoạt hơn, người "nâng" kẻ "đỡ" để đưa các anh Tây nhà ta vào lưới tình. 
Họ thường nói tiếng anh lơ lớ nhưng lại rất hay thích chém gió tiếng Anh và khinh người Việt, thường ăn mặc diêm dúa dạng style bohemiannước da ngăm ngăm đen. Tại sao họ lại ăn mặc theo phong cách như vậy và có kiểu ngoại hình na ná nhau cả rổ như thế? Tất cả đều có lý do của nó cả, các anh Tây ở khu vực châu Âu thường rất thích phụ nữ châu Á với nước da ngăm đen khỏe mạnh và kiểu ăn mặc bohemian đấy vì họ thích vẻ đẹp "mộc mạc man dại huyền bí" này ở phụ nữ Á Đông. 
Ở các trang diễn đàn về du lịch tại nước ngoài vẫn thường hay nhắc nhở member về việc bị "bỏ bùa" tại các nước châu Á đấy. 

Thường là kiểu ăn mặc và nước da này. Xin lỗi các chị em style Bohemian, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa thôi nhé.

Tôi từng tiếp xúc với một số các đối tượng như thế này, và khi hỏi về nghề nghiệp của họ, thì thường là đánh trống lảng sang một chủ đề khác. Các chủ đề của họ toàn về du lịch chỗ này chỗ kia, ăn uống món này món kia, nét văn hóa của vùng này miền kia, mà tôi có thể cá rằng với những người đã đi du lịch nhiều có thể nhận ra đầy các lỗ hổng trong những câu tán phét "thích thể hiện" đấy. Họ có kiến thức, nhưng toàn những thứ kiến thức vụn vặt cóp nhặt từ các anh Tây và từ anh Gúc thần thánh. 
Và hình như họ có cái network liên hệ chặt chẽ với nhau đến độ họ kiêng kỵ đụng chạm đến nhau lắm. Giai Tây nào đã có chủ là các chị em sẽ tự động update vào blacklist, trừ phi giai này ngon lành và ổn định tới mức độ có thể mạo hiểm được. Còn nếu như nhắm thấy mối này "khó ăn" thì có thể trao đổi giới thiệu cho nhau, và khi một đám cưới được diễn ra, người giới thiệu ăn hoa hồng. Các chị gái "Việt kiều" này nhiều khi sành sỏi đến mức độ chả thèm lấy chồng Tây, mà "sống lâu thành tinh" trở thành "má mì" chuyên đi "training" một đội ngũ "Việt kiều" để có thể xuất khẩu bất cứ lúc nào.
Đương nhiên vừa được đi nước ngoài, được mang tiếng lấy chồng Tây sống sung sướng thì khó có em gái nào cưỡng lại được!
Buồn cười ở chỗ có nhiều chị em còn non, cứ tưởng mấy anh giai Tây này đàng hoàng lắm nên nhắm mắt đưa chân, tưởng được đưa sang bên kia. Ai dè mấy anh Tây này được cảnh báo hết rồi nên khôn ra lắm, thế là thề non hẹn biển, khoe  tiền khoe bạc các kiểu rồi cuối cùng để lại ở Việt Nam một đứa con lai và một tâm hồn thiếu nữ tan vỡ. Đi đêm lắm có ngày gặp ma...

2. Các chị em được mai mối.

Đối với trường hợp này, thì thường là có vài anh Tây quá lứa, lỡ thì vì bị phụ nữ bên kia chê như hủi, hoặc là đã ly dị rồi cảm thấy cần một người phụ nữ luôn luôn xem mình như "vầng thái dương" thì họ sang Việt Nam tìm vợ. Tôi có một câu chuyện thực tế như thế này:
_Tại sao em đòi chia tay?!
_Em yêu anh, nhưng em phải lấy "nó" thôi anh ạ. 
Em ở đây là chị em nào đó được mai mối cho "nó". "Nó" ở đây là ông Tây gần bằng tuổi bố vợ, đã 2 đời vợ và 2 đứa con. Ông này nghe thấy tiếng con gái Việt Nam ngoan hiền, luôn coi chồng như tất cả và sống dựa vào chồng nên ổng yên tâm sang cưới để đảm bảo không phải ly dị một lần nào nữa. Nhưng mà thực tế đối với trường hợp này, xác suất cô dâu "bỏ trốn" vẫn rất cao, vì nhìn chung các cô gái này vẫn có học hành đầy đủ, và có "định hướng" rõ ràng trong đầu trước khi tiến đến hôn nhân. Hầu hết các cô gái này thường bắt tay vào học ngôn ngữ sau khi kết hôn xong xuôi để xuất ngoại. 
Có lẽ cũng chính vì có học nên họ biết được cái đường: Lấy chồng - sinh con - ly dị - ăn xã hội. Kết thúc cho một cuộc hôn nhân chóng vánh này là họ vừa có quốc tịch (nếu chưa nhập tịch đã ly dị thì ăn theo quốc tịch của con) vừa được "ăn xã hội" (Ăn trợ cấp xã hội dành cho người thất nghiệp, dành cho trẻ em mang quốc tịch nước sở tại. Ví dụ ở Đức có tiền Kindergeld tức là tiền trợ cấp dành cho tất cả trẻ em quốc tịch Đức). Ở Berlin có hẳn một nơi gọi là "bến không chồng", nơi mà các bà mẹ đơn thân nuôi con rồi cố gắng bám trụ lại tại đất nước đứng đầu EU vì một tương lai tươi sáng. 
Ở Đức đơn giản lắm, trẻ em đi học miễn phí.
Các chị em qua đấy, có thể ở lại, có thể nhận được trợ cấp, nhưng nên nhớ rằng, cư dân bản địa họ rất khinh các chị em này, vì họ xem đây là những con sâu mọt ăn hết ngân sách, mà ngân sách này là từ tiền thuế của họ đóng ra. Cứ thử nghĩ đến cảnh mình nai lưng ra làm, để đóng tiền nuôi 1 đám ở đâu tới vừa không làm gì lại vừa đẻ lắm xem nào... 
Sở dĩ họ vẫn còn bám trụ lại được vì khung luật pháp của các nước tiên tiến này rất nghiêm khắc, và đã là công dân của họ thì chắc chắn sẽ được hưởng quyền lợi, không phân biệt bất cứ gì. Tuy nhiên, mãi mãi họ sẽ không bao giờ được những cư dân bản địa đón nhận đâu. 

3. Các chị em đầu tư đổi đời.

Các chị em thuộc nhóm này có đầu óc "kinh doanh" rất bá đạo. Bá đạo ở chỗ họ bỏ tiền ra chăm chỉ học ngôn ngữ, bỏ tiền ra học các ngành nghề dễ sống ở bên kia (ví dụ như nail) để đi lấy chồng Tây. Đặc điểm chung là họ cực kỳ ghét đàn ông Việt Nam, không hiểu vì lý do gì, và chỉ cần mở mồm ra là có thể chê bai không dứt. 
Ở các lớp học tiếng Anh, bởi vì ngôn ngữ này quá thông dụng nên có thể ít khi nào gặp được các chị em này, nhưng chỉ cần sang các lớp học ngôn ngữ lạ lạ dạng như tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Hàn thì tôi đảm bảo là các bạn ngồi đếm không hết. Bởi vì những thứ tiếng đấy phải có mục tiêu xác định cụ thể rõ ràng mới đi học. 
Có các chị em đi theo đường môi giới (Cũng lại là networking giữa các chị em đi trước, ăn hoa hồng cả đấy) nhưng cũng có chị em chỉ apply Visa du lịch 3 tháng để sang đấy cố gắng kiếm cho bằng được một anh chồng. 
Nhóm này bản thân tôi gặp hàng ngày ở lớp tiếng, và hầu như họ chẳng chịu học hành gì, chỉ ngồi tán dóc chê bai trai Việt Nam, rồi so sánh chồng người này giàu, chồng người kia giàu hơn, xong lại ngồi mơ tưởng cuộc sống giàu sang "ở bển". Chỉ cần nhìn con đường cũng thấy được bản chất con buôn lộ rõ đến mức nào. Xin lỗi các chị em nếu như có đọc phải bài này, nhưng tôi quá ngán ngẩm cái giọng điệu của chị em rồi!

4. Các chị em "tuyển chọn". 

Hẳn các bạn cũng chả còn xa lạ gì với chuyện mấy ông Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc sang tận Việt Nam yêu cầu một dàn các cô gái Việt Nam mặc áo dài, mặc áo tắm, rồi cởi truồng ra để các ông tuyển chọn, xét nét như một món hàng. Tôi xin khẳng định câu chuyện này hoàn toàn có thật, thật đến từng chi tiết kể về cách họ giám định con gái Việt Nam như những món hàng vậy. 
Những "Khách hàng thượng đế" này là những kẻ như thế nào? 
_Về phần người Đài Loan, Trung Quốc: đã bao đời nay tư tưởng văn hóa Trung Hoa luôn coi trọng việc nối dòng dõi. Và bởi vì tư tưởng trọng nam khinh nữ mà bên họ luôn thiếu thốn phụ nữ để có thể thực hiện được công việc "duy trì nòi giống". Thêm vào đó, có những người ở vùng sâu vùng xa mãi không thể kiếm ra được người vợ nào, thế là họ gom tiền để "mua" một người vợ ở Việt Nam về với cái giá từ 4000-6000USD. Yêu cầu của họ chỉ là một người phụ nữ có chức năng sinh sản tốt, ngoại hình dễ nhìn khỏe mạnh và cam đoan không bỏ trốn thôi. Vậy nên họ thường lựa chọn các cô gái thuộc diện "tuyển chọn" này vì đa phần xuất thân bần hàn, ít học và gia cảnh cơ cực. 
_Về phần người Hàn Quốc: Từ một người bạn Hàn Quốc của tôi, tôi biết được rằng đàn ông tại Hàn Quốc sinh ra đã phải chịu một áp lực cực lớn về danh vọng và tiền tài. Đàn ông muốn lấy được vợ phải có công việc ổn định, có nhà riêng, có xe hơi và phải lo hết toàn bộ cuộc sống cho vợ con. Đã từng có khoảng thời gian làm việc tại khu người Hàn Quốc bên Quận 2, chính tôi quan sát và thấy được phụ nữ Hàn Quốc dành phần lớn thời gian tám chuyện ở các quán Cafe, và rồi về nhà nấu cơm nước chăm sóc chồng con. Chính cái văn hóa Cafe này nó ảnh hưởng lên đến tận phim Hàn Quốc, khi mà nhân vật chính chỉ nói có 1-2 câu cũng phải ra Cafe ngồi (hahaha). Vậy nên đối tượng muốn mua vợ Việt Nam hầu hết là ở vùng sâu vùng xa, hoặc là những thanh niên quá lứa lỡ thì nghèo khổ. Các chị em đừng tưởng bở 4000-6000USD là to, thật ra tầm đấy chỉ là 1 tháng lương tại Hàn Quốc thôi. 

Bán thân như một món hàng
Và các chị em được "tuyển chọn" ở đây là ai? Trước khi trả lời, tôi muốn nói thẳng rằng tôi không hề có bất kỳ thành kiến gì với người dân miền Tây sông nước. Thật ra tôi cảm thấy họ đáng thương hơn là đáng trách. Vâng, đúng vậy, 90% các phi vụ buôn bán này thường xảy ra ở miền Tây sông nước, khi mà các cô gái này rất ít học và bị gia đình truyền bá cho cái tư tưởng là phải báo đáp được công ơn của gia đình, kể cả có phải bán thân. Và đương nhiên bởi vì ít học, nên mới phải chịu cảnh đứng xếp hàng cho 1 tên người Hàn Quốc/ Đài Loan/ Trung Quốc xấu xí già khú nào đó đứng soi mói thậm chí là sờ mó kiểm tra. Đương nhiên vì ít học nên mới phải chịu cảnh trần truồng ra đó cho họ kiểm tra, phải vạch thân ra để đảm bảo còn trinh tiết... 
Một người quen của tôi làm nghề tài xế đã từng chở tới 400 cô gái miền Tây đến để cho 2 người đàn ông Đài Loan lựa. Mỗi cô gái lựa tầm 1 phút, cứ cô nào bị loại là cho lên xe ôm chở về ngay lập tức. 
Các cô gái thoát y cho đàn ông Hàn Quốc chọn lựa bị bắt quả tang. Hình ảnh thực tế từ báo Người Lao Động.
Nhiều gia đình miền Tây thậm chí rất thích để con gái vì chỉ có đẻ con gái mới có thể bán được. Đó là lý do tôi cảm thấy số phận của họ quá đáng thương. Họ không có lựa chọn nào khác cả. Họ không thể tự thân mình kiếm sống vì chả được học hành gì. Khi bị bán sang bên kia, dù bị đánh đập, hành hạ, bị biến thành nô lệ tình dục, họ cũng chẳng thể nào bỏ trốn được, vì chả biết ngôn ngữ, có trốn ra được cũng chả thể nuôi thân, có trốn về Việt Nam thì bị gia đình ruồng rẫy xua đuổi vì bỏ trốn là phải trả lại tiền. Mà có cô còn bị chồng thu hết toàn bộ giấy tờ... 

Kết luận

Có thể nói rằng đây là lựa chọn của mỗi người, không ai có quyền lên tiếng cả. Nhưng tôi vẫn quyết định chịu ném đá để cảnh báo rất nhiều bạn nữ đang nuôi trong đầu tư tưởng vừa được lấy chồng nước ngoài, vừa được xuất ngoại, vừa có tiền cho gia đình. Trên đời cái gì cũng có cái giá của nó cả. 

Nếu bạn xem bản thân là một món hàng, người ta cũng sẽ chỉ xem bạn như một món hàng mà thôi!